Hòa Lan: Một buổi chiều mùa hạ gặp lại nhạc sĩ Nguyễn Quyết Thắng (kỳ 1)

17 Tháng Bảy, 2015 | Hòa Lan
Gặp lại nhau 34 năm sau. hình trái: Nguyễn Hồng-Anh (phải) và Nguyễn Quyết Thắng tại trại tị nạn chuyển tiếp Singapore năm 1981. Hình phải: Nguyễn Hồng-Anh (phải) và Nguyễn Quyết Thắng tại Hòa Lan năm 2015

Trong một bài viết của cô Trang Đài cách đây hai tuần, bạn đọc  đã có dịp biết phần nào về cuộc đời và hoạt động của nhạc sĩ du ca Nguyễn Quyết Thắng, một người có thể được coi như con chim đầu đàn của phong trào du ca hải ngoại sau khi nhạc sĩ du ca Nguyễn Đức Quang qua đời.

Tại sao người viết gọi anh là con chim đầu đàn? Bởi thời gian tham gia phong trào du ca của Nguyễn Quyết Thắng, hoạt động của anh trước năm 1975 và sau khi ra hải ngoại đến nay. Bởi số lượng trên một trăm tác phẩm mà anh viết cho phong trào du ca. Nhưng đáng nói nhất là tấm lòng anh dành cho phong trào, cho những người bạn cùng chí hướng trước đây và sau này. Nguyễn Quyết Thắng đã lập ra trang mạng du ca để duy trì tinh thần của phong trào, để những anh chị em khắp nơi ở hải ngoại có thể liên lạc với nhau. Gần nửa thế kỷ với bao đổi thay mà vẫn còn gắn bó. Nguyễn Quyết Thắng là thế.

Người viết  không phải là thành viên của phong trào du ca nhưng quen  biết  Nguyễn Quyết  Thắng khi gặp nhau ở trại tị nạn chuyển tiếp  Singapore.  Một tháng chờ đi định cư ở Nam Úc đã để lại nhiều kỷ niệm.  Vì cả hai cùng lứa tuổi, cùng sở thích viết nhạc và biết hát,  với những mơ ước có phần giống nhau qua dòng nhạc của mình.

Vì vậy mà chúng tôi –một du ca và một “rong ca”—trở thành bạn bè trong thời gian ở Singapore qua những buổi văn nghệ khi Nguyễn Quyết Thắng chờ định cư ở Hòa Lan do được tàu buôn của nước này vớt ngoài biển.

Nguyễn Hồng Anh (cầm đàn) và bằng hữu của anh chị Nguyễn Quyết Thắng và Minh Chiến tại thành phố Hoorn phía bắc Amsterdam. Hình: TVTS

Qua Úc  một thời gian,  do di chuyển nhiều lần và do tôi không còn hoạt động văn nghệ nên vài năm sau tôi mất liên lạc với anh. Cho đến khi đã mua vé đi du lịch Hòa Lan, tìm trang mạng của du ca hỏi Nguyễn Quyết Thắng thì được anh trả lời bằng gởi bức hình hai đứa chụp với nhau cách đây 34 năm tại Singapore và hình bây giờ của Thắng. Sự chân tình Thắng dành cho tôi cũng như xưa, có lẽ đó là bản tính con người của anh.

Thắng nói trừ phi phải bay về Việt Nam bất thình lình vì sức khỏe của bà mẹ đã trên 90 tuổi, còn không thì Thắng sẽ dẫn tôi đi thăm những nơi nào ở Hòa Lan mà tôi muốn.

Trong 4 ngày ở Hòa Lan, vợ chồng chúng tôi được Thắng cho “nghỉ” một ngày để làm gì tùy ý, những ngày còn lại, vợ chồng Thắng từ thành phố Hoorn cách Amsterdam 35 cây số về phía bắc, lái xe xuống khách sạn đưa đón chúng tôi, chăm sóc chúng tôi một cách tận tình.

Nhưng điều làm vợ chồng chúng tôi thích nhất là Thắng đã theo đề nghị của tôi, mời  một số thân hữu đến nhà Thắng nghe tôi giới thiệu các ca khúc của tôi. Vì không hẹn trước và phần lớn bạn bè đều đi xa trong mùa holiday nên Thắng đã không tổ chức cho tôi trình diễn trong một hội trường như anh vẫn thường làm đối với các nghệ sĩ thân hữu từ Hoa Kỳ sang.

Người Việt ở Hòa Lan không nhiều và không sống tập trung như ở Mỹ hay Úc,  nhưng các bạn của Thắng –trên mười người– dù xa xôi trên dưới trăm cây số, thậm chí có người ở xa đến hai trăm cây số cũng đến để nghe.

Vợ chồng anh chị Nguyễn Quyết Thắng trình diễn những ca khúc do anh sáng tác. Hình: TVTS

Nhà ở Hòa Lan phần lớn không rộng như nhà ở Úc. Hoorn (đọc Hô-rần) là một thành phố cổ phía bắc thủ đô Amsterdam, đường phố nhỏ, nhiều cây xanh. Nhà của Nguyễn Quyết Thắng là một loại nhà town house/ unit hai tầng sát vách mái ngói dựng đứng có một mảnh vườn rộng bằng một nửa diện tích mặt bằng, nơi đây có những cây phong tím thẫm của Nhật Bản, giàn hoa giấy, hoa hồng trông rất tình tứ cho một cặp vợ chồng nghệ sĩ  nay đã có cháu nội cháu nội cháu ngoại.

Thắng giới thiệu vài lời về tôi cho mọi người và dành thời gian cho tôi hát hay nói chuyện. Sau khi đề nghị Thắng và chị Hồ Minh Chiến sẽ hát vài bài, tôi bắt đầu những bản nhạc về thân phận của người tị nạn, những bài mà tôi đã từng hát với Thắng khi còn ở trại tị nạn chuyển tiếp Singapore.

Tự nhận mình là người hát rong, người viết ngồi ôm đàn vừa hát vừa nói chuyện với những người ngồi trước mặt và chung quanh. Đây là lối “trình diễn” mà tôi thấy thoải mái nhất.

Lời của bài hát về quê hương Như Người Việt Nam đã được anh Đồng Thái nhận xét rất hay, rất chính xác vì đó là bản sắc của người Việt Nam, nhưng anh nói nếu người Việt Nam nào cũng có những đức tính như trong ca từ của bài hát thì Việt Nam đã không như ngày hôm nay. Về câu kết “Việt Nam qua cơn đau, tiếng thơm ngát địa cầu, sống là người Việt Nam, chết là người Việt Nam” anh nói người Việt Nam (cộng sản) ở trong nước thì không nói gì, nhưng người Việt Nam ở hải ngoại cũng làm cho mình xấu hổ vì những vụ buôn bán ma túy.

Tôi cho rằng dân tộc nào cũng có những cái tốt và cái xấu, và đôi khi mình phải chấp nhận. Như vợ chồng chúng tôi, cách đây vài ngày, khi đi qua phi trường Melbourne, từ khâu di trú đến khám xét an ninh, chúng tôi bị khám xét hai lần về ma túy trong số hàng chục người cùng xếp hàng với chúng tôi. Họ xét theo lối tình cờ nhưng chúng tôi bị xét đến hai lần (mà không thấy người khác bị khám) chứng tỏ người Việt (hay Á Châu) là mục tiêu. Nhưng tôi không coi đó là chuyện bực mình hay xấu hổ.

Anh Nguyễn Hiền, một dược sĩ,  chăm chú nghe từng lời của ca khúc Hòa Bình Lừa Dối và sau đó yêu cầu tôi hát thêm lời tiếng Anh. Anh nói tôi dịch sang tiếng Anh rất sát. Tôi kể chuyện bài này tạo ấn tượng rất mạnh với người nghe khi tôi vừa đến Úc.  Trong một buổi văn nghệ, sau  khi hát xong, một cô phóng viên người Úc viết bài tường thuật nói rằng một người tị nạn không xu dính túi hát với cây đàn mượn,  nên vài ngày sau tôi đã được công ty bán đàn Allan ở thành phố Adelaide Nam Úc mời đến tặng cho cây đàn guitar.

Nguyễn Hồng Anh trình diễn ca khúc Thiền Sư Xuống núi lần thứ ba theo yêu cầu của chị Chế Thanh Tâm (thứ năm từ trái). Hình: TVTS

Nguyễn Quyết Thắng đề nghị tôi hát một ca khúc đã làm anh suy nghĩ rất nhiều trong số các bài trong 3 cái CD của tôi. Anh nói với thân hữu rằng lời ca của Boat People Dance tuy rất đơn giản nhưng có một sự gì kỳ lạ, ghê rợn, bi thương, thống thiết mà chỉ có những người đã trải qua kinh nghiệm như thế nào đó mới viết như vậy. Thắng cho rằng giai điệu của bài hát cũng độc đáo. Tôi giải thích vì đi biển gặp sóng gió nên viết điệu ChaChaCha để tạo thêm cảm xúc thật mạnh cho người nghe.

Thắng chỉ yêu cầu tôi hát một bài trong số mấy chục ca khúc của tôi.  Tôi nói  mặc dù ca khúc này rất được nhiều bạn bè thích, nhưng vì hát chỉ với một cây đàn guitar gỗ thì không diễn tả hết được những gì mình muốn, nên tôi đã không tập và cũng không thuộc, do đó không thể trình diễn sống như  Thắng đề nghị.  Tôi nhờ  anh mở đĩa CD để mọi người nghe tạm ca sĩ Tuyết Mai hát trong không khí một buổi chiều văn nghệ bỏ túi   của một người từ nửa trái địa cầu đến hát và chia sẻ tâm tư tình cảm với đồng hương ở đất nước thơ mộng nằm dưới mực nước biển.

Qua phần nhạc quê hương và thân phận, Thắng đề nghị tôi hát những tình ca. Anh Hiền đề nghị tôi hát bài Em Là Hoa. Tôi nói bài này tôi không thuộc nhưng tôi không thích hát nhìn vào bản nhạc (mà có nhìn thì cũng không chắc thấy rõ) nên tôi xin giới thiệu ca khúc Dư Hương, nói về tình yêu tuổi học trò, tình yêu trong sân trường, một ca khúc tôi cho là “dễ thương” vì tình cảm nhẹ nhàng, như những gì còn đọng lại sau khi những đóa hoa biết nói rời khỏi sân trường. Vài người hỏi có ai là cựu học sinh trường Lê Bảo Tịnh không nhưng chỉ có chị Chế Thanh Tâm vợ của anh Thái nói cha chồng trước năm 1975 dạy Lê Bảo Tịnh nhưng sau đó bị học tập cải tạo, còn chị thì học Marie Curie.

Tôi giới thiệu bộ ba ca khúc về Thiền. Thiền Sư Xuống Núi, Của Hồi Môn và Thiền Sư Lên Núi mà tôi cảm tác sau khi đọc tiểu thuyết câu Chuyện Giòng Sông của nhà văn Đức Hermann Hesse. Chị Tâm nghe như nuốt từng lời ca cho nên sau khi hát xong bài Thiền Sư Xuống Núi, chị yêu cầu tôi hát lại một lần nữa.

Sau khi hát ca khúc Il Est Temp De Partir mà tôi viết bằng tiếng Pháp năm 1979 và gần đây dịch sang tiếng Việt, tôi nhường micro cho Nguyễn Quyết Thắng và đề nghị anh và vợ là chị Minh Chiến cùng trình diễn cho vợ chồng chúng tôi nghe, vì khác với các thân hữu có mặt, chúng tôi chưa được dịp nghe hai vợ chồng anh chị song ca.

Chị Minh Chiến ngày xưa là ca viên của phong trào du ca ở Ban Mê Thuột. Sau nhiều năm sinh hoạt trong đoàn, năm 1971 họ cưới nhau, sinh được 3 con. Năm 1981 Thắng vượt biên một mình được tàu Hòa Lan vớt. Anh có thể xin định cư ở Mỹ nhưng đã chọn Hòa Lan vì nơi đây cho đoàn tụ rất nhanh trong khi Việt Nam thời đó còn bị Mỹ cấm vận và việc đoàn tụ rất khó khăn.

Minh Chiến đơn ca và song ca với chồng, hát những  ca khúc do anh sáng tác. Hai vợ chồng hát chung một bài, sau đó mời chúng tôi cùng tham gia bằng cách hát một điệp khúc ngắn do anh tập cho chúng tôi, và mỗi khi hai vợ chồng hát xong tiểu khúc, chúng tôi cùng hát lại điệp khúc.  Vợ chồng chúng tôi đã được dịp nghe vợ chồng Chiến-Thắng hát song ca nhạc sống lần đầu tiên.

Và cuối cùng Thắng hát một ca khúc có ca từ hơi giống bài Thiền  Sư Xuống Núi của tôi, bài Ngàn Năm Nào Ngưng Đọng, phổ thơ của một người bạn.

Anh Nguyễn Xuân Hiệp mời tác giả Nguyễn Hồng Anh cá sống herring, một đặc sản của xứ Hòa Lan mà anh mang lên Hoorn từ thành phố Delft nơi anh ở. Hình: TVTS

Trước khi nhập tiệc, cùng nhau ăn tối do vợ chồng Chiến-Thắng đãi, chị Tâm một lần nữa yêu cầu tôi hát bài Thiền Sư Xuống Núi. Tôi rất sẵn sàng, không cần micro, đứng dậy ôm đàn tới gần người nghe và hát cho họ, một lối “hát rong” mà tôi thích.

Trong lúc ăn uống, chúng tôi kể chuyện cho nhau nghe. Chị Chế Thanh Tâm và anh Nguyễn Quyết Thắng  đề nghị tôi nên làm một CD do chính tôi hát bởi thính giả vẫn thích người nhạc sĩ hát nhạc của họ hơn. Tôi nói giọng tôi đâu hay bằng ca sĩ chuyên nghiệp, nhưng cả Nguyễn Quyết Thắng và chị Tâm đều cho rằng giọng tôi vẫn còn hay và tin rằng, nếu thực hiện CD do chính mình hát, thì sẽ thành công.

Một buổi chiều thật đẹp trong ngôi nhà có nhiều hoa, chỉ tiếc là đất nước hoa Tulip đã qua mùa hoa, nhưng mỗi một người nghe đối với tôi là một đóa hoa khi họ nghe và cảm nhận được tâm tư của tôi qua dòng nhạc tôi đang mang lại cho đời. Dù rất trễ, nhưng còn hơn không.

Viết bài này để cám ơn những người bạn mới quen biết ở xứ hoa Tulip.

Berlin, ngày 17.7.2015

Nguyễn Hồng Anh

Trích TVTS số 1530 – 22.7.2015