Nửa vòng Âu Châu trong 23 ngày: Từ vườn Lục Xâm Bảo tới Ga Ly-ông đèn vàng (kỳ 9)

15 Tháng Chín, 2003 | Pháp
Ngồi ghế sắt nẹp gỗ ở Vườn Lục Xâm Bảo. Hình TVTS

Nguyễn Hồng-Anh

***

Từ Lourdes trở lại Paris là lúc trời đã gần tối. Chúng tôi về nhà người bạn chủ nhà để ăn cơm Việt Nam sau ba ngày lang thang ăn cơm đĩa tây và McDonal. Anh bạn chủ nhà rất chu đáo về chuyện ăn uống. Nước suối mua sẵn cả két để chúng tôi mang đi chơi trong ngày, vừa lành mạnh lại vừa khỏi tốn tiền mua nước ngot trên đường phố, trong các trung tâm du lịch. Đến tối là anh chờ cơm sẵn ở nhà, dù chúng tôi đi chơi về trễ. Những buổi cơm tối ăn lúc 10 giờ hoặc 11 giờ đêm là chuyện bình thường. Có những đêm ăn sau nửa khuya. Con cái chúng tôi vẫn thích ăn đồ ăn Việt Nam, nên có ăn ngoài đường chỉ là ăn chơi cho vui, dành bụng tối về nhà ăn cơm do Bác Thành nấu.

Thế là chúng tôi đã “tiêu” mất 10 ngày ở Pháp. Chỉ còn lại 8 ngày rất chóng qua. Chúng tôi dành một ngày đi mua vé để sáng hôm sau đi thăm Luân Đôn (sẽ kể trong một dịp khác) và thì giờ còn lại đi bát phố. Trừ 3 ngày để đi chơi xa qua các nước như Anh, Bỉ và thăm nơi đồng minh đổ bộ ở Normandy và 1 ngày để đi coi cung điện Versailles, những ngày còn lại là những chuyến đi chơi không định trước, rất đúng nghĩa là lang thang.

 

Paris có gì lạ?

Ông giáo sư tâm lý học kiêm nhà kinh doanh Trần Bích Lan có lẽ chỉ được người ta nhớ đến qua bút hiệu Nguyên Sa. Nhưng cũng phải nhờ các nhạc sĩ mà thơ của ông trở nên gần gũi với mọi người. Và nói đến Paris,  người ta không thể nào không nhớ đến bài hát Paris có gì lạ không em do Ngô Thụy Miên phổ nhạc từ thơ của Nguyên Sa. Tôi có xem một cuốn video gần đây trong đó Ngô Thụy Miên cho biết lúc này ông vẫn tiếp tục viết nhạc và sáng tác dồi dào là nhờ thời gian dài ông qua sống bên Paris. Ông đã cám ơn thành phố mơ mộng cho ông những nguồn cảm hứng để vẫn còn nhả tơ trên đời.

Đấy, một nhạc sĩ tưởng rằng sẽ bế tắc nguồn hứng sau khi phải rời khỏi Sài Gòn của những “Ngày mai mình lang thang trên phố dài” đã tìm được suối nhạc bên bờ sông Seine hay những lúc lang thang trên phố Paris.

Paris có gì lạ, với đoạn sông Seine dài khoảng 12 cây số trải một vòng cung trong khu nội thành từ cầu Pont Garigliano thuộc quận 16 và 15 chạy tới cầu Pont National thuộc quận 12 và quận 13?

Paris có gì lạ, với 20 quận nội thành bao bọc bởi một đường ngoại vi dài khoảng 35 cây số mà người Pháp đặt tên là đại lộ Boulevard Périphérique?

Paris với du khách bốn phương và nhất là đối với người Việt Nam, sẽ mãi mãi là một thành phố đã nghe từ khi vào đời, là nơi người ta ước mơ đặt chân đến. Và như người viết mục Kể chuyện đường xa này, thì đã một lần đến là một lần nhớ, mong trở lại.

 

Từ Lutetia đến Ba Lê

Như đã nói trong bài viết trước, nước Pháp cách đây 2000 năm chỉ được biết dưới cái tên Gaul mà danh tướng La Mã Julius Caesar đã viết trong các bút ký chiến tranh của ông như Gallic War. Cũng trong bút ký này, thành phố Paris, hiện nay được Caesar nhắc đến qua cái tên Lutetia.

Thật vậy, Lutetia nguyên thủy là một làng đánh cá của bộ tộc Parisii nằm trên hòn đảo Ile de la Cite ngày nay, tức là cù lao nơi có nhà thờ chính tòa Notre Dame. Sau khi Caesar về La Mã để trở thành một nhà Chuyên Chế Suốt Đời (Dictator for Life), Lutetia và những khu vực hai bên sông Seine được nới rộng thêm, đào lũy, đắp thành, nhưng vẫn tiếp tục nằm dưới sự cai trị của  các hoàng đế La Mã cho đến thời của các Vua Constantine II và Constantius II cùng cai trị  giữa thế kỷ thứ 4 sau công nguyên).

Sau những cuộc chiến với người Hun, sự lên ngôi của các triều trại Merovingian, Carolingian, Paris chỉ thực sự trở thành một kinh đô đúng nghĩa sau khi bá tước Eudes đánh đuổi được người Dane vào năm 885 và sau đó trở thành vị vua đầu tiên của dòng họ Capetian.

Nhưng phải đợi đến khi vua Philippe-Ausgustie II lên ngôi (1180-1223) Paris mới bắt đầu một thời hoàng kim với việc xây dựng các công trình lịch sử như Nhà Thờ Đức Bà (khởi đầu năm 1163 và hoàn tất năm 1330), điện Louvre (1204). Sau một thời gian chiến tranh, Paris lại được mở rộng với nhiều lâu đài, kể cả ngục Bastille dưới thời vua Charles V để nhốt tội phạm, những kẻ nổi loạn. Trong mấy trăm năm tiếp theo, Paris luôn có những biển động, kể cả thời gian bị nước Anh chiếm đóng, xung đột tôn giáo giữa Công giáo và Tin lành.

Đầu thế kỷ 17, thành phố Paris với dân số 300,000 người trở thành một trung tâm văn hóa và chính trị  quan trọng ở Âu Châu với việc Hồng Y Richelieu ra chấp chánh dưới triều vua Louis 13 và 14. Chính Hồng Y Richelieu là người đã lập ra Hàn Lâm Viện Pháp vào năm 1635. Cùng với Hồng Y Richelieu  làm bộ trưởng đầy ảnh hưởng và quyền uy, ông Vua Mặt Trời Louis 14 đã đưa nước Pháp vào một thời đại cực thịnh trong lịch sử.

Sau các vua Louis 13 và 14 với điện Versailles, đến vua Louis 15 với La Concorde, trường quân sự Ecole Militaire (mà Napoléon Bonaparte theo học và ra trường với cấp bậc thiếu úy pháo binh), vua Louis 16 là người đã hoàn tất việc thay đổi bộ mặt Paris với việc ra lệnh những đường phố mới xây, phải rộng đến 10 mét và phá hủy tất cả các  công thự trên các cây cầu trên sông Seine để làm cho con sông có một cái nhìn thoáng và xa như hiện nay. Louis 16 bị cách mạng Pháp 1789 (là năm Quang Trung Nguyễn Huệ đại phá quân Thanh) lật đổ và bị chặt đầu mấy năm sau.

Đến thời Napoléon đệ I, ông vua này có một chương trình “làm cho Paris trờ thành một thành phố đẹp nhất mà sức con người có thể thực hiện được”. Theo Napoléon, kiến trúc và thiết kế đô thị phải đi đôi với nhau. Ông cho xây nhiều cây cầu, đê, chợ và Khải Hoàn Môn là một trong những công trình kiến trúc Napoléon I để lại cho người Pháp làm nơi… diễn dành.

Cuối thế kỷ 19, vua Napoléon Đệ III đã giao cho Baron Haussman quy hoạch lại thành phố Paris, giải quyết những vấn nạn giao thông làm cho thủ đô Pháp phải nghẹt thở vì bụi bặm. Nhiều đại lộ được làm lại, những khu chợ có mái che được xây nên và nhà hát Opera được xây trong thời gian này. Và trước ngưỡng cửa thế kỷ 20, một công trình kiến trúc gây tranh luận, chỉ trích đã được thực hiện  để chào mừng hội chợ quốc tế tổ chức tại Paris. Thủ đô nước Pháp chứng kiến một thời hoàng kim mới, được thiên hạ tặng cho danh hiệu “Kinh đô ánh sáng”.

Từ cuộc cách mạng Pháp 14.07.1789 (ngày phá ngục Bastille) cho đến ngày xây tháp Eiffel năm 1887, nước Pháp trải qua những triều đại quân chủ từ dòng họ Louis (Bourbons) đến dòng họ Napoléon, rồi từ những nền Đệ Nhất Cộng Hòa đến thời loạn lạc của thời kỳ Công Xã và sau cùng là nền Đệ Tam Cộng Hòa. Chính phủ Jacques Chirac hiện nay thuộc nền Đệ Ngũ Cộng Hòa.

Định mệnh cũng như sự tình cờ của lịch sử đã làm cho người Việt Nam biết, nghe, hoặc thấy hay đã đến cái thành phố mà họ phiên âm hoặc gọi một cách thân mật và trìu mến: Ba Lê. Trước năm 1975 được đi Ba Lê là một đặc ân hay đặc quyền. Ngày nay, hàng trăm ngàn người Việt ở hải ngoại muốn qua Ba Lê để xem “Paris có gì lạ” chỉ việc tiện tặn một chút là có thể thực hiện được một chuyến “đi tây”. Tuần qua, hãng máy bay Singapore quảng cáo một vé khứ hồi đi Paris chỉ khoảng từ $1,800 Úc kim. Rẻ hơn thời gian tháng 7 vừa qua rất nhiều.

 

Chưa lên đèn: trước Ga Ly-ongđèn vàng. Hình TVTS

Tìm lại kỷ niệm

Bà Nguyễn Văn Hay (phu nhân của cựu đại tá Nguyễn Văn Hay, tổng giám đốc cảnh sát Đệ I Cộng Hòa mới qua đời hồi gần đây) một hôm gặp tôi đã nói: “Ông Hồng Anh ơi, đọc các bài viết của ông làm cho tôi nhớ lại Paris của thời xa xưa quá sức, nhớ khu Quartier Latin, nhớ nhà thờ Sacré-Coeur, nhớ khu Montmartre…” Bà Hay nhớ là phải vì bà từng qua Paris học trong những năm cuối thập niên 1940. Bà cho biết cách đây hơn mười năm bà có qua Paris và thấy khung cảnh xưa chẳng thay đổi gì, nhất là đồi Montmartre. Bà ví cảnh ở Sacré-Coeur như cảnh “trên thiên đàng dưới địa ngục”. Tôi hiểu ý bởi vì ở trên cao là nhà thờ trái tim Chúa rất linh thiên và tôn kính, ở dưới chân đồi và ngay bên hông nhà thờ là khu vực ăn uống, quán nhạc sống và sinh hoạt nghệ thuật của các nghệ sĩ. Đồi Montmartre là thế.

Tôi chỉ có kỷ niệm về Paris sau chuyến du lịch cách đây hai tháng. Nhưng vì nghe nói nhiều về Paris nên có cảm tưởng như thân quen. Bốn năm sống đời sinh viên ở Đà Lạt, một thành phố được xem là Un petit Paris – “một Ba Lê thu nhỏ” do Bác Sĩ Yersin khám phá, cũng là mối dây vô hình làm cho tôi cảm thấy gần gũi khi du lịch ở Paris. Và nhất là những bài thơ và các nhạc phẩm nói về thành phố này nên tôi đã tìm đến đó để xem thế nào.

Lục Xâm Bảo

Bạn có cảm giác như thế nào mỗi khi nghe điệu nhạc Valse với lời như Mùa thu âm thầm, bên Vườn Lục Xâm, ngồi quen ghế đá hay điệu nhạc Slow với “Ngày em đi, nghe chơi vơi não nề, qua vườn Luxembourg, sương rơi che phố mờ”. Thơ mộng và lâm ly quá phải không bạn? Đã tới Paris, tôi phải đi coi xem cái vườn Lục Xâm Bảo nó giống cái chi chi.

Vườn Lục Xâm Bảo mà tiếng Pháp gọi là Jardin du Luxembourg nằm ở quận 6. Từ nhà thờ Đức Bà ở quận 1 hay từ khu người Việt ở quận 13 đến vườn Lục Xâm Bảo dài khoảng từ 2 đến 3 cây số đường chim bay và đi metro mất khoảng 20 đến 30 phút.

Tên Lục Xâm Bảo xuất phát từ tên của Francois Luxembourg, hoàng tử xứ Tingry, người đã mua khu biệt thự tại  đó năm 1570 mà về sau mang tên ông. Năm 1612, Hoàng Hậu Marie de Medicis mua lại biệt thự và cả khu đất chung quanh rồi nhờ kiến trúc sư Salomon de la Brosse tân trang biệt thự và xây một khu vườn với cảnh vật cho hợp với ý thích của bà. Bà dọn từ điện Louvre về sống ở đây sau khi vua Henri IV qua đời. Sau đó, tòa nhà lại chuyền tay qua nhiều sở hữu chủ cho đến thời Napoléon thì ông giao biệt thự đó cho Thượng Viện vào năm 1800 và đến nay, vẫn còn là trụ sở quốc hội của Thượng viện Pháp.

Nhưng Luxembourg nổi tiếng là nhờ khu vườn xanh nằm giữa khu phố thị ồn ào và đông đúc. Những hàng cây xanh thẳng tấp với vô số ghế (hôm đó tôi thấy toàn là ghế sắt) là nơi thiên hạ tới để nghỉ ngơi, thư giãn tinh thần hay ngồi đọc sách. Đặc biệt là có nhiều thanh niên hay sinh viên đến đây vì khu vườn Lục Xâm Bảo nằm cạnh khu Quartier Latin, cạnh các đại học như đại học nổi tiếng Sorbonne mà phần lớn người Việt ở lứa tuổi của tôi trở lên đều nghe tên. Từ Nhà Thờ Đức Bà đi bộ qua vườn Lục Xâm Bảo có thể dùng đường Boulevard Saint Michel và trước khi đến nơi, sẽ thấy đại học Sorbonne ở bên tay trái. Ngày xưa mà nói học triết hay văn chương ở Sorbonne thì cũng như nghe học luật hay kinh doanh ở Havard vậy.

Trong khu Jardin du Luxembourg  có 3 phần: Palais du Luxembourg tức là Thượng viện, kế đến khu Petit Luxembourg và Jardin du Luxembourg. Trước mặt Thượng viện có hồ lớn, chung quanh có vườn trồng hoa, có đài phun nước Médicis do bà Marie de Médicis đặt làm. Đặc biệt quanh vườn cây bọc sân trước của Thượng Viện có khoảng 50 bức trượng hoàn toàn của phái nữ, đó là tượng của các hoàng hậu Pháp và một số nữ doanh nhân của Pháp.

Tôi qua Pháp đúng vào mùa hè. Ngày hôm đó trời rất nóng và có nhiều bụi. Nếu đến vườn Lục Xâm Bảo của mùa thu, vào lứa tuổi trên dưới 20, có người tình bên cạnh, lại là “người em mắt nâu tóc vàng sợi nhỏ” thì chắc chắn suối thơ ý nhạc mặc sức tuôn trào. Tôi đến vườn Lục Xâm Bảo vào một buổi trưa lúc nước Pháp đang than nóng và hứa hẹn sẽ có một thời kỳ nóng kỷ lục trong cả nửa thế kỷ của xứ này. Vậy mà vẫn thấy đẹp.

Cũng nên nói thêm với độc giả, người ta cho rằng đi thăm Paris vào mùa thu là đẹp nhất, tình nhất. Mùa hè thì hơi nóng, nhưng đi đó đây thăm thú là rất hợp. Nhưng chớ đi vào mùa đông (tức đang mùa hè ở Úc) vì rất lạnh, phải co ro trong nhà và như thế thì chán chết. Tôi chưa có dịp đi Paris vào mùa Thu, nhưng có nhận xét đi Pháp vào mùa hè cũng tuyệt vời, và nếu có dịp xuống bờ biển phía nam của Pháp như Cannes, St Tropez, Nice thì không có gì tuyệt hơn. Các tài tử, ca nhạc sĩ Âu Châu thường đến nghỉ mát ở vùng biển ấm Địa Trung Hải này.

Vua Bảo Đại ngày xưa qua ăn dầm ở dề tại Cannes để chuyện quốc sự cho kẻ khác lo nên mới bị truất phế. Ca sĩ Úc Kylie Minogue tuần qua bị xe cảnh sát Pháp rượt theo ở biển St. Tropez nhưng chỉ ông tài xế của cô bị cảnh sát giữ, còn khi biết người hành khách là nhân vật nổi tiếng, lại vui vẻ nói chuyện thì các phú lít đưa viết cho Kylie ký lưu niệm. Từ bãi biển Nice đi Monaco có con đường được liệt vào danh sách 10 con đường đẹp nhất thế giới, nhưng khá nguy hiểm vì chính nữ tài tử Grace Kelly vợ của ông hoàng Rainnier đã bị tai nạn chết trên con đường này. Tôi đến Lourdes là đã gần Địa Trung Hải, nhưng từ đó qua các bãi biển nổi tiếng nói trên cũng phải mất ba, bốn trăm cây số. Anh bạn chủ nhà của tôi nói có thể đến Cannes thuê khách sạn, rồi thuê xe hơi lái qua vương quốc cờ bạc Monaco chơi là một lối đi chơi thuận tiện và hấp dẫn. Nhưng tôi đã không có cơ hội. 18 ngày ở nước Pháp quả rất ngắn.

Gare de Lyon

Hãy nghe Sĩ Phú qua điệu nhạc Boston ba bước chậm rãi thì thầm qua một cuốn băng cassette ở một quán nhạc hay trong một “bal de famille” của một Đà Lạt chiều đông: “Lên xe tiễn em đi, chưa bao giờ buồn thế. Trời mùa đông Paris, suốt đời làm chia ly. Tiễn em về xứ mẹ, anh nói bằng tiếng hôn. Không còn gì lâu hơn, một trăm ngày xa cách. Tuyết rơi phủ con tàu, Ga Ly-ông đèn vàng, làm sao anh không nói. Nói chi cũng muộn màng”.

Chỉ một đoạn thơ của một anh sinh viên Cung Trầm Tưởng tả cảnh người yêu đi xa  mà qua nét nhạc tài hoa của Phạm Duy, các thanh niên Việt Nam chẳng biết Gare de Lyon nằm ở nơi mô trong Paris, đã thuộc lòng mấy chữ Ga Ly-ông đèn vàng, để mộng với mơ khi tiễn biệt người yêu, dù đó là Ga Bến Ngự Huế, Ga Phạm  Ngũ Lão Sài Gòn hay bến đò Thủ Thiêm, xa cảng Miền Tây hay bến xe Hòa Bình Đà Lạt. Cuộc chia tay ở đâu cũng buồn, nhưng sẽ da diết hơn nếu lạnh.

Hàng ngày, ít lắm là có hai lần tôi đi xe metro qua Gare de Lyon, nhưng chỉ thấy mặt trạm xe metro ở dưới hầm hoặc những đoạn hành lang đổi trạm xe chứ chưa lên trên, ra ngoài đường xem cho biết mặt mày ra sao. Tôi nói với cô con gái người bạn là “một buổi chiều nào đó chú phải ra trước Gare de Lyon để uống cà phê, xem cái Ga Ly-ông đèn vàng nó ra sao”. Cô cháu cười trả lời rằng, thì ga nào mà chẳng giống ga nào, ga nào lại không có đèn. Và sở dĩ đèn bóng màu vàng là để chống lại sương mù ở Paris. Thế thôi. Nhưng ông thi sĩ và nhạc sĩ đã thi vị hóa, làm như chỉ có ở Gare de Lyon mới có đèn vàng!

Gia đình chúng tôi có đến Gare de Lyon một lần để mua vé, vì đây là một trong những ga lớn ở Paris và là nơi có bán loại vé đi xuyên tỉnh hay đi các nước khác, tức là loại vé thuộc hệ thống đường sắt quốc gia S.N.C.F. Đó là lần chúng tôi đi mua vé đi thăm vùng biển Normandie nơi đồng minh đổ bộ giải phóng Pháp khỏi Đức Quốc Xã. Trước khi tới ga, đã nghĩ đến mấy chữ ga Ly-ông đèn vàng, nhưng do bận mua vé và chọn giờ giấc đi và giờ về, lại gặp ông bán vé không vui tính, nên mua được mấy cái vé là quên bẵng ga ly-ông đèn vàng kia.

Vì thế trước khi về Úc, một hôm trời đã gần tối, khoảng bảy tám giờ, trên đường đi metro về nhà người bạn chủ nhà, xe đến Gare de Lyong là tôi bắt cả nhà nhảy xuống, ra ngoài đường xem. Đoạn chúng tôi xuống đối diện với Bộ Kinh tế và Tài chính, thấy trên mái hành lang nhà ga có  dãy đèn lồng trong những trái cầu lớn màu trắng mà ta thường thấy ở các cột hàng rào hay tường của các biệt thự. Vì trời Paris lúc đó khoảng 10 giờ đêm mới bắt đầu tối, nên đèn đường và đèn nhà ga chưa lên, khiến tôi chẳng biết đèn Ga Ly-ông ngày nay màu gì.

Mà cũng chẳng cần biết. Chỉ biết Gare de Lyon là một cái ga rất rộng, nhộn nhịp và bận rộn. Đèn vàng của Gare de Lyon chỉ đẹp trong bài “Tiễn Em” mà thôi. Tôi nghĩ vậy./. (còn tiếp)

TVTS số 912 – 17.9.2003