Nửa vòng Âu Châu trong 23 ngày: Thăm Anh & Bỉ. Du lịch thú vui của đời người (kỳ 13- hết)

13 Tháng Mười, 2003 | Pháp

Nguyễn Hồng-Anh

***

Các báo Úc mỗi tuần thường dành một phần hay một ấn bản rời để viết về du lịch – du lịch ở ngoại quốc hay trong nước hoặc ngay ở tiểu bang của mình. Cách đây vài tuần, báo The Sunday Age đã dành nguyên một phụ bản viết về du lịch với chủ đề TRAVEL TOP 10.

Trong phụ bản dày khoảng 60 trang, báo này giới thiệu trên 20 đề mục TOP TEN như 10 chỗ tuyệt vời nhất để ngắm trăng lên, 10 vùng quê đáng đi nhất, 10 nơi để đi bộ ngắm cảnh (có dãy núi Pyrénées ở Pháp mà người viết đã từng kể), 10 con đường để lái xe ngắm cảnh ở Victoria (trong đó có con đường Great Ocean Road và đường núi Dandenong), 10 địa điểm ngắm cảnh ở Á Châu, 10 bãi biển đẹp nhất (trong đó có bãi biển Mỹ Khê ở Đà Nẵng mà người ngoại quốc quen gọi là China Beach), 10 vườn nho đáng đến xem nhất (trong đó có hai vườn nho ở Bordeaux và Loire Valley ở Pháp), 10 khách sạn nghỉ mát tuyệt vời nhất ở Úc v.v…

Dĩ nhiên, những cái nhất đó là do quan niệm của ban biên tập và người chủ biên. Nhưng chủ biên phụ bản du lịch đã không cường điệu khi cho rằng “Du lịch là một trong những thú phiêu lưu tuyệt vời nhất của đời người. Và chỉ mơ tưởng đến những nơi mình thích tới thôi thì cũng (hầu như) thú vị bằng việc đặt chân tới đó. Vì thế bạn cứ việc mộng mơ một chút đi. Hãy giữ danh sách này. Đánh dấu. Một ngày kia bạn có thể đi tới hết những chỗ đó. Mà nếu bạn không đi hết thì cũng chả sao. Chỉ cần bạn bước lên một chiếc máy bay là bạn đã tạo nên một vài danh sách hàng đầu cho bạn rồi”.

Những người trong ban biên tập Tivi Tuần San có viết những bài về du lịch cũng không ngoài mục đích đó. Riêng cá nhân tôi thường viết về những nơi mà tôi đã tới, đã thấy và đưa ra kinh nghiệm bản thân như là một hướng dẫn giúp bạn đọc có một số khái niệm về những nơi mà các bạn dự tính sẽ đi tới.

Xin nhắc lại một nhận xét của kẻ khác mà tôi rất tâm đắc: “Hãy đi du lịch để hưởng thụ khi mình còn có khả năng hưởng thụ. Chớ đợi đến lúc không còn sức và bớt hứng thú” vì chúng ta rất may mắn được sống ở những nước có đời sống cao, dân chủ, đi lại tự do hơn bà con trong nước.

 

Thăm “quê mẹ”

Nếu chọn ưu tiên giữa đi du lịch Anh và các nước Âu Châu khác như  Hy Lạp, Áo, Tây Ban Nha, Hòa Lan, Đức tôi sẽ để nước Anh nằm trong danh sách chót của tôi. Lý do: đã sống lâu năm ở nước Úc, nghe, đọc và thấy nhiều về con người, thể chế chính trị và hoàng gia Anh nên có đi Anh thì cũng gần như là chuyện trở về quê của một người đi xa nhà lâu năm.

Quốc Hội Anh và tháp Big Ben nhìn trên sông Thames. Hình TVTS

Tôi không phủ nhận Anh quốc là một trong những cái nôi văn hóa của nhân loại từ thời Trung Cổ đến nay. Đất nước này cũng đã có một thời huy hoàng với câu “Mặt trời không bao giờ lặn trên Đế quốc Anh”. Ngày nay, về quân sự có lẽ Anh chỉ thua Mỹ mà thôi.

Nhưng các cô con gái chúng tôi thích đi Luân Đôn để nhìn cung điện của hoàng gia Anh, coi những người lính gác mà các con thường thấy trên sách báo và màn ảnh. Và tôi cũng muốn nhân cơ hội đi cho biết và có thêm tư liệu cho mục Ký sự đường xa.

Tôi muốn ở lại Luân Đôn ít nhất một đêm nên tới một ga xe lửa gần nhà để mua vé. Cô bán vé là một người Pháp da đen. Anh bạn chủ nhà giúp tôi hỏi vé đi Luân Đôn. Cô ta bấm máy computer để xem còn vé không và giá cả bao nhiêu. Chỉ còn vé đi cuối tuần và giá 300 Euro cho một vé khứ hồi. Anh bạn hỏi tại sao đắt thế thì cô bán vé trả lời xẵng “nó thế đấy” và nhắc nhở là gần đến giờ đóng cửa nghỉ trưa. Tôi nói với anh bạn hãy qua bên công ty đi tour xem thử giá cả bao nhiêu. Nếu giá cả rẻ hơn, khỏi tốn tiền và mất công tìm thuê khách sạn thì đi Luân Đôn trong ngày cũng tạm đủ.

Công ty Cityrama hầu như có vé xe lửa sẵn cho những ngày đi Luân Đôn của họ vào 3 ngày Thứ Ba, Năm và Bảy. Giá 180 Euro cho mỗi người, bao gồm việc chuyên chở xe bus từ văn phòng của công ty tại trung tâm phố lên Gare Du Nord, nơi xe lửa cao tốc chạy đi Luân Đôn và trở về trong đó bao thêm một chuyến đi tàu trên sông Thames và đi xe buýt trong thành phố Luân Đôn. Hóa ra, đi tour rẻ hơn rất, rất nhiều.

Từ Pháp đi Anh không cần giấy thông hành, nhưng phải mang theo hộ chiếu để trình khi qua cổng quan thuế ở nhà ga. Thủ tục khám xét rất nhanh.

Xe lửa cao tốc Eurostar (xe của Pháp có tên gọi TGV) bắt đầu chạy từ 8.13am. Lộ trình Paris-Luân Đôn mất đúng 3 tiếng đồng hồ, không sai một phút! Hệ thống xe lửa cao tốc TGV nội địa của Pháp rất hãnh diện về giờ giấc chạy. Họ nói mọi tuyến đường đi và đến đúng giờ tới 97% và nếu có sớm hay trễ, thì chỉ một vài phút mà thôi.

 

Đi dưới lòng biển trong 20 phút

Nước Anh là một đảo quốc tách biệt với lục địa Âu Châu. Ngoài khác giống, họ còn khác luôn cả tính tình và thói quen, như đi xe bên tay trái, có vẻ lạnh lùng (tỉnh như Ăng-lê). Pháp và Anh cách nhau bởi biển Manche mà nơi gần nhất khoảng 25 cây số. Biển do đó trở nên thành trì để giúp hai nước được độc lập trong suốt một lịch sử dài thường có những cuộc chiến xâm lược đẫm máu giữa hai giống dân Gô-loa và Ănglô-Xắc xông.

Vì ở ngoài biển, Anh giỏi về hàng hải và hải chiến. Vua Napoléon là vị tướng tài ba, thắng được nhiều nước Âu Châu, nhưng đã thua trước hạm đội Anh, bởi vì ông tướng gốc pháo binh dùng sở đoản (hải quân) của mình để chọi với sở trường của đối phương.

Tuy không chiếm được lãnh thổ của nhau nhưng ý tưởng đào đường hầm thông thương dưới đáy biển đã bắt đầu khi Napeléon lên ngôi hoàng đế. Cuối thế kỷ 19 dự án đào hầm xuyên đại dương được khởi sự một thời gian nhưng rồi cũng bãi bỏ.

Giữa thế kỷ 20, ý tưởng này lại được khơi dậy nhưng phải đợi cuối hậu bán thế kỷ 20 mới thực sự tiến hành và không còn bị gián đoạn nữa. Anh đào từ phần đất Folkestone của mình và Pháp đào từ vùng Sangatte, hẹn sẽ gặp nhau giữa đáy biển. Năm 1990, hai mũi khoan của hai nước gặp nhau. Năm 1994, họ khánh thành đường hầm Channel Tunnel (còn gọi là Chunnel hay Eurotunnel), một công trình được coi là vĩ đại nhất của thế kỷ 20.

Chi phí xây dựng đường hầm là 15 tỉ Mỹ kim với đội ngũ kỹ sư và công nhân lên tới 13,000. Đường hầm dài 31 dặm nhưng chỉ có 23 dặm nằm sâu dưới nước. Độ sâu trung bình của đường hầm là 50 mét dưới mặt đáy biển. Người ta nói rằng đất lấy dưới đường hầm đắp lên đất liền Anh làm cho diện tích nước này rộng thêm 90 mẫu. Số đất tương đương với 68 sân banh đã được dùng làm một công viên.

Khi xe lửa cao tốc từ Pháp chạy gần tới đường hầm, loa phóng thanh trên xe lửa cho biết là tàu lửa sắp chui xuống hầm và thời gian chạy dưới lòng biển sẽ kéo dài trong 20 phút. Rồi trời đang sáng với cảnh vật đồng quê chung quanh bỗng tối lại như xe đang chạy qua một cái hầm bình thường nào đó. Có một cảm giác nhè nhẹ là xe lửa đang đi xuống dốc, nhưng rất êm, và sau đó là im lặng.

Nếu không được báo trước thì chẳng ai biết rằng họ đang đi dưới lòng đại dương và trên đầu họ mấy chục mét là nước biển. Với tốc lực xe chạy 300km/ giờ, tôi đoán quãng đường giữa hai thành phố khoảng 850 cây số.

Đúng 3 tiếng đồng hồ sau khi xe lửa cao tốc rời Paris, chúng tôi đến ga xe lửa quốc tế Waterloo vào lúc 10.13am giờ địa phương (giờ Anh chậm hơn giờ Pháp một tiếng). Qua quày kiểm soát quan thuế và di trú, du khách chỉ việc đưa hộ chiếu và trả lời ở lại nước Anh trong bao lâu. Thế thôi.

Tại đây có nhân viên của công ty du lịch ở bên Anh đón. Từ ga xe lửa ra sông Thames chừng vài trăm mét nên nhân viên du lịch dẫn chúng tôi đi bộ. Chúng tôi được thông báo là thời gian ở trên đất Anh sẽ khoảng 7 tiếng rưỡi.  5.50pm phải có mặt ở ga Waterloo để trở về Paris.

Người hướng dẫn du lịch tour của công ty đưa chúng tôi lên tàu Bateaux London nằm sát vòng đu quay London Eye. Tàu chạy một vòng về hướng cầu Tower Bridge rồi trở lại, kéo dài trong 50 phút. Có máy cassette thu băng giải thích bằng nhiều ngôn ngữ. Nếu mua vé riêng phải trả 6.3 bảng Anh mỗi người (tiền Anh cao gấp 2 lần rưỡi tiền Úc).

Trên khoang vòng quay London Eye, một biểu tượng mới của Luân Đôn. Hình TVTS

Bạn sẽ có dịp chiêm ngưỡng tòa Quốc hội và tháp đồng hồ Big Ben bên kia sông trước cầu Westminster Bridge, tòa nhà hình cầu Shakespeare’s Globe, chiếm hạm HMS Belfast (đã ngưng hoạt động, đậu trên sông làm cảnh cho du khách ngắm) và sau đó là chạy qua cây cầu nổi tiếng Tower Bridge được đỡ bằng hai cái tháp, là một trong những biểu tượng của Luân Đôn. Sông Thames rộng và có nhiều sóng hơn sông Seine. Có thể ví sông Thames với sông Cửu Long và sông Seine với sông Hương ở Huế.

Trở về cầu tàu Waterloo, chúng tôi được đưa lên xe buýt và chạy trong một vài con đường chính của thành phố với sự giới thiệu rất qua loa của ông tài xế. Xe chạy qua một số cung điện, công viên. Nhìn qua cửa và nghe nói thì quả thật là chán. Tôi chỉ trông họ mau thả xuống để được đi bộ xem cho thoải mái và theo ý thích của mình. Rồi thì xe buýt cũng ngừng tại cổng Marble Arch.

Tại đây tài xế cho biết phải có mặt ở ga xe lửa Waterloo trễ nhất vào lúc 5.50pm. Ông cũng cho hay đón xe từ cổng này về ga mất khoảng 30 phút bằng xe điện ngầm. Xuống bến xe bus, tôi đọc một vài quảng cáo thấy có bus tour giá 17 bảng Anh một người!

Tôi xem bản đồ nhặt trong ga xe lửa, thấy mình đang đứng ở đường Oxford Street, cách sông Thames đến 3 con đường ngăn bởi hai công viên Hyde Park và St James Park. Chỉ còn khoảng 4 tiếng rưỡi để đi xem các di tích và có thể là trò chơi đi vòng đu quay nổi tiếng London Eye mà con cái chúng tôi thích.

Chúng tôi ra một vườn hoa nhỏ gần cổng hình cung Marble Arch ăn trưa với thức ăn và nước uống mang theo. Rồi nhìn bản đồ lần đường đi ngược về cầu tàu Waterloo. Cũng như bên Paris, trời Luân Đôn hôm đó nắng gắt và rất nóng. Nhưng may, phố xá Luân Đôn san sát, che nắng cho người đi bộ. Vì Luân Đôn là thành phố rất lớn, dân lại đông nhất Âu Châu nên xe cộ chạy ngợp mắt, muốn băng qua đường, thường thường phải đi đường hầm để qua phía bên kia, là một trở ngại cho một du khách chỉ ở lại thành phố trong vài giờ.

Tôi thấy điện Kensington ở công viên Hyde Park, nhưng nằm quá xa con đường Park Lane mà chúng tôi đang đi về hướng cầu tàu Waterloo, nên bỏ qua. Qua khỏi công viên này, chúng tôi gặp công viên St James Park và từ đấy lần mò tới điện Buckingham Palace, nơi cư ngụ của Nữ hoàng Elizabeth, bà vua của nước Úc.

Khách chỉ được đứng ngoài đường nhìn vào hàng rào song sắt cao nghễu nghệ. Cổng chính vào có tấm đà nằm chắn ngược, nên cho dù xe khủng bố có tông cửa vào thì cũng chẳng thể vượt qua được tấm đà sắt đó. Tôi thấy có xe một viên chức vào, người gác cửa mở cửa và đợi tấm đà sắt thụt sâu xuống dưới mặt đất, xe mới chạy vào.

Nhìn mấy ông gác cổng đứng như trời trồng dưới trời nắng cũng chán. Lại thấy tấm bảng ghi màn biểu diễn đổi phiên gác sẽ diễn ra ngày mai nên chúng tôi chụp vài bức hình rồi tiếp tục đi, nhớ câu nói của thân hữu Đào Văn An là “chưa tới coi lính đổi gác ở điện Buckingham là chưa đi Luân Đôn”.  Nhưng chúng tôi nghĩ Luân Đôn trong vài giờ đi bộ sắp tới vẫn sẽ cho chúng tôi vài kỷ niệm và cho tôi ít đề tài để về Úc hầu bạn đọc trong “trường thiên” ký sự này.

Đi dọc theo đường Buckingham Gate, chúng tôi gặp Tu viện Westminster Abbey. Đây là một trong những lâu đài lớn của hoàng gia Anh trong nội thành Luân Đôn. Tại đây du khách được tự do vào xem. Khách được phép đứng chụp hình với các lính gác trong cung và những lính gác cỡi ngựa đứng ngoài cổng.

Chúng tôi được xem cảnh đổi phiên gác với những chú lính mặc y phục rực rỡ, mũ nón rườm rà với đôi giày ống to và cao quá cỡ làm các chú lính đi đứng khó khăn trông rất ngô nghê trong cái nóng gay gắt của mùa hè. Du khách chụp hình và chọc ghẹo, nhưng tôi thấy chỉ có một chú lính mặt non choẹt phải phì cười mà thôi. Còn lại đều như tượng gỗ. Thật khổ cho cái nghề làm lính gác hoàng gia Anh.

Chúng tôi đi vòng ra phía sông, qua Quốc hội nhưng không vào xem vì sợ không còn giờ. Chúng tôi lên cầu đi bộ Hungerford Footbridge để băng qua sông, hướng cầu tàu Waterloo, và dự trù nếu còn giờ sẽ đi vòng đu quay London Eye, nhưng không cho con cái biết trước, sợ sẽ bị thất vọng nếu dự tính mà cuối cùng không đi chơi được.

Đứng từ cầu đi bộ Hungerford chụp hình hướng tòa Quốc hội, sẽ cho những cảnh đẹp. Tôi đứng nơi đây khoảng 15 phút, sau đó tới dưới chân London Eye cho con cái xem những anh chàng hề làm trò và lẳng lặng vào trong quầy bán vé hỏi giá tiền, thời gian sắp hàng đi lên vòng đu quay và hỏi đi như thế mất bao nhiêu phút vì phải còn về cho kịp xe lửa.

Khi thấy cái đuôi đợi không dài và một vòng quay chỉ mất 30 phút, tôi liền mua vé. Người lớn 11 bảng Anh, trẻ em 16 tuổi trở xuống 5.5 bảng Anh. Họ không hỏi giấy chứng minh tuổi tác.

Vòng đu quay London Eye cao 135 mét, có 32 khoang mỗi khoang chứa tới 20 người ngồi đứng thoải mái. Vòng quay chạy liên tục không ngừng, dù có người lên và xuống, do vòng quay rộng và chạy chậm. Tôi đã đi nhiều các loại vòng đu quay, các trò xe chạy dây cáp giăng giữa các ngọn núi nhưng thấy rằng cảnh nhìn trên London Eye đẹp nhất, ngồi thoải mái nhất, không toát mồ hôi tay vì sợ độ cao.

Rất tiếc dự án làm Melbourne Eye ở trên sông Yarra đã bị bác bỏ đến hai lần, dù mẹ ông Thủ hiến Steve Bracks từng tuyên bố là bà thích và công ty đấu thầu đã giảm độ cao từ 150 mét đến 100 mét để những người “yêu chuộng nghệ thuật” ở Melbourne khỏi chống bất cứ công trình xây cất nào có độ cao mà họ cho là coi đau mắt.

Còn khoảng nửa giờ, chúng tôi lên cầu Westminster Bridge nằm ở giữa tòa Quốc hội và Melbourne Eye ngắm cảnh thành phố trước khi trở về Paris. Thấy một chiếc xe đẩy bán hot dog với những miếng dồi nướng bốc khói thơm phức, chúng tôi mua (2 bảng Anh) và đứng ăn tại chỗ trước khi ông bán hàng rong bị cảnh sát đuổi chạy khỏi cầu.

Tôi có cảm tưởng mình đang đứng trên cầu Princes Bridge ở vùng Southbank. Không khí Luân Đôn có vẻ chẳng khác mấy Melbourne. Vì mùa hè nên tôi chưa được thưởng thức một Luân Đôn sương mù.

Đi từ Paris sang Luân Đôn mà chẳng khác gì từ Sài Gòn đi Cần Thơ. Hầm Chunnel đã làm khoảng cách giữa hai nước có khi là bạn, có khi là thù địch, trở nên gần nhau. Có hai bà người Mỹ cùng đi tour với chúng tôi nói chuyện với nhau và đánh giá nguời Anh và Pháp. Tuy ca ngợi người Anh nhưng hai bà Mỹ phải nhìn nhận với nhau rằng người Pháp tỏ vẻ thân thiện và du lịch ở Pháp rất dễ chịu.

 

Trên một cây cầu ở thành phố cổ Brugge của Vương quốc Bỉ. Hình: TVTS

Vương quốc Bỉ

Bỉ là chuyến đi cuối cùng của chúng tôi và cũng là ngày cuối cùng chúng tôi ở trên đất Pháp. Tôi muốn đi thăm thủ đô Brussels của Bỉ nhưng anh bạn chủ nhà cho rằng thủ đô đó nhỏ, chẳng có gì đáng coi và chỉ được thiên hạ biết nhờ là nơi có Quốc hội Âu châu và bộ tư lệnh của khối NATO.

Anh bạn đề nghị nên đi xem thành phố Brugge (còn gọi là Bruges), một thành phố rất cổ, xây dựng cách đây cả ngàn năm và được gìn giữ nguyên vẹn. Anh bạn có gởi một cuốn video cho tôi xem trước nên tôi nói đã xem rồi thì đi làm gì nữa. Nhưng anh bạn cứ đề nghị là nên đi, vì anh cũng đã từng đi Brussels nhưng thấy Brugge đáng đi tham quan hơn. Vả lại, trong tập tham quan Âu Châu của công ty Cityrama, họ chỉ giới thiệu hai thành phố mà thôi: Luân Đôn và Brugge.

Mua vé xe lửa cao tốc giá gần 200 Euro một người, lại phải đổi xe lửa một chặng. Vì thế, chúng tôi quyết định đi tour của công ty Cityrama bằng xe bus với giá chỉ 116 Euro, lại được bao một chuyến tham quan bằng tàu trên các con kênh mà nếu mua vé bên ngoài, phải trả 5.40 Euro một người. Thôi thì ngày cuối ở Âu Châu, để người ta hướng dẫn hơn là tự mò mẫm.

Từ Paris đi Brugge, xe bus chạy mất khoảng 4 tiếng rưỡi kể cả nửa tiếng xe dừng ở một khu mua bán giữa đường trước khi qua biên giới, để ăn uống và làm việc vệ sinh.

Biên giới chỉ là cái cổng giữa xa lộ, chẳng có người canh gác. Xe cứ thế mà chạy qua. Trên xe, ngoài tài xế, còn có hai bà hướng dẫn viên du lịch nói tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha. Họ giải thích dọc đường và khi đến nơi chia thành 2 toán ngôn ngữ đi tham quan riêng rẽ.

Brugge là một thành phố chỉ cách biển khoảng 20 cây số và có hệ thống giao thông bằng những con kênh đào. Nếu tôi nhớ không lầm thì người hướng dẫn nói rằng dân số thành phố khoảng 100,000 người và số lượng kênh đào chằng chịt trong thành phố dài khoảng 25 cây số.

Đường phố nhỏ, có xe ngựa chở du khách đi ngắm cảnh. Xe hơi chạy hai chiếc tránh nhau khá khó khăn, vì có thể cách đây một ngàn năm các thương nhân có công xây dựng nên thành phố này không tiên đoán là sau này người ta sẽ chế ra được một thứ di chuyển khác hơn là xe ngựa.

Thành lập cách đây khoảng 1,000 năm, thành phố cổ Brugge xây toàn bằng gạch dọc các con kênh đào chạy ra biển. Hình: TVTS

Do ở gần biển, từ thế kỷ 13 Brugge đã trở thành một hải cảng quốc tế. Các người Pháp, Hòa Lan, Đức, Tây Ban Nha, Áo và cả người Nga xa xôi đều kéo nhau tới đó sống và buôn bán. Vai trò của các thương gia trở nên quan trọng, có lúc vượt xa các vương hầu thời Trung Cổ.

Nét độc đáo của kiến trúc ở Brugge là tất cả nhà cửa, lâu đài, đền thờ đều được xây bằng gạch. Móng nhà nằm dưới nước kênh đào cả ngàn năm vẫn không hư. Sự hủy hoại đáng sợ nhất là bởi con người chứ không phải thiên nhiên. Nhưng trải qua bao cuộc chiến, mọi thế lực chính trị, chủ nghĩa vẫn “tha” cho thành phố Brugge, một trong những thành phố cổ nhất của Trung Cổ hiện vẫn còn tồn tại hầu như nguyên vẹn. Đấy là lý do Brugge trở thành trung tâm du lịch ở Âu Châu.

Bỉ quốc độc lập từ Hòa Lan vào năm 1830 và hiện theo chế độ quân chủ lập hiến. Tiếng Pháp và Hòa Lan là hai ngôn ngữ được thừa nhận chính thức ở quốc gia này, nhưng tiếng Pháp thông dụng hơn.

Tuy nhiên tại Brugge, văn hóa của thổ dân Flemings vẫn còn được bảo tồn mạnh mẽ nên ngoài tiếng Pháp, dân chúng còn nói tiếng Flemish, một ngôn ngữ có bà con xa gần với tiếng Đức và tiếng Hòa Lan.

Người hướng dẫn bắt đầu đưa du khách tham quan từ tu viện cổ kính tới những nhà làm rượu, những đền đài cổ xưa. Sau khoảng một tiếng đi vòng vòng, bà hướng dẫn hẹn 3 giờ chiều đến một chân cầu để đi tàu ngoạn cảnh trên các con kênh trước khi trở về Paris. Với một tiếng đi tự do, chúng tôi lang thang ở những khu gần bến tàu ca-nô để khỏi bị lạc hay bị trễ.

Chúng tôi nghe nói đời sống ở Bỉ không đắt đỏ. Mua một lon bia chỉ có 1.5 Euro, nghĩa là chỉ bằng một nửa ở Pháp. Tôi cũng nghe nói kẹo sô-cô-la ở Bỉ nổi tiếng ngon. Tôi mua, phần để ăn tại chỗ phần để biếu bạn bè. Nhưng do chất đầy trong túi xách, lại gặp trời nóng nên khi về đến Paris thì phần bị dẹp phần bị chảy vì trời nóng.

Với tôi, hình ảnh đẹp nhất là đi ngoạn cảnh bằng ca-nô trên các con kênh. Kênh không rộng và cầu bắc qua kênh cũng không cao, đủ để cho ca-nô chở người chạy qua mà không bị đụng đầu. Nhưng nhìn các kiến trúc ở dọc hai bên kênh mới thấy rằng người xưa rất giỏi về xây cất. Người ta nói Brugge là một thành phố Venice ở Tây Âu (Venice là thành phố trên kênh đào ở Ý).

Chúng tôi chỉ được ở Brugge khoảng 4 tiếng đồng hồ và sau đó trở về Paris lúc 9 giờ tối. Chúng tôi không về nhà ngay mà đi lên phố Paris dọc con sông Seine cho con cái mua ít quà kỷ niệm. Về nhà cũng khoảng 11 giờ đêm, ăn bữa cơm tối cuối cùng với người bạn đã xa nhau cách đấy 23 năm. Và 5 giờ sáng hôm sau ra phi trường trở về Úc.

Bùi Sỹ Thành (giữa) tiễn gia đình chúng tôi ra phi trường Charles de Gaulle chấm dứt chuyến “Nửa vòng Âu Châu trong 23 ngày”. Hình TVTS

Thế là xong một chuyến “Nửa vòng Âu Châu trong 23 ngày” Chuyến đi đã tạo hứng thú cho tôi viết một đề tài kéo dài 13 tuần lễ! Có thể nói tôi chưa bao giờ có một chuyến du lịch đã như thế. Loạt bài “Kể chuyện đường xa” sẽ trở lại với bạn đọc trong một, hai hoặc chậm nhất là… ba năm sau. Tôi rất lưỡng lự khi kết thúc loạt bài này với câu rất sáo “mời bạn đọc… nhớ đón xem”

TVTS số 916 – 15.10.2003