Hy Lạp: Một vòng Athens, ăn uống và mua sắm (kỳ 8)

22 Tháng Chín, 2010 | Hy Lạp
City Tour: Đi xem thắng cảnh thành phố Athens bằng xe hai tầng

Nguyễn Hồng-Anh

***

Ở các nước tân tiến, di chuyển bằng phương tiện công cộng là tiện lợi nhất và dĩ nhiên rẻ nhất. Thành phố Athens có metro, xe bus chạy bằng xăng dầu và xe bus chạy bằng dây điện (như xe tram). Ngoài ra, tôi thấy một tuyến đường có xe tram trông rất đẹp mắt như loại xe tram đời mới nhất ở Melbourne.

Trong các chuyến du lịch chúng tôi thường sử dụng metro vì dễ đi nhất nhưng có nhược điểm vì chạy dưới hầm nên không thấy được cảnh thành phố. Bởi vậy, chúng tôi đã dùng một ngày để thăm thú thủ đô Hy Lạp bằng lối hop on – hop off, tức nhảy lên xe xuống xe bất cứ trạm nào mình muốn.

Có hai hãng xe loại hop on – hop off. Chúng tôi chọn mua vé của công ty có tên Athens City Tour, bán loại vé 2 ngày giá 15 Euro, chuyến đầu tiên khởi hành từ công trường Syntagma Square (đối diện với trụ sở Quốc hội) lúc 9 giờ 15 sáng và chuyến cuối cùng chạy lúc 10 giờ  tối.

13 trạm còn lại theo thứ tự gồm:

– Melina Merkouri/ Plaza

– New Acropolis Museum

– The Parthenon

– Temple of Zeus

– National Gardens

– Benaki Museum

– Panathenean Stadium

– National Gardens

– National Library

– National Archeological Museum

– Omonia Square

– Karaiskaki Square

– Thassion

– Kotzia Square/City Hall.

Đấy là nói các trạm dành cho xe Athens City Tour. Cứ nửa giờ có một chuyến, chạy vòng vòng quanh thành phố, dừng lại ở 13 địa điểm  khác nhau để khách nhảy lên và nhảy xuống tùy ý. Mỗi vòng kéo dài 1 giờ 30 phút. Từ trạm này đến trạm kia mất từ 3 phút đến 10 phút. Bạn muốn ngồi trên xe bao lâu tùy ý, cho đến khi xe hết chạy vào gần 12 giờ khuya (thời điểm của mùa hè).

Ngoài ra, hãng xe bus này còn cống hiến cho du khách nửa giá vé để đi tour ban đêm từ 18 giờ đến 24 giờ khuya: 8 Euro. Nếu bạn ở Athens lâu, tốt nhất mua vé 2 ngày để còn sử dụng nó đi tới lui trong thành phố ở 14 địa danh du lịch này thay vì đi xe bus thường.

Đi ngoài đường, gần các trạm dành cho Athens City Tour, có những nhân viên bán vé dạo mời mua. Khách sạn cũng có bán. Mời bạn cùng chúng tôi lên đường.

Tòa nhà Quốc hội Hy Lạp ở Thủ đô Athens

Athens by day, Athens by evening, Athens by night

Xe Athens City Tour có hai tầng, tầng trên mở rộng. Khách lên xe sẽ được tặng cho cặp earphone nhét tai để nghe lời hướng dẫn bằng 8 thứ tiếng trong đó có tiếng Nhật.

11 giờ trưa, chúng tôi từ khách sạn Herodion ra trạm dừng thứ  3 là New Acropolis Museum để đón xe. Giờ này trời đã bắt đầu nóng, chúng tôi chỉ ngồi ở tầng dưới vì có máy lạnh. Có vài thanh niên nam nữ lên tầng trên phơi nắng và để xem quang cảnh cho rõ hơn.

14 trạm là 14 địa danh văn hóa, nghệ thuật, khoa học và chính trị của Hy Lạp. Chúng ta đang rời trạm New Acropolis Museum để tới đền Parthenon.

Xe chạy qua mặt tiền đình Quốc hội, tòa nhà chúng tôi đã thấy trong ngày đầu tiên khi đặt chân tới thành phố này trong lúc tìm cách về khách sạn. Xe tiếp tục chạy qua khu vực Dinh Thủ tướng, được xem những toán lính mặc lễ phục váy ngắn bồng súng diễu hành bên ngoài thành và đổi ca gác trước cổng vào dinh.

Bạn đang tới một sân vận động trông rất đẹp mắt nhưng không giống bất cứ sân vận động tân thời nào, đó là Panathenean Stadium, sân vận động đăng cai Thế vận hội Olympic hiện đại đầu tiên vào năm 1896. Tiếp theo là khu vực có ba bốn kiến trúc cổ nằm kề nhau trên một con đường mà tôi nghe đấy là Đại học Athens, Thư viện Quốc gia.  Tới nữa bạn sẽ thấy Trường Bách khoa, Bảo tàng viện Khảo cổ Quốc gia (National Archeological Museum).

Tiếp đến là bùng binh Omonia Station nơi có khoảng 6 con đường lớn nhập lại với nhau, là một trung tâm lớn của thành phố Athens.  Dừng ở vài tạm trước khi  chạy qua quảng trường Monastiraki nơi có nhiều di tích văn hóa như Thư viện Hadrian. Đứng ở đây chụp hình Library of Hadrian, bạn có thể thấy hậu cảnh là đền Panthernon.

Từ đây bạn có để ngồi trên xe hay đi bộ một đoạn trên con đường có tên Athinas. Con đường này rất nhộn nhịp và phố xá trông bình dân bởi đấy là Central Market, trông giống Chợ Bến Thành hay Queen Victoria Market ở Melbourne. Cùng nằm bên phải con đường Athinas là một quảng trường lớn, không thấy người mà chỉ thấy hàng trăm con chin bồ câu đậu giữa sân, hút sâu bên trong là tòa nhà có tên Town Hall, tức Tòa thị chính Athens. Nơi đây xe Athens City Tour có trạm dừng. Đi bộ một đoạn, lại gặp ngã sáu Omonia Square mà tôi vừa kể với bạn. Thêm chút nữa là quảng trường Syntagma Square, khởi điểm của hành trình ngắm cảnh hop on hop off.

Các tiệm ăn ở khu Acropolis, sát vành đai New Acropolis Museum

Sau khi nhảy xuống vài trạm để ngắm cảnh như xem Temple of  Zeus ( đền Zeus này nằm ở khu Plaka gần Acropolis, khác với đền Zeus ở thành phố Olympia), chụp hình Thư viện HadrianTown Hall, bùng binh ngã sáu Omonia Square, chúng tôi về khách sạn ngủ một giấc và chiều lại lên xe Athens City Tour để không còn hop on hop off mà ngồi lì trên xe một vòng ngắm cảnh  “Athens by evening”.

Trở lại khách sạn ăn tối, chúng tôi lại ra đường đón xe để làm chuyến Athens by night cuối cùng cho đáng đồng tiền mua… vé xe bus và… vé máy bay qua Athens!

Mặt trời lặn, không khí Athens mát rượi. Bạn có thể cùng chúng tôi lên mui xe để tận hưởng gió mát (có trăng nữa chứ) và cảnh vật về đêm của một thành phố cổ vào bậc nhất ở Âu Châu mà di tích trải rộng khắp thành phố, đi dâu cũng gặp, nhìn đâu cũng thấy, đặc biệt là đồi acropolis cứ luôn hiện trước mắt bạn ở những góc độ khác nhau mỗi khi xe chạy vòng vòng trên tuyến đường Athens City Tour – hop on hop off.

 

Athens có gì đáng nhớ?

Tôi tiếp cận văn hóa Hy Lạp thời trung học. Những danh từ triết học, khoa học hay y học bằng Pháp ngữ có nguồn gốc hay vay mượn từ tiếng Hy Lạp đã phần nào tập cho tôi làm quen với đất nước này nên khi đến thành phố Athens tôi có cảm tưởng như đến Rome, Paris, nơi đã nghe nhiều nhưng nay mới được dịp thấy.

Bạn thích thể thao? Hy lạp cho bạn Olympic.

Bạn thích âm nhạc? Hy Lạp cống hiến cho thế giới một nữ danh ca có khuôn mặt khả ái và vẻ trí thức qua cặp kính cận thị, hát được nhiều thứ tiếng và ngôn ngữ nào hát cũng rất chỉnh. Đó là Nana Mouskouri mà chúng tôi đã được dịp nghe trình diễn một lần ở Melbourne cách đây hơn một thập niên.

Bạn thích phim? Những bạn cùng lứa tuổi với tôi chắc đã đọc cuốn truyện Zorba the Greek và xem cuốn phim cùng tên do Anthony Quinn đóng. Mấy chục năm sau, trên xe Athens City Tour, tôi có dịp nghe lại bản nhạc nổi tiếng của cuốn phim này, bây giờ trở thành một thứ dân nhạc được dùng khi người Hy Lạp nhảy múa tập thể. Nghe bản nhạc Zorba the Greek với tiếng đàn bouzouki, bạn tưởng mình đang ở trên bãi biển một hòn đảo nào đó của Hy Lạp, tiếng sóng vỗ, dật dờ bước chân nhịp 2/4 trên cát khi nhân vật Alexis Zorba tập vũ cho nhân vật Basil.

Chật chội nhưng vui: con đường ăn uống và bán đồ lưu niệm về đêm ở khu Plaka

Đất nước của Leonidas, Socrate, Archimedes, Alexander the Great ngày nay không giàu có hùng cường như các nước Âu châu lân bang nhưng có một cuộc sống thoải mái. Kinh tế trì trệ? Sắp phá sản nếu không được Liên Âu cứu? Ra vẻ người dân Athens không để ý đến chuyện đó.

Trước khi đi đến Athens, tôi có nghe một vụ khủng bố đặt bom nhưng không gây tử vong. Lại nghe đình công, chận đường. Nhưng một tuần lễ ở đấy đã trôi qua êm đềm.

Người Hy Lạp thích cuộc sống ở bên ngoài, ở mọi nơi đều có quán cà phê, tiệm bán thức ăn liền, tấp nập như ở Sài Gòn thuở nào và tà tà như người Pháp.

Người dân Athens phần lớn sống ở chung cư (nghe nói một căn apartment trung bình từ hai đến ba trăm ngàn đô la). Nhà ở ngoại ô không có vườn trước sau như ở Úc nhưng trông vững chắc, tường xây bằng xi măng hay đá lấy từ núi, mái lợp ngói nhờ vậy mùa đông ấm và hè mát.

Chúng tôi thấy có những cảnh ăn xin (như những phụ nữ trẻ bồng con nhỏ vài tháng xin tiền ở khu phố đông người; trẻ con hay người tàn tật hát dạo xin tiền trên xe) nhưng ở đây du khách không bị ép mua hàng lưu niệm, bị quấy  rầy bằng những trò vặt để xin tiền tip như ở những nước nghèo hay đang phát triển. Nhờ vậy mà du khách cảm thấy thoải mái.

Hy Lạp cũng bị nạn di dân bất đắc dĩ như các nước Âu Châu khác, nhưng không trầm trọng lắm. Họ là dân từ các nước ở giáp ranh giới phía bắc, nhưng nhiều nhất là người Albania. Di dân kiếm sống bằng cách bán chợ trời ở các bến tàu, có cả người da đen. Người Hy Lạp coi Chính thống giáo như là quốc giáo nên có vẻ đất nước này không là nơi dung thân lý tưởng cho những di dân khác đạo Thiên chúa. Cộng đồng Hồi giáo ở đấy là thiểu số không đáng kể dù Thổ Nhĩ Kỳ và Albania cùng chung biên giới với Hy Lạp.

Có một điều gây ngạc nhiên cho chúng tôi trong các chuyến bay từ Hy Lạp qua Ai Cập hay từ Do Thái về Hy Lạp, mỗi lần máy bay đáp xuống phi đạo thì có đến một nửa hành khách trên máy bay vỗ tay. Ban đầu, tôi tưởng đấy là trò đùa của một số người trẻ được người già hưởng ứng. Thấy vỗ tay trong chuyến thứ hai, tôi thắc mắc và được trả lời rằng hành khách vỗ tay để khen ngợi và cám ơn các phi công đã đưa họ đến nơi an toàn. Thông thường hành khách chỉ vỗ tay khi họ vượt qua được một chuyện nguy hiểm, đàng này vỗ tay khi bánh phi cơ chạm vào đường băng là một tập quán của người Hy Lạp.

Có lần trên xe từ  thành phố ra phi trường, thấy một thanh niên cầm tràng chuỗi, bấm ngón và lần hạt này qua hạt kia, tôi tưởng anh ta là người sùng đạo. Nhưng hột chuỗi này lớn, hơi giống tràng hạt của Phật giáo. Tôi biết đó không phải là chuỗi Mân Côi của người Công giáo, nhưng chẳng biết có phải là của Chính thống giáo Hy Lạp không.

Cho nên khi ở tiệm bán đồ kỷ niệm, thấy tràng chuỗi như vậy có nhiều màu, giá 2 Euro, tôi hỏi thì chủ tiệm cầm lên bấm bấm, xoay vòng vòng giải thích rằng đấy chỉ là chuỗi hột dùng để giết thì giờ, chơi cho đỡ chán.

Nếu bạn hỏi ý kiến nên ở đâu, ăn đâu khi đến thành phố Athens, tôi sẽ trả lời: trọ ở Acropolis, ăn ở Plaka. Hai khu phố này sát nhau, cùng nằm dưới triền đồi Acropolis. Nhà cửa và khách sạn ở Acropolis thoáng hơn, ngược lại khu ăn uống ở Plaka san sát, nhộn nhịp vì thế Plaka là nơi lý tưởng để du khách đến. Những con đường nhỏ đi bộ chằng chịt nhau với những căn nhà màu trắng; quán ăn và tiệm bán đồ lưu niệm kề nhau, có nhiều cây xanh làm cho thời tiết dịu so với những đường phố lớn bên ngoài nắng gắt.

Ban ngày đông người qua lại, tối đến vui nhộn như  đường Phố Tàu trên Sydney. Bàn ăn để tràn ra lối đi. Bạn sẽ được những tiếp viên mời vào bàn hay xem thực đơn khi đi ngang quán của họ nhưng họ sẽ không bám theo làm phiền bạn.

Tượng nữ thần Aphrodite của người Hy Lạp, tức thần Venus của La Mã mà chúng tôi mua mang về Melbourne, một kỷ niệm đáng nhớ của chuyến du lịch Hy Lạp

Tôi nghĩ phần lớn thực khách ở khu Plaka là du khách ngoại quốc– người Âu Châu, người Tàu, Nhật trong đó có Việt Nam từ Úc như chúng tôi. Bữa ăn cuối cùng ở Athens, chúng tôi gọi một đĩa grilled sardines (9 Euro), đĩa grilled salmon (11 Euro) và ly bia cối 3.5 Euro. Chúng tôi chỉ biết khen lối nấu nướng của nhà hàng ở đây rất ngon. Ở Hy Lạp, đồ biển là nhất như tôi đã được nghe.

Ăn xong, chúng tôi đi chuyến chợ chót để ngày mai trở về Melbourne. Những ngày trước ngồi trên xe tour chạy quanh thành phố, chúng tôi thấy có vài đường phố trông cao cấp, sang trọng nhưng khi đón xe đi mua sắm thì lại tới những khu đông đúc và bình dân.  Chúng tôi không có nhu cầu mua áo quần nên tối nay đi mua ít đồ kỷ niệm ở khu Plaka này.

Chúng tôi nghe nói không nên mua áo quần ở Hy Lạp mà chỉ nên mua đồ trang sức. Chúng tôi mua ít đồ trang sức cho con cái và ít thứ kỷ niệm cho mình. Nhà tôi đề nghị mua cây đàn cổ truyền bouzouki (giống đàn mandoline) của Hy Lạp nhưng tôi không còn thích đàn địch như ngày xưa.

Đã đi Sparta nên không lạ khi thấy bày bán nhiều tượng của vua Leonidas. Có một bức tượng đồng vua Leonidas  khá lớn, nặng vài chục ký, nghe giá 5,000 Euro thì khiếp vía. Nhưng dù bán rẻ có lẽ chúng tôi cũng không mua.

Qua một cửa hàng thấy bức tượng một vị nữ thần màu trắng, hỏi và được trả lời đấy là Aphrodite của người Hy Lạp, tức thần  Venus của La Mã. Ông chủ nói bệ bằng cẩm thạch, người bằng bột cẩm thạch, giá 600 Euro nhưng nếu chúng tôi mua, sẽ bớt còn 400 Euro. Ông nói ở Úc có thể có bán tượng này, nhưng giá phải trên 2,000 đô la.

Hỏi làm sao chở về Úc bộ tượng cao quá đầu người, nặng 40 ký, họ nói sẽ đóng thùng, trong vòng 10 ngày hay lâu hơn chút đỉnh sẽ tới Úc, nhưng vì gởi máy bay và có bảo hiểm hư hại, cước phí 300 Euro. Ông ta đưa cho chúng tôi xem vài cái hóa đơn đã gởi hàng qua Sydney.

Hỏi rằng khi  chúng tôi về Úc mà chúng tôi không nhận được hàng thì làm sao, ông nói trả tiền bằng credit card thì đấy là một bằng chứng và bằng chứng này rất an toàn. Nhưng kéo thẻ, thẻ không chạy vì tôi quen dùng bằng cách ký nên không nhớ mã số mà ở đây họ đòi pin number. May thay tiền mặt còn vừa đủ.

Vì quá kết bức tượng, tôi nói với nhà tôi rằng nếu hàng không tới thì coi như gặp xui, rớt mất tiền. Ông chủ tiệm đưa cho chúng tôi tờ biên nhận đóng dấu tên, địa chỉ cửa tiệm và chữ ký của ông.

Về đến Melbourne được 10 ngày, tới ngày thứ 15 tôi hơi sốt ruột. Mất tiền có thể không tiếc bằng mất món đồ kỷ niệm của một chuyến đi xa rất có ý nghĩa về văn hóa. Tôi không biết có nên điện thoại hỏi không, thầm nghĩ đợi đến ngày thứ 20 hẵn hay.

Nhưng qua ngày thứ 18, hai thùng hàng đóng bằng gỗ thông đã được chở tới tận nhà. Mở ra, nguyên vẹn hình hài nàng Aphrodite. Chúng tôi hài lòng, vui như nhận được một món quà bất ngờ.  Nhà tôi nhận xét: “họ làm ăn đàng hoàng thật”.  Họ là người Hy Lạp ở Athens mà chúng tôi đã kể với bạn qua 7 bài viết.

Kỳ tới: Xứ kim tự tháp.