Nửa vòng Âu Châu trong 23 ngày: Chi phí và thưởng thức một chuyến đi (kỳ 10)

22 Tháng Chín, 2003 | Pháp
Khu phô La-tinh: vẽ bằng bình sơn xịt tại chỗ, 2 tấm 30 Euro. Hình TVTS

Sau các bài viết về chuyến Nửa Vòng Âu Châu Âu Châu trong 23 ngày của mục Kể chuyện đường xa, gặp vài người quen đã có ý định du lịch Âu Châu, tôi thấy hầu như họ có vẻ nôn nóng hơn bởi vì có thể “nếu không đi lúc này sợ mai mốt già không còn hứng thú hay không còn bước đi nổi”. Còn những người chưa có ý định làm một chuyến Âu du hay Pháp du, nay lại rất thích thú, nói rằng phải đi một chuyến cho biết nước Pháp ra làm sao, nhưng lại hỏi ý kiến tôi là nên đi như thế nào.

 

Những cách đi du lịch

Tất cả đều tùy thuộc hoàn cảnh và sở thích. Dễ dàng nhất và rẻ nhất là đi tour hay kẹt quá thì đi theo lối hành hương (pilgrimage). Nhưng đi theo những lối đó sẽ bị hạn chế giờ giấc trong việc tham quan, ngắm nghía. Chương trình đã có sẵn, muốn đi xem những nơi khác không được. Đi chung và sống chung với nhau trong một khoảng thời gian dài có thể cũng dễ sinh chuyện về những chuyện chẳng đáng gì.

Tiền nào của ấy. Nếu có khả năng tài chánh thì đi tự túc, ở khách sạn và ăn cơm ngoài tiệm là nhất, không làm phiền một ai. Nhưng sẽ rất tốn kém. Tôi lấy thí dụ một cặp vợ chồng du lịch ở Pháp (chỉ đi Pháp mà thôi) và ít nhất cũng nên đi trong 3 tuần lễ, sẽ tốn kém như sau, tính theo tiền Úc:

– Máy bay và taxi giữa phi trường và khách sạn: $5,000

-Ăn sáng, trưa và tối theo kiểu bình dân hoặc bằng những tô phở hay đĩa beefsteak. Hai người mỗi ngày ít nhất phải tốn $100. Ba tuần lễ: $2,100.

– Khách sạn 2 sao loại bình dân ở quận 13 nơi có đông người Việt, cũng tính ba tuần: $2,100.

– Di chuyển công cộng trong Zone 3, tức trong 20 quận nội thành, hai người mỗi ngày tốn $30. Ba tuần: $630.

– Đi xem các di tích thắng cảnh mà phải trả tiền vào cửa, tùy đi xem nhiều hay ít, tạm cho là $500.

Chỗ nào mình biết thì tự đi tới, muốn chơi và ở lại bao lâu tùy ý, không bị lệ thuộc. Chỗ nào không biết hoặc xa xôi, “búc” đi tour. Đi tour một ngày hay nhiều ngày tùy ý. Như đi Lộ Đức mà công ty du lịch Citymara ở Paris thực hiện cho một chuyến đi 2 ngày 1 đêm, giá 230 Euro cho mỗi người, bao gồm vé xe lửa và một đêm khách sạn.

Đi tự túc tốn khoảng 150 Euro, nhưng phải tự mò đường xá, phải tự kiếm các di tích thắng cảnh mà xem và cũng chẳng có ai giải thích sơ cho mà hiểu lịch sử và ý nghĩa của nơi mình thăm viếng.

Đi tự túc kiểu này, chi tiêu căn bản phải có khoảng $8,230. Cũng phải dự phòng những chi tiêu bất ngờ hay khi hứng thú mà tiêu pha theo lối du lịch, một cặp vợ chồng du lịch ở Pháp trong 3 tuần lễ phải tốn khoảng $10,000 Úc kim.

Nhưng nếu đi tự túc mà ở nhà bà con, bạn bè, được chuẩn bị cơm ngày hai bữa, sáng và tối, thì sẽ chỉ còn chi tiền máy bay và tiêu vặt cùng những buổi ăn trưa ngoài đường phố. Muốn chắc ăn, bới cơm hay mì ổ làm sẵn ở nhà và mang theo nước mua sẵn ở siêu thị thì sẽ tiết kiệm rất nhiều. Đi chơi lâu và có con cái thì chuyện tiết kiệm là đúng thôi, vì đời sống ở Pháp cao gấp đôi ở Úc, rất đắt đỏ.

Nếu bà con hay bạn bè rảnh rỗi chở đi và đón về thì quá tốt, nhưng chỉ có thể một hai lần mà thôi, vì ai cũng phải đi làm. Tốt nhất là kiếm cái bản đồ (xin ở các nhà ga) và nghiên cứu cách đi đứng. Mình tự làm chủ sự đi lại là hay nhất và tiện nhất.

Tôi là người hiện nay vẫn chưa biết làm thế nào để đón xe công cộng từ tòa soạn ở Collingwood lên Footscray, nhưng qua bất cứ nước nào, nội trong vòng một ngày là tôi có thể bắt đầu sử dụng phương tiện công cộng. Vài ngày sau thì sẽ làm quen một cách dễ dàng. Nên nhớ, xe metro ở Pháp được coi là phương tiện di chuyển dễ dàng nhất thế giới. Mỗi năm có trên 2 tỉ lượt người dùng xe lửa dưới đường hầm ở Paris.

Mỗi sáng, tôi chở con đi học từ vùng South Melbourne trở về tòa soạn ở vùng Collingwood, chạy qua trạm xe tram trên đường Swanston giữa công trường Federation Square và Ga xe lửa Flinders, có những lúc tôi thấy hành khách sắp hàng dài trên đường và có những người phải đợi chuyến sau vì xe đã đầy người.

Thời gian ở Pháp, hàng ngày tôi sử dụng hệ thống xe metro dưới hầm (chạy ngừng từng đoạn ngắn) hay xe lửa RER (dừng sau một đoạn đường dài, do đó chạy nhanh hơn và có những đoạn chạy trên mặt đất như xe lửa bình thường).

Vì đi lung tung nên tôi hay đổi xe và mỗi lần đứng đợi xe, thấy sẵn cả dãy người lại còn những người mới tới nối đuôi, thế mà chưa bao giờ chúng tôi phải đợi một chuyến xe sau. Cũng không phải đợi lâu vì cứ hai ba phút đã có một chuyến xe khác. Đi metro có thể mang theo những va-li thật bự mà không gây trở ngại cho các hành khách khác. Lên xuống hầm đã có các cầu thang cuốn.

Bồn phun nước ở trạm St Michel, khu Quartier Latin

Tôi nghe nói phương tiện giao thông công cộng ở Pháp tuyệt vời, nhưng nay mới chứng kiến. Ở Paris, đi lại trong 20 quận nội thành bằng phương tiện công cộng, kể cả xe buýt là tiện lợi nhất, và cũng rẻ nếu mua cả tuần hay cả tháng. Vì kiếm chỗ đậu xe rất khó nên đa số đều dùng phương tiện công cộng. Đừng hy vọng bạn bè hay bà con sẽ chở bạn lên nhà thờ Nôtre Dame hay tháp Eiffel, trừ phi thả bạn xuống đó hoặc lái xe chạy cho bạn ngồi trên xe ngắm phớt qua mà thôi.

Đi ở các quận ngoại thành thì dĩ nhiên dùng xe hơi sẽ tiện lợi hơn, như từ chỗ của anh bạn Bùi Sỹ Thành của tôi ở Champigny thuộc quận Chennevières ở vùng đông nam chạy lên nhà của thân hữu Đào Văn An ở quận St-Prix phía đông bắc.

Paris với dân cư 11 triệu người là thành phố có đông dân nhất lục địa Âu Châu, trừ Luân Đôn. Không có phương tiện giao thông công cộng tốt thì kẹt nặng. Melbourne với chỉ hơn 3 triệu dân mà Hội đồng Thành phố đang tính chuyện đánh thuế lái xe vào trung tâm thành phố như Singapore hay Luân Đôn hoặc cũng đang dự tính đánh thuế đậu xe ở các carpark để làm nản lòng những người đi làm bằng xe hơi và thuê chỗ đậu xe hàng tháng trên phố với giá tiền được coi là “còn quá rẻ” từ $150 trở lên.

 

Thú đi bộ ở Paris

Như đã nói ở trên, dùng xe metro hay RER – nói chung là đường hầm – để đi chơi trong 20 quận nội thành Paris là tiện lợi nhất. Và nếu không bận, đi bộ lại càng thú vị. Tôi nghĩ những người xây dựng thành phố Paris mấy trăm năm trước đây kể từ thời các vua Louis cho đến Napoleon đã có viễn kiến để làm cho thành phố này không những có một tổng thể hài hòa mà còn đưa ra mô thức thiết kế đô thị và đường lộ không ngoài mục đích để cho dân chúng trong các khu phố cảm thấy sống gần gũi và đi lại dễ dàng. Đó là nói về thời kỳ chưa có hệ thống đường xe lửa ngầm metro.

Sẽ là một thiếu sót lớn khi qua Paris nếu bạn chưa thả bộ dọc theo Bờ Tả Ngạn (Left Bank) của sông Seine từ cầu Pont de l’Archevêché sau lưng nhà thờ Đức Bà đến cầu Pont Royal là phần cuối của Bảo tàng viện Louvre, rồi quẹo trái để thả bộ trên con đường Boulevard St Germain des Prés song song với bờ sông để đi dạo trên đại lộ có nhiều cơ sở văn hóa như nhà thờ St Germain des Prés và tới khu ngã tư đụng với Boulevard St. Michel là nơi có khu đại học Sorbonne, từ đó lại quẹo trái về hướng nhà thờ Đức Bà, qua khu nổi danh Quartier Latin. Đoạn đường chỉ dài khoảng năm, sáu cây số mà thôi.

Khu Quartier Latin là nơi có nét văn hóa độc đáo của thành phố hàng đệ nhất văn hóa trên trái đất này. Văn hóa này ngoài kiến trúc, lối sống và sinh hoạt còn cả chuyện ăn uống nữa. Mà như tôi đã nói trước đây, hàng quán nằm san sát nhau kín mít các đường lớn lẫn đường hẻm trong khu Quartier Latin. Chỉ có một nỗi là quá đắt so với đồng tiền Úc. Bạn nên nhớ rằng Paris thuộc hàng những thành phố có đời sống đắt đỏ nhất thế giới.

Từ nhà thờ Đức Bà tới cuối Musée du Louvre có khoảng 7 cây cầu. Bạn nên đi một vòng trên cây cầu xưa nhất có tên là Pont Neuf nằm ở chóp của hòn đảo Ile de la Cité. Sau đó bạn nên thả bộ và ngồi nghỉ trên chiếc cầu kế tiếp là Pont des Arts (Cầu Nghệ Thuật) là cây cầu sắt xưa nhất Paris nối Viện bảo tàng Louvre bên Hữu Ngạn với Institute de France (tức Học viện Pháp, là nơi có Viện Hàn Lâm Pháp) nằm bên Tả Ngạn.

Tôi có đi một vòng bên ngoài  Intitute de France, một trường đại học được hình thành do ước muốn và tiền bạc của Hồng Y Mazzarino để lại vào năm 1661. Nhưng vào năm 1806, Hoàng đế Napoléon đổi tên thành Học Viện Pháp. Đây chính là nơi thường tổ chức những buổi lễ long trọng mỗi khi nhận một thành viên mới vào Viện Hàn Lâm Pháp.

Cầu Pont des Arts như đã nói trong phần đầu của bút ký này, là một cây cầu mặt được lót bằng gỗ. Cầu khá rộng. Thời gian chúng tôi đi Paris, một nửa phần của đường đi trên cầu đang được sửa chữa và lót ván mới. Vì gần khu vực Quartier Latin, lại nằm giữa bảo tàng viện với Hàn Lâm Viện nên không lạ gì khi thấy thiên hạ ngồi tràn lan trên cầu đọc sách, hóng mát, ăn uống tự nhiên “như tây”.  Đúng là cầu nghệ thuật. Từ đây mà ngắm cảnh thành phố Paris qua sông Seine thì mới thấy Paris đẹp như thế nào.

Các đại học Pháp như Sorbonne, các Đại học Paris V, Paris VI và Paris VII cũng nằm trong khu vực này. Thả bộ trên đại lộ Boulevard St Germain des Prés vui nhộn, chúng tôi vừa ăn kem vừa ngắm phố xá và các quán ăn uống hai bên đường phố.

Một nhận xét có thể sai vì đi không đúng lúc: tôi thấy phần lớn khách trong các quán uống bia, ăn kem, uống nước ngọt hay cà phê hơn là ăn. Có thể nói có rất nhiều quán giống như Thanh Thế hay Brodrad của Sài Gòn ngày xưa với các nghệ sĩ và các tao nhân mặc khách ngồi hàng giờ đấu láo hay ngắm người đi qua lại.

Qua khỏi Đại học Paris V, chúng tôi thấy một ngôi thánh đường xưa nằm ngay trên ngã tư bèn vào xem. Trong nhà thờ đang có thánh lễ. Trước cửa thấy bảng khắc tên mới biết đó là nhà thờ St Germain des Prés, một ngôi thánh đường được xem là thuộc hàng xưa nhất ở Paris, xây vào khoảng thế kỷ 11.

Mặc dầu trong lịch sử nhà thờ này đã bị người Norman (giống người Bắc Âu đã từng sống ở vùng Normandie, phía tây bắc nước Pháp) phá hủy nhiều lần, nhưng mỗi lần sửa và xây lại, người ta không xây theo kiến trúc Norman mà vẫn xây theo kiểu Roman.

Nếu bạn tới khu Quartier Latin bằng metro, ra khỏi trạm Saint Michel, bạn sẽ gặp ngay một kiến trúc lớn có đài phun nước với tượng điêu khắc Tổng lãnh Thiên thần Mi-ca-e (Saint Michael) đạp đầu con rắn, phủ phục hai bên là hai con rồng có cánh.

 

Paris dưới mắt tôi

Tuần qua, báo The Sunday Age có chạy tin trang đầu với giòng tít lớn “Nói xấu chủng tộc khi nước Pháp tố cáo Úc về việc bắt giữ người” Câu chuyện như sau. Thanh niên Pháp da đen sinh đẻ tại Pháp tên Mahamadou Sacko, 23 tuổi, bị giữ trong trại giam Willawood 3 ngày khi đến phi trường Sydney vào ngày 31 tháng 8 vừa qua vì Bộ Di trú nghi Sacko xài passport giả. Như phát ngôn viên của tòa đại sứ Pháp cho hay thì báo chí bên Pháp làm ầm lên về chuyện này.

Nhân viên sứ quán Pháp nghĩ rằng sở dĩ công dân của họ bị giam giữ bởi vì anh ta là người da đen. Vụ này làm các ký giả Pháp lo ngại khi họ đến Úc dự giải Rugby World Cup trong tháng tới, nhất là khi họ có nước da màu đen.

Như Sacko kể thì nhân viên di trú Úc đã đặt cho anh ta một loạt câu hỏi để xem anh ta có thiệt là người Pháp không, như hỏi tên tổng thống Pháp hiện nay là gì, ngọn núi cao nhất ở Pháp, D’Artagnan là ai.

Sacko cũng kể là người Úc còn đòi anh ta hát bài La Marseillaise tức quốc ca Pháp, nhưng anh ta từ chối vì đấy không phải là một lớp diễn hài kịch. Nhưng phát ngôn viên của Tổng trưởng Di trú Úc nói nhân viên của họ nghi ngờ hộ chiếu của Sacko bị sửa đổi và họ đã không đòi anh ta hát mà chỉ yêu cầu anh ta nói tên của bản quốc ca mà thôi.

 

Người da màu

Nói về chuyện người Pháp da đen bị nghi ngờ mang passport giả, tôi nhớ trong thời gian ở Paris, hàng ngày gặp không kể biết bao nhiêu người da đen ở Pháp. Nếu chỉ quanh quẩn ở quận ngoại thành Chennevières, chỉ đi xe buýt hay xe lửa trong mấy quận ngoại thành gần đó mà thôi, hoặc chỉ đi từ Champigny đến quảng trường Place de La Nation (biên giới các quận 11, 12 và 20), có thể người ta nghĩ nước Pháp là một nước của người da đen.

Dễ hiểu: người da đen phải sống tập trung ở những vùng ngoại ô xa thành phố hơn vì khó kiếm chỗ ở trong các quận nội thành. Như các sắc tộc khác, họ cũng có khuynh hướng sống tập trung. Ngày xưa, Pháp có nhiều thuộc địa ở Phi Châu và như người Mỹ, họ cũng đưa người ở các thuộc địa sang làm công nhân lao động rẻ tiền ở xứ họ trong thời đại kỹ nghệ đang phát triển.

Và nhất là người Pháp dễ dàng trong việc nhận di dân (có thể bây giờ khó hơn) nên tỉ lệ người da đen và da màu khá đông ở Pháp. Phi Châu chỉ cách Pháp bởi nước Tây Ban Nha và biển Địa Trung Hải nên người Phi Châu và Trung Đông hiện nay có khuynh hướng di dân lậu vào Pháp và các nước Âu Châu khác như Anh, Đức và Ý.

Đi metro trên các đoạn quận 1 đến quận 8, tôi thấy ít người da đen trên xe hơn. Đi xe từ quận 1 về quận 13 thì dĩ nhiên sẽ thấy có nhiều người Á Châu.

Người ta nói rằng quận 13 trước kia là nơi “đồng khô cỏ cháy” như là Quận Cam ở bên California, là vùng của người nghèo, nhưng nay cũng sầm uất và giá nhà đất cũng chẳng phải là chỗ dễ rớ tới, vì là 1 trong 20 quận nội thành chứ chẳng phải là Xóm Cầu Muối hay khu vực Cầu Chữ Y ở Sài Gòn (giá đất ở bên kia Cầu Chữ Y bây giờ cũng cao lắm rồi). Có thể nói quận 13 ở Pháp là một Richmond hay một Fitzroy ở Melbourne ngày nay.

 

Ăn xin và văn nghệ

Đi xe từ ga Champigny lên trạm Nation hay Gare de Lyon thuộc quận 12, thỉnh thoảng tôi gặp cảnh “ăn xin hiện đại”. Những người da ngăm ngăm (tôi nghĩ là người Trung Đông, Trung Á hoặc Đông Âu) đến phát cho bạn tấm giấy nhỏ đánh máy computer bằng tiếng Pháp đại khái tôi không có nhà, không có việc làm, phải nuôi con dại, cần sự giúp đỡ, xin thượng đế trả công cho quý vị… Xe chạy chừng một hai trạm thì người phát giấy sẽ tới thu hồi giấy dù bạn cho hay không cho tiền.

Những ngày sau, tôi cũng có thể gặp lại những khuôn mặt đó cũng với cách xin tiền bằng lối phát và đòi lại truyền đơn như thế. Ở bang Victoria, ăn xin là phạm tội, có thể bị bắt và truy tố. Ở Pháp, tôi không biết.

Văn nghệ mừng quốc khánh trước sạn tòa thị chính Paris tối 13.7.03. Hình TVTS

Nhưng lối xin tiền bằng chơi nhạc (tiếng Anh gọi là busker) thì rất thịnh hành, trên các xe metro vào những giờ cao điểm hay đầy dẫy trong các ga xe lửa, trong các trạm đổi xe của các hệ thống đường hầm. Phải nói là rất nhiều. Nhưng các nhạc công chỉ việc bỏ cái nón, hộp đựng nhạc khí xuống đất và trình diễn, cho hay không tùy hỉ. Tôi thấy có vài người trình diễn có vẻ không hẳn để xin tiền bố thí mà chỉ là để mua vui.

Cũng có những người biểu diễn xiệc, trượt xe hay biểu diễn nhảy đầm, không ngoài việc mua vui, khoe tài nghệ. Sinh hoạt ở Paris vui nhộn cũng nhờ những nghệ sĩ tài tử kiểu đó, rất ư là Parisien (đọc Pa-ri-diêng).

 

Kỳ thị hay không kỳ thị

Hồi nhỏ, có mấy ông tây bà đầm dạy học thỉnh thoảng tỏ thái độ tây thuộc địa với học trò An-nam-mít nên tôi cũng như nhiều người khác cho rằng người Pháp ưa kỳ thị. Cũng gặp trường hợp có những linh mục truyền giáo rất yêu nước Việt Nam, nhất định sống chết ở Việt Nam (cho đến khi bị Việt Cộng đuổi về nước sau năm 1975) nhưng ăn nói với học trò Việt Nam lại ưa la mắng với từ les montagnards (có nghĩa là bọn người miền núi, nhưng phải dịch là bọn mọi mới đúng ý).

Học trò bị chửi nghĩ rằng mấy ông là thầy, là cha nên cũng chín bỏ làm mười. Mà không bỏ qua cũng chẳng làm gì được. Tức giận chửi mắng học trò (loại nhất quỷ, nhì ma…) cũng là chuyện thường.

Trong những buổi nói chuyện thân mật, bàn về sự kỳ thị chủng tộc, có người Việt ở Pháp cả nửa thế kỷ nhận xét rằng “người Việt mình là cha kỳ thị”. Có lẽ câu nói đó cũng đáng để chúng ta lưu ý trong cách cư xử với các sắc tộc khác, ở quê nhà cũng như hải ngoại.

Sống 18 ngày ở Pháp, tôi thấy thoải mái. Người Pháp không cao cho lắm, nước da lại ngăm ngăm, không trắng và hồng như người Anh nên đi bên cạnh thấy không có sự khác biệt một trời một vực. Là giống dân ở trung tâm của Âu Châu, tiếp xúc với nhiều nền văn hóa nên họ dễ chấp nhận các sắc dân khác.

Tinh thần bình đẳng (égalité) và thân ái (fraternité) là châm ngôn của người Pháp. Nhiều người Pháp không nói tiếng Anh là có lý do. Tiếng Pháp cũng là một tiếng quốc tế, có nhiều nước nói. Học và nói tiếng Anh không phải dễ đối với người Pháp. Bạn không nên lấy làm lạ nếu có nhiều nơi, ngay cả trong các quận nội thành, tới các tiệm buôn, nói tiếng Anh người ta không hiểu hay không trả lời bằng tiếng Anh. Nhưng tại các cửa tiệm và cơ sở ở các trung tâm lớn hay vùng có nhiều du khách, người Pháp nói được tiếng Anh.

Bạn có bao giờ kỳ vọng những người Úc ở trên phố nói được một thứ tiếng khác ngoài tiếng Anh không? Riêng với người Việt, tôi nghĩ qua Pháp mình có cảm giác thoải mái như đang sống ở một thành phố lớn tại Việt Nam (dĩ nhiên Việt Nam trước 1975).

 

Di chuyển

Như đã nói ở trên, đa số người Pháp ở Paris đi làm hay di chuyển bằng phương tiện công cộng. Điều này chẳng có nghĩa là đường xá ở Paris vắng tanh. Ngược lại, đường xá ở Paris rất kẹt, đi lại khá mất thì giờ. Từ vòng đai nội thành (Boulevard Périphérique) vào giữa tâm điểm Paris (quận 1) với đường bán kín khoảng bốn, năm cây số mà đi metro (không phải chờ lâu ở trạm) cũng phải mất khoảng nửa tiếng đồng hồ trở lên.

Đường sá Paris nói chung trông hẹp. Nhà tôi nói đường phố ở Paris quá hẹp, nhưng tôi nghĩ hẹp một phần do hai bên phố đều có phố hay apartment cao khoảng năm sáu tầng không hở một đoạn nào cả, làm cho mình cảm thấy như đi giữa những cái hộp, nên thấy đường hẹp. Ngồi trên xe buýt, khi chạy tránh xe hơi bên cạnh, có cảm tưởng như sắp đụng. Nhưng so với Rome, đường sá ở Paris rộng rãi và dĩ nhiên đẹp hơn.

Tài xế ở Pháp lái xe khá nhanh. Ở ngoại ô, có nhiều freeway. Tôi thấy có nơi cắm bảng cho chạy 130 km, nhưng người ở Paris nói họ có thể chạy tới 160 cây số. Lái xe trên những đường phố nhỏ ở Paris, anh bạn chủ nhà của tôi vẫn lái như bay. Các con của anh nói người Paris lái xe chưa ẩu tả bằng người ở Ý.

Thật vậy, trong những ngày ở Ý, tôi chứng kiến cảnh các ông bà Ý chửi nhau khi họ dành đường ở các ngã tư. Họ lái xe rất nhanh, qua mặt vù vù dù đường sá nhỏ. Ngồi ở xe taxi và thấy anh tài xế còn trẻ, khuôn mặt đẹp trai nhưng lạnh lùng như tài tử Robert De Niro, lái xe với tốc độ 140 cây số, tôi ớn người, chỉ mong sao nửa tiếng đồng hồ ngồi trên xe chóng qua.

Tôi thấy đa số người ở Paris sử dụng xe loại nhỏ, như loại xe Ford Laser ở Úc. Ít thấy họ xài xe bự như xe 4WD hay xe van mà anh bạn tôi gọi là loại xe espace. Lý do: khó đậu và tốn xăng (trên 1 Euro một lít). Tôi cũng thấy người ta đi xe cũ nhiều và ít thấy đi xe loại sang như Mercedes hay BMW. Những người tôi quen, già hay trẻ, cũng xài loại xe bình dân của Pháp.

Đại lộ Champs Élysées ngày trưa ngày Quốc Khánh Pháp 14.7.03. Hình TVTS

Tôi có người bạn người Tân Gia Ba có đứa con gái học ở trường Melbourne Girls’ Grammar được một gia đình người Pháp bảo trợ cho ăn ở trong việc trao đổi học sinh giữa các trường. Người bạn nói người Pháp tỏ ra rộng rãi và rất hiếu khách khi tiếp một người khách lạ trong nhà. Người chủ nhà này cũng chẳng phải là loại giàu có gì, vậy mà họ đem học sinh khách đi chơi núi tuyết ở Pyrénées. Con gái người bạn nói chủ nhà đi xe loại cũ và lái rất nhanh, như có vẻ nếu đụng móp hay trầy thì cũng chẳng phải lo. Một nhận xét khác, xe taxi ở Paris thường gồm những loại xe ngoại rất xịn, nhất là xe đưa rước khách ra vào phi trường.

 

An ninh

Nhiều người sẽ đặt câu hỏi du lịch Paris có an toàn không? Sự thật thì chẳng có nơi du lịch nào trên thế giới được coi là an toàn trăm phần trăm. Một Bali hiền hòa nổi tiếng thế giới bỗng chốc trở thành mồ chôn biết bao du khách. Nhưng như người ta nói, Paris là một trong những thành phố du lịch thuộc loại an toàn trên thế giới.

Tội phạm tương đối thấp. Du khách có thể đi chơi đến 12 giờ khuya về mà không sợ, như trường hợp gia đình chúng tôi. Giết người cướp của trên đường phố là chuyện ít nghe hay hoàn toàn không nghe. Du khách có thể trở thành đối tượng cho những vụ móc túi là điều có thể xảy ra, bất cứ nơi đâu. Nếu thận trọng và tránh cho kẻ móc túi có cơ hội ra tay hay cám dỗ thì chẳng còn gì phải lo. Ví bỏ trong túi quần trước là có thể kiểm soát được những bàn tay nhám nhúa. Đồ cất trong túi xách buộc cẩn thận vào lưng thì khó mà bị thuỗm.

Thiên hạ đi hành hương ở La Mã hay Lộ Đức có than bị mất trộm, móc túi vì những nơi đó rất đông người nên bọn móc túi dễ hành nghề, nhưng chúng tôi chưa bao giờ bị móc túi hay mất đồ trong những chuyến đi du lịch. Thận trọng sẽ tránh những chuyện làm cho một chuyến đi mất vui.

Tôi ngán nhất là những chỗ đông người, vì nơi đó là những chỗ có thể xảy ra những vụ ẩu đả nhất là khi có rượu vào. Một đêm trước Quốc Khánh Pháp, hội đồng thành phố Paris tổ chức buổi văn nghệ ngoài trời ở Hôtel de Ville bên bờ Hữu Ngạn đối diện với nhà thờ Đức Bà, tôi thấy hàng chục ngàn người đứng trước sân tòa thị sảnh nghe nhạc, uống bia hơi bán tại chỗ, nhảy đầm, thế mà chẳng xảy ra vụ đánh đấm nào (ở Lễ Hội Moomba, ngày trước có khu uống bia riêng, nhưng không được mang ra ngoài hàng rào. Ngày nay, hình như người ta dẹp luôn việc bán bia rượu trong khu hội chợ).

Và trong đêm đốt pháo bông Ngày Quốc Khách, có cả triệu người đi coi, tôi thấy thiên hạ mang bia rượu uống trên cầu, gần chỗ gia đình chúng tôi ngồi, khiến hơi lo, sợ đám thanh niên ngồi hàng tiếng đồng hồ chờ đợi, rượu vào lời ra rồi thượng cẳng chân hạ cẳng tay thì cũng phiền. Nhưng ngoài những thanh niên và thiếu nữ nghịch ngợm trèo lên các cột trụ cầu để thấy cho rõ hơn bị cảnh sát đuổi xuống, ngoan ngoãn nghe lời các phú-lít ngay, tôi chẳng chứng kiến hay nghe những vụ đánh lộn nào.

Nói tóm lại, đi ban ngày lẫn bam đêm ở Paris tương đối thoải mái, không lo sợ chuyện an ninh.

 

Tà tà

Người Pháp có thói quen nghỉ trưa. Có một buổi trưa, cô cháu con anh bạn nghỉ làm một ngày, đưa gia đình chúng tôi ra phố ăn trưa. Thấy chồng của cháu đến, tôi ngạc nhiên hỏi tại sao cả hai vợ chồng phải nghỉ làm, nhưng đứa cháu nói buổi trưa nghỉ hai tiếng đồng hồ ghé qua vui chơi với cô chú và các em (cả hai vợ chồng là chuyên viên tin học). Anh bạn chủ nhà nay đã về hưu cho biết công chức ở Pháp làm việc rất tà tà nhưng chẳng ai làm gì được, vì rất khó sa thải công chức một khi họ đã vào ngạch. Người ta nói đi Pháp ớn nhất là gặp lúc công nhân ngành chuyên chở đình công.

Thời gian ở Pháp, thỉnh thoảng tôi đi chợ ở siêu thị hay ra các cửa hàng bách hóa lớn ở ngoại ô mua những thứ lặt vặt. Tôi thấy các nhân viên nam nữ ở quầy hàng đều ngồi ghế và không giúp khách bỏ hàng vào các bao ny lông. Khách đông mặc kệ, họ cứ ngồi tà tà nhặt từng món hàng quẹt vào máy, thảy ở góc cho khách tự động lượm bỏ vào bao. Đợi cho khách bỏ bao xong, trống chỗ, họ mới nhặt hàng của khách kế tiếp để tính tiền. Tôi có cảm tưởng họ đuổi ruồi cũng không nổi!

Tôi nói với cô cháu con anh bạn chủ nhà là tôi hết sức ngạc nhiên khi thấy lối làm việc của nhân viên tính tiền ở Pháp. Tôi nói ở Úc, các nhân viên ở các siêu thị phải đứng mà làm, phải bưng đồ bỏ vào bao ny lông và phải làm thật nhanh, làm như bay, không nghỉ tay, nhất là khi có đông khách. Cô cháu có nụ cười có duyên trả lời: “Tội nghiệp họ chưa!”. (Còn tiếp)

TVTS số 913 – 24.9.2003