Tân Tây Lan (6): Rotorua, cái nôi văn hóa của người Maori

17 Tháng Mười Hai, 2021 | Du lịch,Tân Tây Lan
Du khách được “bà tù trưởng” hướng dẫn vào đình làng Te Aronui a Rua và được chào đón bằng điệu múa ra trận haka

Nguyễn Hồng-Anh

Chúng ta đang đi thăm khu Te Puia, nằm cách trung tâm phố Rotorua vài cây số về phía nam ở trong thung lũng địa nhiệt Whakarewarewa. Cầm cái vé và tập quảng cáo chỉ dẫn thấy có hai chữ Te Puia, nhưng Te Puia là gì?

Theo sự tìm hiểu của chúng tôi, Te Puia là thổ ngữ Maori, có nghĩa là geyser, hot spring hay suối phun nước nóng, suối phun hơi nước nóng hay mạch nước phun, mạch nước sôi. Gọi cách nào cũng được, hay đơn giản gọi bằng tiếng Anh geyser, đọc gai-dờ hay ghi-dờ.

Ở trên thế giới có khoảng 1,000 geysers lớn nhỏ đang hoạt động trong đó một nửa nằm trong công viên quốc gia Yellowstone ở tiểu bang Wyoming, Hoa Kỳ. Những nơi nổi tiếng khác là Rotorua và Taupo bên Tân Tây Lan hay Kamchatka ở Nga.

Các quốc gia khác có geyser là Iceland,  Nhật, Ý và Tây Tạng.

Tại Tân Tây Lan, vào thế kỷ thứ 19, người ta đếm có khoảng 220 geysers, nhưng đến năm 2005 chỉ có 58 cái hoạt động trong đó có những cái nhỏ, phun yếu bởi vì không còn… xí quách, tức hết gas!

Cái nôi văn hóa Maori cạnh phố Rotorua

Te Puia trở thành địa danh của một vùng địa nhiệt với mạch nước phun, suối nước nóng và hồ bùn. Tại Te Puia có một cụm mạch nước nóng nổi tiếng có tên Pohutu Geysers, được rào lại, có cầu bắc ngang suối  để du khách tiếp cận những tảng đá lớn từ đó có những cột nước phun lên từng hồi hay liên tục, cao từ 10 đến 30 mét.

Te Puia cũng đồng nghĩa với trung tâm văn hóa của người Maori, những người Polynesian đã tới định cư ở đây khoảng 700 năm và ngày nay vẫn còn duy trì phong tục của họ nhờ sự khuyến khích và tài trợ của chính phủ Tân Tây Lan. Tại đây có trường kỹ thuật dạy chạm trổ và đan dệt New Zealand Maori Arts and Crafts Institute và Kiwi House, nhà nuôi các con kiwi, một loại chim biểu tượng của Tân Tây Lan. Một ngôi làng tiêu biểu của người Maori cũng được tái tạo bên cạnh để du khách tham quan.

Để bạn đọc khi vào Te Puia dễ dàng tìm hiểu văn hóa Maori, người viết xin ghi ra  những nơi nên tới xem, nếu thời giờ cho phép:

Te Heketanga a Rangi.

Cửa chính vào với cái tên thổ ngữ ở trên có nghĩa là phát xuất từ trời cao. 12 khúc gỗ được đẽo gọt theo nghệ thuật chạm trổ của người Maori dựng đứng hướng lên trời tượng trưng cho một vị thần hộ mạng của văn hóa Te Arawa, một trong những bộ lạc người Maori đầu tiên đi xuồng gỗ đến định cư ở Rotorua.

Nga Waru Pu Manawa Gallery.

Địa điểm trưng bày di sản văn hóa của người Kupe, một trong những nhà hàng hải gốc Polynesian đầu tiên  khám phá ra nước Tân tây lan ngày nay.

Rotowhio Marae.

Marae có nghĩa là khu sinh hoạt truyền thống của người Maori, nơi tổ chức hội hè, những cuộc họp mặt quan trọng.

Te Aronui a Rua.

Đây là căn nhà lớn nhất ở trong khu vực này được chạm trổ một cách tinh vi, từ mái nhà đến vách, cột nhà. Chính các học sinh ở đây đã đóng góp vào sự hình thành căn nhà được gọi là Te Aronui a Rua, có nghĩa là Meeting House, nơi để tụ họp, để kính nhớ tổ tiên của người Maori. Đây cũng là nơi trình diễn văn nghệ cho du khách xem. Du khách thoải mái chụp hình.

Te Whare Tapere.

Cũng là nơi triển lãm nghệ thuật của người Maori và đời sống của họ qua màn ảnh video.

Pikirangi Village.

Một ngôi làng truyền thống Maori được dựng lại. Du khách có thể xem những nghệ thuật cổ truyền và thủ công của người Maori ngày xửa ngày xưa.

Te Rito.

Là The Schoolof Weaving  ở nơi dạy đan dệt truyền thống bởi những thợ chuyên môn Maori. Du khách có thể chụp hình các học viên đang ngồi dệt những cái áo, váy hay khố của người Maori bằng những vật liệu cổ truyền.

Te Wananga Whakairo.

Sương mù hay mưa phùn? Du khách bị nước suối phủ mờ khi đi trên cây cầu gỗ đàng sau tác giả

The Carving School là nơi dạy về nghệ thuật đẽo gọt trên gỗ. Trung tâm Te Puia dạy cho học sinh môn học này tại chỗ hay qua các trung tâm khác trên toàn quốc.

Những địa điểm vừa nói nằm sát nhau.  Nhưng trước hết, mời các bạn hãy xem màn trình diễn văn nghệ có tên Maori Cultural Performances, là một phần trong giá vé vào cửa $45/$50 (không coi mục này, sẽ được bớt $10).

Các du khách đang đi xem những căn nhà cổ truyền trong khu vực này bây giờ được yêu cầu trở ra bên ngoài, đứng trước cổng để chuẩn bị chờ một nữ tù trưởng trong y phục cổ truyền từ trong đình làng ra đón du khách vào xem buổi trình diễn văn nghệ. Dĩ nhiên có những màn giải thích về nghi lễ, mời một người trong đám du khách đại diện cho nhóm để bà tù trưởng trịnh trọng rước vào đình trong khi những chàng trai tráng Maori múa tay dậm châm giữa sân cỏ qua vũ điệu truyền thống khi lâm trận là haka (war dance).

Du khách được yêu cầu để dép trước khi vào đình làng này để tỏ sự tôn kính. Gọi hội trường  đúng hơn (Te Aronui a Rua = Meeting House) vì là nơi để hội họp, có một sân khấu để trình diễn. Kiến trúc cổ truyền nhưng có vẻ xây hồi gần đây để thu hút du khách. Mới và đẹp, trông như một nguyện đường, có sức chứa tới vài trăm người.

Các vũ công nữ mặc váy, vũ công nam mang khố trình diễn những bài dân ca, những điệu múa của người Maori, có vẻ hơi giống những điệu múa và nhạc mà tôi từng nghe trong những chuyến du lịch ở các nước Vanuatu, New Caledonia có bà con gần xa với người Maori vì họ thuộc giống Polynesian.

Nghe một hai bài thì vừa, nhưng xem đến năm sáu mục dài tới 45 phút thì kể cũng hơi mệt, nhưng cũng phải lịch sự ngồi chờ.  Thật sự tôi muốn đi xem thắng cảnh hơn là ngồi nghe nhạc mà chẳng hiểu mô tê gì.

 

Một vòng Te Puia với hướng dẫn viên

 

Bây giờ, du khách có thể tự do đi tham quan vùng địa nhiệt rộng lớn của Te Puia. Có một người hướng dẫn của khu du lịch đưa các du khách nào muốn đi theo và nghe giải thích theo kiểu Guided Tours. Dự trù hơn một tiếng đồng hồ. Hướng dẫn viên là một phụ nữ, dĩ nhiên là người Maori nhưng nói tiếng Anh.

Người Maori, đặc biệt là các bà thường có thân hình đầy đặn, múp nếu không muốn nói hơi đẫy đà nhưng vẫn thấy xinh nhờ làn da trắng, mắt to và mũi khá cao.

Tôi còn nhớ khi mới qua định cư ở Úc mấy chục năm trước, vào lúc mà đàn bà con gái Mít rất hiếm hoi, có những người bạn nói rằng nếu không muốn lấy người Úc (da trắng) thì lấy người Maori là tốt nhất. Ngày đó tôi cũng chỉ thấy người Maori trên báo chí hay truyền hình. Hôm nay được tận mắt thấy những đóa hoa Tân Tây Lan chính hiệu nai vàng, nhưng… đã trễ mất rồi.

Bạn hãy nhanh chóng đi theo bà hướng dẫn viên này. Con đường đất giữa rừng cây dẫn đến những mạch nước đang phun, có lúc thẳng đứng như vòi rồng chữa lửa, có lúc tỏa lan như đám mây bởi ngọn gió. Bạn có thể tiếp cận suối nước nóng bằng cách đi qua cây cầu gỗ bắc ngang con suối dẫn tới Pohutu Geyser.

Mạch nước phun lên từ những tảng đá màu xám điểm những vệt dài màu vàng thẫm có lẽ là hậu quả của nham thạch chảy khi hỏa diệm sơn hoạt động thủa xa xưa.

Du khách đứng gần sẽ bị những cột nước từ suối nước nóng Pohutu bắn tung tóe ướt người. Nước phun tỏa như bụi trắng làm những người đứng gần có thể không thấy nhau. Nhưng rồi một cơn gió mạnh quạt đi và bầu trời nơi đây lại trong sáng đón những cột nước trắng xóa phun liên tục và thẳng đứng.

Bà hướng dẫn viên giải thích về cây dương xỉ. Hình nhỏ: chim kiwi

Tôi được nghe nói về suối nước nóng nhưng những cột nước này lạnh như nước bình thường, lạ hơn nữa không ngửi thấy mùi lưu huỳnh trong nước này. Đó là kinh nghiệm đầu tiên của tôi.

Tôi được nghe giải thích geyser  xuất phát từ Geysir, tên của một suối nước nóng phun ở Haukadalur bên nước cộng hòa Iceland. Trong ngôn ngữ Icelandic  động từ geysa có nghĩa là phun.

Geyser là suối nước phun từ đất một cách không liên tục, tạo những cột nước bay ào ạt trên không kèm với hơi nước. Sự hình thành Geyser do các điều kiện thủy địa chất học, chỉ xảy ra ở một vài nơi trên thế giới. Geyser thường nằm trong vùng có hỏa diệm sơn đang hoạt động hay ở những khu vực núi lửa đã tắt không lâu lắm.

Dưới lòng đất chừng vài ngàn mét có những mạch, suối nước chạy qua những vùng đá nóng làm cho nước sôi lên tạo thành hiện tượng suối nước nóng. Nước nóng, hơi và khí tạo sức ép đẩy nước thoát ra khỏi những lỗ hổng trên mặt đất và như thế ta có những geysers.

Tại Tân Tây Lan, suối nước nóng Pohutu Geyser nổi tiếng thế giới là nơi mà tôi vừa hướng dẫn bạn đến xem. Chúng ta tắm dưới những trận mưa bụi của suối nước nóng nhưng không phỏng da thịt. Lạ nhỉ!

Có lẽ khi bay ra khỏi mặt đất và phun lên cao những hạt mưa bụi này đã trở thành hơi nước. Nếu nóng, có lẽ du khách không được phép đến gần.

Pohutu Geyser phun nước theo chu kỳ, mỗi giờ từ một tới hai lần. Chúng tôi may mắn được chứng kiến những cảnh tuyệt đẹp này kéo dài trong hơn nửa tiếng đồng hồ quan sát và chụp hình kỷ niệm.

Người ta nói từ năm 2005 Pohutu Geyser phun nước hầu như liên tục, không ngừng. Tại khu Te Puia, có 2 suối nước nóng. Ngoài Pohutu, bên cạnh còn suối nước nóng có tên Prince of Wales Feathers Geyser, nhỏ hơn.

Lúc này, chúng tôi cảm thấy không cần đi theo người hướng dẫn guided tour nữa, vì đi xem các hồ bùn, hồ nước nóng, hồ nấu ăn thì chẳng cần người giải thích. Có vài bảng gỗ hướng dẫn và giải thích cắm trên đường đi. Tôi đã bị lôi cuốn bởi cảnh vật của khu địa nhiệt Te Puia. Con cái chúng tôi cũng thế, mạnh ai nấy đi coi nơi mình thích, hẹn gặp nhau ở khu suối nước nóng Pohutu Geyser.

Một giảng viên tại The Carving School

Sau đó chúng tôi tình cờ gặp lại người nữ hướng dẫn viên cùng một số người đang theo bà trên con đường mòn. Bà đang giải thích cho du khách về sinh thái, thực vật của khu Te Puia. Như fern tree, cây dương xỉ là một loại cây gắn bó với đời sống của người Maori từ nhiều thế kỷ trước. Người Maori gọi cây dương xỉ là ponga. Họ dùng thân cây này để chạm trổ trong lãnh vực tiểu công nghệ, làm nhà kho, hàng rào.  Lá dùng để lợp mái nhà, làm nơi đặt lưng ngủ.  Bà hướng dẫn viên nói dương xỉ là biểu tượng cuộc sống mới và sức sống trong văn hóa Maori.

Tôi mới biết lá dương xỉ và con chim kiwi là biểu tượng của nước Tân Tây Lan khi đi thăm Rotorua cũng như chỉ biết con Kangaroo và Emu là biểu tượng của Úc khi sang định cư tại Melbourne.

Nhóm du khách tiếp tục được hướng dẫn vào thăm Kiwi House, nơi người ta đang nuôi và bảo trì một giống vật đặc biệt của Tân Tây Lan đang có nguy cơ bị tuyệt chủng. Đó là con chim kiwi, cũng là một cái tên để gọi một cách thân mật người Tân Tây Lan khi viết hoa (kiwi = con chim kiwi; Kiwi = người Tân Tây Lan).

 

Hồ bùn lỏng…

Kiwi là con chim được người Maori trân quý, coi trọng. Ngày xưa, áo da chim kiwi là biểu tượng dành cho chức vị tù trưởng.

Kiwi là loại chim không biết bay, sống về đêm, do đó vào trong  căn nhà này hầu như bạn đi trong bóng đêm. Bạn chỉ thấy vài con vật mỏ nhọn lờ mờ sau chuồng chim. Chúng đi và rúc vào mô đất hay bụi cây đàng sau bức tường kính ngăn vật và người.

Chim kiwi rất nhát và sợ ánh sáng, tiếng động do đó du khách được yêu cầu nói nhỏ. Tuyệt đối cấm sử dụng máy chụp hình, máy quay phim.

Chúng tôi được đưa tới The Carving School nơi đào tạo những nghệ nhân muốn học nghề đẽo gọt. Người dạy nghề trông có vẻ là một người gốc tây phương hơn là người Maori.

Đến đây, người hướng dẫn viên chỉ cho vài du khách còn lại trường dạy đan dệt đối diện. Những người trong nhóm đã tản mác, có lẽ họ theo các đoàn của họ. Cũng có thể trời đã về chiều, người ta phải chuẩn bị cho kịp chuyến xe bus chót lúc 6.15pm.

Chúng tôi vào xem qua một số y phục được trưng bày như váy đan bằng lá hay bằng những ống tre như bức mành trúc chắn cửa. Nhà tôi thắc mắc ăn mặc như vậy thì làm sao che được, nhưng đấy chỉ là những y phục có tính các trang sức chứ các bà các cô Maori ngày nay mặc hết sức kín đáo, dù là trên sân khấu.

Bạn cùng chúng tôi đã đi một vòng xem cho biết đôi chút về văn hóa Maori kẻo mang tiếng đi du lịch mà chẳng biết chi, nhưng tôi và vợ con vẫn thích đi xem khu địa nhiệt với suối nước nóng, hồ bùn hơn.

…và hồ bùn khô đang sủi bọt

Lang thang ngắm cảnh một mình

Khu Te Puia khá rộng, có những hồ lớn và những đường mòn cho người thích leo núi thám hiểm. Bạn được cảnh cáo không nên vượt quá những khu vực, hành lang, hàng rào hay lối đi có bảng ghi hãy coi chừng. Bạn cũng được lưu ý vào khu địa nhiệt Te Puia thăm thú, bạn hoàn toàn chịu trách nhiệm nếu có tai nạn xảy ra.

Vì vậy, hãy dùng sự lý luận, suy nghĩ thông thường để đi đứng trong khu vực này vì không có ai chỉ cho bạn.

Chúng tôi trở lại suối nước nóng Pohutu Geyser, tranh đua với thời gian để xem lần nữa quang cảnh khu vực này. Bây giờ chẳng còn ai trên cầu hay trong khu vực này nên chúng tôi có cả một không gian rộng và thoải mái để chụp hàng chục tấm hình ở những góc cạnh khác nhau.

Trời xanh với những dải mây trắng dài trên bầu trời cao của xứ Tân Tây Lan, những cột nước bị gió thổi như đám khói phủ trên nền đá của vách núi cho khách nhìn có cảm giác một trận hỏa hoạn đã được dập tắt ngọn lửa chỉ còn những đám khói bốc lên. Xa xa là rừng cây xanh. Hậu cảnh được thay đổi mỗi khi có ngọn gió mạnh bay qua, vẽ nên một bức tranh mới với sắc màu khác. Thật là thích thú.

Chúng tôi qua khỏi cây cầu gỗ đi về hướng tây nam của khu này để tìm xem những hồ bùn (mud pool), hồ nấu ăn (cooking pool),  hồ nước nóng (hotpool). Bạn không cần xem bản đồ người ta phát cũng có thể tìm gặp những địa điểm địa nhiệt vừa nói. Có đi là có gặp.

Hồ nước nóng nhỏ đường kính một hai mét có, vài ba mét có; đục có, trắng như sữa hay như ngọc bích có.

Lại có những hồ chỉ thấy mặt nước mờ mờ vì khói phủ kín như sương mù do hơi nóng bốc lên. Đó là những hồ nước nóng có nhiệt độ khoảng 90 độc C hay cao hơn. Những hồ bạn có thể nấu ăn như luộc trứng mà người ta gọi là cooking pool. Người ta nói nếu bạn xui xẻo rớt xuống những cái hồ như thế thì bạn sẽ bị luộc chín.

Và bạn sẽ gặp rất nhiều hồ bùn. Những hồ bùn đã khô, đất nứt nẻ. Những hồ bùn có những vũng nước đặc sệt lớn bằng cái nồi đang sôi sục sục, đủ tạo những bọt bùn nho nhỏ nổi lên như ta nấu cháo. Và có hồ bùn rộng bằng cái hồ bơi tư gia sủi bọt lăn tăn như đang có cơn mưa đổ xuống.

Bạn hoàn toàn không cảm thấy hơi nóng trong khu địa nhiệt này. Nhưng nếu bạn tới gần vài miếng đất khô vàng, xốp  đặt bàn tay cách mặt đất chừng nửa gang tay, sẽ thấy hơi nóng từ đất bốc lên.

Hồ nước nóng màu xanh ngọc bích

Địa nhiệt (geothermal): thỉnh thoảng tôi có nghe nhưng bây giờ mới thấy. Người ta nói rằng người Maori sống ở đây hàng trăm năm đã biết sử dụng địa nhiệt trong đời sống. Người tây phương khi đến định cư đã biết lợi dụng địa nhiệt để tạo năng lượng như đào giếng và dùng nước nóng tự nhiên dưới lòng đất. Trong bối cảnh giảm khí thải nhà kính hiện nay, một số chính phủ như Úc đang nghiên cứu để biến đổi địa nhiệt thành năng lượng chạy máy phát điện như thủy điện.

Bạn chỉ cần tốn khoảng $45 để tham quan khu địa nhiệt Te Puia và biết được con người và đất nước Tân Tây Lan. Nếu bạn vào cửa từ 8 giờ sáng thì sẽ có nguyên ngày, tha hồ mà xem, không như  chúng tôi phải vội vàng chỉ trong 3 tiếng đồng hồ.

Và nếu bạn muốn tìm hiểu thêm, trong một vùng rộng lớn hơn về địa nhiệt, mời bạn đọc theo dõi mục kể chuyện đường xa trong kỳ tới.

Nguyễn Hồng-Anh

Trích báo giấy TVTS số 1239 phát hành ngày 23.12.2009