Hòa Lan: Một vòng Amsterdam, Delft và The Hague (kỳ 5)

19 Tháng Tám, 2015 | Hòa Lan
Bảo tàng Madame Tusseau và Royal Palace (góc phải) nơi hoàng gia ra mắt công chúng hay tiếp quốc khách. Hình: NHA

Quảng trường Dam Square ở thủ đô Amsterdam. Du khách vây chung quanh người làm xiệc đi xe đạp một bánh trước tượng đài National Monument (màu trắng). Hình: NHA

Khi nói đến Hòa Lan, cái gì làm cho bạn nghĩ đến đất nước này trước tiên? Chắc chắn không chỉ là khu đèn đỏ với mại dâm tủ kính như tôi đã trình bày trong hai số báo vừa qua. Cũng không hẳn là những tiệm bán và hút cần sa hợp pháp. Đất nước này còn cấp tiến và phóng khoáng hơn nữa, bởi tại nơi đây, người ta có thể chết theo ý muốn (nan y tử quyền) và Hòa Lan là nước đầu tiên trên thế giới thừa nhận hôn nhân đồng tính là hợp pháp, từ năm 2001 lận.

Ngoài “bốn món ăn chơi” nói trên khó tìm  thấy ở các nước khác, Hòa Lan có gì lạ để cho người Việt Nam nghĩ về họ khi nước này không có dây dưa rễ má về thuộc địa cũng như chiến tranh với Việt Nam?

Ai ở Miền Nam sau hiệp định Geneva mà đã không một lần cho con thơ uống sữa của Hòa Lan?  Nếu bạn là người ghiền cà phê sữa bạn phải biết Sữa Ông Thọ.

Sữa Ông Thọ Longevity, một loại sữa đặc có đường nổi tiếng ở Miền Nam là một thương hiệu của hãng sữa Hòa Lan, nhưng khi cộng sản chiếm được Miền Nam, họ quốc hữu hóa hãng Foremost ở Biên Hòa, đổi tên thành Vinamilk.

Sau khi cộng sản mở cửa kêu gọi đầu tư nước ngoài, Hòa Lan kiện, nhưng nghe nói tòa chỉ cho thắng một nửa: Foremost được lấy lại cái tên Longevity với hình ông già  cầm trái đào tiên, còn hãng Vinamilk vẫn giữ cái tên Sữa Ông Thọ nhưng bây giờ hình ông già thì không cầm trái đào mà có đám trẻ vây quanh!

Hình trái: tour guide dẫn đường đón xe bus đi thăm viếng Delft và The Hague. Hình: NHA

Lấy lại được nửa cái thương hiệu là may, chứ Giáo hội Công giáo thì chẳng lấy lại được đất đai, trường học, tu viện bị “tiếp thu”  mà thực chất là cướp đoạt.

Và nếu những độc giả lớn tuổi ngày xưa có nghe đài phát thanh thì chắc chắn sẽ rất hãnh diện có được cái máy la-dô to kềnh láng bóng hiệu Philips của Hòa  Lan. Máy móc bằng điện của Hòa Lan thời đó như  máy hát đĩa, máy hát băng (magnetophone) rất được ưa chuộng cho đến khi bị các thương hiệu của Nhật như Akai đè bẹp và đẩy ra khỏi thị trường Miền Nam.

Và chắc chắn không ai là không biết hãng xăng nổi tiếng hàng đầu thời  đó ở Miền Nam là hãng Shell.

Với chỉ chừng đó thành tích, sẽ không lạ Hòa Lan đã từng là một đế quốc thực dân đi chiếm thuộc địa từ thế kỷ thứ 17. Những nước từng là thuộc địa  gồm Nam Dương, Nam Phi (tiếng Nam Phi Africaans hơi giống tiếng Hòa Lan). Một số nước ở Đông Nam Á bị Hòa Lan chiếm trong thời gian ngắn như Brunei, Mã Lai.

 

Đôi giòng về lịch sử Hòa Lan

Hòa Lan (còn gọi là Hà Lan) được dịch âm từ chữ  Holland (hay Hollande). Các tên khác gồm  Pays-Bas (tiếng Pháp), Netherlands (tiếng Anh) hay Nederland (tiếng Hòa Lan, được phiên âm là Ni Đức Lan nhưng ít được dùng);  tất cả đều có nghĩa xứ thấp hay đất thấp, vì phần lớn đất Hòa Lan nằm thấp hơn mực nước biển và khoảng một phần năm diện tích quốc gia này là nước (hồ nước). Vương quốc Hòa Lan bao gồm Holland và các hòn đảo Aruba, Curacao và Sint Maarten ở vùng Carribean. Dân số ở các đảo này chừng 280,000 người.

Amsterdam, thủ đô của xe đạp: người đi bộ phải lo liệu mà tránh xe đạp. Hình: NHA

Tiếng Hòa Lan (Dutch) thuộc nhóm ngôn ngữ Đức, là ngôn ngữ được nói bởi 24 triệu người, bao gồm 16 triệu người ở Hòa Lan và những người ở Bỉ (một nửa dân số Bỉ), Suriname. Người Hòa Lan biết nhiều thứ tiếng khác như Anh để giao tiếp và Đức để học hỏi về kỹ thuật.

Đất nước Hòa Lan từ xưa đã có những giống dân định cư trước khi bị người La Mã chinh phục vào thế kỷ thứ 1,  và các thế kỷ sau đó bởi người Đức, người Franks, Frisians, người Pháp  và cuối cùng bởi Tây Ban Nha vào thế kỷ 16. Chiến tranh giữa Hòa Lan và Tây Ban Nha kéo dài cả trăm năm. Trong thời gian này, ngành hàng hải Hòa Lan nở rộ với việc thành lập Công ty Hòa Lan Đông Ấn (The Dutch East India Company) và việc chiếm thuộc địa ở phía nam Phi Châu.

Người ta thường cho rằng thuyền trưởng James Cook của Anh là người đầu tiên khám phá ra Úc Châu vào năm 1770  (Đệ nhất Hạm đội đến Botany Bay năm 1788) nhưng thật ra chính người Hòa Lan mới là người đầu tiên khám phá Úc Châu:  Ông Willem  Jansz năm 1606 và Abel Tasman khám phá Tasmania năm 1642.

Tây Ban Nha chỉ nhìn nhận Hòa Lan độc lập vào năm 1648. Buôn bán bằng đường hàng hải cũng đã dẫn đến nhiều trận chiến với Anh giữa thế kỷ 17 cho đến khi William of Orange làm hòa với Anh, cưới công chúa Mary của Anh và trở thành vua của nước Anh năm 1688.

Các trận chiến tiếp theo giữa Hòa Lan với Tây Ban Nha, với Pháp làm cho Hòa Lan suy yếu, không còn là một cường quốc cực thịnh như vào cuối thế kỷ 17.

Quảng trường thành phố Delft với tòa thị chánh (góc trái) và ở giữa là nhà thờ mới New Church nơi chôn cất các thành viên hoàng gia Hòa Lan. Hình: NHA

Và sau hai trận thế chiến vào thế kỷ 20, Hòa Lan không còn là một cường quốc nữa.  Tuy nhiên đất nước này vẫn là một trong những quốc gia giàu có, ổn định và sống trong yên bình.

Về tôn giáo, cho đến thế kỷ thứ 16 Công giáo là tôn giáo chính của Hòa Lan, nhưng sau cuộc cải cách tôn giáo, đạo Tin lành Lutheran chiếm  ưu thế và sau cùng là đạo Calvinist. Mặc dù Hòa Lan ngày nay theo quân chủ lập hiến và là xã hội thế tục, và mặc dù người Công giáo đông nhất (26%)  đạo Tin Lành  (13%) vẫn được coi như tôn giáo chính của nước này. Tại sao? Bởi những người kế vị ngai vàng và phối ngẫu phải là người đạo Tin lành của Hòa Lan (Protestant Church in Netherlands/ Dutch Reformed Church).  Chính vì vậy, khi Thái tử Willem Alexander cưới vợ là một người Á Căn Đình đạo Công giáo, quốc hội phải tu chính luật để Thái tử lên ngôi như hiện nay. Nói chung, người Hòa Lan thoáng về mặt tín ngưỡng. Rất phóng khoáng về mặt xã hội như qua “bốn món ăn chơi” đã nói.

 

Thủ đô Hòa Lan ở đâu?

Hầu như ai đến Hòa Lan thì sẽ thăm Amsterdam, thành phố lớn nhất và lâu đời nhất của nước này. Nguyên thủy là một làng chài nằm cạnh con sông Amstel. Năm 1270 người ta xây con đê ngăn lụt nên đặt tên là Amsterdam bằng cách gắn tên con sông với cái đê (dam).

Phức hợp Binnenhof nằm trong hồ Hofvijver nơi có trụ sở quốc hội và văn phòng của thủ tướng Hòa Lan. Hình: NHA

Khách sạn Park Victoria Plaza (cạnh Central Station) tôi trọ nằm đầu đường Damrak, là con đường chính của thành phố chạy dài (khoảng 500m) tới Dam Square, quảng trường của thành phố.  Có thể gọi ngắn gọn quảng trường này là The Dam hay bằng tiếng Hòa Lan là De Dam (nghe hơi giống tiếng Anh).

Quanh quảng trường có (tháp) National Monument, bảo tàng viện sáp Madame Tusseau,  Hoàng Cung (Royal Palace, nay chỉ dùng tiếp quốc khách, tổ chức nghi lễ), Nieuwe Kerk (New Church, “mới” nhưng xây từ năm 1400 lận, sát vách hoàng cung) là nơi cựu Nữ hoàng Beatrix và đương kim quốc vương Willem Alexander, các nữ hoàng bà nội, nữ hoàng bà cố của vua làm lễ đăng quang.

Thành phố Amsterdam được hiến pháp của Hòa Lan nhìn nhận là thủ đô (capital) chính thức của nước này.

Nếu bạn có thì giờ, có thể thăm một vài nơi nổi tiếng như bảo tàng viện Van Gogh, bảo tàng Rembrandt, Anne Frank House và Khu Do Thái, chợ trời Flea Market v.v… Kênh đào và đường sá Amterdam hình giống một nửa cái mạng nhện. Bạn có thể di chuyển dễ dàng bằng xe tram, vì tất cả mọi tuyến đường (mạng nhện) đều quy về ga trung ương Amsterdam Centraal (chữ Hòa Lan).

Nhà cửa của Hòa Lan có đặc trưng rất dễ nhận ra với màu sắc tương phản, màu mè, đậm, sáng và mạnh. Nhạc sĩ du ca Nguyễn Quyết Thắng chỉ  cho chúng tôi những cột sắt có ròng rọc gắn trên nóc các nhà lầu ba bốn tầng trong khu phố, nhô ra ngoài đường. Anh cho biết các cột đó dùng để kéo đồ vật, thực phẩm dự trữ lên lầu  (vì không có thang máy). Cũng như nhà của anh, kho chứa đồ nằm trên tầng thứ ba, tức gác cao nhất;  đó là thiết kế nhà cửa tôi thấy hơi lạ ở xứ Hòa Lan.

Bức tranh Nightwatch của danh họa Rembrandt được làm bằng sứ, một tác phẩm khổ rất lớn, trưng bày trong xưởng làm đồ sứ Royal Delft. Hình: NHA

Chị Minh Chiến vợ của anh hỏi tôi thấy có cái gì đặc biệt nhất ở Hòa Lan. Tôi không nghĩ ra và chị nói đó là xe đạp, quá nhiều xe đạp trên đường phố. Thật vậy, trong ngày đầu, ra đường tôi rất sợ bị  xe đạp tông vì có quá nhiều xe và họ chạy rất nhanh, khiến có lúc tôi không dám băng qua đường có xe đạp chạy. Hình như  người chạy xe đạp không (biết) nhường cho người đi bộ.

Ở  gần trạm xe lửa trung ương, tôi thấy có một bãi xe đạp nhiều không kể xiết.  Một người hướng dẫn du lịch cho hay, bãi đó chứa 5,000 chiếc xe.  Tôi nghe nói ở thành phố Copenhague của Đan Mạch người ta đi xe đạp rất nhiều, nhưng không biết có nhiều như Amsterdam không?

 

Thành phố chính trị của Hòa Lan

The Haye hay La Haye (tiếng Pháp), Den Haag (tiếng Hòa Lan) là tên thành phố mà hầu như người  Việt nào quan tâm tới chính trị, pháp lý đều biết, bởi nơi đây có nhiều tòa án quốc tế để xét xử những vụ tranh chấp hay những tội phạm quốc tế như The International Court of Justice (ICJ, Tòa án Công lý Quốc tế),  International Criminal Court (ICC, Tòa án Hình sự Quốc tế).  Tòa án đầu xử những vụ tranh chấp quốc tế như vụ Phi Luật Tân khiếu nại Trung Cộng về hoạt động trên Biển Đông. Tòa án sau xử những vụ án hình sự quốc tế, tội phạm đối với nhân loại như vụ xử cựu Tổng thống Nam Tư  Slobodan Milosevic.

Cũng là cảnh vật phố kênh đào, nhưng ở Delft yên tĩnh hơn Amsterdam. Hình: NHA

The Hague còn là nơi có trụ sở quốc hội, nơi chính phủ làm việc và cũng là nơi nữ hoàng hay quốc vương trú ngụ. Mặc dù không được coi là thủ đô nhưng The Hague mới thực sự là trung tâm quyền lực của Hòa Lan. Các tòa đại sứ nằm ở nơi đây và vì thế, cứ mỗi lần đến ngày 30 tháng 4, cộng đồng người Việt kéo nhau tới The Hague, biểu tình trước sứ quán cộng sản Việt Nam.

Trong bốn ngày ở Hòa Lan, ông bạn nhạc sĩ du ca Nguyễn Quyết Thắng để cho chúng tôi một ngày được tự do, nghỉ ngơi hay đi đâu đó tùy ý. Tôi dùng buổi sáng lên ngồi trên xe tram đi lung tung trong thành phố ngắm cảnh thay vì mua vé City Sight Seeing bằng tàu đi ngắm  thành phố, nhảy lên nhảy xuống tùy ý (hop on – Hop off by boat), giá vé 19 Euros trong 24 tiếng đồng hồ. Bạn cũng có thể đi tour xem thành phố bằng xe bus giá 25 Euros một người trong hai tiếng rưỡi. Hay mua tour đi bộ xem khu đèn đỏ với giá vé 25 Euros trong hai tiếng.

Buổi chiều, chúng tôi mua vé đi tour “Delft & The Hague” kéo dài 5 tiếng rưỡi với giá 45 Euros một người. Hai thành phố này nằm phía tây nam, cách Amsterdam khoảng 60km và 63km.

The Hague là thành phố lớn thứ ba của Hòa Lan, cách Rotterdam, thành phố lớn thứ nhì của Hòa Lan chừng 26km.

Hạ viện Hòa Lan (tòa nhà bên phải) trong phức hợp Binnenhof. Hình: NHA

Đây là chuyến đi tour duy nhất của chúng tôi tại Hòa Lan.  Du khách được đưa thăm viếng Delft  trước tiên.  Delft nằm giữa hai thành phố The Hague và Rotterdam, là một thành phố có nét riêng nổi tiếng của Hòa lan vì là nơi chôn cất của các thành viên hoàng gia Hòa Lan, nơi có nhiều con kênh rất đẹp, trường Đại học Kỹ thuật Delft, Viện Giáo dục về Thủy lợi, nơi làm đồ gốm Xanh hoàng gia nổi tiếng của nước này được gọi là Delft Blue.  Khách được dẫn đi xem tiến trình làm đồ gốm từ lúc đầu cho đến khi hoàn tất. Tôi có cảm tưởng gốm hoàng gia Hòa Lan học theo lối làm gốm của người Tàu (Hình như ở bất cứ nơi đâu, du khách đi tour luôn được dẫn đi xem tiểu công nghệ để khách mua đồ làm kỷ niệm mà những nơi này giá cả thường đắt hơn ngoài phố).

Quảng trường hình chữ nhật của thành phố Delft không lớn nhưng thanh lịch, kiêu sa với Tòa Thị chính đồ sộ cổ kính  đối diện với ngôi thánh đường có tên New Church (Nieuwe Kerk, “mới” nhưng cũng hàng trăm tuổi) bên trong nhà thờ có lăng của Hoàng tử William of Orange. Gần đó có căn nhà nơi họa sĩ Johannes Vermeer cư ngụ vào thế kỷ 17.

Có thể nói, theo những gì tôi được thấy ở Hòa Lan, Delft là một thành phố đẹp một cách sang trọng.

Sau thành phố Delft, chúng tôi được đưa đến The Hague để ngắm cung điện của vua chúa, quốc hội và Tòa án Công lý Quốc tế.  Trụ sở tòa án có tên “Peace Palace”, cạnh cổng vào có dựng cột trụ bằng cẩm thạch  bên trong có ngọn lửa mang tên “World Peace Flame với danh sách 197 nước hội viên Liên hiệp quốc trong đó Việt Nam nằm  số thứ tự 193 theo vần ABC.

Quốc hội nằm trong khuôn viên Binnenhof (Inner Court), cung điện của các bá tước Hòa Lan từ thế kỷ 13. Toàn bộ phức hợp này nằm  trong hồ Hofvijver nên rất thơ mộng và tráng lệ. Nơi đây là trụ sở của thượng viện và hạ viện, là dinh thủ tướng. Chúng tôi được được vào sân trong của phức hợp để xem, sau đó đi vòng ra bên ngoài, tới trước cổng của hoàng cung, nơi Vua Willem Alexander làm việc. Nơi cư ngụ  của gia đình vua Hòa Lan  ở vùng ngoại ô trong rừng, như người hướng dẫn du lịch chỉ cho chúng tôi trên đường từ The Hague trở về Amsterdam.

Tác giả trước International Court of Justice ở thành phố The Hague. Hình: NHA

Đi tour được tiện lợi là không phải mất thì giờ tìm đường, tìm di tích thắng cảnh, được tour guide giải thích nhưng bị bất tiện là phải chờ nhau và nhất là có những nơi mình không thích lắm thì lại được cho ngắm lâu, còn những nơi mình thích lại chỉ cho xem phớt qua.

Những ngày còn lại ở

Hòa Lan, “hướng dẫn viên du lịch” Nguyễn Quyết Thắng lái xe đưa  chúng tôi đi xem, nên nơi nào thích thì chúng tôi dừng lại lâu hơn. Mà nơi nào nhạc sĩ du ca nhà ta đưa đi, chúng tôi cũng đều thích cả: một làng chài, một làng cối xay gió, một con đê lớn nhất nước Hòa Lan và thành phố quê hương thứ hai của anh.

Hẹn bạn đọc tuần tới.

Melbourne 14.8.2015

Nguyễn Hồng Anh

Trích TVTS số 1534 – 19.8.2015