NEPAL: Kathmandu- cái nôi của các đền đài cổ (kỳ 5)

10 Tháng Sáu, 2012 | Nepal
Bùng binh cuối đường New Road của trung tâm phố đối diện với lối vào cổ thành. Hình: NHA

Kể chuyện đường xa của Nguyễn Hồng Anh

***

Thung lũng Kathmandu là nơi sinh sống của cư dân 3 thành phố (tri-city), trong đó Kathmandu viết tắt KTM là thủ đô và thủ phủ lớn nhất nước Nepal. Hai thành phố chị em của Kathmandu là Lapitur (hay Patan) nằm cách 5 cây số về phía nam và Bhaktapur nằm, cách 12 cây số về phía đông, cả ba có dân số khoảng 3 triệu người.

Người ta nói Kathmandu là nơi trú ngụ của các đền cổ và vì thế, nếu bạn đến viếng các đền đài ở ba nơi này thì coi như bạn đã thấy được những nét chính của nền văn minh và kiến trúc của một nước có nền văn hóa trải dài khoảng 2,000 năm.

Trước khi vua Prithvi Narayan Shah thống nhất Nepal, Kathmandu, Lapitur và Bhaktapur được cai trị bởi các tiểu vương và họ xây những cung điện đền đài riêng, bởi vậy ngày nay du khách khi nói rằng muốn đi xem Durbar Square (quảng trường của những cung điện) thì cần biết xem Durbar Square nào?  Kathmandu Durbar Square, Lapitur Durbar Square hay Bhaktapur Durbar Square?

Chúng tôi đã đi xem cả ba nơi. Thuê bao một chiếc taxi như chúng tôi với giá $100 đô la, bạn có thể viếng các Durbar Square  trong một ngày, với điều kiện đi từ sáng, bởi đường sá xấu, chật chội và nạn kẹt xe nên đi chuyển từ nơi này đến nơi kia mất khoảng 30 đến 45 phút.

 

Những ngôi đền bằng gỗ chạm khắc cầu kỳ và tinh vi

Tử  Cấm Thành ở Bắc Kinh là một công trình kiến trúc được thế giới ngưỡng mộ và là niềm hãnh diện của người Tàu. Quần thể cung điện được coi lớn nhất thế giới xây cách đây hơn 500 năm (bởi người Việt có tên Nguyễn An, theo một phim tài liệu của Đức) nặng về sự đồ sộ và nguy nga tráng lệ, phần lớn bằng gạch và đá.

Các Durbar Square ở Kathmandu không to lớn bằng nhưng được xây dựng trên ba  địa điểm, mỗi nơi diện tích hoàng cung không quá lớn nhưng cũng đủ cho du khách thưởng thức vẻ đẹp cổ kính qua nghệ thuật điêu khắc chạm trổ tinh xảo và chi tiết  trên gỗ (Kathmandu có nghĩa là ngôi đền bằng gỗ) chỉ thấy ở dân tộc miền núi này. Đặc biệt tại hai cổ thành Lapitur Durbar Square hay Bhaktapur Durbar Square, có thể nói trừ một số vách nền bằng gạch đá, toàn bộ kiến trúc bằng gỗ, và không có khoảng trống nào trên gỗ mà không có chạm trổ rất chi li, chứng tỏ kỹ năng rất cao của các nghệ nhân.  Durbar Square khác Tử Cấm Thành ở điểm này.

Hai mái tháp của Basantapur Durbar và sân chợ trời. Hình: NHA

Kathmandu Durbar Square cách  khu Thamel của khách du lịch chừng 20 phút đi bộ.  Lối vào nằm trước bùng binh ngã năm đối diện với con đường buôn bán lớn nhất nằm trên khu phố chính của thành phố là New Road.

Vé vào cửa dành cho người địa phương 50 Rupee nhưng  với khách du lịch ngoại quốc là 700 Rupee (khoảng 8 Úc kim). Sự cách biệt này có thể hiểu được bởi người dân Nepal nghèo, có lợi tức rất thấp. Số tiền vào cửa đó có thể là tiền lương nửa ngày của một người bình thường.

Quảng trường này cũng còn có tên khác là Hanuman-dhoka Durbar vì trước lối vào hoàng cung có tượng của  thần Hanuman (thần mặt khỉ) của Ấn giáo do vua Prithvi Narayan Shah xây năm 1770.

Quần thể  này có trên 40 đền đài  kiểu Phật giáo và Ấn giáo nhưng phần lớn kiến trúc theo phong cách chùa chiền, đặt theo tên của các vị thần Ấn giáo, được xây từ thế kỷ 12 đến thế kỷ 18. Đây là nơi các vua Nepal đăng quang và cư ngụ cho đến thế kỷ 20.

Trên lối vào bên tay phải, tòa nhà gạch đỏ nổi lên những mái ngói hình tháp chồng lên nhau có tên Basantapur Durbar xưa là cung điện hoàng gia, ngày nay trở thành Nine Stories Museum và cùng với Tribuvan Museum bốn tầng sát góc, là nơi trưng bày hình ảnh gia đình, hoạt động chấp chánh, di vật trong thời gian trị vì của các vua từ Tribhuvan cho đến vua  Birendra bị con trai trưởng bắn chết năm 2001 và vị vua cuối cùng Gyanendra thoái bị năm 2006.

4 ngôi tháp có mái đỏ bao quanh Lohan Chowk tượng trưng cho những thành phố cổ của vương quốc, được xây khi vua Prithvi Narayan Shah  dẹp các tiểu vương và chọn Kathmandu làm thủ đô. Các tháp cao thấp tượng trưng cho các thị quốc vừa được sát nhập, gọi là Kirtupur Tower, Bhaktapur, Lapitur Tower và Basantapur Tower góc tây nam là nguy nga nhất (Khi chúng tôi đi lên các cầu thang gỗ hẹp của Nine Stories Museum ở Basantapur Tower  và tại tầng cuối cùng, có thể nhìn thấy thành phố Kathmandu chung quanh và nhất là bảo tháp màu trắng pha vàng kim của Chùa Khỉ Swayambhunath  bên kia ngọn  đồi phía tây bắc).

Tòa nhà màu trắng kiến trúc tân cổ điển Gadhi Baithak và bên phải là cung của Nữ thần Sống Kumari 3 tầng màu đỏ có đường thẳng màu vàng trên mái đỏ. Hình: NHA

Mời bạn đi tiếp trên lối vào. Đây là Gadhi Baithak, tòa nhà tân cổ điển được xây như một phần hoàng cung  vào đầu thế kỷ 20 và hiện có lúc được dùng như khán đài để tổng thống và quan khách xem những cuộc rước kiệu hay diễu hành trong các dịp lễ lạc của một nước có quá nhiều (ngày) lễ hội.

 

Nữ thần hộ mạng nước Ấn giáo mang họ Thích Ca

Và đối diện với hai tòa nhà vừa nói là cái sân rộng, hiện dùng làm chợ trời bán những đồ tiểu công nghệ và kỷ niệm. Ngay sau chợ (bên trái lối vào) là Kumari- ghar, ngôi nhà của nữ thần Kumari. Trước vách tòa nhà 3 tầng này có bảng ghi giòng chữ “Kumari, được vua Prakash Malla xây vào năm 1757 và trùng tu vào năm 1966”. Các cánh  cửa gỗ chạm trổ một cách khéo léo.

Kumari  hay Kumari Devi, tức Nữ thần Sống (Living Goddess) là một tập tục có lâu đời của người Nepal  (của cả người Ấn Độ) từ một đến hai ngàn năm trước. Kumari có nguồn gốc từ tiếng Phạn là trinh nữ hay gái chưa chồng, Devi là nữ thần.

Điều kỳ lạ sự tôn thờ này được cả người Ấn giáo và Phật giáo lẫn các triều đại Nepal thực hành một cách kính cẩn nên đã có một nhà báo gọi Kumari là “nữ thánh hộ quốc Nepal họ Thích Ca”.

Như bạn có thể biết Ấn giáo thờ rất nhiều thần (tôn giáo đa thần) và có người nói có hàng ngàn, hàng vạn  thần khác nhau. Một người Ấn giáo nói với tôi anh nhớ được tên vài chục thần là cũng khá lắm rồi. Chúng tôi được kể tên và giải thích ý nghĩa của chừng mười vị thần nhưng không nhớ nổi, trừ vài vị.

Kumari là hiện thân của nữ thần rắn Taleju. Sự lựa chọn các Nữ thần Sống cũng hơi giống các Lạt Ma (Phật Sống) của Tây Tạng trong đó có việc tìm hiểu các dấu hiệu tái sinh các kiếp trước của bé gái.

Tác giả trên tầng cấp một ngôi đền trong quần thể Kathmandu Durbar Square, ngôi nhà 3 tầng cuối hình có đường thẳng màu vàng trên mái là cung Kumari của thần trinh nữ. Hình: NHA

Tuy đây là phong tục của Ấn giáo, nhưng Nữ thần Sống này phải được tuyển lựa từ các gia đình Phật tử có gốc gác hay huyết thống với dòng họ Thích Ca (Shakya). Ứng viên phải là các cô bé 3 đến 5 tuổi,  đạt được 32 tướng tốt của vị tổ là Đức Phật. Đại khái cô bé phải mạnh khỏe, không bệnh tật, làn da tươi sáng (hơn đồng hương có nước da mặn mà), tóc mắt đen, cơ thể không có mùi hôi, răng đầy đủ không thiếu cái nào (thần rắn mà).

Khi đến tuổi dậy thì và bắt đầu có kinh hoặc bất cứ lúc nào bị thương tích mà chảy máu thì cô gái sẽ được cho về hưu sống với gia đình.  Các gia đình có con được chọn làm Nữ thần Sống ngoài hãnh diện vì  được kính trọng còn được hưởng một số lợi lộc.

Các thành phố  cũng có Kumari nhưng Kumari ở thủ đô Kathmandu được gọi là Royal Kumari. Cả nước hiện có khoảng 10 Kumari.

Các cựu Kumari thường khó lấy chồng vì người ta cho rằng ai mà lấy các cựu Kumari đều sẽ chết trong vòng sáu tháng do bị ho ra máu. Tuy nhiên cuối cùng các bà cựu nữ thần hoàng gia cũng lấy chồng và có con cái, chỉ trừ từ năm 1978 đến nay có 4 cựu Royal Kumari  chưa có  chồng. Nữ thần Sống hiện nay là  Matina Shakya (Thích Matina) lên ngôi từ năm 2008.

Khi được đưa vào cung, cô gái được thờ như thần sống, sẽ được vua vấn kế khi gặp vấn đề. Kumari sẽ chúc phúc cho các vua khi họ lên ngôi và vì vậy Kumari là biểu tượng thần hộ mạng cho nhà vua và các vương triều.

Sống khép kín bên trong tòa nhà Kumari- ghar, Nữ thần Sống thỉnh thoảng được kiệu ra bên ngoài trong các dịp lễ, nhưng chân không bao giờ được chạm mặt đất. Cô gái chưa đến tuổi dậy thì này thỉnh thoảng xuất hiện bên cửa sổ, là lúc du khách được dịp chiêm ngưỡng vẻ đẹp tinh khiết của một cô gái đồng trinh  nhập vai nữ thần rắn của Nepal Ấn giáo.

Đền Maju Gega với bệ bằng gạch có 9 bậc là nơi khán giả ngồi xem rước kiệu, diễn hành trong các dịp lễ tạo nên một kim tự tháp bằng người gây ấn tượng. Hình: NHA

Năm 2007,  Nữ thần Sống Sajani Shakya của thành phố Bhakapur nhận lời mời sang Hoa Kỳ để tham dự buổi ra mắt cuốn phim tài liệu Living Goddess. Trở về Kumari đã bị các kỳ lão cho rằng chuyến đi đó làm mất đi sự thanh khiết của cô gái nhưng sau đó các chức sắc trong đền của cô bé nói họ sẽ không tước bỏ danh hiệu Nữ thần Sống của cô vì cô bé chấp nhận chịu “thanh lọc” các ô uế đã có thể phạm khi đi du lịch ở Hoa Kỳ.

Sống gần như trong cảnh giam cầm, không được học hành từ khi mới lên ba, các cựu Nữ thần Sống rất khó hội nhập với xã hội một  khi bắt đầu có kinh nguyệt phải trở về với gia đình.

Năm 2008, báo TiVi Tuần-san có đăng bản tin “Chính quyền Mao-ít Nepal: nữ thần đồng trinh Kumari phải đi học như các trẻ em khác”  theo đó Tòa án Tối cao của nước này đưa ra phán quyết phong tục thờ Nữ thần Kumari cách đây 7 thế kỷ là một hủ tục, đã lỗi thời, rằng “Không có tài liệu lịch sử hay tôn giáo nào nói rằng các Kumari bị tước bỏ các quyền trẻ con khi những điều đó đã được quy định trong Hiệp ước về Quyền Trẻ con”.

Trong số trên 40 đền đài ở trong cổ thành này Kathmandu Durbar Square, có một số di tích khác đáng xem như  Maju Dega với 9 bậc cấp bằng gạch làm cho ngôi đền này nổi bật lên trong quần thể đền đài và cũng là nơi khi có dịp lễ lạc hay xem diễn hành,  dân chúng hay du khách ngồi kín các bậc cấp tạo thành  một kim tự tháp bằng người gây ấn tượng mạnh.

Taleju Temple được vua Mahendra Malla xây năm 1564 cao 36.6 mét với 3 mái vút trên bầu trời quần thể đài. Đền nằm trên 12 bậc đá và đến bậc thứ 8, nó mở rộng ra làm thành một nền nhà với 12 cái đền nho nhỏ. Cho đến hồi gần đây, người ta cho rằng xây một căn nhà cao hơn cái đền này là một điềm xấu.

Ngôi đền được xem là cực thiêng liêng Teleju mỗi năm chỉ mở cửa một lần cho công chúng vào dịp lễ Dashain, một lễ long trọng có tính cách tôn giáo của quốc gia  kéo dài 15 ngày giữa tháng 9 và 10, chấm dứt vào ngày trăng tròn.

Nghệ thuật Nepal: bất cứ thứ gì bằng gỗ đều được chạm khắc một cách tỉ mỉ không chừa một kẽ hở. Hình: NHA

Và còn nhiều nữa mà bạn chỉ tận mắt chiêm ngưỡng hay xem qua những bức hình mới cảm nhận vẻ đẹp của một nghệ thuật đông phương cổ kính lâu đời còn tồn tại đến ngày nay không thua gì đền đài ở Âu Châu, nơi kiến trúc chịu ảnh hưởng của văn minh Hy-La và Á Rập.

Đền đài ở hoàng thành Kathmandu là  một sự phối hợp nghệ thuật chan hòa giữa hai niềm tin của hai tôn giáo, tuy khác nhau nhưng lại khắng khít đến độ không còn biết đâu là đền, đâu là chùa, và vẻ đẹp nào là của văn hóa Ấn giáo hay Phật giáo.

Có lẽ vì Đức Phật xuất thân từ Ấn giáo? (còn nữa)

Nguyễn Hồng Anh  TVTS 2012