Tây Ban Nha: Lịch sử, ngôn ngữ và ẩm thực – bài 7

05 Tháng Chín, 2011 | Tây Ban Nha
Đại lộ Gran Via: một tiệm bán giày (trái) và cảnh người xếp hàng trước một cửa hàng chờ mua vé lô-tô như ở nhà thờ thánh giá Santa Cruz. Hình TVTS

Nguyễn Hồng-Anh – bút ký du lịch

***

Vừa qua, chúng tôi chỉ kể cho bạn nghe về Madrid, thành phố duy nhất mà chúng tôi thăm viếng trong chuyến du lịch Nam Âu lần này.

Và với 5 ngày ở thủ đô Tây Ban Nha (TBN) chúng tôi cũng đã chưa đi thăm hết những di tích quan trọng (*)  của một kinh đô có bề dày lịch sử 450 năm kể từ khi Vua Phillip II dời đô về đây, hay xem những danh lam thắng cảnh, những biểu tượng thể thao (sân vận động Bernabeu) hay quán ăn Terraza Espejo (tôi chỉ thấy khi xe Madrid Vision chạy ngang) trông rất lãng mạn trữ tình trên một con đường nhiều cây được giới thiệu là nơi mặc khách tao nhân trong làng văn nghệ TBN thường lui tới.

 

Vài địa danh đáng xem

Nếu bạn có thì giờ, sẽ có những chuyến đi tour nguyên ngày hay nửa ngày cho du khách đến những nơi như cố đô Toledo (67 Euro/ ngày; 41 Euro/ nửa ngày).

Toledo có lịch sử lâu đời hơn Madrid bởi sau khi Đế quốc La Mã sụp đổ, và trải qua thời của những giống dân như Visigothic (tổ tiên của người TBN), Moor (Hồi giáo Bắc phi), đã trở thành kinh đô của vương quốc Công giáo dưới thời Vua Alfonso VI xứ Castile khi ông chiếm được Toledo từ tay người Moor và năm 1085.

Dưới sự cai trị của các vua Hồi giáo Cordoba,  ba tôn giáo Hồi, Do Thái và Công giáo sống tương đối hài hòa, tạo nên một kỷ nguyên vàng son cho Toledo kể từ thế kỷ thứ 8 và vì thế hiện nay Toledo được coi như một bảo tàng viện lớn của di sản thế giới.

Cũng xin nhắc lại, Tây Ban Nha là nước có diện tích lớn nhất Tây Âu và Liên Âu, chỉ sau Pháp. Chính phủ trung ương đặt ở Madrid tản quyền cho 17 cộng đồng tự trị (autonomous communities) và 2 thành phố tự trị. Chính phủ của các cộng đồng tự trị có nhiệm vụ lo về giáo dục, y tế, an sinh xã hội, văn hóa, phát triển đô thị.

Catalonia, một cộng đồng tự trị ở phía đông bắc TBN giáp ranh giới Pháp  có 7.5 triệu dân và lá cờ trông giống cờ VNCH (chỉ khác có 4 sọc đỏ) với nền kinh thế phát triển hàng đầu của TBN, từ năm 2007 có phong trào muốn độc lập khỏi TBN. Thủ phủ của Catalonia là thành phố Barcelona, trung tâm văn hóa và du lịch,  là nơi diễn ra Thế vận hội Mùa hè năm 1992.

Màu đỏ: đi đâu cũng thấy những đùi jamon. Hình TVTS

Tôi nghĩ có nhiều bạn đọc TVTS tuy chưa đến Madrid nhưng đã từng du lịch tại thành phố Barcelona, thành phố lớn thứ hai của TBN.

Ngoài Catalonia, có một cộng đồng tự trị khác muốn độc lập và từ lâu đã là một vấn nạn cho TBN, đó là xứ Basque Country với phong trào ly khai của nhóm ETA.

Basque Country nằm phía bắc TBN trông ra Đại tây dương, phía tây dãy Pyrenees, gần biên giới Pháp, gồm Xứ Basque của Pháp và xứ Basque của TBN. Dân số khoảng 3 triệu người, nói tiếng Basque, Pháp và TBN. 70% dân số Basque thuộc về phía TBN.

ETA (Euskadi Ta Askatasuna), theo tiếng Basque có nghĩa là Tổ quốc Basque và Tự do,  là một tổ chức vũ trang mang tinh thần quốc gia, mác xít chủ trương giành độc lập bằng vũ lực, được thành lập từ năm 1959 muốn có một nước Basque Lớn hơn (Greater Basque) bao gồm cả vùng của Pháp và TBN. Một trong những thành phố nổi tiếng của xứ Basque là Pamplona nơi có lễ hội San Fermin Feast nổi tiếng chạy đua với bò tót mà chúng tôi đã nói trong bài vừa qua.

Trước đây, khi chưa có khủng bố Hồi giáo, bất cứ một cuộc đặt bom nào ở TBN cũng do nhóm du kích ETA  gây nên vì vậy trong cuộc đặt bom đường xe lửa ở Madrid năm 2004, ban đầu người ta nghi do nhón ETA chủ trương.  Vì vậy mà ra phố bạn sẽ thấy cảnh sát ở mọi ngõ ngách, nhưng cũng làm cho du khách yên tâm.

Cuối cùng, đối với người Công giáo sùng đạo, một khi sang TBN, thế nào họ cũng sẽ tìm cách đến viếng những đền thờ của một đất nước gắn liền với giáo hội không thua gì Pháp, Ý. Một trong những nhà thờ nổi tiếng đó là Nhà thờ Chính tòa Santiago de Compostela ở Cộng đồng Tự trị Galicia  ở tây bắc TBN, nơi chôn di hài của thánh Gia-cô-bê (St James), một trong 12 thánh tông đồ, là nơi người Công giáo hành hương từ thời Trung cổ.

Ngôi thánh đường xây theo kiểu gothic năm nay đánh dấu 800 năm được Giám mục Pedro Muniz dâng hiến vào ngày 4.4.1211 sau hơn 100 năm xây cất.

 

Ngôn ngữ và âm nhạc

Là nước đầu tiên ở Âu Châu được tặng cho danh hiệu “The Empire on which the sun never sets – Đế quốc mặt trời không bao giờ lặn) và dù bây giờ thời vàng son đó không còn nữa, ảnh hưởng vẫn còn trải dài từ lục địa này sang lục địa khác– Mỹ Châu, Phi Châu và cả Á Châu.

Jamon con lemon: một đĩa thịt heo xông khói ăn với dưa tây mà tác giả dùng vào buổi sáng (trái) và những món khai vị gọi là tapas. Hình TVTS

Tây Ban Nha là tiếng mẹ đẻ có nhiều người nói nhất thế giới sau tiếng Trung Hoa, là ngôn ngữ chính thức của 21 quốc gia.

Tiếng Tây Ban Nha có nguồn gốc từ tiếng La Tinh (của người La Mã cổ đại) được gọi là Spanish (Espagnol theo tiếng TBN) hay Castilian (Castellano  theo tiếng TBN) vì nó xuất phát từ  Vương quốc Castile ở phía bắc TBN nhưng cũng chịu ảnh hưởng của tiếng Á Rập thời Al-Andalus.

Nhưng hiến pháp TBN năm 1978 ghi rằng “ngôn ngữ chính thức của quốc gia là Castellano trong khi các ngôn ngữ  Espagnol (Spanish) còn lại là ngôn ngữ chính thức của những Cộng đồng Tự trị của họ”. Tuy nhiên người bên ngoài khi nói về tiếng TBN họ vẫn gọi là Spanish.

Ngoài ra còn có một ngôn ngữ TBN đặc thù được nhiều người bên ngoài nước TBN nói là Judaeo-Spanish còn được gọi là Ladino, là tiếng TBN thời trung cổ  gần với tiếng TBN hiện đại hơn bất cứ ngôn ngữ nào khác.

Ladino được nói bởi những người Do Thái Sephardi bị đuổi ra khỏi nước vào năm 1492 do lệnh của hai Quân vương Công giáo TBN, tức Nữ hoàng Isabella I xứ Castille và Vua Ferdinand II xứ Aragon.

Người Do Thái Sephardi chiếm 15% tổng số người Do Thái trên thế giới, đa số sống ở nước Do Thái hiện nay (khoảng 1.5 triệu người); ở Pháp 400,000 người; Á Căn Đình 100,000 và các nước khác như Thụy Sĩ, Thổ Nhĩ Kỳ. Uruguay, Venezuela vài chục ngàn người,  và ở TBN khoảng 12,000 người.

Do Thái Sephardi còn chỉ người người Do Thái sống ở Bồ Đào Nha (nói chung ở bán đảo Iberia) năm 1497 bị  Vua Manuel  I đuổi ra khỏi nước, chỉ cho những ai chịu cải sang đạo Công giáo được ở lại mà thôi.

Nói chung ở trong nước TBN hay tại các nước nói tiếng TBN tuy phát âm có thể khác, có những từ địa phương khác nhau, nhưng tựu trung họ hiểu được nhau và người nói tiếng Castille  hiểu tiếng Spanish của các nơi khác.

Hải sản là món ăn được người Tây Ban Nha yêu chuộng: tác giả tại chợ Mercado de San Miguel vào một buổi sáng và về đêm. Hình TVTS

Tiếng TBN thuộc gia đình La Tinh nên có phần giống tiếng Pháp và Ý. Văn phạm cũng rắc rối như tiếng Pháp bởi có giống đực giống cái và tĩnh từ cũng phải hiệp với giống của danh từ nên nhớ cũng nhức đầu, nhưng được cái lợi là rất dễ phát âm đối với người Việt Nam. Nên cũng không lạ gì người Việt thích nghe và thích hát nhạc Tây Ban Nha trong đó có người viết.

Chắc bạn không thể không biết những bản nhạc như  Besame Mucho, Lo Mucho Que Te Quiero, Pepito Mi Corazon, El Cumbachero, Amor Amor, La Cumparsita qua tiếng hát ngọt ngào của chàng ca sĩ đào hoa Julio Iglesias (sinh đẻ tại Madrid) hoặc bản Amigos  Para Siempre (Friends for Life) được hát trong dịp Thế vận hội Barcelona bởi danh ca tenor quốc tế người Tây Ban Nha Jose Carreras sinh đẻ cũng tại Barcelona.

 

Mua sắm và ăn uống

Nếu bạn là người mê giày như bà cựu Tổng thống Imelda Marcos, thành phố Madrid là nơi lý tưởng để mua sắm. Hầu như mọi con đường dẫn tới trục trung tâm thành phố Cổng Mặt Trời (Puerta del Sol) đều có bán giày. Nếu bạn đi lên phía bắc và đụng đại lộ có tên Gran Via, bạn đã tới đúng trung tâm thành phố—Centro.  Đây là con đường được coi là nơi có nhiều cao ốc đẹp, mới có cổ có, nhiều cửa hàng bách hóa, nhiều cửa tiệm thời trang và vô số tiệm bán giày, nhất là giày phụ nữ.

Giày làm tại TBN mặc dù không nổi tiếng bằng giày làm tại Ý, nhưng cũng được tiếng tốt với giá cả phải chăng.

Theo chúng tôi nghĩ, so với Lisbon (ở Bồ Đào Nha), giày ở Madrid có vẻ đắt hơn nhưng có nhiều kiểu hơn và dĩ nhiên có nhiều cửa tiệm bán giày hơn vì Madrid là thành phố lớn và đông dân hàng đầu ở Liên Âu.

Đồ lưu niệm biểu tượng của TBN?  Bạn có thể mua những tượng chiến binh, kỵ mã bằng đồng hay thép ở Plaza Mayor. Nếu bạn thích quạt (người TBN vũ  Flamenco với quạt) thì có thể mua ở khu Cổng Mặt Trời, giá từ vài chục đến vài trăm Euro một cái.

Một loại văn hóa cuối cùng mà du khách không nên quên thưởng thức, đó là văn hóa ẩm thực.

Nhân viên sạp thức ăn ở Chợ Thánh Miguel đang phục vụ nước uống cho khách. Hình TVTS

TBN có một diện tích lớn, từng bị người Moor ở Bắc Phi chinh phục, là nơi định cư của nhiều sắc dân từ Trung Đông, lại là đế quốc rộng lớn một thời nên các món ăn của họ rất đa dạng. Có một điều mà bạn không ngờ cơm là một trong những món ăn chính của người TBN và nhiều món ăn được chế biến từ gạo.

Paella (gạo) là một món ăn truyền thống của TBN, có thể gọi là cơm thập cẩm bao gồm thịt, hải sản và rau quả, thường được nấu trong chảo. Đi qua các cửa tiệm bạn sẽ thấy trong các thực đơn hình một cái chảo nước màu vàng sền sệt (như nghệ) trộn cơm với đậu xanh, vài lát thịt gà, vài con trai/sò, năm mười con tôm. Có ba loại paella: Valencian paella (của cộng đồng tự trị Valencia), seafood paella và mixed paella.

Các món ăn của TBN phần lớn dùng dầu ô-liu. TBN hiện là một nước xuất cảng dầu ô-liu hàng đầu thế giới. Ở các siêu thị Úc thấy trưng bày đầy dẫy dầu ô-liu của TBN và nhiều khi có những thùng dầu hạ giá đến một nữa.

Sau cơm thì có món khai vị gọi là tapas thường được kèm với rượu. Sangria là loại rượu quen thuộc thường để trong cái bình thủy tinh. Người TBN thường có thói quen ăn đứng và đi lại chuyện trò khi ăn tapas.

Và món ăn gây sự chú ý của chúng tôi là jamon (jambon, ham, thịt nguội, thịt heo xông khói). Hình ảnh đập vào mắt chúng tôi ở các quán ăn là những đùi thịt heo màu đỏ tươi hàng hàng lớp lớp được treo trước cửa tiệm và nhất là bên trong các quầy hàng mà ban đầu chúng tôi tưởng là những đùi thịt làm bằng plastic để trang trí. Chúng tôi đã đi nhiều nơi ở Âu châu nhưng chưa thấy nơi đâu các tiệm treo thịt heo xông khói nhiều như thế, khiến tôi lấy làm lạ tại sao họ treo ngày này qua ngày khác như thế mà không sợ hư thối hay bị dơ bẩn vì bụi bặm.

Có những đĩa thịt jamon vài Euro, những đĩa 30 Euro và những đùi jamon vài trăm Euro! Trời ơi, sao thịt nguội TBN đắt đến thế!

Thấy người ta ăn sáng bằng những lát thịt jamon, chúng tôi cũng đã thử ăn jamon kẹp với bánh mì hoặc một đĩa hai miếng dưa tây được trải lên với vài lát thịt jamon mỏng dính và một ly rượu vang đỏ. Tôi ít ăn sáng, hiếm khi uống rượu buổi trưa thế nhưng lại ăn sáng với thịt và rượu, quả là một kinh nghiệm thú vị với các vị mặn ngọt và cay.

Người ta nói thịt heo xông khói ở Ý rất ngon và tôi chưa thử,  tuy nhiên thịt jamon ở TBN đã không làm tôi thất vọng.

Người ta nói sự khéo léo và kỹ càng khi xông khói đã làm thịt jamon của TBN ngon và giữ được lâu, cất hàng tháng mà vẫn giữ được hương vị ban đầu.

Ăn tối? Đây là “giờ thánh” của tôi. Giờ của rượu hay bia.

Cái quạt giá 360 Euro ở Cổng Mặt Trời. Hình TVTS

Trong 4 đêm ở Madrid, đã có hai đêm chúng tôi ăn tối ở chợ có tên Mercado de San Miguel, ngôi chợ nằm cạnh Plaza Mayor. Ngôi chợ hai tầng sườn bằng sắt tường kính này được xây cách đây khoảng 100 năm, rộng 1200 mét vuông. Một phần của chợ là những sạp bán tạp hóa, đồ biển tươi. Phần lớn còn lại là những sạp bán thức ăn bằng gỗ cố định hay là những chiếc xe đẩy. Một vài nơi có bàn cao và ghế đẩu cho khách ngồi nhưng đa số khách ăn đứng ngay trước sạp, để các đĩa thức ăn trên quầy như ta ăn ở các bar rượu. Khách đứng ăn hay bưng đồ ăn đi lại, từ chỗ này sang chỗ khác như ta lấy thức ăn ở các tiệm all you can it, nhưng phải trả tiền ngay khi mua một đĩa thức ăn hay một ly rượu.

Tây Ban Nha là một nước có nhiều bờ biển nên hải sản là một trong những đặc sản của họ. Nhưng cũng hơi đắt đấy bạn.

Đĩa tôm lạnh 5 con: 14 Euro. Ly bia hơi: 3 Euro. Và tapas làm bằng cá tuna, salmon hay mussel v.v… bỏ trên miếng bánh mì nhỏ, cứ mỗi miếng 1 Euro.

Cả hai đêm chúng tôi ăn ở đây đều đông nghẹt khách, rất nhiều người có vẻ đi làm về ghé tạt ăn tối.  Dù là ngày thường mà trông giống như  cảnh cuối tuần ở Melbourne. Đi qua lại, chen chúc tránh người, mua thức ăn quầy này, lấy bia ở quầy khác, không khí hết sức phấn khởi với bia rượu. Tôi thấy có hai cô gái Nhật Bản làm những đĩa thịt jamon đỏ tươi mà thán phục nữ nhi thực như hổ.

Madrid về đêm rất vui, không thua gì  New York. Là nơi đáng để những độc giả nào chưa đến, hãy thử tới một lần cho biết.

Hẹn bạn đọc sau chuyến du lịch sắp tới.

Nguyễn Hồng Anh

————————————————————————–

(*) Xây nhiều phòng để “ị”? Tuần qua, bạn đọc Nguyễn Bá Nghiệp ở Adelaide điện thoại để trả lời thắc mắc của người viết trong bài nói về Palacio Real de Madrid, rằng tại sao các cung điện thường có hàng trăm phòng sang trọng lót gạch bông hay cẩm thạch mà chẳng thấy cái cầu tiêu nào và vua chúa hưởng cái “khoái thứ tư” đó ở đâu?

Ông Nghiệp, một kỹ sư nông nghiệp mới về hưu hồi gần đây cho biết ngày xưa ông học chương trình Pháp, được các giáo sư người Pháp giải thích về chuyện này và cá nhân ông cũng là người thích nghiên cứu lịch sử các triều đại nên đã giải đắp thắc mắc của người viết như sau: Trước khi các vua chúa biết sử dụng cái bô, họ làm việc đó ngay giữa các phòng ốc “sơn son thếp vàng”, bởi vậy cung điện mới có nhiều phòng để họ làm “việc cần” này. Hôm nay cần chỗ này, mai cần chỗ kia. Họ đại tiện trên cỏ khô (foin), sáng hôm sau cung nữ dọn, bởi vậy mới có nhiều kho tích trữ cỏ khô. Và ông Nghiệp cho rằng vua chúa thời đó không được hưởng cái thú “đi đồng” như nông dân Việt Nam “một mình ta với ta” giữa cánh đồng lộng gió… mùa hè.