Tây Ban Nha: Một đất nước sùng đạo – bài 3

09 Tháng Tám, 2011 | Tây Ban Nha
Nhà thờ chính tòa Madrid với mái vòm và tháp chuông (trái) và cung điện hoàng gia (cuối góc phải) nằm sát nhau trên đường Calle Bailen. Hình TVTS

Nguyễn Hồng-Anh – bút ký du lịch

***

Đây không biết là lần thứ mấy chúng tôi thức dậy buổi sáng ngày đầu tiên ở một đất nước lạ. Sẽ làm gì đây? Đi đâu? Chúng tôi chẳng biết. Vợ tôi chỉ biết đi theo ông chồng kiêm hướng dẫn viên viên du lịch.

Nhưng đã quen rồi với lối đi gặp đâu hay đó, chỉ cần có cái để xem để ngắm, dù đã nghe hay hoàn toàn xa lạ.

Khác với bốn khách sạn trong vòng đi Nam Âu này, tiền phòng khách sạn Cortezo này không bao ăn sáng. Thế mà hay, muốn dậy lúc nào cũng được mà không sợ phí bữa ăn, lại được ăn sáng ở nhiều nơi, ăn nhiều kiểu khác nhau không thua gì du khách ba-lô.

Như mọi nơi khác, việc trước tiên là chúng tôi cần có một cái nhìn tổng thể về thành phố mới đến bằng cách mua vé đi vòng quanh ngoạn cảnh trên xe. Ở đây có xe “Madrid Vision” hai tầng boong trên mui trần, giá vé 17.20E một ngày, đi hai ngày giá 21.20E. Lúc này mùa thu, xe chạy từ 10AM đến 9PM.

Có 2 Ruta (tuyến đường). Ruta 1: chạy ở khu Madrid cổ, dừng 21 trạm, thời gian 1 tiếng rưỡi.  Ruta 2: chạy trong khu vực Madrid hiện đại, dừng tại 15 trạm, thời gian dài 1 tiếng.

 

Tuyến đường số 1: Madrid của lịch sử

Ở Madrid 5 ngày 4 đêm, chúng tôi mua vé 2 ngày để ngắm cho đã, nếu cần sẽ coi như là một phương tiện di chuyển dù bị giới hạn trong một vài khu vực.

Lên xuống xe ở trạm nào cũng được, chúng tôi đón xe ở trạm Puerta del Sol (Cổng Mặt Trời), là trạm số 7. Mời bạn cùng chúng tôi lên trên boong xe để nhìn cho rõ. Đi hai tuyến đường. Ruta 2 chạy qua khu vực mới –Madrid moderno- nên không có gì hấp dẫn về mặt kiến trúc nhưng Ruta 1 là Madrid historico, khu phố cổ đầy đi tích lịch sử, nhà tôi nói kiến trúc và đường xá (rộng) coi bộ đẹp hơn cả Rome hay Paris. Riêng tôi có cảm tưởng phố xá ở Madrid tuy cổ kính nhưng có vẻ “mới” hơn với các tòa nhà cao khoảng từ 4 đến 8 tầng.

Tòa nhà Metropolis gây ấn tượng nằm góc đường Gran Via và Calle de Alcala giữa thủ đô Madrid. Hình TVTS

Những tòa nhà cổ như Metropolis trên đại lộ Gran Via xây cách đây trên một thế kỷ bởi các kiến trúc sư người Pháp Jules và Raymond Fevrier, với mái vòm mạ vàng trên chóp có tượng điêu khắc thần Chiến thắng với đôi cánh như đang bay, là một trong những địa điểm làm du khách nhớ nhất mà không cần vào bên trong xem vì đấy những là những tòa nhà làm văn phòng.

Xe chở bạn đi tour sẽ chạy ngang qua cổng Puerta de Alcala ở quảng trường độc lập Plaza de la Independencia. Cổng 5 cửa này được vua Charles III cho xây và khánh thành năm 1778 như là một di tích của thành phố và nơi đây cũng đã chứng kiến nhiều biến cố lịch sử kể cả việc Thủ tướng Eduardo Dato bị ám sát năm 1921. Năm ngoái, trong giải âm nhạc MTV Europe Music Adwards các ca sĩ như Katy Perry đã trình diễn trước cổng này cho khoảng 100,000 khán giả xem.

Bạn cũng được thấy bùng binh có đài phun nước Cibeles nằm trên quảng trường Plaza de Cibeles nơi hai con đường lớn Gran Via và Calla de Alcala nhập lại.  Tượng nữ thần La Mã Cibeles ngồi trên xe do hai con sư tử kéo là một trong những biểu tượng quan trọng của thành phố Madrid, cũng đã được xây dưới triều vua Charles III. Nơi đây các người ái mộ đội banh Real Madrid thường chọn để ăn mừng chiến thắng các giải như La Liga, Champions League hay Copa del Rey.

Ngày Thứ Năm 18 tháng 8 tới đây, khi tới Madrid để chủ tọa Đại Hội Giới trẻ Thế giới 2011, Đức Giáo hoàng Benedict 16 sẽ đi qua cổng Puerta de Alcala và sẽ được giới trẻ tiếp đón trong một buổi lễ tại quảng trường Plaza de Cibeles.

Trước mặt đài phun nước Cibeles  là Palacio de Comunicationes, một trong những tòa nhà viễn thông ấn tượng nhất thế giới và cũng là nơi đặt văn phòng của Thị trưởng Madrid (Mayor of Madrid, khác với President of Madrid).

Cũng trong khu vực này nơi hai tuyến xe Ruta 1 và Ruta 2 gặp nhau, ngoài vườn bách thảo Jardin Botanico, có bộ ba bảo tàng viện nổi tiếng của thành phố gồm Museo del Prado, Museo Thyssen Museo Nacional Reina Sofia.

Cũng trên tuyến đường Ruta 1 này, bạn có thể nhảy xuống để xem những di tích hay kiến trúc như Palacio Real (cung điện hoàng gia); Plaza Mayor (một quảng trường hình vuông với ba binh đinh bọc quanh trông giống quảng trường San Marco ở Venice mà chúng tôi đã tham viếng khoảng một tuần lễ trước); Plaza de Colon (tháp tượng tưởng nhớ Christopher Columbus, tên Tây Ban Nha của ông là Cristobal Colon, người khám phá Châu Mỹ); Plaza de Espana (có tượng nhà văn kiêm thi sĩ và viết kịch bản Miguel de Cervantes); Templo de Debod (đền này được chính phủ Ai Cập tặng cho tây Ban Nha và đem dựng lại ở Madrid); Teatro Real (hí viện hoàng gia khai trương năm 1850); Puerta de Toledo (cổng xây bằng đá cẩm thạch  năm 1812 dưới thời Joseph Bonaparte là một trong những cổng đẹp của thành phố) v.v… và bạn có thể nhảy xuống ở ba trạm trên Gran Via, con đường lớn, hiện đại, có nhiều kiến trúc ấn tượng, phố xá sầm uất bậc nhất của thủ đô Tây Ban Nha mà hôm chúng tôi đến đường phố treo cờ và biểu ngữ mừng lễ bách niên 100 Anos Gran Via của con đường này. Nếu bạn đi mua sắm, sẽ thấy tòa nhà có tên Telefonica,  cao ốc tuy chỉ cao 89.3 mét nhưng là là tòa nhà chọc trời đầu tiên của Âu Châu,  trang trí kiểu baroque bắt mắt với cái tháp rất ấn tượng.

Lối vào nhà thờ chính tòa Đức Mẹ Almudena bằng cổng chính từ đường Calle Bailen. Hình TVTS

Tây Ban Nha trước hết được biết như là một nước Công giáo mộ đạo hàng đầu ở Âu Châu mà theo nhận xét cá nhân tôi, là nước sùng đạo nhất, hơn cả người Pháp hay Ý là những nước từng được gọi là trưởng nữ của Giáo hội.

Bạn đọc còn nhớ mỗi dịp mùa Phục Sinh, ở xứ này có truyền thống ăn bận áo choàng dây thắt lưng kiểu truyền thống, đầu đội mũ chóp trùm mặt, đi quanh phố rước kiệu hoặc cảnh những người lính Tây Ban Nha mặc quân phục khiêng cây thánh giá với khuôn mặt đầy sùng kính. Rất… Tây Ban Nha!

Nơi đây đạo Công giáo đã có từ thế kỷ thứ nhất, thịnh hành từ thế kỷ thứ hai và kéo dài cho đến gần cuối thế kỷ 20 qua sự cai trị của nhà độc tài quân phiệt Francisco Franco, với một chế độ bảo thủ áp dụng các nguyên tắc và tín lý của đạo Công giáo như cấm ly dị, phá thai v.v…

Tây Ban Nha còn được biết là một đế quốc mà dù trải qua những biến động chính trị, hai nền cộng hòa, các chế độ độc tài, ngày nay vẫn là một nước quân chủ lập hiến, nhưng vua chỉ là biểu tượng như ở Anh. Vì vậy, những nơi mà chúng tôi đi thăm đầu tiên là nhà thờ chính tòa Almudena và cung điện hoàng gia Palacio Real (vua không còn cư ngụ nơi đây) vì cả hai tòa nhà này sát nhau.

 

Nhà thờ chánh tòa Đức Mẹ Almudena

Sau vài vài tiếng đồng hồ ngồi xe hai tầng mui trần Madrid Vision chạy trên tuyến đường 1 và 2 để biết “hình thể và địa lý” của thủ đô Madrid, chúng tôi về khách sạn nghỉ ngơi một lát, rồi theo bản đồ mà đi bộ tới hướng có nhà thờ chính tòa và cung điện hoàng gia.

Thấy trước xem trước. Một ngôi thánh đường màu trắng xây trên nền đất cao đã hiện rõ khi vừa qua một block phố. Vì cổng chính đóng, bước lên các bậc cấp và qua khỏi cổng cánh trái nhà thờ, chúng tôi thấy ngay bức tượng rất lớn của Đức Giáo hoàng Gioan Phao-lô II, người đã dâng hiến thánh đường này vào ngày 15.6.1993.

Kiến trúc nhà thờ này hơi lạ, có vẻ như là một sự chắp nối khiến không biết đâu là cửa chính nếu căn cứ vào tháp lớn ở giữa mái nhà thờ  và các tháp chuông đối diện với hoàng cung. Tuy nhiên, hướng nhìn ra đường cái chúng tôi vừa vào phải là cửa/cổng chính vì các du khách hay tín đồ đều đi vào cổng này.

Có ba lối vào nhà thờ với những cánh cửa bằng đồng đen chạm hình hình Chúa bị treo trên thánh giá, ngày phán xét và cảnh hàng chục tín đồ nhìn lên trời để nhận sự cứu độ. Tôi nghĩ cánh cửa giữa lớn và nặng nề đang khép kia cao phải tới 5 mét.

Du khách vào ra ở cửa hai bên, nhỏ hơn được dẫn lên bằng hai lối có bậc cấp nhỏ.

Một tòa nhà hai tầng ngăn sân trước và nối liền nhà thờ như  bức tường để phân chia ranh giới với hoàng cung. Bởi vậy khi đứng trước cổng sân hoàng cung nhìn vào nhà thờ thì tòa nhà hai tầng này trở thành cánh trái của nhà thờ. Ở giữa là một kiến trúc uy nghi với hai tháp chuông và tượng đài Đức Mẹ bồng Chúa nhìn vào hoàng cung, bên dưới là một bao lơn rộng với những cột trụ hùng vĩ thường thấy ở các kiến trúc Hy-La ngày trước.

“Mặt tiền”? Nhà thờ chính tòa ở mặt đối diện với cung điện hoàng gia. Hình TVTS

Với kiến trúc như vậy, hóa ra giáo dân đi vào ở “cổng phụ”, bởi hoàng gia đi từ sân cung điện đến nhà thờ thì nhất định phải đi bằng “cổng chính”.  Chỉ một kiến trúc này giữa thủ đô đủ nói lên tương quan, ràng buộc giữa vương quyền và giáo quyền của nước Tây Ban Nha. Nếu bạn không màng chuyện thế quyền thần quyền, kiến trúc mà chúng ta đang xem –nhà thờ và cung điện– là một kiệt tác.

Nhà thờ chính tòa có tên chính thức là Catedral de Santa Maria la Real de la Almudena. Năm 1561, vua Philip II dời đô từ kinh đô Toledo về Madrid mà không tuyên bố chính thức nên giáo đô của Tây Ban Nha vẫn ở Toledo. Đến năm 1883, người ta mới xây một nhà thờ chính tòa tại Madrid để  kính nhớ Đức Trinh Nữ Almudena. Nhà thờ này nghe nói được xây trên một nguyện đường Hồi giáo thời trung cổ, bị phá hủy vào năm 1085 khi Alfonso VI chinh phục Madrid.

Đức Trinh Nữ Almudena hay Virgen de la Almudena là tượng Đức Maria được người Tây Ban Nha sùng kính từ thời trung cổ. Almudena xuất xứ từ tiếng Á Rập almudaina có nghĩa là tường thành.

Chuyện kể rằng thời người Hồi giáo tiến chiếm thành phố Madrid vào năm 712, các tín hữu đã đem tượng Đức Mẹ đi giấu và khi vua Alfonso VI tái chiếm, các binh sĩ Công giáo đã tốn công tìm kiếm mà không thấy, chỉ sau mấy ngày cầu nguyện, một bức tường sụp đổ và hiện ra bức tượng Đức Mẹ ở bên trong. Vì thế vua đặt tên bức tượng này là Almudena.

Tham quan nhà thờ không phải trả tiền, nhưng có bảng đề nghị khách cúng 1 Euro để bào trì nhà thờ. Như tôi vừa nói, bởi nhà thờ nhà nhìn hai hướng (ra đường cái và qua cung điện) nên khi vào bên trong, có nhiều cung thánh nên chẳng biết đâu là cung thánh chính (ngày trước bàn thờ sát tường, vị chủ tế quay lưng với tín hữu). Có một bàn thánh nằm giữa (nghi thức mới, quay mặt về giáo dân).

Hầu như các đại thánh đường Công giáo nói riêng và Thiên Chúa giáo (Anh giáo, Chính thống Hy Lạp, Nga…) nói chung đều giống nhau một điểm là nguy nga, cổ kính, rất chi tiết về kiến trúc và có nhiều tượng, tranh điêu khắc, kính vitro v.v…

Riêng nhà thờ chính tòa Madrid  độc đáo ở chỗ tại một góc cung thánh có hai bàn thờ xây trên cao chồng lên nhau. Phải bước hơn chục bậc cấp mới có thể lên tới bàn thờ thứ hai, ở đây có tượng Đức Mẹ Almudena mạ vàng và rất nhiều tranh khảm và tượng khác. Du khách lần lượt bước lên xem, có thể là để kính Đức Mẹ Almudema, nhưng cũng có thể để chỉ chiêm ngưỡng nghệ thuật điêu khắc cổ điển bởi dù là người Công giáo, tôi vẫn chưa bao giờ nghe danh Đức Mẹ Almudena. Chung quanh nội thất nhà thờ có nhiều bàn thờ để  tôn kính các vị thánh của một đất nước có nhiều thánh như Tây Ban Nha.

Xem nội thất xong, chúng tôi đi vòng ngoài qua phía cung điện để ngắm “mặt tiền” của nhà thờ và cũng luôn tiện liếc sơ cung điện mà chúng tôi sẽ đi xem sau. Chúng tôi cầm tờ giấy hướng dẫn nhặt trong nhà thờ nhưng không có đủ thì giờ xem, nên cứ gặp đâu hay đó, bởi hễ có đi thì sẽ thấy.

Chúng tôi qua cánh phải và thấy có một văn phòng, hỏi ra mới biết đây là lối vào thăm bảo tàng viện của nhà thờ (Cathedral Museum). Vé vào cửa 6 Euro một người, được gọi là để hỗ trợ cho nhà thờ chính tòa. Bây giờ tôi mới biết rằng bảo tàng viện  chỉ mở cửa từ Thứ Hai đến Thứ Bảy từ 10am đến 2.3pm.  Nếu vào xem, chúng tôi chỉ còn được đúng 30 phút, nhưng có còn hơn không, sợ không có dịp trở lại.

Như vậy, Bảo tàng viện là tầng lầu của nhà thờ. Nơi đây trưng bày lịch sử của giáo hội Madrid với hai vị quan thầy của giáo phận: Đức Mẹ Almudena và Thánh Isidro Labrador. Ở một phòng khác trưng bày  về nghi thức phụng vụ của đạo Công giáo qua những đồ vật sử dụng trong những lễ lạc khác nhau, đặc biệt là những bộ áo của các giám mục, hồng y  và cả các lễ phục của vua và hoàng hậu.

Biểu tượng của Madrid: Đức Giáo hoàng sẽ đi qua cổng Puerta de Alcala này để tới quảng trường Plaza de Cibeles gặp mặt chính thức giới trẻ tham dự đại hội. Hình TVTS

Nhưng với chúng tôi, thích thú nhất vẫn là được lên trên ban công, đi quanh mọi góc cạnh của ngôi thánh đường để ngắm các kiến trúc bên ngoài giống như  ở nhà thờ Đức Bà bên Paris, xem chi tiết các tháp chuông, hàng chục bức tượng mà đứng ở dưới sân không thể nào thấy rõ.

Ở đây, đi vòng vòng bạn có thể quan sát thành phố với tầm nhìn 360 độ, được thấy mặt tiền của cung điện hoàng gia với tầm nhìn rõ nhất, đẹp nhất.  Chúng tôi ước gì được đứng ở đây lâu hơn nữa.

Nhà thờ Chính tòa Almudena là một thánh đường mới so với các  nhà thờ khác ở Tây Ban Nha nhưng vì nơi đây là kinh đô của các triều đại Tây Ban Nha, nên ngôi thánh đường này đã được xây một cách đặt biệt, và có lý do.

Tờ hướng dẫn cho du khách ghi rằng vua Alfonso XI đã giao cho kiến trúc sư Marquis of Cubas xây nhà thờ này để tưởng nhớ người vợ đầu tiên của ông, hoàng hậu Maria de las Mercedes. Như vậy, bạn và tôi không còn ngạc nhiên về hướng mặt tiền của nhà thờ này nữa.

Theo chương trình World Youth Day 2011 đã được công bố, vào ngày Thứ Bảy 20 tháng 8, Đức Giáo hoàng Benedict 16 sẽ làm lễ cho các chủng sinh tại nhà thờ chánh tòa Almudena của Tổng giáo phận Madrid. Nhưng không biết Đức Giáo hoàng sẽ đi vào lối nào, lối dành cho dân chúng từ đường Calle Bailen hay từ trong sân cung điện hoàng gia?

Tôi nghĩ vì buổi lễ này có tính cách giới hạn cho một thành phần (các chủng sinh) nên ngài sẽ đi từ đường Calle Bailen vào nhà thờ như chúng tôi, và ngài sẽ vào cửa sắt lớn ở giữa mà ngày thường luôn đóng kín. Nhưng biết đâu vì lý do an ninh, ngài sẽ đi vào hướng đối diện với hoàng cung? (còn tiếp)