Du lịch Tiệp: Một kinh nghiệm đáng nhớ khi đến xứ này (kỳ 1)

17 Tháng Mười, 2015 | Tiệp
Quảng trường Wenceslas trưa ngày chúng tôi tới thành phố Praha. Khách sạn Rokoko đối diện khách ngồi ghế công viên. Ga xe lửa trung ương ở cuối ngã ba, rẽ trái khi thấy tòa nhà National Museum. Hình: NHA

Bút ký du lịch của Nguyễn Hồng Anh

***

Tôi biết gì về nước Tiệp trước khi đặt chân đến xứ này? Tiệp Khắc là tên tiếng Việt của Czechoslovakia (Tiệp Khắc Tư Lạc Phạt Khắc), một nước cộng hòa liên bang thành hình từ năm 1918 và đến năm 1993 thì tách rời không đổ máu như các lân bang, làm hai quốc gia riêng biệt: Czech (Tiệp hay Tiệp Khắc) và Slovakia (Tư Lạc Phạt Khắc).

 

Từ Mùa Xuân Prague tới Cách Mạng Nhung

Năm 1968 cùng với cuộc tàn sát đẫm máu và chôn sống người trong Tết Mậu Thân tại Huế của cộng sản Miền Bắc, tôi được nghe nói đến Mùa Xuân Prague (kéo dài từ tháng Giêng đến tháng 8) khi Liên Xô đưa hồng quân cùng với binh sĩ vài nước chư hầu trong khối Varsaw tiến tới thành phố Prague để dẹp tan phong trào dân chủ hóa của Tiệp khắc dưới sự lãnh đạo của người cộng sản tiến bộ Alexander Dubcek, vì Liên Xô sợ Tiệp Khắc đi quá xa và tách rời khỏi quỹ đạo của Liên Xô.

Mùa Xuân Prague đã đi vào văn chương Tiệp Khắc và sau này gợi hứng cho nhà viết kịch Vaclav Havel tạo nên cuộc Cách Mạng Nhung vào năm 1989 để cuối cùng Tiệp Khắc và Đông Âu vứt chủ nghĩa cộng sản vào sọt rác lịch sử.

Sau năm 1993, Tiệp Khắc vui vẻ chia tay nhau để thành lập hai quốc gia mới  vì quả thật họ là hai sắc dân với ngôn ngữ khác nhau: Cộng hòa Czech (Cộng hòa Tiệp hay Cộng hòa Séc như cách gọi của người Việt trong nước và Đông Âu), Cộng hòa Slovakia (Tôi chưa nghe ai nói Cộng hòa Tư Lạc Phạt Khắc). Trong bài này tôi sẽ gọi Czech là Tiệp cho ngắn gọn.

Màn đêm buông xuống Wenceslas, một quảng trường nổi tiếng của thành phố được xem là một Paris nhỏ. Hình: NHA

Một chuyện khác mà tôi được nghe nói về Tiệp Khắc là nơi sản xuất súng ống cung cấp cho thế giới cộng sản và Bắc Việt  như súng AK (cha đẻ súng tiểu liên AK-47 là Mikhail Kalasnikov) nên mỗi khi nghe tiếng súng AK của Việt Cộng trong thời chiến, tôi nghĩ đến nước Tiệp Khắc và dĩ nhiên không với sự ngưỡng mộ.

Khi các chế độ cộng sản Đông Âu và Liên Xô sụp đổ, cộng đồng người Việt ở  Tiệp Khắc là nơi mà cộng đồng người Việt chống cộng ở hải ngoại hỗ trợ tinh thần nhiều nhất, giúp thông tin và cách thức để xin tị nạn chính trị, và cũng là nơi  mà cộng đồng chống cộng và/ hoặc yêu chuộng dân chủ hy vọng sẽ là đầu cầu mở cuộc chiến diễn biến hòa bình ở trong nước. 25 năm đã trôi qua, cộng đồng người Việt ở Tiệp hiện nay ra sao, sẽ là một phần trong câu chuyện du lịch sẽ kể với bạn đọc sau.

Và cuối cùng, trước khi lên đường du lịch Âu Châu kỳ này, một cô bạn từng qua thăm viếng Tiệp hồi gần đây nói với tôi nên đi thăm Tiệp, Tiệp đẹp lắm, có nhiều thắng cảnh, hí viện, bảo tàng, là một Paris nhỏ, nhưng phải coi chừng người Tiệp, coi chừng các bill ở nhà hàng vì họ tự động cộng tiền típ trên trời, họ không dễ thương như người các nước Âu Châu khác, vì dân Tiệp là người cựu cộng sản. Tôi ghi nhớ lời khuyên và nhận xét đó.

Với mớ hàng trang hiểu biết đó, tôi đến thành phố Prague, vừa “tham quan, thực tế” vừa tìm hiểu để hầu chuyện với bạn đọc.

Từ Berlin qua Prague (từ đây tôi sẽ gọi Praha theo cách gọi của người Tiệp) mất 5 tiếng đồng hồ với xe lửa EC, loại chạy tối đa 100 cây số/giờ và sẽ mất khoảng 5 tiếng đồng hồ.

Đoạn đường này nằm trong phần đất của Đông Đức cũ nên cảnh vật hai bên đường không đẹp cho  đến khi tới Dresden gần biên giới Tiệp,  một thành phố tôi đã nghe nói tới nhiều lần vì vẻ đẹp thiên nhiên cũng như  các kiến trúc cổ điển. Du khách ngoại quốc tới đây thăm thú và người Đức ở các nơi khác đến đây nghỉ mát như tôi thấy trong chuyến đi này.

Riêng với tôi, một người chỉ ngắm cảnh Dresden trên xe lửa thì phải nói thiên nhiên ở đấy hùng vĩ và thơ mộng. Đẹp vì nhờ dãy núi chạy dọc con sông mà thiên nhiên ưu đãi,  chừa dải đất  đủ rộng để người ta xây nhà từ sườn núi xuống mé sông.

Nếu bạn mua vé ngồi bên ghế trái của xe lửa thì sẽ có cơ hội ngắm cảnh thoải mái và chụp hình gần cả tiếng ở đoạn này.

 

“Đoạn đường chiến binh”

Tôi đã nghe cô bạn nói khi qua Tiệp hãy cẩn thận, nhưng ra vẻ lời cảnh cáo đó chẳng giúp gì chúng tôi.

Số là,  khi chúng tôi chờ xe lửa ở ga trung ương Berliner Hauptbahnhof, do hành khách xếp hàng quá đông trải dài kín mé cầu tàu nên khi xe lửa sà tới chúng tôi cứ thế mà leo lên một toa gần nhất, nghĩ rằng lên đó sẽ kiếm toa và ghế ngồi của mình như đã từng đi trong hai chuyến xe lửa ở  Amsterdam và Frankfurt.

Thơ mộng: cảnh dọc đường tới thành phố Dresden. Hình: NHA

Nhưng một khi đã lên trên toa thì không còn di chuyển nữa, nội bất xuất ngoại bất nhập với  hai cái vali lè kè bên người. Nhìn số toa ghi trên thành tàu, tôi biết còn phải đi 7 toa nữa mới tới toa của chúng tôi ghi trên vé.

Tôi bảo nhà tôi đợi tôi đi một vòng xem thử tình hình nhưng đi chưa hết một toa thì phải trở lui bởi phải bước qua khách nằm hay ngồi trên lối đi với ba-lô ngổn ngang, có người cho tôi đi, có người trừng mắt khi thấy tôi di chuyển trong toa. Thật sự trong đời tôi  hiếm khi thấy cảnh người nhét như cá hộp trên xe lửa. Thời Việt Cộng sau năm 1975, đi xe lửa chật chội cũng còn có thể len lỏi để đi lại trên lối đi giữa hai hàng ghế. Tôi không thể tưởng tượng trong  một toa ngoài những người ngồi trên ghế  còn khoảng 20 người nằm ngồi  “vô tư” với ba-lô  bên cạnh họ giữa lối đi. Phần lớn họ là những thanh thiếu niên và  không tỏ vẻ thân thiện hay lịch sự với hành khách khác. Thế này nghĩa là thế nào?

Một toa có mấy chục người không có ghế ngồi chứng tỏ họ là khách đi lậu hay hãng xe bán vé quá lố (như gần hai chục năm trước đây tôi thấy cảnh khách ở Melbourne ra phi trường cầm vé lên máy bay Vietnam Airlines nhưng chỗ không có).

Thấy ba thiếu nữ trông vẻ học sinh ngồi bệt dưới sàn xe  nhìn tôi có lẽ thông cảm tuổi tác của chúng tôi mà phải đứng lâu (vì chúng tôi không có chỗ để ngồi bệt xuống) nên tôi hỏi tại sao có cảnh người nhiều hơn ghế ngồi, một cô nói do mùa này là holiday. Tôi nói với cô tôi mua vé hạng nhất nhưng không thể nào di chuyển tới toa hạng nhất, và cô trả lời đây là toa hạng hai.

Tôi nói với nhà tôi hãy chịu khó đợi khi xe dừng ở trạm thành phố Dresden sẽ nhảy xuống đổi toa. Đứng 3 tiếng đồng hồ không nhúc nhích với những khuôn mặt cau có lạnh lùng chung quanh là một kinh nghiệm khó quên.

Bạn cứ tưởng tượng trên xe đông người, có cả người mang theo xe đạp mà khi xe dừng thì mọi người chen nhau xuống. Lại gặp cái cửa bị kẹt, hành khách phải vặn ổ khóa, đá vào cửa thì cửa mới bung ra. Chúng tôi nhảy xuống, kéo va-li  như chạy giặc  sợ  mình chưa tới đúng chỗ cách đấy 7 toa mà xe lửa đóng cửa chạy thì chẳng biết làm sao ở xứ lạ.

Lên toa mới, đúng là toa hạng nhất, rộng rãi, được tặng nước uống và được nhân viên kiểm soát vé tới hỏi vé đến hai lần trong hai tiếng đồng hồ.  Nhà tôi nói ước gì họ kiểm soát vé trong những toa hạng hai mà chúng tôi vừa đứng. Tôi giải thích với nhà tôi, chẳng qua đấy là tinh thần của con người xã hội chủ nghĩa còn sót lại của nhân viên hỏa xa.

Sau này có thời gian nghiền ngẫm, tôi nghĩ rằng đi xe lửa xuyên quốc gia ở Tiệp ở vé hạng economy có lẽ cũng giống như đi một đoạn xe tram ở Melbourne hay xe metro ở Nhật, cứ thấy còn chỗ là khách nhảy lên. Xui cho chúng tôi đã không biết chuyện này và lên lộn toa để phải đứng chịu trận mà “ôm bầu tâm sự” cả ba tiếng đồng hồ trong khi trả tiền vé hạng nhất. Và cũng hiểu thêm nhân viên xe lửa ở đây không thân thiện và hưởn để chỉ lối cho hành khách, dù đó là du khách ngoại quốc.

Cá ăn thịt người? Massage kiểu Tiệp (đàn cá rỉa chân) tại một tiệm massage lớn và đông khách ở quảng trường Wenceslas nơi phần đông công nhân là các bà người Thái và Á Châu. Hình: NHA

 

Nghe cảnh đẹp, thấy người không đẹp

Xe lửa đã tới ga trung ương Praha. Sẽ có thêm bực mình nữa chăng?

Là người thích du lịch tự túc không cần tour guide, tôi đã lên mạng tìm hiểu đường từ  ga về Khách sạn Rokoko  ở số 38 Wenceslas Square, Praha 1 (tiếng Tiệp:  Václavské nám. 38. Praha 1). Khoảng cách chừng 1 cây số nên bạn có thể đi bộ được nếu có bản đồ.  Tôi cũng được bác google cảnh cáo tài xế taxi ở Praha là chúa lừa gạt du khách, rằng ở đây có 3 loại xe chuyên chở khách là taxi có bảng hiệu, loại xe nhà chở mướn và xe đáng tin cậy là taxi mang bảng hiệu AAA.

Nhưng rời ga theo bảng chỉ dẫn tới nơi có taxi đậu, tôi thấy một ông đứng lù lù cầm tờ giấy. Tôi hỏi về khách sạn Rokoko bao nhiêu, ông đưa ra tờ giấy viết sẵn 3 con số to tướng 700 (700 CZK bằng khoảng 40 Úc kim). Tôi nói với ông từ đây đến khách sạn chỉ 1 cây số thôi mà sao đắt thế. Tôi đã chuẩn bị sẵn tinh thần và sẵn sàng trả giá 20 Úc kim cho một đoạn đường 1 cây số nên tôi nói: 400.

Ông ta lườm một cái và không trả lời, lạnh lùng như ông công an CHXHCN Việt Nam ta thường thấy trên internet.

Tôi đi ngược hướng để may ra tìm được loại taxi mang 3 chữ A nhưng ở bến này có hai xe đề taxi nhưng không có thương hiệu và nhiều xe hơi tư nhân, rõ là đợi khách.

Lần này tăng gấp đôi chiều dài tới khách sạn để chứng tỏ mình chấp nhận giá cao vừa phải, tôi  nói với người đàn ông đứng trước chiếc taxi rằng từ đây đến khách sạn Rokoko dài 2 cây số, ông tính bao nhiêu tiền.  Ông ta phán 500. Tôi nói chỉ 2 cây số thôi sao đòi nhiều tiền vậy,  với bộ điệu và giọng  của tay anh chị ông ta nói ở đây chỉ có một giá duy nhất, dù xa hay gần.

Đi chuyến xe lửa dài 5 tiếng đã quá oải nên chúng tôi bấm bụng đồng ý, nhưng tay này không chở chúng tôi mà dẫn chúng tôi tới mấy chiếc xe tư nhân đậu bên cạnh. Thế là anh chàng có chiếc taxi màu vàng này chỉ lái taxi xe bằng miệng nhờ nói được tiếng Anh và biết làm cò.  Khỏe thiệt!

Anh tài xế chạy vòng vòng một hai phút quanh khu phố nhỏ để tạo cảm giác xa, bởi  tôi nhận ra một tòa nhà vừa thấy lại xuất hiện. Vào khách sạn, check-in xong, tôi hỏi mua vé xe lửa đi Vienna (Áo) ở chỗ nào, nhân viên khách sạn nói gần đây và nên đi bộ và họ cho tôi cái bản đồ. Với tấm bản đồ, dù còn lạ đường với những tên bằng chữ Tiệp rất khó đọc, chúng tôi chỉ mất 10 phút để trở lại ga trung ương vừa rồi, và thấy anh cò taxi vừa chặt chúng tôi 500 CZK (khoảng $28 Úc kim) đang đứng tán dốc với đám đàn  em. Tôi thấy một số người Á Châu trong ga đi ra và bước qua trước mặt đám taxi này nhưng ra vẻ những người Á Châu này là dân địa phương hay quá quen thuộc đường sá của thành phố Praha nên đám taxi không vẫy mời.

Trở  về chỗ trọ, chúng tôi ra khu phố  trong quảng trường Wenceslas trước mặt khách sạn để đổi ít tiền Tiệp. Tới một dãy tiệm đổi tiền, tôi hỏi một nhân viên huê hồng là bao nhiêu. Cô nói 14%. Tôi nói cao quá bởi ở ga trung ương tôi thấy người ta đề 11%. Cô hạ xuống 12% và nói ở đây người ta đều tính huê hồng như thế cho các du khách.

Thấy tôi có vẻ lưỡng lự, cô hỏi tôi là muốn đổi bao nhiêu và huê hồng cao thấp tùy số tiền đổi. Tôi nói 500 đô la. Cô bấm bấm máy,  xong nói 7%.  Mặc dù cô ta đã hạ giá xuống một nửa, tôi cám ơn và tìm  tiệm khác gần đó. Thấy một cái bảng và mũi tên đề “no commission”, tôi vào hỏi tỉ giá bao nhiêu, ông nhân viên này nói 1 Úc kim ăn 17.8 koruna (tên gọi đồng tiền Tiệp) bất kể số tiền muốn đổi là bao nhiêu. Tuy cao hơn một chút xíu nhưng cả là một sự khác biệt với mấy cái tiệm đổi tiền vừa rồi.

Tấm bia dưới chân tượng thánh Wenceslas tưởng niệm hai sinh viên Jan Zajic (trái) và Jan Palach tự thiêu tại quảng trường Wenceslas đối diện National Museum trong tháng Giêng và tháng Hai năm 1969 để phản đối Liên Xô chiếm Tiệp Khắc. Hình: NHA

Bạn hỏi tôi đã ớn dân Tiệp chưa? Có phải “danh bất hư truyền không”?  Trả lời theo ngôn ngữ  trong nước: “Chính xác”!

Nhưng một ngày sau và khi sắp rời Praha để lên đường đi Vienna, nhà tôi nói tiếc quá, ước gì được ở thành phố này thêm vài ngày.

Cái gì đã làm chúng tôi thay đổi tình cảm dành cho thành phố này nhanh chóng như thế? Mời bạn đọc đón xem kỳ  tới.

Melbourne 17.10.2015