Du lịch Đức: Brandenburg- biểu tượng của một nước thống nhất (kỳ 3)

19 Tháng Chín, 2015 | Đức
Đại lộ 17 tháng 6 có 4 tuyến đường mỗi chiều, bọc hai bên bởi công viên Tiergarten dẫn tới Cổng Brandenburg thuộc phía Tây Berlin cũ. Bên phải là tháp truyền hình Berlin cũng thuộc phần đất Đông Berlin cũ. Chiếc xe tăng bên phải thuộc một đài tưởng niệm. Hình: NHA

Tại thành phố Wiesbaden, chúng tôi mua vé xe lửa đi từ Frankfurt tới Berlin để tránh một đoạn chuyển xe rắc rối, bởi đọc tiếng Đức chẳng hiểu mô tê gì. Tôi tập đọc và nhớ được nghĩa vài  chữ tiếng Đức quan trọng làm bùa hộ mạng như datum (ngày), zeit (giờ), gleis (thềm ga/cổng), wagen (toa), platz (ghế ngồi), bahnhof (ga xe lửa), haltestelle (trạm dừng) để đi cho đúng ngày giờ và ngồi cho đúng chỗ, và nhất là xuống đúng ga.

Giá vé tàu cao tốc ICE là 269 Euros (thời giá $433 Úc kim) cho hai người.

Tàu ICE có khả năng chạy 300km/ giờ như tôi thấy trong chuyến đi từ Hòa Lan qua Đức, nhưng chuyến này xe chạy tối đa chỉ khoảng 160km/ giờ và có dừng tại trạm của vài thành phố ghi trên lộ trình. Đoạn đường dài 550 km, trong vé tôi thấy ghi chạy mất 4 tiếng 9 phút. Xe rời bến và tới bến, đúng bong, không dư không trễ một phút.

 

Nơi phát xuất Chiến Tranh Lạnh

Berlin mà người Việt gọi là Bá Linh, được biết đến cách đây 7 thế kỷ rưỡi, từng là thủ đô của đế quốc Phổ, đế quốc Đức, cộng hòa Weimar, Đệ tam Quốc xã. Thời Đức bị qua phân, thành phố này được chia làm hai, có tên gọi là Đông Bá Linh (thuộc Liên Xô) và Tây Bá Linh (thuộc Đồng minh).  Sau khi thống nhất,  Bá Linh trở thành thủ đô của Đức, là thành phố lớn nhất nước với dân số 3.5 triệu người.

Một thanh niên nhào lộn trên không để các bạn chụp hình trước mặt tiền Cổng Brandenburg (hình chụp một nửa cổng chính và cổng phụ bên trái với những cột trụ lớn hình khối. Tòa nhà 4 tầng bên góc trái là tòa đại sứ Mỹ ở Berlin. Hình: NHA

Chúng tôi đến nhà ga trung tâm Bá Linh (từ đây sẽ gọi là Berlin) có tên Berliner Hauptbahnhof khoảng 2 giờ rưỡi chiều và tìm cách ra khỏi cái nhà ga lớn có nhiều tầng này, hướng đông hay nam gì cũng được. Nhìn cái bảng có bản đồ dựng gần chỗ ra vào để tìm xem khách sạn Hollywood Media Hotel nằm trên con đường Kurfurstendam có xa không, có thể đi xe bus về được không,  nhưng đây chỉ là cái bản đồ  đơn giản với những ngoại ô gần ga xe lửa, không thấy tên đường Kurfurstendam, lại thấy chữ tiếng Đức lạ mắt quá nên tôi kêu taxi, tốn 18 Euros.

Như đã nói trong một bài trước, tiền phòng khách sạn 4 sao này (có website quảng cáo 5 sao) chỉ 153 Úc kim một đêm (tôi đặt online và họ tính tiền Úc) bao gồm ăn sáng và WiFi miễn phí.  Tôi chưa bao giờ thấy một khách sạn Âu Châu nào kiểu mới, đẹp, trang trí tân thời với chủ  đề về các tài tử, rộng rãi, sạch sẽ, thoáng, có bàn làm việc ở con đường mua sắm sang trọng, nhộn nhịp mà giá rẻ như thế.

Tôi đã chọn đúng chỗ khi đặt khách sạn ở Tây Berlin, ở trên con đường Kurfurstendam  thuộc quận Charlotenburg thay vì khách sạn đồ sộ có hồ bơi ở Đông Berlin ở quận Mitte (trung tâm phố), tức khu vực của cộng sản Đông Đức ngày trước.

Tôi xin nhân viên khách sạn cái bản đồ thành phố và đi ngoạn cảnh ngay. Bạn biết chúng tôi sẽ đi chỗ nào trước tiên ở thành phố Berlin này không?

Bạn có nhớ cảnh ngày bức tường Berlin bị sụp đổ khi chính quyền Đông Đức tuyên bố rằng vào ngày 9.11.1989  mọi công dân Cộng hòa Dân chủ Đức có thể thăm viếng Tây Đức và  Tây Berlin?

Sau sự sụp đổ của chế độ cộng sản tại Ba Lan và Hung Gia Lợi, tuyên bố này đã khiến hàng ngàn người của hai bên thành phố  kéo đến Cổng Brandenburg trèo lên “bức tường ô nhục” reo hò. Tuần lễ sau, say men chiến thắng, có những người đã đập bức tường  lấy đá làm kỷ vật và từ đó bức tường bị phá dần dần cho đến khi chính phủ chính thức công tác giật sập từ năm 1990 và đến năm 1992 thì bức tường ô nhục nhà cầm quyền Đông Đức xây từ năm 1961 biến mất. Sự kiện  này đã trở thành chuyện của quá khứ. Còn lại chăng là một số đoạn của bức tường hay một số mảnh tường cũ được lưu giữ và bảo tồn như là bằng chứng lịch sử (tội ác) của một thời đại.

Đường Kurfurstendam nổi tiếng về ăn uống và với rất nhiều tiệm thời trang sang trọng từ đoạn khách sạn 4 sao Hollywood Media Hotel trở đi, cách chỗ đám đông đứng tràn trên lề đường đến dự buổi ra mắt một vở hài kịch chừng một trăm mét. Hình: NHA

Và bạn có biết hay còn nhớ cuộc không vận thực phẩm và đồ dùng lớn nhất trong lịch sử bởi tam cường Mỹ Anh Pháp cho một thành phố khi Liên Xô  vào năm 1948-1949 chơi trò phong tỏa mọi đường bộ và thủy vào Tây Berlin để mong kiểm soát toàn bộ thành phố, và  đã mở đầu cho cuộc Chiến Tranh Lạnh?

Tại sao Liên Xô lại cắt tiếp tế đường bộ?  Bởi vì thành phố Berlin nằm gọn trong lãnh thổ Đông Đức. Đây là một cuộc phân chia kỳ lạ giữa tứ cường thắng trận sau Đệ II Thế chiến và là trường hợp duy nhất thủ phủ và thủ đô của hai nước đối nghịch bị chia cắt (như Việt Nam và Đại Hàn) nằm trong lãnh thổ của một nước, mà lại là nước cộng sản độc tài mới kẹt chứ.

Nhưng cũng như chuyện bức tường ô nhục, cuộc tiếp tế vĩ đại do dân chúng Tây Berlin và đồng minh đã là chuyện của lịch sử.

 

Brandenburg: cổng chào hòa bình và xung đột

Chúng tôi muốn tới nơi để nhìn lại một giai đoạn lịch sử tối tăm sau thế chiến thứ hai và Cổng Brandenburg (tiếng Đức Brandenburger  Tor) là nơi đầu tiên chúng tôi viếng thăm.

Ở Úc tôi đã xem bản đồ và ước chừng đoạn đường từ khách sạn đến cổng khoảng 5, 6 cây số. Nhân viên khách sạn đề nghị nên đi bộ ra trạm xe lửa Savignyplatz cách chừng nửa cây số để đón xe lên Cổng Brandenburg. Nhưng đến gần ga, thấy còn quá lạ nước lạ nôi, tôi nói với vợ ráng đi bộ gần cây số nữa ra đường StraBe des 17. Jun có nghĩa Đại lộ 17 tháng Sáu (máy không có vài mẫu tự Đức nên người viết dùng tạm chữ B),  có gì hãy tính sau. Nếu thấy cảnh đẹp thì tiếp tục đi bộ ngắm, bằng không thì kêu taxi bởi không có gì lý thú và ích lợi khi đi bộ ngắm cảnh hơn là ngồi trên xe.

Khi du khách… ái mộ sao: đi bộ gần tới khách sạn Hollywood Media, gặp nam diễn viên kịch nghệ và truyền hình Đức Jochen Busse ra mắt vở hài kịch Der Kurschattenmann trình diễn mở màn ngày 19.7.2015 tại Berlin, nhà tôi đã đứng chụp ké. Khách mời, khách ăn ngoài đường, khách tình cờ đi ngang đều cười tươi như xem… kịch cười. Hình: NHA

Con đường này được thành phố Tây Berlin đặt tên để kỷ niệm biến cố ngày 17.6.1953 khi Hồng quân Liên Xô và Cảnh sát Nhân dân Đông Đức bắn những công nhân Đông Berlin biểu tình chống chế độ.

Ra Đại lộ 17 tháng Sáu dài thẳng tắp, đi bộ giữa trời nắng quả rất lý thú, gặp ngay bên tay phải trường đại học kỹ thuật Technische Universitat Berlin, và cũng bắt đầu thấy nóng nực, nhưng còn khoảng một cây số nữa thì có rừng cây xanh hai bên đường. Nhìn thấy công viên, tôi thấy đỡ mệt. Thấy đàng xa có hình cái tháp, tôi cứ tưởng là Cổng Brandenberg, có nghĩa gần tới đích nên cứ đi. Nhưng không, đây là cái tháp rất lớn rất đẹp, có tên là Victory Column. Đài chiến thắng này  ngoài là một bùng binh cho một ngã bảy có nhiều đường, là một di tích lịch sử của thành phố được xây cách đây khoảng một thế kỷ rưỡi để đánh dấu đế quốc Phổ đánh bại Đan Mạch, Áo  và sau đó Pháp.

Đài có bệ làm bằng cẩm thạch đỏ bóng láng, cao 66.89 mét. Đài này được tái thiết vài lần và đã một lần dời chỗ, tới điểm hiện nay là trục giao thông lớn của Tây Berlin cũ. Muốn qua thăm đài, phải sử dụng bốn con đường hầm chung quanh vì đường quá rộng không thể đi bộ băng qua được.  Nếu muốn, du khách có thể trả lệ phí để bước 285 bậc cấp lên đài vọng cảnh dưới chân tượng thần chiến thắng để xem quang cảnh thành phố Berlin và công viên Tiergarten dưới chân đài.

Đứng ở một ngã bảy của con đường, tôi hỏi một cô gái đi xe đạp bao lâu nữa mới tới Cổng Brandenberg, cô nói ít nhất phải 30 phút nữa nhưng nếu có sức thì nên đi bộ ngắm cảnh hay vào những con đường có bóng cây trong công viên để thưởng thức vẻ đẹp công viên lớn bậc nhất của nước Đức (rộng 210 hếc-ta, chỉ thua công viên Englischer Garten của thành phố Munich).

Du khách trước Cổng Brandenburg đối diện với Đại lộ 17 tháng 6. Đêm giao thừa trên 1 triệu người đến đây xem đốt pháo bông, nghe nhạc mừng năm mới. Hình NHA

Nhà tôi không quen đi bộ dưới nắng, nhưng tôi thuyết phục tiếp tục đi bộ bằng cách đi trong công viên  và cuối cùng cũng tới Cổng Brandeburg.

Đến đích thì không thấy mệt nữa, phấn chấn với cảnh hùng vĩ của cái cổng mà mình chỉ thấy ở trên báo chí, internet hay truyền hình.  Và vô số người lố nhố trước cổng (thật ra là sau cổng vì hình vị nữ thần cỡi tứ mã chạy về phía Đông Berlin mà chúng tôi thì đang từ Tây Berlin đi sang. Mặc dầu ở đây không còn bất cứ dấu tích gì của “bức tường ô nhục” cạnh cổng, nhưng theo hình ảnh cũ còn ghi lại, tôi biết nguyên cả cái Cổng Brandenburg nằm ở phía Đông Berlin của các ông cộng sản.

Tại Việt Nam và cũng theo truyền thống Tàu thường, những cổng uy vệ thường là loại  cổng tam quan với lối đi giữa cao và rộng, hai bên  thấp và nhỏ hơn, thường dựng trước hoàng cung, đền đài hay chùa chiền. Nhưng ở các nước Âu Châu và Hy-La ngày xưa cổng chiến thắng (khải hoàn môn) là loại cổng phổ quát, cao to, một lối đi thật lớn, ba lối đi như cổng tam quan Á Châu hay nhiều lối đi bằng nhau  nhưng nằm giữa những con đường lớn như Khải Hoàn Môn nổi tiếng ở Paris.

Cổng Brandenberg gồm cổng lớn ở giữa có 5 lối vào và hai cổng nhỏ và thấp hai bên cũng có nhiều lối vào. Hình ảnh đập vào mắt của cổng là 12 cột trụ to lớn và 6 tảng đá đỡ mái cổng ở trên có tượng nữ thần chiến thắng Victoria cỡi cỗ xe tứ mã. Và những cột trụ của hai cổng nhỏ bên hông cổng lớn.

Cổng cao 26 mét, rộng 65.5 mét và sâu 11 mét được kiến trúc sư Carl Gotthard Langhans xây từ năm 1788 đến 1791 xây theo lệnh của vua Frederich Wilhelm II như là một biểu tượng của hòa bình. Cũng như nhiều công trình kiến trúc khác, vì hư hại bởi chiến tranh hay thời gian, Cổng Brandenburg được tu bổ nhiều lần, và dĩ nhiên đẹp hơn trước đây khi còn nằm bên phần đất của Đông Berlin.

Tôi đến đây một lần vào buổi chiều và một lần khi hoàng hôn buông xuống để nhìn nét rực rỡ huy hoàng từ phía Tây Berlin và đẹp một cách huyền bí như tranh khi đứng nhìn từ phía Đông Berlin. Hình ảnh buổi tối với đèn chiếu sáng rực hay pháo bông đón giao thừa với nhạc hội tại Cổng Brandenburg  với trên triệu người xem như các bạn thấy trên sách báo cũng đẹp tuyệt vời.

Đài Chiến Thắng (Victory Column) nằm trên Đại lộ 17 tháng 6 là bùng binh của một ngã bảy. Hình: NHA

Tháng 6 năm 1963 Tổng thống John F Kennedy đã đến thăm Cổng Brandenburg, đứng trên bục khán đài cao để nhìn qua bức tường ô nhục nhưng nhà cầm quyền cộng sản Đông Đức đã chơi trò trẻ con, treo những tấm màn đỏ che kín cổng này nên không thấy được gì ở phía bên kia. Tại Tây Berlin, Tổng thống Kennedy đã đọc bài diễn văn nổi tiếng trước đám đông 120,000 nói lên sự hiệp thông, đoàn kết với họ bằng một hai câu tiếng Đức như “Tôi là một người dân Berlin” hay “Hãy đến Berlin”. Với tài hùng biện, vị tổng thống sẽ bị bắn chết vài tháng sau nói: “Những ai coi chủ nghĩa cộng sản là làn sóng của tương lai, hãy đến Berlin! (để mà xem). Những ai nghĩ có thể hợp tác với cộng sản, hãy đến Berlin!”.

Tổng thống Ronald Reagan năm 1987 khi đến thăm Berlin cũng đã thách thức Chủ tịch Gorbachev “Hãy giật sập bức tường này đi”. Ông Reagan đã lấy dùi và búa đục bức tường này và không ngờ vài năm sau, lời yêu cầu và hành động tượng trưng của ông đã thành sự thực.

Cổng Brandenburg là biểu tượng của một giai đoạn lịch sử xáo trộn của Đức và Âu Châu nhưng cũng là sự đoàn kết của Âu Châu và nước Đức thống nhất.

* * *

Chúng tôi đã ngồi chơi ở sân cổng phía Đông Đức, đây mới là mặt tiền của cổng, phía sau cổng (tức Tây Bá Linh cũ) là  đường xe chạy. Sát thành cổng là tòa đại sứ Mỹ. Tòa nhà bốn tầng với sân cỏ và hàng rào đơn giản cao chừng một mét làm kiểng với một hai an ninh gác. Với một nơi luôn có du khách thập phương đông và xô bồ như vậy, tôi không hiểu họ bảo vệ an ninh như thế nào cho tòa đại sứ nếu có một tay khủng bố liều mạng chạy vào cửa tòa nhà chỉ cách hàng rào hai ba chục mét.

Nhìn du khách vui chơi, chụp hình trong khoảng sân rộng và đẹp, tôi không thể tưởng tượng 26 năm về trước nơi đây là trạm gác của lính Đông Đức với cảnh vật ảm đạm thê lương nặng mùi sát khí, ngay cả du khách của Đông Đức muốn ngắm Cổng Brandenburg u tối cũng phải đứng xa hơn trăm mét và dĩ nhiên không thấy gì ở bên Tây Berlin vì đã bị bức tường ô nhục che mất.

Chụp hình, đi vòng vòng quan sát vài tòa nhà ở phía  Đông Berlin ngày xưa, khách sạn và nhà hàng cạnh cổng này, tôi gọi taxi về Hollywodd Media Hotel. Được dịp thấy thêm vài  tòa nhà  quan trọng của thành phố trên đường về như tòa nhà quốc hội liên bang Bundestag (gần Cổng Brandenburg) để hôm sau có thể bắt đầu một cuộc du ngoạn khác, với biết bao thắng cảnh, di tích lịch sử của một thời quân chủ, cộng sản, cộng hòa và của di dân công nhân lao động xuất khẩu Việt Nam  ở Chợ Đồng Xuân nổi tiếng, mà tiếng xấu nhiều hơn.

Holocaust Memorial: Nghĩa trang cạnh Cổng Brandenburg tưởng niệm những người Do Thái bị giết ở Âu Châu trong đệ II Thế chiến, gồm 2711 phiến đá (stelae) cùng một kích thước chỉ khác nhau chiều cao, khánh thành năm 2005, dịp kỷ niệm 60 năm chiến tranh kết thúc. Hình: NHA

Với đoạn đường chúng tôi phải mất đến một tiếng rưỡi để đi bộ, trở về chỉ mất khoảng 15 phút và tốn chỉ 16 Euros. Ngồi xe hoặc đi bộ đều có cái hay và ích lợi của nó đối với một người du lịch để quan sát và thưởng thức.

Khách sạn Hollywood Media có một nhà hàng và bar ở dưới tầng trệt, nằm ở ngã tư có hai mặt tiền, là con đường của những hiệu thời trang danh tiếng, lại có cây cối nên trông rất sang và trữ tình. Hàng ngày có  những khách chỉ ngồi uống bia rượu  hay cà phê ngắm người qua đường  như ở Thanh Thế, Brodard của Sài Gòn ngày xưa, nhưng cũng có người đến đây để ăn. Chúng tôi thưởng thức cả hai thứ: ăn uống và rửa mắt.  Gọi đĩa beefsteak (17.5 Euros, khoảng $28 Úc kim) và một ly rượu đỏ, nghe chùa những bản nhạc quen thuộc của một tay đàn dạo accordion từ xa, giữa buổi tối trời vẫn còn sáng của Âu Châu mùa hè.

Trời đã bắt đầu mát, khách thập phương dập dìu trên con phố gió hiu hiu. Sau một chuyến xe lửa xuyên bang, một buổi đi bộ  “tập thể dục” ngắm cảnh trên Đại lộ 17 tháng Sáu rất dài, chúng tôi đã  có một bữa tối ăn ngon miệng ở thủ đô của một nước giàu mạnh nhất Âu Châu.

Melbourne 19.9.2015