Tân Tây Lan (kỳ 3): đất nước, con người. Auckland, thành phố của những cánh buồm

26 Tháng Mười, 2021 | Du lịch,Tân Tây Lan
Auckland: Ngã tư đèn đỏ đi xéo, đi lung tung ở Queen và Wellesley Streets, với Civic Theatre là nơi nghe nói dùng để đóng một cảnh trong phim King Kong

Nguyễn Hồng Anh ***

Với người Việt (gốc Miền Nam) tuổi từ ngũ thập trở lên, Tân Tây Lan không là đất nước xa lạ, bởi trong Chiến Tranh Việt Nam, cùng với binh sĩ các nước đồng minh như Hoa Kỳ, Đại Hàn, Phi Luật Tân, Thái Lan, binh sĩ Tân Tây Lan sang Miền Nam chiến đấu bảo vệ chế độ Việt Nam Cộng Hòa bên cạnh binh sĩ Úc Đại Lợi với quân số lúc cao nhất là 543 người.

Trong thời gian phục vụ tại Việt Nam từ năm 1964 đến 1972, có 37 binh sĩ Tân Tây Lan chết và 187 người bị thương.

Với Úc, Tân Tây Lan không phải chỉ bà con về phương diện ngôn ngữ, văn hóa, chủng tộc và chính trị mà còn có quan hệ về đất đai, địa lý.

Ngày nay là láng giềng nhưng cách đây khoảng 180 triệu năm  hai nước cùng nằm trong một đại lục gọi là Gondwana. Nhưng những trận địa chấn đã làm đại lục này vỡ ra những mảnh nhỏ mà hai hòn đảo lớn trôi dạt về phía nam chừng 2,000 km đến 3,000 km đã tạo thành hai Đảo Bắc và Đảo Nam ngày nay của Tân Tây Lan.

Vài giòng về đất nước và con người Tân Tây Lan

Cách đây 700 năm, giống dân Polynesian ở Nam Thái Bình Dương tới định cư ở hai hòn đảo này và tạo nên một  chủng tộc có sắc thái riêng gọi là Maori, sống bám vào đất và quần tụ bên nhau qua liên hệ huyết thống. Giống dân này đặt tên vùng đất mới này là Aotearoa—có nghĩa là Land of the Long White Cloud, vùng đất của dãi mây trắng dài.

Như nhiều giống dân Polynesian khác, người Maori có thân hình vạm vỡ, to lớn và nước da trắng hơn nhiều so với các giống dân gốc Melanesian ở trong các đảo quốc Nam Thái Bình Dương (xem bài Tân Đảo có gì lạ? Bài 2  hiện lưu giữ ở website của tivituansan.com.au).

Theo thổ ngữ, Maori có nghĩa là “tự nhiên” hay “bình thường” để phân biệt với những người siêu nhiên như thần thánh hay ma quỷ. Người Maori tự gọi họ là tangata whenua, một cụm từ có nghĩa là con người của vùng đất nào đó mà cũng có nghĩa là con người của cả Aotearoa, tức là New Zealand.

Theo một số tài liệu, tên New Zealand ngày nay của Tân Tây Lan là do nhà thám hiểm người Hòa Lan Abel Tasman đặt cho, gọi là Nieuw Zeeland khi ông khám phá vào năm 1642. Người Âu Châu chỉ tới định cư từ năm 1769 khi nhà hàng hải người Anh, thuyền trưởng James Cook đặt chân lần đầu tiên ở vùng này.

Từ đầu thập niên 1780, người Âu Châu bắt đầu đổ xô đến vùng đất này. Họ gồm những ngư phủ săn cá voi, hải cẩu, các nhà truyền giáo đạo Thiên Chúa, những kẻ trốn khỏi các thương thuyền và một vài tội phạm từ Úc.

Để tránh đụng chạm với người Hòa Lan, người Pháp, người Anh dưới thời Nữ Hoàng Vicroria đã ký một hiệp ước với 500 tù trưởng của người Maori để xác nhận chủ quyền của Vương Quốc Anh trên lãnh thổ New Zealand. Với hiệp ước Treaty of Waitangi, người Maori trở thành thần dân của Đế Quốc Anh, nhưng bù lại được bảo vệ tài sản đất đai của họ cũng như sự tự trị.

Dân số người Âu Châu vào năm 1840 trên 2,000 người trong khi dân số người Maori khoảng 100,000 người. Theo cuộc kiểm tra dân số năm 1896 dân số gốc Âu Châu tăng hơn 700,000 người nhưng dân số người Maori bị tụt giảm còn 42,113 người do bệnh tật.

Kiwi House

Dân số người Maori sau đó phục hồi qua những cuộc hôn nhân dị chủng và ngày nay trong số 4.3 triệu người Tân Tây Lan, không biết thực sự có bao nhiêu người là người Maori chính hiệu. Người Maori vốn to con, màu da giữa vàng và trắng, sau một thế kỷ rưỡi pha trộn với người Âu Châu, đã hình thành hàng trăm ngàn người lai giống.

Một hướng dẫn viên du lịch ở Tân Tây Lan cho chúng tôi biết có thể có tới gần triệu người Maori hay có pha giòng máu Maori trong người (trong một số văn bản chính thức, ghi từ 650,000 đến 725,000 người).

Khác với người Thổ Dân ở Úc được “bình đẳng” với người Úc chính mạch trong các lãnh vực chính trị, văn hóa, xã hội, người Maori đã được nhiều đặc quyền mà người Aborigines ở Úc vẫn còn mơ, có thể do ngoại hình và dân số của người Maori?

Đạo luật Maori Purposes Act năm 1947 đòi hỏi phải dùng từ Maori hơn là từ “Native” (bản xứ) trong các văn kiện chính thức.

Năm 2004, một chương trình truyền hình do chính phủ trợ cấp có tên Maori Television thành hình, nói tiếng bản xứ Maori. Tiếng Maori tuy được coi là ngôn ngữ chính thức về mặt pháp lý (language de jure) nhưng trên thực tế tiếng Anh là tiếng mà cả nước cùng nói (de facto national language).

Năm 2004, một đảng chính trị có tên Maori Party được thành lập. Các thành viên của Đảng Maori xuất phát từ Đảng Lao Động. Hiện nay Đảng Maori  chiếm 5 trong Quốc Hội có 120 ghế.

Năm 2006, chính phủ Tân Tây Lan cung cấp cho người bản xứ $900 triệu đô NZ trong các công tác định cư, phần lớn qua hình thức tậu mãi đất đai.

Muốn biết thêm về con người và văn hóa Maori, bạn có thể xem cuốn phim Once Were Warriors do đạo diễn Lee Tamahori thực hiện vào năm 1994 dựa vào cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Tân Tây Lan Alan Duff.

Tân Tây Lan theo thể chế chính trị Đại nghị Westminster của Anh. Nữ Hoàng Elizabeth hiện nay là nữ hoàng Tân Tây Lan, được đại diện bởi một toàn quyền (governor-general). Khác với Úc, quốc hội Tân Tây Lan không có lưỡng viện gồm hạ viện và thượng viện, mà chỉ có một viện gọi là House of Representatives.

Lãnh tụ của đảng chiếm đa số hay kết hợp với đảng khác thành lập chính phủ liên minh, đứng đầu bởi một vị Thủ Tướng, như trường hợp Thủ Tướng John Key của đảng Quốc Gia (National) hiện nay.

Vì dân số không đông, Tân Tây Lan không có tiểu bang hay lãnh thổ như Úc mà chỉ có những chính quyền địa phương gồm 12 regional councils và 73  territorial authorities (các chính quyền lãnh thổ này gồm 16 city councils và 57 district councils).

Như người bạn của người viết ở Tân Tây Lan cho hay thì những regional councils như của hội đồng thành phố Auckland hay Wellington được lãnh đạo bởi một thị trưởng.

Người Tân Tây Lan (New Zealanders) được gọi một cách thân mật với nickname là Kiwi. Tên Kiwi được gọi từ thời  Đệ I Thế Chiến, ám chỉ những binh sĩ Tân Tây Lan nhưng sau đó được dùng cho mọi người, nhưng với điều kiện viết hoa. Nếu viết thường, kiwi là tên một loài chim không biết bay, sống về đêm và sợ ánh sáng, đèn, là một trong hai biểu tượng của nước Tây Lan Lan. Biểu tượng kia là cành lá dương xỉ, fern tree.

Người Tân Tây Lan đam mê thể thao và thám hiểm. Môn rugby có thể được coi là bộ môn thể thao quốc gia với đội banh nổi tiếng All Blacks. Trước khi thi đấu, đội banh này trình diễn bài hát gọi là Ka Mate, với những điệu bộ múa tay dậm chân, gây ấn tượng và là một loại hình văn hóa cầu chứng của họ. Sir Edmund Hillary là người đầu tiên chinh phục đỉnh Núi Everest trong dãy Hy Mã Lạp Sơn vào năm 1953.

Người viết vừa giới thiệu sơ qua với bạn đọc về một nước láng giềng có bà con để bạn đọc nào chưa có dịp du lịch, có chút ý niệm về nơi sẽ tới, nhờ vậy chuyến đi chơi sẽ thêm phần lý thú, bổ ích.

Cũng xin nói thêm, công dân Úc qua Tân Tây Lan không phải xin visa, chỉ việc mang theo passport.

Cảng Waitemata Harbour ở Downtown Auckland nơi có tàu của các công ty 360 Discovery và Fullers đậu

Auckland: thành phố của những cánh buồm

Auckland còn có tên gọi khác là City of Sails.  Ở một nơi có đến 50 hòn đảo tuyệt đẹp bao quanh, du khách sẽ có dịp thấy hàng trăm bờ biển, vịnh lớn nhỏ và vô số thuyền buồm.

Thành phố này được cơ quan thăm dò phẩm chất cuộc sống Mercer sắp đồng hạng tư với thành phố Vancouver của Gia Nã Đại, là nơi đáng sống hàng đầu thế giới so với 215 thành phố được thăm dò.

Có vô số địa điểm để tham quan, những chuyến đi tour xa gần thành phố, từ vài tiếng đến cả ngày để bạn chọn lựa. Ra các hòn đảo, xem những vách đá hùng vĩ dọc bờ biển, những ngọn núi lửa, núi tuyết nổi tiếng thế giới, những nơi đã từng là phim trường của những giải Oscar… là những gì mà du khách có thể hưởng thụ ở thành phố Auckland và Đảo Bắc.

Nếu bạn chưa đặt những chuyến đi tour theo đoàn và không lưu lại Auckland lâu như gia đình chúng tôi, hãy cùng tôi đi bộ ra Ferry Terminal  trên đường Quay Street, cách khách sạn Mercure Hotel Windsor chỉ một block phố.  Kìa, cảng Waitemata Harbour đây rồi, nằm trong vịnh Hauraki Gulf  được án ngữ bởi những hòn đảo mà lát nữa khi đi ngắm cảnh bằng tàu, bạn sẽ biết được tên nhờ xem bản đồ, các tờ hướng dẫn hay nghe người lái tàu kiêm thuyết minh nói cho bạn.

Bạn hãy cùng tôi vào kiosk bán vé đi tới các hòn đảo trong vịnh Hauraki. Trong ngày có những chuyến đi từ bến tàu Downtown Auckland  ra các hòn đảo theo kiểu tàu hàng (ferry).

Mỗi ngày có 4 chuyến Auckland- Rangitoto đi tới đảo núi lửa trong thời gian khoảng từ 7.30  giờ sáng đến 12.15 giờ trưa.

Hai du khách tham quan một hòn đảo trong Vịnh Hauraki đang đợi bà thủy thủ buộc dây vào cầu trước khi lên tàu trở về

Từ đảo Rangitoto trở về Auckland có 5 chuyến tàu trong khoảng từ 9.45 giờ sáng đến 5 giờ chiều. Điều quan trọng là bạn phải nhớ hay xem giờ ở bến tàu trên đảo để về đúng chuyến bạn muốn và nhất là khỏi bị kẹt lại một mình trên đảo.

Giá vé tàu Fullers khứ hồi là $25 đô NZ cho người lớn và $12.50 đối với trẻ con (tuổi từ 5 đến 15). Giá vé cho một gia đình (gồm 2 người lớn và 2 trẻ con) là $59.

Muốn đi theo đoàn (Rangitoto Volcanic Explorer Tour), bạn cần phải book trước. Mỗi ngày từ bến cảng Auckland có 2 chuyến lúc 9.15 giờ sáng và 12.15 giờ trưa. Giá vé người lớn $55, trẻ con $27.50 bao gồm vé tàu, dẫn đi bộ và đi xe lửa trên đảo có thuyết minh.

Chuyến đi kéo dài 4 tiếng đồng hồ. Tàu chạy tới đảo mất 25 phút. Nếu bạn đi bằng cách mua vé khứ hồi, tự một mình tìm hiểu và thám hiểm hòn đảo, và nếu đi chuyến sáng sớm nhất lúc 7.30am và trở về chuyến trễ nhất lúc 5pm, bạn có một cuộc du ngoạn thích thú kéo dài 9 tiếng rưỡi, muốn xem gì, dừng ở nơi đâu tùy ý bạn hơn là đi theo đoàn.

Rangitoto là ngọn núi lửa được người ta chụp hình nhiều nhất ở thành phố Auckland. Ngọn núi có hình tháp cân đối, do đó đứng ở đâu, góc nào bạn cũng thấy giống nhau. Đây là ngọn núi lửa trẻ nhất trong vùng, mới chỉ 600 tuổi.

Bạn nhớ đi dày runners để đi núi, chuẩn bị đèn pin để thám hiểm những miệng hố nham thạch trong hòn đảo này. Và nên nhớ mang theo thức ăn vì trên đảo không có quán ăn, nhà hàng. Trên tàu đò cũng chỉ bán nước giải khát và khoai chiên khô trong bao mà thôi.

Những cây thông đặc sản của Tây Tây Lan, thường thấy ở thành phố Auckland và những hòn đảo trong Vịnh Hauraki. Loại thông này trông giống cây Noel

Chúng tôi dừng ở một kiosk thông tin trên đường Quay Street ở cảng Auckland đúng 12 giờ trưa, chưa biết mô tê gì về các hòn đảo. Một người bán vé giải thích nếu muốn đi xem đảo núi lửa Rangitoto thì chỉ còn một chuyến tàu đò chót và ra đó phải trở về chậm nhất vào chuyến 5pm.

Bởi không chuẩn bị  nên chúng tôi chọn tuyến đi tham quan gọi là 360 Discovery Cruises.  Công ty 360 Discovery cung cấp cho bạn các chuyến tàu đi thăm các hòn đảo theo cách gọi là Hop-on, Hop-off Cruise  có nghĩa đến một hòn đảo nào đó trên tuyến đường chạy vòng vòng của tàu, bạn có thể nhảy xuống tùy ý, sau đó đợi chuyến tàu khác tới đổ người xuống hay rước người lên, bạn nhảy lên tàu và cứ thế nhảy xuống trèo lên ở bất cứ nơi đâu có tàu 360 Discovery Cruises ghé đến tùy ý bạn, nhưng chỉ kéo dài từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều mà thôi.

Các chiếc tàu sẽ lần lượt chạy từ Auckland tới Torpedo Bay, Rangitoto Wharf, Motuihe Island, Orakei Wharf và sau đó trở về Auckland. Như vậy, ở mỗi bến tàu có 3 chuyến chạy tới bến tàu kế cận.

Giá vé đi cả ngày cho người lớn là $29 và trẻ con $15. Với vé all day pass này bạn có thể dừng lại ở bất cứ bến tàu hay hòn đảo nào trên tuyến đường vừa nói, thăm hòn đảo nào bao lâu tùy ý bạn, chỉ cần bạn nhớ trở về kịp chuyến tàu chót bởi hụt tàu thì bạn sẽ ngủ trong rừng hay trên bãi biển. Sẽ là ác mộng, trừ khi bạn có chủ ý và mang theo lều vải hay mền.

Aukland, thành phố của những cánh buồm

Ngoài những bến trong vịnh Hauraki mà tàu 360 Discovery dừng lại, còn những địa điểm lý thú khác trên tuyến đường này mà du khách có thì giờ có thể khám phá như  Voyager NZ Maritime Museum, Viaduct Basin, Auckland Harbour Bridge, North Head, Devonport, Kelly Tarltons Antarctic Encounter and Underwater World (nơi có chim cánh cụt), Mission Bay.

Tàu đò 360 Discovery cao hai tầng có thủy thủ đoàn 2 người, gồm một tài công kiêm thuyết minh và một thủy thủ cột dây neo kiêm tiếp viên quầy bán thức ăn nước uống trên tàu.

Ngày chúng tôi đi tham quan vịnh Hauraki trời mưa bay và gió mạnh, bà thủy thủ khá vất vả khi quẳng dây thừng vào cột cầu tàu và kéo cho tàu cập sát bến để khách lên xuống. Tôi không ngờ một phụ nữ mà khỏe mạnh đến như thế.

Bà đề nghị chúng tôi nhảy xuống bãi biển Torpedo Bay hay đảo núi lửa Rangitoto, nhưng do trời mưa, không chuẩn bị y phục (mặc đủ ấm), lại nghĩ rằng vì đã đi trễ, tới một nơi chỉ có thể đi tham quan tối đa 1 tiếng rưỡi, và nhất là sợ hụt tàu phải ở lại trơ trọi trên đảo, nên chúng tôi chỉ ngồi trên tàu, xem người ta lên xuống.

Chuyến đi không hop-on, hop-off  của chúng tôi kéo dài 1 tiếng rưỡi đồng hồ. Qua mỗi hòn đảo, tôi được chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên nhiên của đồi núi, rừng cây bản xứ, những dốc đá sừng sững và nhất là những bãi biển tuyệt đẹp mà tôi đã thấy trên báo chí.

Tôi tiếc là không ở lại Auckland lâu để có thêm thì giờ đi tham quan những hòn đảo của một thành phố được xem là dễ sống nhất trên hành tinh này. (còn tiếp)

Nguyễn Hồng Anh