Du lịch Đức: “Cỡi ngựa xem hoa” Đông & Tây Berlin (kỳ 4)

26 Tháng Chín, 2015 | Đức
Checkpoint Charlie ngày nay: Hai ông quân cảnh tay cầm cờ lưng mang bao da đựng (không phải súng lục)… tiền bá tánh xin chụp hình. Hình: NHA

Tôi  có 5 ngày ở thành phố Berlin. Đã có  Một buổi chiều trên Đại lộ 17 tháng Sáu đường dài hun hút để ngắm phong cảnh. Thế là đủ thỏa mãn cho một du khách thích đi bách bộ như tôi.

Ngày thứ hai sẽ làm gì đây khi bạn không đi tour theo phái đoàn hay có sẵn một chương trình trước?  Đơn giản, bởi theo kinh nghiệm của chúng tôi, cứ lên xe bus hai tầng chạy quanh thành phố ngắm cảnh (loại xe city circle sightseeing). Máy audio trên xe với ống nghe sẽ là người giải thích cho bạn thắng cảnh nơi bạn đi qua với hơn 20 ngôn ngữ gồm tiếng Tàu, Nhật, Hàn v.v…   Xin mở ngoặc: Không có tiếng Việt dù đây là ngôn ngữ có nhiều người nói đứng hàng thứ 14 trên thế giới vì dân số trong nước đã vượt 90 triệu người, nhiều hơn Đại Hàn (Nam Hàn khoảng 50 triệu dân, Bắc Hàn khoảng 25 triệu). Nam Hàn được thế giới ngưỡng mộ, du khách Nam Hàn được hoan nghênh mọi nơi, còn du khách Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đi một số nước bị người ta đề phòng, cảnh giác vì nổi tiếng ăn cắp, thì làm sao mà trong các audio dành cho du khách ngoại quốc, có tiếng Việt? Buồn thay!

“Tour guide” đưa bạn đi xem nhiều nơi với giá rẻ nhất

Xuống quầy tiếp tân khách sạn hỏi. Vé hãng BEX Sightseeing đi một ngày tuyến màu vàng (màu tuyến đường trên bản đồ cầm tay) ở vùng Tây Berlin  20 Euros, tuyến màu tím trong vùng Đông Berlin 15 Euros. Cứ 10 phút có một chuyến. Khách sạn còn đề nghị nếu mua 3 ngày cho cả hai tuyến thì chỉ trả 35 Euros mà thôi. Rẻ quá! Ô-kê-đô!

Đối diện US Army Checkpoint, hình Trung sĩ Jeff Harper, người lính Mỹ gác trạm cuối cùng được dựng trên cột trụ giữa đường. Hình: NHA

Tôi nghĩ rằng mua vé nhảy lên nhảy xuống (hop on hop off) sẽ có dịp thấy sơ qua những khu vực, thắng cảnh đẹp và nổi tiếng cần biết, và cũng dùng xe bus loại này như một phương tiện công cộng để đi lui tới trong suốt ba ngày.

Nhưng khi dùng loại xe này đến ngày thứ hai, thì tôi thấy mua vé 3 ngày hơi thừa. Bởi chỉ ngồi trên xe này và không nhảy xuống trạm nào cả, thì đi chỉ một vòng là gần hết cả ngày. Đó là phải đi từ sáng, chuyến đầu tiên 10AM, còn chuyến chót sẽ chấm dứt lúc 6PM bất cứ ở 30 trạm nào.

Nếu  khoảng 3 hay 4 giờ chiều mà bạn mới đón xe ở một trạm nào đó, thì chỉ có nước đi bộ hay thuê taxi về khách sạn mà thôi. Đó là kinh nghiệm của tôi trong chuyến đi ngày thứ hai.

Nếu bạn mua hai vé cho hai tuyến đường khác nhau thì cũng chừng đó tiền: 35 Euros, nhưng cũng phải đi nội trong một ngày mà thôi thì mới dùng được cả hai loại vé. Còn không, thì bạn phải ở khu vực nơi hai tuyến đường màu vàng và tím giao nhau như  trạm xe lửa trung ương (Berliner Hauptbahnhof) thì mới sử dụng hai vé riêng biệt cùng một ngày hay khác ngày,  chứ ở khách sạn Hollywood Media Hotel của chúng tôi thì phải có vé tuyến vàng  mới qua được tuyến màu tím.

Tóm lại:  nên mua vé 3 ngày cho hai tuyến đường (35 Euros) và sử dụng bao nhiêu ngày, đi nhiều ít  tùy mình, nhưng không nên dùng để đi một đoạn đường xa, vì ngồi lâu mất thì giờ. Circle sightseeing mà!

Chúng tôi ít dùng loại xe bus nhảy lên nhảy xuống xem thắng cảnh trong các chuyến du lịch (chuyến Âu du này chỉ dùng ở Berlin mà thôi) và đây là một kinh nghiệm để chia sẻ với bạn đọc.

 

Tuyến màu vàng Tây Đức, Tuyến tím Đông Đức

Với tuyến đường màu vàng, xe sẽ ngừng ở 18 trạm (địa điểm) và phần lớn chạy vòng quanh khu vực Tây Berlin cũ, kéo dài khoảng  2 tiếng rưỡi sẽ trở lại địa điểm bạn khởi hành, bất kể trạm đó là số mấy.

Quảng trường Potsdamer nơi ngày xưa có xung đột giữa binh sĩ Liên Xô và Đồng Minh khi chưa có bức tường ô nhục Berlin. Hình: NHA

Nếu bạn muốn đi thêm tuyến màu tím để ngắm cảnh vật Đông Berlin cũ, bạn phải nhảy xuống trạm số 8 tại quảng trường  Alexander Platz (platz có nghĩa là quảng trường) để đổi qua xe chạy tuyến đường màu tím ở trạm số 1.

Tuyến màu tím ngắn hơn, mất khoảng một tiếng rưỡi. Khi xe  chạy một vòng hết 12 trạm ở phía Đông Berlin cũ và trở lại trạm số 1 ở quảng trường Alexander, bạn nhảy xuống và qua trạm số 8, lên xe của tuyến màu vàng để trở về trạm số 1 của tuyến vàng, là nơi khởi đầu cho chuyến đi và cũng là trạm cách khách sạn Hollywood Media của chúng tôi chừng  hai ba trăm mét.

Và thay vì chọn địa điểm hay trạm xe tuyến vàng và tím gặp nhau ở số 8 và 1, bạn có thể chọn đổi xe ở trạm 14 và 3, cũng là điểm giao nhau của hai tuyến đường xe bus hãng BEX Sightseeing.

Xin nói lại, bạn có thể khởi hành bất cứ ở trạm nào trên tuyến đường có xe của hãng BEX Sightseeing chạy qua. Và dĩ nhiên còn vài hãng xe khác nữa chạy vòng vòng (city circle) kiểu này. Nếu bạn ở nhiều ngày và đã quen đường, đi xe bus công cộng thì không có gì bằng.

Mấy ông lính giả mặc quân phục cầm cờ Cộng hòa Liên bang Đức chụp hình với du khách trước những mảnh tường Berlin triển được lãm trong quảng trường. Hình: NHA

Chúng tôi sử dụng cách đi xe tuyến vàng và tím như vừa nói trong một ngày. Có xuống hai trạm để đi tham quan, do đó khi dùng xe tuyến đường màu vàng trở lại, chỉ được một trạm thì xe ngừng, vì tới gần 6 giờ chiều xe không chạy nữa (mặc dầu đến 10 giờ trời mới tối). Lúc này, bạn chỉ còn gọi taxi, vì khoảng cách mỗi trạm dài từ 1 đến 3 cây số. Gọi là city circle, chạy vòng tròn nhưng tuyến đường màu vàng có dáng hơi giống hình chữ nhật. Biết đi tắt và tùy vị trí,  bạn có thể rút ngắn thời gian đi bộ.

 

Vài địa điểm đáng xem trên hai tuyến đường vàng và tím

Một bản nhạc với người này là hay nhưng với người khác chưa chắc. Thắng cảnh cũng vậy. Sau đây là những địa danh tôi có đi qua vài lần hay đã dừng lại để vui chơi hoặc tới tận nơi chiêm ngưỡng trong một ngày khác, bằng vé xe bus 3 ngày hay bằng đi bộ.

Chúng ta hãy bắt đầu với trạm số 1 gần khách sạn Hollywood Media nhé. Nơi đây chỉ thấy tiệm buôn bán, nhà hàng và những người đứng bán vé sightseeing cho các hãng xe khác nhau.

Một đoạn bức tường Berlin còn giữ nguyên, cách Checkpoint Charlie chừng nửa cây số. Hình: NHA

Tới trạm 1b, cũng trên đường Kurfurstendam cách khách sạn chúng tôi chừng một cây số, có 3 danh lam thắng cảnh để bạn xem:

Kaiser Wilhelm Memorial Church. Là ngôi thánh đường Tin lành xây cuối thế kỷ 19 bởi vua Kaiser Wilhelm II để tưởng nhớ ông nội Kaiser Wilhelm I. Nhà thờ kiểu tân Rô-man đã bị tàn phá nặng nề trong một trận dội bom năm 1943.  Sau chiến tranh, người ta dự tính giật sập để xây nhà thờ mới nhưng bị dân chúng phản đối. Vì thế, họ duy trì chứng tích chiến tranh ở bên ngoài, nhưng bên trong được làm lại với kiến trúc tân thời, tường kính màu xanh biển tạo một không kính tĩnh lặng với tiếng nhạc của dàn đại phong cầm thu hút du khách đến chiêm ngưỡng. Kaiser Wilhelm Memorial Church là biểu tượng của hòa bình và hòa giải. Với hình tháp nhọn bị gãy đoạn trên và dấu vết bom đạn dày đặc chung quanh tường, người Berlin đặt cho nhà thờ biệt danh Der Hohle Zahn có nghĩa chiếc Răng Rỗng, vì hình dáng khá giống cái răng.

Cạnh nhà thờ này, có trung tâm thương mại Europa Center được xây vào năm 1961  là năm bức tường ô nhục Berlin chia đôi thành phố, được khánh thành bởi thị trưởng Willy Brandt sau này trở thành thủ tướng thứ tư của Tây Đức.

Trung tâm thương mại có đầy đủ mọi dịch vụ, khách sạn, nhà hàng, rạp chiếu bóng và cao ốc văn phòng 21 tầng. Tôi thấy nơi đây có một tiệm đổi tiền ở tầng trệt cho giá cao,  so với vài chỗ khác.

Cũng gần hai nơi vừa nói ở trên, có sở thú Zoologischer Garten với cổng vào kiến trúc kiểu Tàu. Vé vào cửa 20 Euros nhưng nếu chỉ xem thủy cung aquarium mà thôi, vé 13 Euros.

Chúng tôi đi thăm sở thú này nửa ngày  trong ngày cuối cùng ở Berlin. Đang mùa hè nhưng hôm đó trời trở lạnh, 18 độ C, thật lý tưởng để đi bách bộ xem thú vật, cảnh vật. Diện tích không quá rộng, trình bày đẹp, dễ đi xem, có nhiều cây xanh hơn sở  thú Melbourne, nối dài  với hồ Neuer See và công viên Tiergarten tạo một không gian xanh mênh mông nên Berlin tuy có dân số đông nhưng cũng nổi tiếng thành phố có nhiều cây xanh.

Đến trạm số 4  có tòa nhà màu vàng với kiến trúc độc đáo. Nếu bạn thích âm nhạc thì  Berliner Philharmonie là nơi bạn nên dừng chân để xem tòa nhà xây với kiến trúc chuyên biệt cho  âm thanh (acoustics) để tiếng hát hay âm thanh của nhạc cụ được rõ tối đa như kiến trúc của phòng hòa nhạc Dame Elisabeth Murdoch Hall  trong trung tâm hòa nhạc Melbourne Recital Centre ở  Southbank. Đây cũng là nơi mà dàn giao hưởng Berlin Philharmonic Orchestra biểu diễn thường xuyên. Cạnh đấy cũng có trung tâm văn hóa Kulturforum và viện nghệ thuật National Gallery. Cả ba nơi này chúng tôi chỉ đi ngang thấy, không vào bên trong xem.

Topographie des Terrors: Triển lãm tội ác của Đức Quốc Xã và của Đức cộng sản. Hình: NHA

Chúng tôi chọn nhảy xuống trạm số 5 có tên là quảng trường Potsdamer Platz.  Đây là một quảng trường lớn và quan trọng cách Cổng Brandenburg một cây số về phía nam. Ngày trước, khi  chiến tranh lạnh bắt đầu, thường có sự xung đột giữa lính Liên Xô với lính Mỹ Anh bởi vì quảng trường này chỉ được phân ranh bởi dây kẽm gai, cho đến khi bức tường ô nhục Berlin được xây vào ngày 13.8.1961 chia cắt đôi bên một cách rõ rệt. Nơi đây còn để lại vài miếng tường Berlin như là di tích lịch sử của một thời. Ngoài ra, không tìm thấy dấu vết gì khác của bức tường từng tồn tại 28 năm ở đây.  Quảng trường Potsdam rộng với nhiều cao ốc là một trục giao thông quan trọng của thành phố Berlin ngày nay.

Tới trạm số 6, hầu như ai cũng sẽ nhảy xuống, vì nơi đây có trạm gác Checkpoint  Charlie nổi tiếng. Khi bức tường ô nhục được dựng lên, người hai bên quốc cộng, quốc tế, Liên Xô hay Anh Mỹ muốn qua phía bên kia vì bất cứ lý do gì, phải qua trạm kiểm soát Checkpoint Charlie này. Hình ảnh của thời trước trên báo chí  cho thấy lính hai bên ôm súng nhìn nhau mặt đằng đằng sát khí. Những cột bê tông được đặt nằm ngang để cho xe phía bên kia không thể chạy qua được (vượt biên hay tấn công).

Ngày nay, người ta vẫn giữ lại một lô cốt/ trạm nhỏ (US Army Checkpoint) tượng trưng ở giữa đường đối diện với cột trụ gắn  bức ảnh lớn của Trung sĩ Jeff Harper, là người lính Mỹ cuối cùng gác trạm kiểm soát này. Trên lề đường cạnh đó, có tấm bảng ghi bằng tiếng Anh, Nga, Pháp, Đức câu “Quý vị đang đi vào khu vực của Hoa Kỳ, cấm mang vũ khí ngoài giờ làm việc. Hãy tuân thủ luật lệ giao thông.

Lính Mỹ không còn, nhưng còn những ông da trắng da đen mặc quân phục Mỹ, cầm cờ Mỹ, súng trường giả để cho du khách nào muốn tới chụp hình. Họ không mang bao đựng súng mà mang túi xách để đựng tiền típ của  du khách khi xin chụp hình với họ. Chúng tôi đi ngang qua đây ba lần và thấy những “quân nhân” thay  ca  đóng tuồng. Dịch vụ du lịch ở đoạn này sầm uất vì ai cũng muốn xuống đó chụp hình kỷ niệm. Nhưng cũng có những người không tốn tiền cho những ông lính Mỹ giả này như chúng tôi.

Tuy nhiên, tốt nhất bạn nên đi bộ dưới nửa cây số để tới xem một đoạn bức tường ô nhục dài vài trăm mét còn duy trì để người đời sau được biết chuyện gì đã xảy ra giữa năm 1961-1989.  Tôi thấy tấp nập người đi xem; từng hai ba người như chúng tôi cũng có mà từng đoàn người đi tour cũng nhiều. Ở nơi đây tôi thấy tấm panô viết Topographie des terrors ( tiếng Đức có nghĩa là địa hình kinh hoàng), Open-Air-Ausstellung (Triển lãm ngoài trời) về thành phố Berlin trong giai  đoạn 1933-1945 dưới thời Hitler, về mật vụ Gestapo, đơn vị đặc nhiệm SS và bản doanh cơ quan an ninh Quốc xã.

Khu chợ Gendarmenmarkt: Giữa là tòa nhà hòa nhạc Konzerthaus Berlin, bên trái nhà hòa nhạc la Nhà thờ Đức, bên phải Nhà thờ Pháp. Hình: NHA

Cùng với triển lãm hình ảnh tội ác của Hitler, còn có hình ảnh của cuộc không vận vĩ đại khi Liên Xô chận đường tiếp tế từ Tây Đức đến Tây Berlin (1948-49),  sau đó là bức tường ô nhục Bá Linh (1961-89), những vụ vượt biên, vượt tường tìm tự do và nhất là bức tường còn được duy trì dài bằng một dãy phố. Cạnh khu triển lãm có  hai tòa nhà cổ kính đang quảng cáo triển lãm hội họa. Nói theo cách nói của con cháu Bác Hồ “ra đầu ngõ gặp anh hùng”, ở Berlin đi đâu cũng thấy có viện triển lãm nghệ thuật, bảo tàng viện, rạp hát, nhà hòa nhạc.  Nhưng bạn cũng như chúng tôi không thể có thì giờ vào tiền đình xem, chứ nói gì mua vé đi nghe.

Mời bạn tiếp tục tới trạm số 7, nơi có tên Gendarmenmarkt, có nghĩa là khu chợ có đồn hiến binh, tên dùng từ thế kỷ 17 nhưng nay trở thành một quảng trường nổi tiếng với kiến trúc độc đáo, giữa là Konzerthaus Berlin (concert hall, tòa nhà hòa nhạc), bên trái cái hall này là Deutscher Dom (Nhà thờ Đức) và bên phải Franzosischer Dom (Nhà thờ Pháp). Hai ngôi thánh đường có kiến trúc gần giống nhau, là tả phù hữu bậc cho nhạc viện Konzerthaus nay là nơi trình diễn thường xuyên của dàn giao hưởng Konzerthausorchester Berlin.

Nhạc viện này bị hư hại nặng nề trong Đệ II Thế chiến, nhưng đã được đại tu bổ sau chiến tranh.  Cái hay của người Đức là họ không phá bỏ các di sản, dù hư hại bởi thời gian, thiên nhiên, chiến tranh mà tu bổ lại di tích nguyên thủy của chúng.

Đến trạm số 8 là coi như bạn đã đi gần nửa hành trình của tuyến đường màu vàng,  đã đi vào “lãnh thổ Đông Berlin” cũ. Bạn có thể đón xe tuyến đường màu tím của hãng BEX Sightseeing để  làm một vòng Đông Berlin của chế độ cộng sản Đông Đức,  xem có giống Hà Nội không, để làm một cuộc so sánh thành phố Berlin cổ kính, văn hóa lâu đời dưới chế độ xã hội chủ nghĩa và tư bản.  Và xem nếp sống của con người cựu xã hội chủ nghĩa Đông Berlin có khác với người dân Tây Berlin không? Và của cộng đồng người Việt xã hội chủ nghĩa lao động nước ngoài nữa chứ.

Một góc quảng trường Alexander với những người biểu diễn dạo; những cột đen phía sau là “Đài phun nước hữu nghị giữa các dân tộc”. Hình: NHA

Nhưng tạm thời, mời bạn cùng chúng tôi bước vào quảng trường Alexander Platz cạnh trạm xe bus vừa dừng. Đây là một quảng trường lớn nằm giữa trung tâm (tiếng Đức, Mitte) thành phố Berlin. Nơi đây có ga xe lửa quan trọng của thành phố, là giao điểm lưu thông của xe bus và xe tram.

Alexander Platz được vua nước Đức đặt tên để tôn vinh Hoàng đế Nga Alexander I khi ông này thăm Berlin vào năm 1805.  Vào đầu thế kỷ 20, quảng trường Alexander, cùng với quảng trường Potsdamer Platz đã được nói trong bài này, là những địa điểm vui chơi về đêm nổi tiếng của Berlin, là đề tài cho một cuốn tiểu thuyết và hai cuốn phim.

Sau chiến tranh, quảng trường Alexander thuộc Đông Berlin được nhà nước Đông Đức  mở rộng và tái kiến thiết để quảng bá cho hình ảnh một quảng trường của chế độ. Tại quảng trường họ xây một đài phun nước rất lớn đặt tên Brunnen der Volkerfreundschaft có nghĩa là Đài Phun nước Hữu nghị giữa các Dân tộc. Ngoài ra, còn có Weltzeituhr (World Time Clock) một chiếc đồng hồ hình khối trông như chiếc đèn cù, chỉ giờ của các nơi trên khắp thế giới.

Vài ngày trước khi bức tường ô nhục Berlin sập, quảng trường này đã chứng kiến một cuộc biểu tình với số người tham dự đông chưa từng thấy trong lịch sử Đức.

Sau khi hai miền thống nhất, nhiều binh đinh mới đã được xây tại đây và trở thành trung tâm thu hút du khách đến chiêm ngắm và vui chơi.

Các hoạt động giải trí đột xuất như trình diễn nhạc hip hop, chơi guitar, violin, hát dạo diễn ra thường xuyên giữa quảng trường. Cũng có xiếc và biểu diễn hội họa giữa nền sân nên không khí rất vui. Chúng tôi đã mua mì xúc xích lưu động của hai anh chàng mang dù che nắng, bình gas sau lưng và đeo cái barbecue trước bụng bán thức ăn cho du khách, có bảng hiệu Grillrunner, mặc đồng phục, chứng tỏ đây là một dịch vụ bán xúc xích lưu động có giấy phép.

Đi đường đói bụng, mua bánh mì xúc xích 1.5 Euros, ghé quán ăn bên cạnh mua một ly bia 4 Euros, ngồi bệt giữa sân, ăn ngon chi lạ. Khiến nhà tôi cứ đến buổi trưa, ước gì có ông gánh lò nướng xúc xích lưu động để thưởng thức lại món ăn rẻ tiền và ngon.

Ăn no say, chúng tôi đi tiếp tới trạm số 9, có tên Neptunbrunnen Fernsehturm. Đây là nơi có hai thắng cảnh đáng xem.

Neptunbrunnen là đài phun nước xây vào cuối thế kỷ 19 với vị thần La Mã là Neptune ở giữa. Bốn người đàn bà xung quanh tượng trưng cho bốn con sông của Đế quốc Phổ thời đó khi đài phun nước được xây, là sông Elbe, Rhine, Vistula (hiện nằm hoàn toàn trong nước Ba Lan) và sông Oder phân chia ranh giới Đức và Ba Lan.

Từ đài phun nước này, bạn thấy một cái tháp cao trông từa tựa như Sydney Tower của chúng ta, đó là Fernsehturm, có nghĩa tháp truyền hình Berlin (turm = tower). Vì nó gần quảng trường Alexander nên đôi khi người ta cũng gọi là Alex Tower.

Nếu bạn là người thích đứng ở nơi cao nhất của thành phố để nhìn toàn cảnh như tôi, mời tới chân tháp cách xa khoảng hai trăm mét.

Tháp truyền hình được xây xong vào năm 1969 dưới chế độ Cộng hòa Dân chủ Đức với mục đích làm biểu tượng của Berlin, và nó vẫn tồn tại đến ngày nay vì đây là một kiến trúc cao nhất nước Đức với chiều cao  368 mét, mỗi năm thu hút khoảng 1.2 triệu người lên xem.

Đây là tòa kiến trúc đứng một mình cao nhất Âu Châu, chỉ sau tháp Moscow Ostankino Tower (Nga), Kiev TV Tower (Ukraine) và Riga Radio and TV Tower (Latvia).

Giá vé vào cửa 13 Euros/ người. Thấy trời đã xế chiều, chúng tôi muốn lên ăn tối trong nhà hàng quay tròn để ngắm hoàng hôn như đã ăn trên tháp nhà hàng quay ở Gold Coast hay Auckland. Nhưng bạn phải đặt chỗ trước mới hy vọng có chỗ ngồi ăn. Ngay cả đi lên xem, cũng phải sắp hàng đợi đến 2 tiếng đồng hồ sau khi đã mua vé.

Grillrunner: Tác giả mua xúc xích của anh nướng barbecue dạo. Hình: NHA

Lầu vọng cảnh cao 203 mét, chỉ mất 40 giây là thang máy đã đưa bạn đến nơi.  Người ta quảng cáo có thể thấy chân trời xa tới 80 cây số. Chúng tôi có thể thấy  những thắng cảnh mà chúng tôi đã đi xem như sân của quảng trường Alexander bên dưới, công viên Tiergarten rộng mênh mông và Đại lộ 17 tháng 6 chạy dài từ Victory Column đến Cổng Brandenburg, con sông Spree chạy qua ga xe lửa trung ương Berliner Hauptbahnhof, trụ sở Quốc hội Liên bang  Bundestag…

Nếu bạn bước thêm 21 bậc cấp nữa, bạn sẽ được ngồi trong  Dreh-Restaurant, nhà hàng “quả cầu” xoay tròn. Nơi đây ngoài tiếp khách ăn tối, còn là chỗ để ăn trưa, ăn sáng.

Xem cảnh thành phố với tầm nhìn 360  độ chừng 20 phút thì tôi đã thấy chán rồi.  Nhưng là du khách, chúng tôi sẽ không xem một thắng cảnh tới hai lần để được ngồi ăn trên tòa kiến trúc cao nhất nước Đức. Lên, đợi mất hai tiếng, xuống chỉ mất hai phút.

Chúng tôi đã đưa bạn đi xem thắng cảnh trên nửa lộ trình tuyến đường  màu vàng của xe bus ngắm cảnh thành phố.

Bạn có thể ngưng ở đây để nhớ lại những nơi  bạn đã cùng chúng tôi đi qua trước khi tiếp tục cuộc du ngoạn ở đất nước giàu nhất Âu Châu, đã từng gây ra hai cuộc đại chiến và hiện là một nước rất quảng đại, giàu lòng từ bi bác ái, mở rộng vòng tay đón hàng trăm ngàn người tầm trú, tị nạn.  Mấy chục năm trước, họ (Tây Đức) cũng đã đón hàng chục ngàn người Việt Nam tị nạn cộng sản sau năm 1975.

Nguyễn Hồng Anh

Melbourne 26.9.2015