Kể chuyện đường xa: “Vạn Lý Trường Thành” của Hòa Lan (kỳ 7)

27 Tháng Tám, 2015 | Hòa Lan
Mực nước biển (phải) bên kia đê Afsluitdijk cao hơn nước hồ IJsselmeer (trái) nhiều mét. Con đê rộng 90 mét cao dần từ mặt nước hồ qua mô đất nơi có tượng đài Kỹ sư Lely phía xa. Hình: NHA

“Chúa dựng nên con người, nhưng người Hòa Lan dựng nên đất đai”, hoặc “Chúa dựng nên thế giới, nhưng người Dutch dựng nên The Netherlands”, những câu này nói lên ý chí sắt đá và sức chiến đấu kiên trì chống chọi lại thiên nhiên của người dân ở vùng đất trũng, đất thấp so với mặt nước biển trong ngàn năm qua.

Nhưng cái gì giúp người Hòa Lan dựng nên đất đai? Thưa, đê điều.

Có đến một phần tư đất Hòa Lan hiện nay là do lấn biển, và để chống chọi với biển cả và bão tố, người Hòa Lan xây đê điều, từ rất lâu và sẽ còn nữa trong tương lai.

Thời Việt Nam Cộng Hòa, tôi nghe nói rằng muốn giỏi ngành kỹ sư về thủy lợi, đê điều sinh viên nên du học Hòa Lan.   Vì vậy, đến Hòa Lan mà không đi xem những con đê giúp nước này khỏi bị nạn hồng thủy là một sự thiếu sót.

Anh bạn nhạc sĩ du ca Nguyễn Quyết Thắng đã lên một chương trình hấp dẫn cho ngày cuối cùng của vợ chồng chúng tôi ở Hòa Lan: Xem đê chắn biển, thăm thành phố quê hương thứ hai của anh và gặp bạn bè của anh qua một buổi văn nghệ bỏ túi và bữa cơm gia đình. Đi du lịch kiểu này thì vui quá.

Thủ đô Amsterdam cách đê Afsluitdijk khoảng 92 km và thành phố cổ Hoorn khoảng 45 km về phía bắc. Tôi thấy công ty Tours & Tickets quảng cáo đi tour hai nơi này vé 70 Euros một người kéo dài 8 tiếng rưỡi. Du khách cũng có thể tự đi thăm các nơi này bằng xe lửa, phương tiện di chuyển rất phổ thông ở Amsterdam, nhanh và rẻ (Tôi đi xe lửa từ phi trường Schiphol tới Amterdam Centraal chỉ tốn đâu khoảng 5 Euros).

Nước (biển) hồ IJsselmeer nay là nước ngọt, cung cấp nước uống cho một triệu người Hòa Lan. Những viên đá nhập cảng từ Đức và Bỉ đắp dưới chân đê bảo vệ con đê dài 32 km. Hình: NHA

Đê dài nhất thế giới

Nguyễn Quyết Thắng từ thành phố Hoorn ở phía bắc lái xe xuống Amsterdam phía nam để chở vợ chồng chúng tôi trở ngược lên đê Afsluitdijk ở phía bắc. Từ khách sạn Park Victoria Plaza  lên đê mất khoảng hơn một tiếng.  Hình ảnh hai bên đường là vô số những quạt gió phát năng lượng wind turbo “xấu xí chướng mắt” (chữ của Thủ tướng Tony Abbott), những cánh đồng cỏ xanh rì  mà “tour guide” Nguyễn Quyết Thắng nói rằng có năm trồng cỏ cho bò, có năm trồng hoa tulip và những đàn bò giống Hòa Lan có những đốm trắng đen giúp cho Hòa Lan nổi tiếng về kỹ nghệ sản xuất sữa và phô mát.

Khi xe chạy vào con đê đã trở thành xa lộ có 4 làn cho xe chạy,  tôi có thể thấy nước của hồ IJsselmeer bên phải và nước biển của North Sea ở bên trái. Với cái đê rộng gần một trăm mét, tôi chỉ có thể thấy nước biển cao hơn nước hồ như đã nghe nói, nhưng với một không gian rộng và chân trời mênh mông tôi có cảm giác sự cách biệt giữa mực nước hồ và biển chẳng là bao.

Chúng tôi dừng lại ở đoạn có lầu vọng cảnh, nơi có tượng đài của “cha đẻ” của đê Afsluitdijk, tiếng Hòa Lan có nghĩa là con đê đóng lại, ngăn biển.

Bước xuống xe, tôi choáng ngợp với sự vĩ đại của con đê, thấy sự nhỏ bé của con người trước thiên nhiên. Trời Amsterdam đang mùa hè nhưng lạnh và hay có mưa bất chợt. May mắn trong bốn ngày ở đây thời tiết tốt dù thỉnh thoảng hơi u ám.  Nhiệt độ dưới 20 độ C và gió mạnh cho tôi cảm giác như đang ở khu bến tàu Docklands của Melbourne. Mỗi khi có bão xe cộ sẽ không được phép chạy trên đê này vì rất nguy hiểm, gió có thể thổi lật xe, người rớt xuống biển, hồ.

Tượng người thợ khuân từng viên đá để đắp đê. Hình: NHA

“Tour guide” Thắng dẫn chúng tôi lên tháp vọng cảnh nằm phía hồ, dưới chân tháp có bức tranh điêu khắc ba công nhân dùng tay xếp những viên đá để xây đập. Khi đứng trên lầu cao mới thấy sự cách biệt của mực nước biển và nước hồ.  Từ mặt hồ lên bờ là một khoảng cách, kế đến là đường cho xe đậu ngoạn cảnh,  rồi 4 làn cho xe chạy; giữa các làn xe này độ cao đã khác nhau. Tiếp đến là một dốc đê tôi đoán cao hơn 3 mét nơi đây có đường cho xe chạy, đậu và du khách đi bộ.  Mực nước biển bên này thấp hơn con đê nhiều mét nên khó mà tràn qua bên hồ, trừ phi bị nhận chìm dưới biển bởi thuyết khí hậu thay đổi, theo tôi nghĩ.

Chúng tôi dùng cầu vượt để qua phía bờ biển nơi được gọi là Afsluitdijk Monument. Ở bên này có tượng công  nhân khuân đá đắp đê, tượng đài kỹ sư Cornelis Lely, người khai sinh con đê chặn nước biển này và một số thông tin về con đê cạnh chân cầu.

Kỹ sư công chánh Cornelis Lely là Bộ trưởng Giao thông và Thủy văn, luôn có mộng xây một con đê ngăn Biển Bắc với Hồ nước mặn IJsselmeer. Từ thế kỷ thứ 17 người Hòa Lan đã có những kế hoạch và sơ thảo để xây một con đê nhưng dự án này chỉ khởi sự khi có trận bão lụt kinh hoàng  năm 1916 càn quét thành phố Amsterdam gây thiệt hại lớn lao khiến quốc hội Hòa Lan chấp nhận cho thực hiện.

Dự án con đê dài 32 km, rộng  90 mét, cao 7.25 mét  bắt đầu thực hiện từ năm 1927.

Để làm con đê như thế, phải cần đến 7,000 công  nhân làm việc không ngơi, làm bằng tay hay với dụng cụ thô sô,  với vật liệu là cát, đất sét và đá. Cát và đất sét là thổ sản có sẵn dưới lòng biển, chỉ việc đào lên, nhưng đá thì Hòa Lan không có, phải nhập cảng từ Bỉ và Đức. Ngoài ra còn phải cần đến 107 chiếc thuyền, 72 tàu kéo và 73 xà lan để chuyên chở vật liệu xây dựng một con đê dài nhất, to nhất thế giới cho đến ngày hôm nay, một công trình không thua gì Vạn lý Trường thành của Trung Hoa ngày xưa.

Căn nhà xinh xắn tiêu biểu của người Hòa Lan: Chị Minh Chiến (trái) vợ anh Thắng và nhà tôi ở vườn sau trong buổi hội ngộ tại thành phố Hoorn. Hình: NHA

Để xây đê, người ta đổ đất sét xuống biển, khi đất sét lên tới mặt nước biển, người ta đổ cát vào rãnh và đổ tiếp đất sét, rồi gia cố thêm lớp đệm gỗ bằng cây liễu, sau đó họ dùng tay chuyền từng viên đá đắp vào thân đê! Ngày 28.5.1932, viên đá cuối cùng được đặt xuống con đê này, chấm dứt chương trình làm việc liên tục kéo dài trong 5 năm, sớm hơn dự tính hai năm.

Nhưng khi đi tham quan, chúng tôi chỉ ngắm trong vòng hơn một tiếng đồng hồ, như vậy cũng là lâu lắm so với một chuyến đi tour bình thường.

Với kinh nghiệm làm đê bằng tay và với kỹ thuật hiện đại, người Hòa Lan đã thực hiện những con đê không những ngăn chận nước biển và còn chận sóng bão với kỹ thuật tân tiến nhất mà đầu óc người Hòa Lan có thể nghĩ ra– những cửa đóng, mở tự động chận và tháo nước khi cần, để chân họ luôn được khô ráo  vì quốc gia họ có một bờ biển rất dài và một phần tư diện tích nằm dưới mực nước biển.

Thực hiện được đê chắn biển Afsluitdijk, người Hòa Lan tạo thêm những vùng đất  mới, tỉnh mới như  tỉnh Flevoland, với tổng diện tích là  1650 km2 (Diện tích cả nước (41,543 km2). Và đồng thời cũng làm cho nước hồ Ijsselmeer xưa là cái vịnh (Zuiderzee, Biển Nam) nay trở thành hồ nước ngọt, cung cấp nước uống sạch (sau khi lọc) cho trên một triệu người Hòa Lan.

Nhạc sĩ du ca Nguyễn Quyết Thắng (góc phải) đã tạo tên tuổi từ cuối thập kỷ 1960 và đã sáng tác trên một trăm ca khúc. Độc giả có thể vào trang mạng của nhạc sĩ để nghe: www.nguyenquyetthang.com. Hình: NHA

Trong buổi họp mặt các thân hữu, Nguyễn Cung La, con trai của anh Nguyễn Quyết Thắng nói với tôi rằng nước vòi của Hòa Lan  an toàn và rất ngon, thơm hơn cả nước uống Sydney mà anh đã thử qua. Tôi hỏi anh vậy tại sao trong nhà bố của anh lại có nước trong chai, Cung La nói đấy chỉ là vỏ để đựng nước vòi! Các bạn của anh Thắng cũng cho rằng nước vòi Hòa Lan là số một. Tôi cũng lấy làm lạ tại sao nước uống ở Melbourne được xem an toàn bậc nhất thế giới nhưng thiên hạ (và nhà chúng tôi) vẫn dùng nước bán trong chai nhựa hay nước đã đun sôi. Có lẽ chỉ là thói quen?

Cũng xin nói thêm, cối xay ngoài việc xay lúa, ngũ cốc còn dùng vào việc tát nước trong hồ ra biển. Cũng chính vì vậy khi các hồ khô ráo thì đất lún xuống càng làm cho vùng này thấp hơn mặt nước biển. Do đó, đê điều luôn là mối lo nghĩ trong đời sống của người Hòa Lan, có lẽ mãi mãi về sau.

Chiều dài tất cả các con đê ở Hòa Lan gấp đôi chiều dài Vạn lý Trường thành bên Trung Hoa. Người Hòa Lan ngoài xây đê, lấn biển, còn đào các con kênh với chiều dài tổng cộng khoảng 5,000 km. Cũng chính nhờ hệ thống đê điều, dẫn thủy nhập điền mà họ là nước xuất cảng nông phẩm đứng hàng thứ ba thế giới! Bạn có biết mỗi ngày Hòa Lan bán chuyền tay 2 triệu bông hoa không? Còn hải cảng Rotterdam ở phía nam Amsterdam thì khỏi nói: hải cảng bận rộn… nhất thế giới.

 

Hoorn: tên đặt cho địa danh Cap Horn (Mũi Sừng)

Rời tháp ngoạn cảnh Afsluitdijk, chúng tôi trở về thành phố Hoorn (đọc hô-rần). Chúng tôi đã phải dừng lại trên đê năm mười phút vì có một chiếc du thuyền đang từ hồ ra biển băng qua con đê, do đó phải  mở cửa đập cho tàu đi qua (đi xe tram trong thành phố Amsterdam chúng tôi cũng đã từng bị dừng lại vì cầu được kéo lên để cho tàu ngắm cảnh chở du khách đi qua, nhưng đợi không lâu vì không nhiêu khê như đóng cổng hai đầu bờ đê  bơm hay hút nước để mặt nước bằng nhau hay thấp hơn cho tàu đi qua).

Nguyễn Quyết Thắng khi qua định cư ở Hòa Lan năm 1981, được bảo trợ định cư ở thành phố Hoorn. Tôi còn giữ bức hình Thắng gởi cho tôi khi anh trải qua mùa đông đầu tiên ở xứ này (vợ và ba con chưa đoàn tụ) đứng trước ngôi trường làng học tiếng Hòa Lan, tuyết phủ trắng sân, không thấy đất làm tôi cũng ước ao ngày nào được thấy cảnh tuyết như vậy.

Hôm nay, anh đưa chúng tôi đi vòng vòng thành phố trong mùa hè ở  cái xứ mà anh nói ít khi được trời nắng đẹp. Hoorn –nằm trong hồ Markermer được ngăn với hồ Ijsselmeer bằng con đê sau này –ngày xưa là một trong 6 căn cứ của Công ty Đông Ấn Hòa Lan, từng là một hải cảng phồn thịnh một thời. Bạn có biết rằng hai chiếc thuyền đầu tiên đến mũi đất dưới đáy Nam Mỹ là thuyền từ cảng Hoorn?  Năm 1616, nhà thám hiểm Willem Corneliszoon đã mạo hiểm tới đây và đặt tên cho chỗ này là Kaap Hoorn (Cap Horn) –Mũi Sừng—để vinh danh thành phố của ông.

Đội thương thuyền của Công ty Đông Ấn Hòa Lan những thế kỷ trước được thay thế bằng những chiếc du thuyền thể thao ngày nay. Hình: NHA

Cái tên Hoorn của thành phố này phát sinh từ nhiều giả thuyết trong đó có việc cho rằng một trong những cảng của thành phố này ngày xưa có hình dáng như cái sừng.

Ngày nay thành phố  Hoorn có khoảng  72,000 cư dân với khoảng 80 sắc tộc, trong đó nghe nói có chừng 150 người Việt (hay gia đình Việt). Đội thương thuyền không còn hoạt động nhưng Hoorn bây giờ trở thành một trung tâm thể thao mà chơi thuyền và đua thuyền là một môn thu hút nhiều người.  Thành phố này cũng thu hút nhiều dịch vụ tạo công ăn  việc làm cho khoảng 30,000 công nhân mà anh bạn du ca của tôi là một, sau khi học về điện toán và làm trong ngành này từ đó.

Thành phố Hoorn đẹp, khá yên tĩnh (vì tôi đến đây vào ngày Chủ Nhật chăng?) và có nhiều cây xanh, nhiều đường dành cho xe đạp (vợ chồng anh Thắng mỗi người có hai chiếc xe đạp).

Tôi đến Hoorn bởi vì đây là thành phố quê hương thứ hai của anh bạn tôi. Chúng tôi đã được anh và các bạn của anh đón tiếp nồng hậu, chân tình và đã để lại nhiều kỷ niệm qua buổi văn nghệ bỏ túi như tôi đã viết trong số báo 1530.

Số người Việt ở Hòa Lan được cho là 12,000 người hay 18,000 kể cả những người Việt sinh đẻ tại đây. Họ sống rải  rác, do đó trong những dịp lễ lạc lớn, cộng đồng  thường tập trung ở thành phố Nieuwegein nằm giữa nước Hòa Lan (giữa Amsterdam và Rotterdam về phía tây), tiện cho người từ các nơi khác dễ lui tới.

Cá nhân tôi, ngoài biết anh Nguyễn Quyết Thắng, từ lâu cũng biết Hòa Lan là nơi tinh thần chống cộng rất mạnh mà điển hình là vụ ông Nguyễn Gia Kiểng của nhóm Thông Luận qua đấy nói chuyện vào năm 1990 đã bị đánh gây chấn động khắp nơi một thời. Thứ đến là vụ “vua chả giò” Trịnh Vĩnh Bình mang tiền về làm ăn ở Việt Nam, bị tịch thu tài sản trên 30 triệu đô la và bị giam sau đó thoát về Hòa Lan, đã nhờ các công ty quốc tế kiện Hà Nội đòi bồi thường hàng trăm triệu đô (có tin khác một tỉ đô la). Nội vụ lình xình cả trên 10 năm và chưa đi đến đâu.

Về sinh hoạt truyền thông, ở đây có tờ báo tháng “Việt Nam Nguyệt San”  đã phát hành tới số 275 hôm tôi có mặt ở Hòa Lan.

Trên đường từ đê Afsluitdijk về thành phố Hoorn: Ngày nay ở Hòa Lan chong chóng ba lá phát điện “xấu xí chướng mắt” thay thế cho những chiếc cối xay gió. Hình: NHA

Báo này ghi “cơ quan ngôn luận của Cộng đồng Việt Nam Tỵ nạn Cộng sản tại Hòa Lan”. Báo tồn tại nhờ quảng cáo, số người mua ủng hộ dài hạn và nhất là sự đóng góp của những người muốn bảo tồn văn hóa và chống cộng.

Tôi ở Hòa Lan chỉ có bốn ngày, nên không biết gì nhiều hơn về sinh hoạt cộng đồng người Việt ở xứ hoa uất kim cương.

Ngày hôm sau, chúng tôi lên đường, từ Amsterdam (Hòa Lan)  đến Franfurt (Đức) bằng xe lửa. Qua chuyến Âu du  này, chúng tôi có một trải nghiệm lý thú khi di chuyển từ nước này qua nước kia chỉ bằng đường hỏa xa.

Melbourne 27.8.2015