Hòa Lan: Kể chuyện đường xa – hành hương đất quỷ (kỳ 3)

05 Tháng Tám, 2015 | Hòa Lan
“Con kênh xinh xinh”: Red Light District vào một buổi chiều vẫn còn “vắng khách” nhưng đến tối thì chen nhau mà đi để ngắm các tủ kính dọc hai bên đường. Hình. NHA

Khi còn ở Berlin và Vienna, tôi  gởi về tòa soạn hai bài bút ký du lịch đã đăng trong số báo 1530 và 1531. Chuyến Âu du ba tuần lễ đã qua. Tôi đã thăm viếng được năm nước và bảy thành phố, nên có cả khối chuyện với rất nhiều đề tài khác nhau để kể chuyện mua vui cho bạn đọc hàng tuần. Và “chuyện vui” đầu tiên khi đã trở lại Melbourne là chuyện về đất nước Hòa Lan và thành phố Amsterdam.

Duy nhất trên hành tinh

Trong 25 năm đi du lịch viết bút ký trên các trang báo TiVi Tuần-san, có nhiều lần tôi gọi những chuyến đi chơi ngắm thắng cảnh viếng di tích  của tôi là “hành hương”, bởi vì dù chăng đi nữa thì tôi cũng là người có đạo. Là một công hai việc, nên tôi đã hành hương đất thánh.

Đất thánh của tôi là Lộ Đức (Lourdes) ở Pháp mà tôi đã nghe từ thời còn bé nơi Đức Mẹ hiện ra với Chị Bernadette. Đẹp và linh thiêng nhờ cảnh vật của suối, núi đồi.

Đất thánh của tôi là Fatima nơi Đức Mẹ hiện ra trao cho ba trẻ mục đồng làng Fatima ở Bồ Đào Nha ba “bí mật Fatima” mà gần một trăm năm sau hình như đã được “giải mã”.

Đất thánh của tôi là Jerusalem, cái nôi của ba tôn giáo độc thần  lớn của nhân loại –Do Thái giáo, Thiên Chúa giáo và Hồi giáo—nơi Đức Giê-su giáng trần và bị đóng đinh trên thập tự giá. Là Vatican, thánh đô của Giáo hội Công giáo hoàn vũ.

Không những “hành hương” đất thánh của tôn giáo mình, tôi còn hành hương đất thánh của một tôn giáo gần gũi với dân tộc và được tôi yêu mến, đó là  Bồ Đề Đạo Tràng nơi Đức Phật thành đạo và Lộc Uyển  nơi Đức Phật giảng chuyển pháp luân lần đầu tiên.

Ngoài ra, tôi cũng “hành hương” đất thánh của một tôn giáo xa lạ –Varanasi—thánh đô của  Ấn giáo nơi Ganga (Sông Hằng) chảy qua. Người ta nói rằng mỗi ngày có hai triệu người Ấn giáo ra tắm theo nghi lễ của họ  trên con sông này.

Lần này tôi cũng đi “hành hương” một nơi có lẽ được tín nam thiện nữ của mọi tôn giáo khác đến viếng một lần trong đời cho biết, nếu họ đã đặt chân đến thành phố này.

Tôi không biết mỗi ngày có bao người người đến hành hương nơi này. Hàng ngàn hay hàng vạn? Chỉ biết rất đông, đông đến độ phải chen lấn nhau trên các con đường chằng chịt  dọc các con kênh thiết kế theo hình mạng nhện, mỗi  khi thành phố lên đèn. Đông đến độ khách “hành hương” phải đi chậm như đi kiệu. “Thánh địa” này có tên tiếng Anh là Red Light District—Khu Đèn Đỏ, nổi tiếng nhất thế giới.

“Thánh địa” này nằm ở đâu vậy? Đến đây có lẽ tới hơn một nửa số bạn đọc – nhất là cánh đàn ông– đã biết hay đoán được: Amsterdam, Hòa Lan.

Du ca Nguyễn Quyết Thắng hướng dẫn “rong ca” Nguyễn Hồng Anh tham quan khu đèn đỏ Amsterdam mà Thắng gọi là “Vùng đất quỷ dễ thương” khi tác giả vừa đặt chân đến thành phố Amsterdam trong ngày đầu tiên của chuyến Âu du ba tuần lễ

Ở Việt Nam, tôi đã nghe tên những khu  dành cho chị em buôn phấn bán hương như “bến đò” (Huế) mà dân chơi đất Thần Kinh gọi một cách hoa mỹ là “đi ngủ đò”. Rồi ở Sài Gòn dân chơi sau một hồi ăn nhậu no nê, kéo nhau đi “xả xú báp” ở  Ngã Ba Chú Ía ở Gò Vấp hay An Nhơn ở Xóm Mới.

Ở  Melbourne, tôi được nghe “Đèn đỏ St Kilda”. Nghe nhưng thật sự chưa thấy.

Vài năm sau khi đã định cư ở Úc, tôi được một ông bạn  đi dự đại hội kháng chiến ở Âu Châu, nhân ghé Hòa Lan, trở về kể chuyện đi ngắm chị em ta hầu như trần  như  nhộng đứng ở các cửa kiếng ở thành phố Amsterdam. Ngắm miễn phí, ngắm cự ly ngắn, dí mắt vào cửa kính, không giới hạn thời gian. Ông bạn không cho biết là có thực tế “công đoạn” chót hay không, có “trả thù dân tộc” chưa. Ban đầu tôi tưởng ông bạn đi xa khoác lác, nhưng sau đó biết đấy là sự thật.

Cho nên, cũng đã có lần “ước mơ” tới Amsterdam một lần cho biết mại dâm tủ kính là cái chi chi. Đó là lúc còn trẻ.

Nay tuổi đã trên sáu bó, chuyến hành hương mà tôi dự tính thực hiện sẽ được đặt cho cái tên “hành hương đất quỷ”. Nhưng sẽ chỉ là “cỡi ngựa xem hoa” đi vòng ngoài cho biết, không đi sâu đi sát vòng trong dù đóng vai nhà báo, bởi đã luống tuổi, lại có vợ đi cùng. Bạn đừng cười nhé. Cũng đừng nghi ngờ.  Tôi sẽ  đóng vai “ông thánh” tới vùng đất của “quỷ sứ”.

Vì vậy, những gì tôi kể với bạn đọc trong chuyến “hành hương” này chỉ là đứng bên ngoài (tủ kính) quan sát, còn chuyện bên trong, sau bức màn màu đỏ,  là nghe kể lại hoặc do bác google cung cấp.

 

 

Thiên đàng hạ giới

Tại sao người viết gọi như vậy?  Bởi tới Khu Đèn Đỏ, bạn có thể hưởng thụ được những thú vui trên đời một cách an toàn.

Ăn và nhậu thoải mái với các quán ăn trong nhà tràn ra các lề đường. Bạn có thể hưởng đệ tam khoái với giá 50 Euro (khoảng 80 Úc kim. Thời giá: 1 Úc kim ăn 0.62 Euro). Nếu không, bạn có thể rửa mắt với hàng trăm cô gái đủ lứa tuổi, đủ màu da –phần lớn đẹp, xếch xy, với mảnh vải đôi khi chỉ lớn bằng ba ngón tay che những nơi kín. Có đứng trước những tường kính và cửa kiếng thì mới thật sự chứng kiến và thấy những “tòa thiên nhiên” lộ lồ hấp dẫn đến mức nào. Bạn có thể đứng ngắm bao lâu tùy ý cho đến khi tấm màn đỏ được kéo lại vì gái mại dâm đã có khách (Không được chụp hình trực diện vì có dán dấu hiệu cấm chụp hình trên các cửa kính).

Và cuối cùng, nếu bạn muốn thử xì ke cho biết nó là cái chi chi, bạn có thể vào các quán cạnh các nhà thổ để hút cần sa. Điếm và ma túy là những hoạt động hợp pháp ở trong khu phố đèn đỏ này.

Thử  hỏi ở đâu trên thế giới có dịch vụ nhà thổ mà điếm bận bikini nhỏ tí  teo đứng ngay trước cửa bằng kính uốn éo, vẫy tay chào mời, lắc mông cho khách xem như khi ta đi “window shopping” ở trên phố hay hé cửa nghe khách trả giá?  Có nơi nào trên thế giới mà ta vào quán mua cần sa và hút tại chỗ như ở Amsterdam?

Vì vậy, Amsterdam mới thu hút du khách trên thế giới đến thăm viếng và ăn chơi. Đây là dịch vụ đóng góp đáng kể cho nền kinh tế của Hòa Lan.

Khi trời còn sáng. Hình trên: khách qua đường trước những tủ kính với các kỹ nữ phô trương tòa nhà thiên nhiên để thu hút khách làng chơi. Hình dưới: Các tủ kính hai bên đường còn đóng màn (chưa làm việc) trong khi một số các ông đang đứng ngắm các gái điếm uốn éo lắc mông mời gọi họ ở các ô kính cuối đường. Hình: TVTS

Ba tối  “tham quan” khu đèn đỏ

Tôi đã dùng từ “hành hương” nay lại dùng thêm từ “tham quan”, bởi khác với thăm viếng, tham quan có nghĩa là đi quan sát và sau đó viết nhận xét. Tham quan đến 3 đêm liên tiếp là chuyện chỉ xảy ra với nhà báo TiVi Tuần-san này. Của đáng tội, lý do  trong 4 đêm ở Hòa Lan, chỉ có đêm cuối tôi được mời đến nhà bạn ăn cho tới khuya và sáng hôm sau phải lên đường đi Đức. Ba đêm đầu ăn cơm trong Khu Phố Đèn Đỏ nên tiện dịp quan sát để viết bài.

Như tôi đã viết trong số báo trước đây, tại Hòa Lan tôi có người bạn văn nghệ là nhạc sĩ du ca Nguyễn Quyết Thắng. Khi đến khách sạn Park Victoria Plaza anh  dặn vợ chồng chúng tôi  tắm rửa xong hãy nghỉ một lát cho khỏe, đợi anh từ thành phố Hoorn xuống Amsterdam (40 phút lái xe) đưa đi xem khu “chị em ta” và ăn tối. Nhạc sĩ du ca nhà ta lành như bụt mà lại đưa chúng tôi đi xem khu đèn đỏ?  Anh lại mang theo vợ –chị Hồ Minh Chiến, cũng là một ca sĩ của phong trào du ca từ Việt Nam cho đến Hòa Lan. Thế là bộ tứ chúng tôi hát bài lên đường, xem  qua vài di tích quan trọng của thành phố ở Dam Square là tiến quân vào khu đèn đỏ. Anh Thắng báo trước rằng vì trời còn sáng nên sẽ không vui và không đẹp như về đêm, nhưng tôi nghĩ nhờ trời sáng thì mới thấy bộ mặt thật –có thể nham nhở—của khu phố chị em ta. Rồi khi ánh đèn lên, sẽ tiếp tục đi xem tiếp vì khách sạn tôi ở cách khu đèn đỏ chừng hai ba trăm mét (Tôi đã có chủ ý không thuê khách sạn loại rẻ tiền ngay trong khu đèn đỏ vì nghĩ rằng sẽ ồn ào và phòng ngủ phẩm chất kém).

Thắng ở Hòa Lan trên 30 năm, đã từng đưa bạn bè đi thăm viếng khu đèn đỏ khi họ tới Amsterdam nên xem ra anh đã đóng vai trò người hướng dẫn du lịch một cách hoàn hảo cho những người chân ướt chân ráo như chúng tôi.

Khi trời bắt đầu tối: Con đường ven kênh đào với những người ngồi trên bờ, những thanh niên (và thiếu nữ) đi qua hay đứng ngắm các kỹ nữ trong tủ kính, bên cạnh là một tiệm ăn và giải khát đầy người. Hình: NHA

Khu đèn đỏ gồm nhiều con đường nằm dọc các con kênh đào. Đường dọc các con kênh tương đối khá rộng, thoáng, xe hơi và xe đạp chạy được, nơi đây có hàng loạt cửa kính san sát nhau với các cô gái mặc hai mảnh vải đứng chờ khách. Cũng nơi đây có các cửa tiệm bán đồ chơi tình dục, các rạp chiếu phim sex, các rạp làm tình sống cho khán giả xem, tiệm nhảy thoát y trên bàn, vũ cột, Bảo tàng viện Tình dục, các cửa tiệm giới thiệu cần sa và tiệm bán cần sa cho khách hút tại chỗ (nghe nói không được mang đi), và vui nhất là các nhà hàng và các tiệm giải khát. Có đầy đủ như vậy thì về đêm mới nhộn nhịp, mới vui đáo để, thu hút khách bốn phương.

Các con đường song song ở bên trong và những con đường cắt chéo các con kênh tương đối hẹp, rộng chừng bốn năm nét, chỉ dùng cho bộ hành. Nơi đây phần lớn chỉ là những ô cửa kính để các kỹ nữ đợi khách mua dâm. Và cũng có vài con đường  ngắn rất hẹp, chỉ lọt một người đi. Khách đi ngược chiều phải tránh né nhau.

Vợ chồng anh Thắng và chị Minh Chiến tỏ ra rất tự nhiên khi hướng dẫn chúng tôi đi xem khu  đèn đỏ. Chị Minh Chiến nói việc đi xem như thế này là rất bình thường. Anh Thắng nói người Hòa Lan về mục tình dục rất thoáng, một số cha mẹ còn đưa con nhỏ tới đây để dạy cho chúng bài học về tình dục để chúng tránh bị mang thai ngoài ý muốn hay tránh bị các bệnh da liễu. Anh nói có những người bạn cùng sở (dĩ nhiên là người Hòa Lan) trao đổi vợ chồng để làm bạn tình, sau đó thấy hợp thì có thể lấy nhau, và chia tay một cách thoải mái. Có những thanh niên đi chơi với nhau ở những hộp đêm như thế này rồi làm tình và  qua ngày sau, gặp nhau, họ tỏ ra như chưa từng biết nhau.  Anh nói cũng có một vài người Việt đã bắt đầu tiêm nhiễm văn hóa tình dục loại này, nhưng Hòa Lan là thế.

Nghịch lý đến kỳ lạ: Nhà thờ kiểu Gothic xưa nhất của Hòa Lan (802 tuổi) nằm ngay giữa khu đèn đỏ, bao quanh sân Nhà Chúa là nhà chứa các tủ kính với các gái điếm đợi khách và quán ăn. Đến thế kỷ 16 sau cuộc cải cách tôn giáo, Old Church (hay Oude Kerk, tiếng Hòa Lan) trở thành nhà thờ của giáo phái Calvin cho đến nay. Nơi đây họa sĩ Rembrandt thường lui tới, cho các con rửa tội và cũng là nơi chôn cất vợ ông năm 1642. Old Church vẫn còn dùng vào việc thờ phụng, tổ chức nhạc hội, triển lãm. Hình: NHA

Lúc này, một số cửa (ô, tủ) kính chưa có gái mại dâm đứng hoặc một số cửa kính màn còn đóng, có lẽ để che những cái giường, phụ kiện và  đồ nghề mà dưới ánh sáng ban ngày trông không đẹp mắt. Cũng có thể là một số cô chưa đến giờ làm việc. Khách đi xem và đứng chiêm ngưỡng trước cửa kính không nhiều. Anh Thắng đưa chúng tôi đi xem những tiệm bán cần sa. Chúng tôi vào tận nơi xem. Nhà tôi nói ở khu này mùi thuốc lá quá mạnh. Ở Việt Nam tôi đã thấy cần sa được phơi khô và cắt lát mỏng hay cuốn trong điếu thuốc để sẵn sàng hút. Nhưng chỉ ở nơi đây tôi mới được thấy những cây cần sa.

Trong khu đèn đỏ có một ngôi thánh đường lớn, cổ kính và đẹp có tên Old Church. Quanh nhà thờ là quán ăn uống và các tủ kính chứa gái mại dâm. Nghe tiếng chuông, anh Thắng nói đùa chuông báo cho giáo dân biết đã… đến giờ.  Hai vợ chồng Chiến-Thắng nói có lẽ xem như vậy cũng tạm đủ, đã đến lúc ăn tối nên họ đưa chúng tôi đến một tiệm Tàu gần đó, xa dãy tủ kính chừng một hai chục mét.  Cũng trên con đường này có một ngôi chùa khá lớn. Thế là ngay trong khu đèn đỏ có sẵn nơi để tín đồ hành đạo.  “Thiên đàng” cạnh “hỏa ngục”. Chúng tôi không thể nhịn cười khi thấy cảnh tréo cẳng ngỗng như vậy.

Ở bất cứ nơi đâu cũng có những phụ nữ  làm  cái nghề xưa nhất của nhân loại. Họ có thể hành nghề trong những căn nhà, những building nhiều tầng đồ sộ như ở thành phố Frankfurt (Đức) mà dân chơi Việt Nam gọi là “lên lầu” vì phải bước lên ít nhất lầu một (sẽ kể bạn đọc trong một dịp khác). Họ có thể mở cửa cho khách thấy chiếc giường của họ nhưng trong những căn phòng mờ ảo ánh đèn, xa khuất người đi đường. Họ cũng có thể đứng ngoài đường chờ khách qua lại hỏi mua hay dạm bán. Họ có thể mua bán lén lút  bất hợp pháp ở một số quốc gia. Nhưng không có nơi nào trên thế giới có cảnh gái mại dâm đứng trước tủ kính của đường cái, phơi thân thể để khách qua đường xem và chọn.

Tới khu đèn đỏ là gần nơi thờ phượng: Không xa Nhà Chúa Old Church là Nhà Chùa He Hua Temple nổi tiếng nằm trong khu phố Tàu. Hình: NHA

Chị Minh Chiến nói đây là chợ tình. Tôi gọi đây là chợ thịt người và nói rằng hôm nay tôi đã hành hương đất quỷ. Nhạc sĩ du ca nhà ta nói đây là “vùng đất quỷ dễ thương”.

Vùng đất bán dâm, bán xì xe. Vùng đất của người đi đường cầm bia uống. Vùng đất khách xem hoa và thưởng thức hoa chen lấn, cười đùa la hét ồn ào. Là nơi mà khách,  ngoài đám đàn ông con trai, còn có những thiếu nữ trông nhà lành, những bà xồn xồn cười  tủm tỉm với nhau khi nhìn các cô gái bán dâm. Là vùng đất mà những cụ ông cụ bà tuổi thất thập cổ lai hy lê từng bước, tụ quanh người hướng dẫn tour để nghe ông/bà tour guide giải thích  về sinh hoạt của khu đèn đỏ. Là vùng đất  mà người bán hoa, khách mua hoa hay xem hoa thuộc  đủ màu da, tiếng nói. Là thế giới kỳ lạ chỉ có ở  Amsterdam mà thôi. (Còn tiếp)

Nguyễn Hồng Anh

Trích TVTS số 1532 – 5.8.2015

————————————————-

* Đính chính và thêm thông tin cho bài tuần trước: Vé khứ hồi $2,296 Úc kim không phải cho hai người mà cho một người. Khác với chuyến đi, không hiểu tại sao chuyến bay về từ Vienna đến Doha và từ Doha đến Melbourne, Qatar Airways phục vụ rượu bia đầy đủ trong các bữa ăn. Họ bày rượu bia trên xe đẩy và cho uống thả dàn, nhưng thức ăn vẫn làm theo lối Hồi giáo.