Nửa vòng Âu Châu trong 23 ngày: Nền văn hóa Pháp qua nghệ thuật và cuộc sống (kỳ 6)

25 Tháng Tám, 2003 | Pháp
Trong sân Musée du Louvre và trước kim tự tháp bằng thủy tinh do kiến trúc sư người Hoa vẽ kiểu

Nguyễn Hồng-Anh

***

Mấy ngày qua, trong chương trình bàn chuyện văn học và trực thoại của đài 3EA ở Melbourne sau buổi trưa, người điều khiển chương trình và các khách mời đến thường kể về cuộc sống của họ ở Âu Châu. Tôi nhận thấy những nhà văn hay nghệ sĩ nào đã từng qua Paris sống một thời gian đều ca tụng thành phố này, cho là một trong những thành phố đẹp nhất thế giới. Tôi thấy ít văn nhân nghệ sĩ Úc nào qua sống ở Paris mà chê bai thành phố này, nếu có nhận xét tiêu cực thì họ cũng chỉ cho rằng đời sống bên đó đắt đỏ quá.

Paris đẹp, Paris thơ mộng với dòng sông trắng, với ga Lyon đèn vàng, những chiếc ghế trong công viên Lục Xâm Bảo… xin cứ để lại cho Nguyên Sa, Cung Trầm Tưởng, Phạm Duy. Tôi xin tiếp tục nói về Paris của một du khách từng mơ ước được đến kinh đô ánh sáng với đèn điện trùm khắp, một kinh đô đã từng tạo nên một thế kỷ ánh sáng trong văn học, một kinh đô mà người Pháp tự hào khi cho rằng “Tôi có hai tình yêu, một tình yêu Paris và tình yêu nước Pháp”. Quả thật, con gà trống đã không gáy bậy.

 

“Rửa mắt”

Mỗi ngày, tôi chọn một nơi để đi, nhưng có những lúc đi thêm hai ba nơi. Ngày hôm đó, sau khi du ngoạn trên sông Seine, chúng tôi quyết định đi xem bảo tàng viện được coi là lớn nhất thế giới: Mesee du Louvre.

Nhưng giữa phố Paris vẫn còn nhiều thứ để xem. Chúng tôi đi vòng vòng xem người qua lại, nhập vào đám đông vừa để hưởng không khí của một cư dân thành phố Paris và đồng thời cũng làm du khách đi ngắm cảnh, mua sắm. Trên đường đến bảo tàng viện, chúng tôi nhảy xuống xem nhà hát Opera được vua Napoleon Đệ Tam cho lệnh xây dựng lại được Tổng Thống Mac-Mahon khánh thành vào năm 1875. Người ta nói rằng Opera là tòa nhà tuyệt vời nhất của thời đại Napoleon Đệ Tam. Diện tích bên trong của Opera rộng đến 110,000 mét vuông với sân khấu đủ sức chứa một lúc 450 diễn viên. Tuy lớn thế nhưng số ghế dành cho người xem chỉ 2,158 cái. Tôi chỉ nghe nói bên trong rất đẹp, lộng lẫy và uy nghi như cung điện, bởi vì lúc đó nhà hát không mở cửa.

Đứng bên ngoài tôi chỉ thấy một tòa nhà hai tầng với kiến trúc cổ kính (nhà hát tây ở Sài Gòn trước là trụ sở Hạ Viện chỉ là một sự mô phỏng, giống hao hao mà thôi). Một dòng chữ chạy suốt lầu hai bằng tiếng Pháp Academie Nationale de Musique và hai bên kèm những chữ như ChoregraphicPoesie Lyique, có nghĩa là Trường Âm nhạc, Múa và Thi Ca Quốc Gia. Nhưng người ta gọi tắt là Opera cho gọn.

Không xem được tòa nhà được coi là nhà hát lớn nhất thế giới dành cho ca nhạc kịch này, chúng tôi đi xe lên phố để ngắm hàng hóa. Chúng tôi vào khu Printemps, một cửa hàng bách hóa có khoảng tám tầng, được xem là một trong những cửa hàng lớn nhất Paris, từa tựa như Myer ở Melbourne vậy. Paris là thủ đô của thời trang, nhưng ra vẻ chẳng mấy ai trong chúng tôi bị bắt mắt với những y phục trong các cửa hàng, phần vì cảm thấy chưa cần để mua ngay, phần vì thấy đồng Euro cao gấp đôi tiền Úc nên chẳng bị hấp lực quyến rũ của hàng hóa rẻ. Nhưng tôi nói với nhà tôi cứ thử làm một vòng xem nước hoa của Pháp ở Paris có khác nước hoa của Pháp ở Melbourne không. Nhưng nhà tôi xem một lọ như Channel 5, tính ra tiền Úc chẳng rẻ hơn mua ở Myer bao nhiêu nên cuối cùng đi Pháp mà chẳng mua một lọ nước hoa nào.

Không mua hàng hóa,  chúng tôi kéo nhau  lên sân thượng của Printemps để ăn trưa và ngắm cảnh trời Paris. Thức ăn khá ngon giống Myer thời còn mở khu nhà hàng với các đĩa thịt heo, gà, cừu hay bò. Giá cũng phải chăng so với giá của các cửa tiệm bên ngoài. Nhưng được cái thú là vừa ăn vừa ngắm những kiến trúc nổi tiếng nằm rải rác chung quanh như tháp Eiffel, nhà thờ Sacre-Coeur, Khải Hoàn Môn hay Hotel des Invalides – điện giữ hài cốt những nhân vật nổi tiếng của Pháp như Napoleon Đệ Nhất. Ở Paris, tôi chưa được cái cảnh ngồi ăn trên nhà hàng tầng 1 của tháp Eiffel (Công ty Cityrama chở đi tour một vòng coi Paris về đêm và ăn trên tháp Eiffel với giá 79 Euro cho một người), chưa ăn trên tàu và ngắm sông Seine (vé từ 100 đến 148 Euro cho một bữa ăn kèm một chuyến du ngoạn khác) vì thấy phí tiền một cách không cần thiết trong khi lại cảm thấy thoải mái vì chỉ mất vài chục Euro mà cả nhà có thể “se” với nhau.

Sau đó chúng tôi lại thả bộ qua Forum Des Halles – khu vực xưa nhất ở Paris nhưng nay trở thành một khu shopping hiện đại với kiến trúc mới trải rộng trên bốn tầng khác nhau được khánh thành vào năm 1979 –  trước khi băng qua Musee du Louvre cũng nằm sát đó. Tất cả đều nằm ở quận 1.

Musee du Louvre trước kia là cung điện của vua chúa nước Pháp, được xây vào năm 1204 bởi vua Philipe Auguste. Cuối thế kỷ 14, được tái thiết bởi vua Charles V. Dưới thời vua Francois I, cung điện được xây mới lại hoàn toàn. Nhưng đến thời vua Louis XIV, ông Vua Mặt Trời này thấy ở thành phố bất tiện, không muốn ở gần dân chúng và giới trưởng gia ưa chống đối, nổi loạn, nên quyết định dời cung điện đến một vùng trong rừng, xa thành phố hàng chục cây số. Từ đó mới có điện Versailles nguy nga với miếng đất rộng đến 8,000 mẫu. Ngày nay, điện (Chateau du) Louvre trở thành Musee du Louvre, lớn nhất và là một trong những bảo tàng viện chứa nhiều sưu tập nhất thế giới.

 

Nụ cười kỳ bí

Vào sân bảo tàng viện, cảnh tượng đập vào mắt là hình kim tự tháp bằng thủy tinh. Đó là công trình của một kiến  trúc sư người Hoa tên  Ieoh Minh Pei, được khen cũng nhiều mà chê không ít (bạn cứ liên tưởng cái atrium làm bằng kính với khung sắt trong Federation Square, trên đường Flinders ở Melbourne).

Người ta nói với tôi, nếu muốn xem và thưởng thức tranh, tượng trong Musee du Louvre, phải mất nhiều ngày hoặc tệ lắm cũng phải một ngày. Vé vào cửa  của một người lớn là 11.50 Euro (nhưng đi tour với công ty  Cityrama nằm cách đó chừng hai ba chục mét, bạn phải trả vé 37 Euro và chỉ được dẫn đi trong vài giờ mà thôi). Nhưng do chúng tôi mua vé vào buổi chiều nên chỉ trả 9.50 Euro. Đó là vé bao gồm đi coi cả phòng triển lãm  những bức vẽ phác họa bằng bút chì của Leonardo da Vinci, nếu không thì mỗi vé chỉ có 5.50 Euro mà thôi. Trẻ dưới 18 tuổi miễn phí.

Bức tranh Mona Lisa treo trong góc phòng

Xin ghi lại một kinh nghiệm hơi tốn tiền và mất thì giờ mà bạn có thể tránh được. Vì hai đứa con gái chúng tôi dưới 18 tuổi, khỏi cần mua vé. Qua được ải sắp hàng mua vé, đến cửa sắp hàng chờ soát vé. Họ hỏi vé hai con, tôi nói chúng dưới 18 tuổi nhưng họ đòi phải đưa bằng chứng bằng giấy tờ hay passport. Tôi đâu có nghĩ phải mang theo passport khi đi chơi trong nước Pháp nên nói họ passport để ở nhà, nhưng họ không chịu. Mà không chỉ trường hợp gia đình du khách của chúng tôi, tôi thấy cũng có những người tây phương khác bị hỏi ID hay passport khi con cái của họ có dáng dấp lớn. Thế là chúng tôi lại phải trở ra ngoài sắp hàng sắp hàng mua vé cho hai đứa nhỏ mà lớn con. Nếu các con tôi chỉ sáu, bảy tuổi thì chắc chắn sẽ không bị hỏi giấy chứng minh.

Bảo tàng viện Louvre là một ngoại lệ, và qua kinh nghiệm này, mua vé lên tháp Nhà Thờ Đức Bà hay đi vòng quay London Eye, chúng tôi có mang passport cho con cái, nhưng người ta không đòi xem giấy tờ khi chúng tôi nói con dưới 16 tuổi để được miễn phí hay chỉ trả nữa giá tiền.

Bảo tàng viện Louvre là một tòa nhà hình chữ U ba tầng. Tầng trệt có bậc trưng bày tượng điêu khắc, cổ vật và nghệ thuật Hy Lạp, La Mã, Ai Cập và Hồi Giáo. Nhiều thứ có niên đại cả vài ngàn năm trước. Tầng một, ngoài một số đồ nghệ thuật và điêu khắc từ thời Trung Cổ đến Phục Hưng, có tranh vẽ và tranh sơn dầu. Tầng hai hoàn toàn là tranh. Có ba trường phái và ba khu vực trưng bày khác nhau. Nhiều nhất là tranh của trường phái Pháp. Tiếp đến là khu tranh của trường phái Ý và Tây Ban Nha, phần còn lại thuộc trường phái Bắc Âu (Đức, Hòa Lan).

Chúng tôi dành nhiều thời gian để xem tranh, những bức mà hồi nhỏ tôi thường thấy trong tự điển Larousse bằng hình màu. Chúng tôi chiêm ngưỡng những bức tranh to bằng bức tường của một hội trường cũng như những bức tranh nhỏ mà tất cả đều có giá trị nghệ thuật, lịch sử cũng như tiền bạc. Tranh nhiều đến độ tạo cảm giác như lạc vào một trận đồ. Mà thật sự chúng tôi cũng đã lạc nhau, bởi vì kẻ thích ngắm tranh này, người tiếp tục đi xem tranh khác. Đó là nói về khu vực tranh của trường phái Pháp.

Nhưng như đã nói, chúng tôi nhất định phải tìm cho ra nơi có bức tranh Mona Lisa nổi tiếng của họa sĩ tài danh Leonardo de Vinci. Tôi biết nó phải nằm trong khu vực trường phái Tây Ban Nha và Ý, nhưng vì cái hall dài nên tìm hoài chẳng thấy. Chỉ khi đến một góc ở tầng 1, thấy người ta chen chúc, bấm đèn chụp hình thì mới thấy một bức tranh vừa phải, cao chừng một thước, nằm một nơi chơ vơ trong một góc sau khung cửa, có hàng rào ngăn lại cách chừng ba bốn thước. Với những bức tranh khác, dù nổi tiếng, to hay nhỏ, du khách vẫn có thể đến gần và có thể sờ lên (dù có những bảng ghi chớ đụng tới), nhưng với bức Mona Lisa, la Gioconda, bạn chỉ có thể đứng xem từ xa, phải chen lấn hay chờ đợi mới có thể tới gần hàng rào ngăn để xem và chụp hình lưu niệm.

Thế là tôi đã thấy được bản chính của bức tranh Mona Lisa với khung hình to bảng màu vàng. Nhưng đứng xa như thế tôi thấy chẳng khác bao nhiêu so với bức tranh được in lại (print) mà người ta bán bốn, năm chục đô la ở các tiệm tranh và làm khung hình ngoài phố.

Nhưng ngày trước, ông thầy tôi thường kể cho học trò nghe rằng, thời đó nước Pháp cho Mỹ mượn bức tranh Mona Lisa thật đem sang Mỹ để triển lãm. Bức tranh quá quý báu đến độ muốn bảo đảm không bị mất hay bị cướp, Tổng thống Kennedy đã cho một chiến hạm qua Pháp chở về. Ông thầy nói rằng bức tranh nho nhỏ đó còn đắt tiền hơn cả chiếc chiến hạm, thời đó trị giá 60 triệu Mỹ kim (Một chiếc chiến hạm thời nay như chiến hạm của Anh bị đụng đá ngầm gần bờ biển Úc hồi năm ngoái và phải kéo về Anh sửa, trị giá khoảng 500 triệu đô la). Tôi chẳng biết việc đánh giá bức tranh của ông thầy chính xác đến mức nào và bây giờ bức Mona Lisa trị giá bao nhiêu, vì không đem ra bán đấu giá thì làm sao biết chính xác được. Nhưng tôi nghĩ rằng có lẽ không có bức tranh nào có thể qua mặt được.

Thầy tôi nói người đàn bà trong tranh có nụ cười kỳ bí. Cái nhìn của đôi mắt cũng kỳ lạ không kém qua cây cọ truyền thần của họa sĩ tài danh. Cái lạ là đứng ở góc cạnh nào cũng thấy người đàn bà trong tranh nhìn về hướng mình. Câu hỏi Mona Lisa nhìn về hướng nào đã không thể trả lời được.

 

Quận 13

Qua Mỹ muốn xem cuộc sống của người Việt thì phải tới Quận Cam, Little Saigon, vào khu Phúc Lộc Thọ. Tham quan cuộc sống của người Việt ở Sydney thì phải tới khu Cabramatta. Muốn đến nơi có đông người Việt ở Melbourne thì nhất định phải tới vùng Footscray. Còn có thì giờ thì có thể thăm khu Richmond và Springvale. Qua Pháp, muốn ăn cơm Tàu, gặp người Việt thì dứt khoát phải tới quận 13.

Anh bạn chủ nhà muốn đưa tôi đi xem Chùa Tàu trong khu Chinatown, một ngôi Chùa mà anh mô tả là lớn và được nhà nước Trung Cộng coi là một Bắc Kinh tại Paris trong lãnh vực văn hóa và ngoại giao. Vì tôi đã thấy cảnh Chùa Tàu trong video mà anh quay nên muốn dành thì giờ để đi xem khu vực sinh hoạt của người Việt hơn. Thì giờ ở Paris có giới hạn nên tôi phải tính toán chuyện gì cần ưu tiên đối với sở thích của mình.

Đi metro ở Pháp cần biết trước hướng nơi mình đến (destination) thì mới biết mình phải tìm xe metro số mấy. Chẳng hạn muốn đi tới khu buôn bán của người Việt thì phải chọn hướng nơi đến là Marie d’Ivry và cũng là trạm chót của tuyến đường này. Thế là phải đón xe metro số 7. Xe chạy tới trạm Porte d’Ivry thì bạn phải nhảy xuống. Trạm Porte d’Ivry cũng cách trạm cuối Marie d’Ivry hai trạm mà thôi, tức là đã sát biên giới của quận 13, gần quận ngoại thành Ivry-sur-Seine.

Bức tranh lớn vẽ cảnh giáo hoàng cử hành hôn lễ cho Napoléon. Cô dâu Joséphine đang quỳ

Như anh bạn tôi nói thì quận 13 là quận mới, nên tôi thấy có nhiều cao ốc, giống các cao ốc của housing commission như ở Richmond, Collingwood, Flemington. Gia đình chúng tôi dùng nguyên ngày đó để lang thang trên các con đường chính của khu người Việt như đường Avenue d’Ivry, Avenue de Choisy, Rue Baudricourt và Rue de Tolbiac. Con đường sau gồm đa số là tiệm người Pháp, chỉ lác đác ít tiệm Tàu. Place d’Italie là khu bùng binh với nhiều con đường tụ về và có thể coi là trung tâm của quận 13. Dĩ nhiên, nơi đây hầu như chỉ có quán xá, cửa tiệm của người Pháp.

Đường d’Ivry tương đối hẹp vì một chiều, đủ chỗ cho xe đậu hai bên đường, và kiếm chỗ đậu rất khó. Nhưng hai vệ đường thì rất rộng, có hai hàng cây xanh hai bên. Hai bên là các phố lầu, cao từ 4 đến khoảng 7 tầng.

Các cao ốc chung cư  trong khu người Việt-Hoa thì mới, nhưng phố xá không mới và cũng chẳng cổ như phố ở các quận 1 đến quận 11, là những quận nằm vòng tròn ở trục trung tâm Paris. Phố xá ở đường Avenue d’Ivry kiểu nửa cũ nửa mới như ở đường Bridge Road hay Victoria Street ở Richmond.

Qua những ngày ở quận 13, tôi có nhận xét Avenue d’Ivry là con đường chính của khu người Việt và Hoa. Thật ra, phải nói khu người Hoa vì họ nắm hay làm chủ hầu hết các cửa hàng trên con đường này. Như khu thương xá Tang Freres của anh em nhà họ Đường (tôi không rành tiếng Hán nên chuẩn đoán vậy). Anh em Tang Freres này là những người giàu có nổi tiếng ở Pháp. Họ làm chủ khu thương xá, có một số cửa tiệm, phần còn lại họ cho thuê.

Tôi nghĩ khu thương xá này cũng tương tự như khu Phúc Lộc Thọ ở quận Cam, nhưng nhỏ hơn về mặt diện tích. Ngoài các tiệm tạp hóa, nhà hàng, tôi thấy có nhiều cửa tiệm của người Việt trên tầng một, như các nhà sách và xuất bản Nam Á (bà chủ học cùng lớp với tôi ở trường CTKD), nhà sách Diễm Phương, trung tâm Thúy Nga (nhà sản xuất video và chương trình Paris by Night).

Bà chủ Nam Á là con một cựu nghị sĩ gốc Huế. Ông ở lại Việt Nam và bị học tập cải tạo, nhưng cô con gái lại may mắn di tản từ năm 1975. Nhà xuất bản Nam Á là nhà sách đầu tiên của người Việt ở Paris. Hồng-Anh Thư-Xã của tôi có mua một số tên sách của nhà xuất bản Nam Á nhưng tôi chỉ biết bà chủ là bạn học cùng lớp chừng một năm gần đây nhờ đọc bản tin của tờ Thụ Nhân ở bên Mỹ. Cùng ngành gần giống nhau, biết mức tiêu thụ sách và khi thấy gần một nửa số lượng sách ở trong tiệm là tiếng Hoa, tôi hỏi bà bạn có biết tiếng Tàu không mà bán thì được trả lời người mua chỉ lấy tay chỉ hay cầm cuốn sách lên thì chủ nhân chỉ việc bán, bởi vì phải bán thêm sách Tàu mới sồng được. Nam Á là tiệm sách duy nhất không bán các món hàng không phải là sách báo.

Nhà sách Diễm Phương có bán sách, nhưng sách cũng là thứ yếu và phần lớn là sách ở Việt Nam, dĩ nhiên cũng có kèm thêm ít báo Việt Ngữ bên Mỹ để bán cho một ít độc giả. Mặt hàng chính của Diễm Phương là các hàng mỹ nghệ ở Việt Nam. Một nhà sách khác nằm dưới đường cái là Khai Trí, với cửa tiệm có bề mặt rộng chừng 3 đến 4 thước, vẫn còn một dãy kệ sách là sách cho thuê, nhưng mặt hàng chính là bánh mì thịt và chè. Hai món này coi bộ ăn khách vì đông người ghé qua mua.

Cũng trên tầng lầu, có tiệm Thúy Nga. Là một người thường coi Paris by Night, nhà tôi nhất định phải vào xem để coi trung tâm Thúy Nga lớn như thế nào và xem mặt mày bà chủ ra sao. Tôi nói trước với nhà tôi sân khấu và đời thật thường khác nhau. Nhưng được cái may là nhà tôi đã mua được 5 cuốn băng ưng ý của Thái Thanh và Khánh Ly, với những bài thu âm trước năm 1975, nay cho ra đĩa CD. Nhà tôi có nhận xét Khánh Ly trước năm 75 hát hay hơn bây giờ vì lúc này Khánh Ly làm cho giọng điệu luyện đến độ phát âm quá rõ chữ và uốn nắn từng chữ nên bớt hay. Như nhà tôi nhận xét phát âm không rõ là không hay, nhưng uốn chữ tròn vo như Khánh Ly hiện nay cũng bớt hay. Phải nhừa nhựa như trước năm 1975 thì mới quyến rũ.

Lang thang mỏi chân, chúng tôi kiếm chỗ ăn uống. Trên đường Avenue d’Ivry có nhiều tiệm tạp hóa, đổi tiền, nhà hàng Tàu và Việt Nam. Chúng tôi vào tiệm “Phở 14”. Tô phở lớn ở đây 7 Euro; chai bia 2.90 Euro (hôm đó đổi tiền ở tiệm người Hoa một Úc kim ăn 0.56 xu Euro, nên một tô phở giá 12.50 Úc kim). Tôi người gốc bún bò nhưng lại thích ăn phở, có nhận xét phở ở Pháp không ngon bằng ở Úc. Phở 14 ăn tàm tạm. Do quạt máy trong tiệm không đủ mát, gặp ngày khí hậu ở Pháp bắt đầu nóng nên vừa ăn vừa đổ mồ hôi, ướt đẫm áo. May mà vẫn còn thấy ngon.

Có tiệm “Phở Mùi” ở trên cùng đường có máy lạnh, bàn có trải khăn, và tô phở đắt hơn 50 xu Euro, nhưng mùi vị và nước phở thua xa Phở 14. Mì ổ ở trên đường này tôi không nhớ rõ, hình như 2 Euro một ổ. Nhà tôi khen mì ở Pháp ngon (chẳng lạ gì, vì ngày xưa người Pháp dạy cho người Việt Nam làm bánh mì mà). Nhưng một ổ mì ở bên cầu Pon Bir Hakeim gần tháp Eiffel đêm chúng tôi xem đốt pháo bông giá đến 4 Euro một ổ: cũng không lạ vì là trung tâm du lịch.

Như đã có nói về nhà hàng Jardin d’Asie, loại All You Can Eat, mà tôi đã có lần ăn, một lần ăn trưa với các nhân sĩ Việt Nam ở Paris và hai lần ăn tối với gia đình người bạn. Giá ăn trưa một một người là 9.50 Euro và ăn tối là 12.50 Euro. Tiền nước tính riêng (bia 3 Euro một chai nhỏ). Có đến 17 món khác nhau để chọn. Nhà hàng này mới mở được mấy tháng. Tôi cho đấy là tiệm ăn có thể chấm  điểm từ ngon trở lên.

Mái cong của các hàng quán trong khu cao ốc quận 13

Do đi bộ trên đường Avenue d’Ivry này, tôi thấy có một khách sạn quảng cáo cho thuê phòng. Tôi đứng xem và ghi lại, có thể bạn đọc nào muốn đi Pháp và muốn ở trong vùng người Việt – Hoa thì có thể liên lạc giữ chỗ trước. Bảng quảng cáo trước cửa Hotel de Choisy ghi đây là khách sạn thuộc loại 2 sao theo tiêu chuẩn của cơ quan du lịch Pháp. Phòng một người giá 45 Euro một ngày. Phòng 2 người /50 Euro ngày. Phòng 3 người 58 Euro. Phòng 4 người 68 Euro. Ăn sáng 4 Euro một người. Điện thoại 01 45849067 (từ Úc gọi qua, tôi nghĩ thêm các số 0011 33 và bỏ số 0 đi. Số 33 là mã số của nước Pháp, 1 là Paris).

 

Những vùng đất may mắn của người tị nạn

Cũng trên đường này, vào bên trong có khu cao ốc có nhiều người Việt và Hoa sinh sống. Bạn hãy tưởng tượng một khu như khu chung cư Richmond, chung quanh có năm, sáu cao ốc san sát vây quanh một khoảng đất trống, trám xi măng, với những quán cà phê, tiệm phở nằm sát bên cạnh tường các cao ốc với những mái cong theo kiến trúc Tàu. Tôi đến đấy hai lần và có uống cà phê một lần, loại cà phê đặc quánh trong cái tách nhỏ, như người Hy Lạp và Nam Âu thường uống ở Melbourne. Một ly 2 Euro cũng là dễ chịu

Tôi cũng được ông Đặng Vũ Nhuế mời lên nhà của ông trong khu cao ốc này. Apartment của ông trông khang trang, rộng rãi, có nhiều phòng, nhìn xuống sân thấy những mái cong của cửa tiệm, khá vui mắt. Như anh bạn Bùi Sỹ Thành nói thì ông Nhuế mua căn apartment khi mới xây và bây giờ khoảng vài trăm ngàn Euro.

Ông Nhuế đã nghỉ hưu và hiện chủ trương tạp chí định kỳ “Hành Thiện” (tên của một làng ở ngoài Bắc, nơi xuất thân của nhiều người nổi tiếng). Ông Nhuế có tặng cho chúng tôi cuốn “Từ Âu sang Á: tìm hiểu đó đây” mà ông xuất bản năm 2000. Năm 1996, ông có xuất bản cuốn “Nói chuyện Việt Nam: bốn câu chuyện phiếm”, và cùng viết với  B. de La Rochefoucauld cuốn “L’homme dans la ville: à la conquete de sa liberte”, xuất bản năm 1971.

Tuy nhiên tôi có đi thăm căn nhà của một người con gái  của anh Bùi Sỹ Thành, từng đi theo phái đoàn của Tổng thống Jacques Chirac khi ông đi công du Việt Nam. Cả hai đều là kỹ sư cao học. Họ đã có một căn apartment ở quận ngoại ô phía Bắc, nay do muốn gần cha mẹ, gần phố người Việt và gần chỗ làm, đã mua một miếng đất sát quận 13 (trên giấy tờ thuộc quận ngoại ô, mặc dù tôi có thể đi bộ một lát từ đường Avenue d’Ivry tới đó như ta ở biên giới Richmond và Abbotsford). Như anh bạn kể thì hai vợ chồng mua miếng đất mất khoảng 300 ngàn Euro. Có một cái garage phía trước nhà và một miếng vườn nhỏ đằng sau nhà. Tôi nghĩ miếng đất trống đó rộng khoảng 4 đến 5 thước mỗi bề. Tôi quên hỏi cô cháu diện tích lô đất bao nhiêu, chỉ nhớ rằng bề mặt căn nhà rộng khoảng 8 mét.

Một cái townhouse, nằm sát quận 13 mà thôi, cũng đã trên 1 triệu Úc kim rồi. Bởi vậy, tôi không lấy làm lạ khi những người Úc hỏi về đời sống ở Pháp, đã được trả lời rằng, muốn có một căn apartment coi cho tươm tất (decent apartment) có thể trả tới 430,000 Úc kim.

Vì thế, tôi đi khá nhiều trong nội thành và mỗi lần đi từ quận 8 qua quận 1, quận 4, quận 12 để về nhà ở quận ngoại ô Champigny, hiếm thấy một căn nhà nào tách rời ở vùng nội ô: toàn là các dãy phố apartment. Ra ngoại ô, từ biên giới quận 12 đến nhà anh bạn tôi, thỉnh thoảng mới thấy có một căn nhà đứng một mình, có vườn trước hoặc sau.

Nhưng anh bạn tôi nói rằng ở xa Paris nhà cửa cũng rẻ thôi. Cũng có người Việt mua những căn nhà lớn ở thật xa Paris mà theo anh, xa đã là bất tiện rồi (nhà anh lên phố đi xe công cộng cũng mất cả tiếng), lại rộng quá thì mùa đông sẽ lạnh cóng vì không dám đốt lò sưởi, sợ tốn gas tốn điện. Ra vẻ anh bạn tôi thỏa mãn với đời sống trong các apartment. Những người tôi quen cũng thế. Mà không muốn cũng không được, vì người Pháp nhiều thế hệ vẫn sống trong các apartment. Một căn nhà trung bình ở Richmond, Abbotsford, Footscray gần phố Melbourne là chuyện không thể có được ở Paris, đừng nói chi những căn nhà như ở Toorak, Brighton, Hawthorn hay Kew, lên phố chỉ mất chừng 10 phút.

Vì thế tôi vẫn thường nói rằng, được định cư ở Úc là điều may mắn. Những người bạn gốc Âu đi di dân qua Úc hơn nửa thế kỷ vẫn thường nói với tôi sống ở Úc là sống ở nước may mắn. Con tôi kể cho một thầy giáo người Úc (một người cũng thường đi du lịch) rằng đồ ăn thức uống bên Pháp quá đắt, gấp đôi Úc, cũng được người thầy trả lời “thế mới biết chúng ta được may mắn sống ở Úc”.

Nhưng tôi nghĩ người Pháp hay người Việt ở Pháp như anh bạn tôi cũng thấy rằng sống ở Pháp cũng là sống ở nước may mắn vậy! Bởi vì nói cho cùng, sống ở đâu quen đó. Người ở bên Pháp coi bộ không quá quan tâm về chuyện mua nhà cửa. Họ cũng không sài xe hơi sang trọng, nhưng họ sống có vẻ thoải mái, có vẻ không có lo chắt bóp. Hình như họ thích ăn ngon mặc đẹp. Đó là một nét rất Pháp mà một người chỉ ở Pháp có 18 ngày như tôi, có thể nhận xét sai. Vì vậy, trong số báo này, anh bạn của tôi sẽ cho độc giả biết nhiều hơn về cuộc sống ở Pháp, dưới cái nhìn cuả một người định cư lâu năm bên đó, qua Lá Thư Paris của anh./.

TVTS số 909 – 27.8.2003