Du lịch Tiệp: Tham quan khu người Việt ở Praha (kỳ 3)

31 Tháng Mười, 2015 | Tiệp
Cổng chính vào Chợ Sapa ở Praha, Tiệp. Hình: NHA

Bút ký du lịch của Nguyễn Hồng Anh

***

Trước khi qua Tiệp, ngoài lời khuyên và cảnh báo của cô bạn ở Úc và vài lời bàn Mao Tôn Cương của những người bạn mới quen ở Hòa Lan về nghề “trồng cỏ” của người Việt ở đấy, tôi có lên internet và đọc một số thông tin về người Việt ở Praha do báo chí trong nước viết.  Báo VnExpress viết: “sự hiếu khách đã trở thành một nét văn hóa của người Việt tại Czech, khiến tôi cảm thấy ấm lòng khi du lịch nơi đây” (Đào Phi Cường, Pháp).

Với Hà Nội, cộng đồng người Việt ở Praha là “người” của họ qua các hội như  “Hội Người Việt Nam tại Cộng hòa Séc” và những chuyến thăm viếng hội thảo của tòa đại sứ VN tại Praha và của các viên chức Bộ Ngoại giao VN từ Hà Nội.

Vì vậy, tôi tự xem mình như là “người ngoài”  cho nên khi gặp các “đồng hương” ở đây phải cẩn thận, ý tứ.

Theo báo mạng Vietnam+, tại Tiệp có khoảng 65,000 người Việt Nam sinh sống hợp pháp và người Việt đã được chính phủ Tiệp nhìn nhận là một dân tộc thiểu số (đông hàng thứ 14) và đã có một người Việt Nam được bổ nhiệm vào Hội đồng Dân tộc Thiểu số.

 

Praha: đi mô cũng gặp người Việt

Sau một ngày đi bộ ngắm thành phố Praha chúng tôi trở lại tiệm ăn Việt Nam vừa biết hồi chiều để ăn tối.  Một tô phở ở Phở Việt ở giữa trung tâm thủ đô giá 89 CZK (Czech Koruna) tức khoảng $5.5 Úc kim. Tuy gọi là tiệm phở, nhưng  vì  bán theo lối thức ăn nhanh (fast food) khách phải trả tiền trước khi thức ăn được bưng ra. Chỉ là tô phở “chay” chứ không có rau hay giá như mọi nơi. Nước phở đằm miệng nhưng thịt không được thơm như ở Úc. Ghé quán hai lần, thấy hơi vắng khách, có lẽ vì nằm ở bên trong trung tâm thương mại. Hai vợ chồng và đứa con trai trông có vẻ thân thiện, mở quán này được 3 năm.

Và đây, đường chính vào thế giới Sapa nơi có khoảng 6,000 thương nghiệp chủ làm ăn buôn bán. Hình: NHA

Tôi nói ngày mai tôi muốn qua chợ Sapa để xem sinh hoạt của người Việt bên đó nhưng không biết nên trả giá taxi như thế nào bởi ngày hôm qua, đi một đoạn từ ga xe lửa trung ương về khách sạn chưa tới 1 cây số là bị chém đến 500 CZK,  cô chủ người Miền Bắc nói “cháu” có thể chỉ đường cho “hai bác” đi xe cho rẻ nhưng sợ khó tìm, còn đi taxi thì chỉ từ 500- 600 CZK mà thôi.

Đến Tiệp tôi còn một bộ CD gồm 4 cuốn và một tập nhạc, dự trù sẽ tặng cho người đáng tặng, nhưng nhìn ông bà chủ quán tôi nghĩ có thể họ không thích âm  nhạc cho lắm nên để dành qua Chợ Sapa “phát tán” bộ CD và tập nhạc “phản động” này ngay ở trái tim của Hà Nội nối dài.

Bước ra đường, chúng tôi tìm chỗ bán bia để mua vài chai về khách sạn uống, thấy một tiệm mặt tiền khá lớn, đông khách ra vào. Euromax Market chuyên bán rượu bia, nước giải khát và thuốc lá.  Thấy một thanh niên làm việc ở đây nói tiếng Việt với cô thu ngân, tôi nói tưởng đây là một tiệm  của người Tàu. Cậu cười và trả lời rằng nếu là tiệm Tàu thì ngoài tiếng Tiệp sẽ có tiếng Tàu trên bảng hiệu nhưng ở đây không có tiếng Tàu. À ra thế! Tôi học thêm một chút kiến thức phổ thông. Cậu cho biết tiệm mở cửa đến 2 giờ sáng. Tôi khen tiệm lớn quá nhưng cậu chỉ mỉm cười. Hỏi có phải  ở đây có rất nhiều người Việt, cậu trả lời: phải.

Bước ra con đường Wenceslas Square nhộn nhịp đầy người từ đây cho đến cuối (hay đầu) đường tận National Museum, thấy một phụ nữ đẩy xe có con nhỏ trong đám người lố nhố –người đứng nghe nghệ sĩ vỉa hè trình diễn, kẻ cầm điện thoại nói chuyện  hay ngắm cảnh–  tôi gợi chuyện với người đồng hương này. Cô cho biết qua Tiệp được 7 năm và chồng làm cho nhà hàng sushi ở trên con đường này. Hôm nay từ quận 9 cô lên quận 1 (tức trung tâm thủ đô) để đón chồng đi làm về, đường xa và không quen khu  vực này. Đang  nói chuyện, nghe điện thoại chồng reo, cô hớt hãi đẩy xe chở con, gọi ơi ới xem chồng đang đứng  ở đâu trong đám đông, quên chào từ biệt người đồng hương.

Những cửa tiệm hai tầng màu ảm đạm trông như nhà kho cạnh những tiệm xây hai tầng màu trắng khang trang cuối ảnh. Hình: NHA

Sáng hôm sau, chúng tôi lại tiếp tục ra con đường Wenceslas Square đi một vòng mua sắm đồ kỷ niệm, đặc biệt là đồ pha-lê  Bohemia, sản phẩm nổi tiếng của Tiệp.  Có quá nhiều thứ và kiểu đẹp. Tôi mê những bình đựng hoa thật lớn có chạm trổ bạc và vàng rất tinh xảo,  là những bình mà cậu thanh niên đẹp trai dễ thương giới thiệu với tôi rằng, vì là đồ tiểu công nên không có cái thứ hai. Biết tôi là người Việt Nam, cậu giới thiệu ông nội cậu là người Phi Luật Tân  lấy bà nội là  người Việt khi ông qua phục vụ ở Việt Nam. Cậu hiện  định cư ở Tiệp, nói tiếng Anh rất rành và tỏ ra thành thật với khách khi bán hàng. Nhưng do còn phải đi xe lửa sang Áo nên tôi không thể mang một cái bình bự  mà chỉ mua cái tô đựng kẹo bánh nho nhỏ làm kỷ niệm mà thôi.

Trên đường về khách sạn cất đồ, chúng tôi đi song song với một gia đình người Việt. Họ cất lời chào hỏi chúng tôi trước, bởi nghe hai vợ chồng chúng tôi nói chuyện với nhau. Vợ chồng này mới qua Tiệp được nột tuần lễ thăm người con trai đã ở đây 10 năm.  Những người này nói giọng Quảng Bình nên nhà tôi nghe không kịp, nhưng tôi thì quá quen thuộc với giọng Miền Trung từ Quảng Trị, Quảng Bình đến giọng Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.

Người đàn ông ra vẻ có phong độ, tức có tiền bạc hay chức tước. Họ hỏi chuyện chúng tôi một cách tự nhiên. Nghe chúng tôi sắp đi thăm Chợ Sapa, bà mẹ bảo đứa con trai hãy chỉ đường cho chúng tôi mua vé xe metro cho rẻ nhưng tôi cám ơn bởi ngại tìm đường dưới trời nóng 36 độ C.

Anh thanh niên cho tôi biết ở thành phố Praha có 60 ngàn người Việt  và 40 ngàn người Việt ở lậu. 100 ngàn? Đây là một con số người Việt khá lớn đối với dân số cả nước khoảng 10 triệu người. Trong khi đó, vài người Việt khác nói dân số Việt Nam ở đây khoảng sáu, bảy chục ngàn người. Mọi người chúng tôi gặp ở Thủ đô Praha đều là người Việt Nam từ Miền Bắc sang.

Món quà vạn dặm: Tác giả Nguyễn Hồng Anh ký sách nhạc và CD tặng ông bà chủ tiệm Hồ Sen Quán. Hình: NHA

 

Bá-linh có chợ Đồng Xuân, Praha có chợ Sapa khổng lồ

Thấy chiếc xe đậu trước khách sạn Rokoko có 3 chữ A, tôi cầm tờ giấy ghi sẵn mấy chữ  Sapa, Libusska 319/126. 14200 Praha 4 – Pisnice  và nói đi Chợ Sapa của người Việt Nam, ông taxi gật đầu.

Nhớ giá khoảng 500-600 CZK  mà cô chủ quán Phở Việt nói, tôi hỏi: “400, OK?”.  Ông taxi gật đầu. Sợ ông nghe lộn lát nữa lại đòi cao, tôi hỏi thêm lần nữa và ông gật đầu. Thế là xe taxi mang bảng hiệu AAA làm ăn đàng hoàng như người ta viết trên google. Tôi không rõ đường dài bao nhiêu, đoán khoảng 10 cây số  vì xem đồng hồ thấy chạy mất khoảng 20 phút.

Chợ Sapa có tên chính thức là Trung Tâm Thương Mại Sapa được hình thành từ năm 1999 trên miếng đất 35 hếc-ta (350,000 mét vuông) của quận 4 , về phía nam trung tâm thành phố Praha. Cảnh vật gần chợ Sapa cho thấy đây là vùng đồng quê hay khu kỹ nghệ. Xe vào cổng chính kiến trúc mái phẳng, màu xanh biển,  trông như tiệm bán xăng 7 Eleven, có hai tuyến đường ra vào riêng biệt, hai bên có tượng hai sư tử màu trắng chầu. Bên phải, có lối dành cho người đi bộ với cổng sắt nhỏ, cạnh có căn nhà mái bằng, màu gạch với bảng hiệu lớn Exchange, quảng cáo đây là một trung tâm tài chánh, đổi tiền và chuyển tiền có giấy phép.

Đúng là một chợ rất lớn. Nhìn cuối đường thấy sâu hút. Hai bên là những căn nhà,  trệt có, hai tầng có. Những nhà hai tầng bằng gạch/ xi măng trông khang trang màu trắng, và một dãy hai tầng kiểu tiền chế sơ sài, luộm thuộm, vách xám trông ảm đạm.  Song song với đường chính chúng tôi đang đi từ cổng vào, bên trái có hai con đường xe chạy qua lại khá nhiều, hai bên đường cũng là những dãy tiệm buôn nhưng không tấp nập bằng con đường chúng tôi đi.

Phở Việt (góc phải), một tiệm fast food của người Việt ở Praha, cuối đường Wenceslas Square. Hình: NHA

Gần nửa chợ còn lại là những dãy nhà bán quần áo, đồ gia dụng linh tinh.

Bước ra khỏi con đường chính, ở mé phải là những nhà hàng, quán ăn, trước mặt một số tiệm có chỗ đậu xe. Trong dãy tiệm nhà trệt vách mái thô sơ và rất bình dân, tôi thấy có quán Phở Tùng được du khách nhắc đến trên mạng.  Cũng có nhiều tiệm buôn bán hai tầng bề thế chứng tỏ “đẳng cấp” của người chủ, vì đâu phải trong cái xứ Sapa mang từ Miền Bắc qua mọi người đều giống nhau?

Gặp một thanh niên giao hàng vào một chủ tiệm áo quần đang xếp hàng, tôi hỏi làm ăn ở đây có khá hơn Việt Nam không thì cả hai đều bật cười lớn, nói phải khá hơn nhiều mới ở lại đây chứ!  Hỏi đời sống bên này ra sao họ nói dễ chịu hơn vì ở Việt Nam phải chụp giựt. Cả hai đều biết chúng tôi là du khách, nhưng không hỏi chúng tôi từ đâu đến.

Tôi chưa biết phải đi hướng nào giữa cái nóng và nắng gay gắt vào 1 giờ trưa như thế này. Thấy bên phải có lối đi ra với một cổng chào kiểu Cổng Tam Quan có mái ngói đỏ, tôi tới gần để  xem đây có phải là cổng chính không, nhưng chỉ là cái cổng đẹp thường thấy chụp hình để giới thiệu Chợ Sapa chứ ít người sử dụng, thỉnh thoảng có xe ra vào chứ không thấy người đi bộ. Cổng này gần bãi đậu xe, có lẽ dành cho các chủ tiệm; và  cũng gần có Niệm Phật Đường Vĩnh Nghiêm.

Trong hai lối đi tả hữu dành cho người đi bộ qua cổng tam quan, một bên cánh cửa sắt khép kín, cỏ mọc cao. Nhưng không sao, chụp hình vẫn đẹp

Trên vòng cung lối đi giữa, có giòng chữ tiếng Tiệp và Việt ngữ “Kính chào quý  khách”, phía ngược lại ghi “Tạm biệt quý khách”. Nhìn về phía bên kia cổng thấy cây cối và bãi cỏ, vài căn nhà trệt thưa thớt.

Chúng tôi trở lại những chỗ vừa đi qua, lướt một số nhà hàng xem nơi nào có máy lạnh không, nhưng chỉ thấy sử dụng máy quạt điện. Cuối cùng chúng tôi tạt vào tiệm Hồ Sen Quán để ăn trưa chứ không thể tiếp tục đi bộ  giữa trời nắng chang chang để tham quan các cửa tiệm ở đây, vì  tiệm, sạp nào cũng giống nhau.

* * *

Hồ Sen Quán hai tầng, khá rộng và khang trang, và tầng trên là khu vực toilet, khá sạch sẽ. Vợ chồng chủ quán là anh chị Hồ Văn Hiền và Nguyễn Thị Thủy. Tôi hỏi quán này trả tiền thuê bao nhiêu một tháng, bà vợ nói 2000 “eo” (tức Euro) nhưng chủ chợ thấy làm ăn được là tăng tiền thuê lên. Tôi trả lời chuyện đó bình thường.

Tác giả bên cạnh bảng quảng cáo trên lối đi vỉa hè phố chỉ đường vào bên trong của Phở Việt. Hình: NHA

Chị Thủy nói Sapa là nơi duy nhất trên thế giới người Việt là chủ chợ, người Tàu thuê tiệm của người Việt phải tuân thủ luật lệ của chủ chợ người Việt. Hỏi ai là chủ Chợ Sapa, Thủy nói một người từ Nha Trang, di tản năm 1975.

Sau đó lên mạng, đọc báo chí trong nước thì được nghe nói sau Cách Mạng Nhung, một nhóm người Việt đã mua đứt miếng đất mấy chục mẫu này, có “sổ đỏ” hẳn hoi (ở Úc mình có sổ đỏ không nhỉ?). Riêng đài tiếng nói Việt Nam VOV viết: “Ông Hoàng Đình Thắng, chủ tịch hội người Việt Nam tại CH Czech cho biết: khu đất được chúng tôi mua từ năm 1999 rộng 35ha. Chúng tôi mua khu đất này với ý tưởng làm sao xây dựng một trung tâm thương mại trong đó còn là trung tâm giao lưu văn hóa thể  thao, hay là một địa điểm tin cậy của người Việt Nam tại CH Czech”.

Nguồn tin của đài VOV có thể đáng tin cậy, nhưng Chợ Sapa là của ai –của cán bộ hay của người Việt di tản- thật chẳng phải là điều quan tâm của tôi và bạn đọc.

Chị  Thủy nói gia đình của chị ban đầu qua sống ở Lào và sau đó ở Thái Lan và “nghe lời kêu gọi của Bác Hồ, năm 1960 hồi cư về Việt Nam” (sic).

Tôi không hỏi gốc chị từ đâu nhưng nghe giọng của chị Thủy, tôi nghĩ là người Quảng Bình.

Thời chiến tranh Việt- Pháp bùng nổ, nhiều người ở Miền Trung chạy qua Lào vì biên giới Lào rất gần; họ định cư ở đó hoặc đi xa tới Thái Lan.  Cậu ruột của tôi là một trong những người như vậy, tưởng đã hoàn toàn mất tích như một ông cậu khác là Đoàn Dẫn mà mẹ tôi nói đã bỏ làng (làng Tân Mỹ, Phú Vang, Thừa Thiên) trốn Tây hay đi theo Việt Minh nhưng sau năm 1975 cũng chẳng nghe tin gì về ông cậu được cố Linh mục Giu-se Ngô Văn Trọng (1916-2009) bạn đồng song cho là thông minh, đẹp trai.

Giữa thập niên 1960 mẹ tôi bắt được liên lạc với cậu ở Thái Lan, nhưng ông cậu này không bao giờ trở về Việt Nam vì đã lấy vợ Thái, sinh con cái và đã quen với xã hội của Thái. Vả lại, thời đó xin chiếu khán về thăm Việt Nam rất khó.

Chị Thủy là người mau miệng, thích trò chuyện nên khi biết vợ chồng tôi từ Úc sang Tiệp, bay mất 24 tiếng đồng hồ, đã hỏi: “Tại sao hai bác di tản mãi tận Úc xa xôi?”, tôi trả lời: “Đã chạy trốn  thì ở đâu cũng được!”.

Như đã nói ở trên, tôi còn một bộ CD mang theo để biếu người phương xa, không lẽ mất công mang về nên đây là “cơ hội để cho”.  Tôi hỏi chị chủ quán có thích nhạc không, Thủy nói thích nhạc hải ngoại, thích ca sĩ hải ngoại.

Tôi hỏi: “Vậy thì cô thích loại gì?”, Thủy trả lời: “Em thích nhạc đỏ ngày xưa”.

Tôi giật mình không biết đây có phải “đối tượng” để cho CD không, nên hỏi tiếp: “Vậy cô có thích nhạc vàng không”, Thủy cười duyên: “Cũng thích!”.

Tôi nói:  “Vậy thì lát nữa, sau khi ăn xong, tôi sẽ tặng cho cô một món quà rất quý, mang theo trên con đường dài vạn dặm để tặng  cho người đáng được  tặng và hôm nay tôi quyết định tặng cho cô”. Thủy cười hớn hở, trở nên vui và cởi mở với người khách lạ.

Thủy nói các ca sĩ ở Mỹ và Ngọc Ngạn của Paris By Night khi qua Tiệp trình diễn đều ghé đến quán của chị. Nói có sách mách có chứng,  Thủy mở mobile phone chỉ cho tôi hình chị chụp với MC  Nguyễn Ngọc Ngạn và một vài ca sĩ. Thế là chúng tôi đã hợp hay cùng “tầng số” về văn nghệ. Câu chuyện như không muốn ngưng.

Euromax Market, một tiệm bán bia rượu thuốc lá khá lớn của người Việt ở Praha. Hình: NHA

Thủy kể về những chuyến đi qua Mỹ và có tới California ở nơi  mà Thủy gọi là “văn hóa cờ;  cờ ba que, cờ Mỹ” (sic). Thủy nói chị có đi theo phái đoàn dự một buổi tiệc gây quỹ cho người cùi, người hướng dẫn bảo mọi người tới đây thì đừng nói gì cả, chỉ ngồi nghe, và sau đó chị cũng cho tiền như mọi người khác.

Sự cẩn thận của Thủy khi tới California cũng giống tôi khi tới Praha, dù chúng tôi cùng là người Việt (tôi không dùng câu nói nghe quá quen tai nhưng sai: người Việt máu đỏ da vàng).

Thủy hỏi tôi có về thăm Việt Nam không, tôi nói chừng nào có tự do, dân chủ. Thủy nói một cách tự nhiên:“Vậy thì còn lâu lắm vì hiện nay bên đó người ta tham nhũng quá, giàu quá, họ tiêu tiền như là gì, dễ dàng…”.

Ra quầy trả tiền (một đĩa cơm đồ biển thập cẩm, đĩa bún nem nướng, ly coca, bia hơi, tổng cộng 220 CZK, khoảng  $13 Úc kim) tôi trở về bàn ăn và mời bà chủ đến bên cạnh để trao món quà bất ngờ.

Thủy đứng nhìn tôi mở túi xách và từ từ cầm ra 3 cái CD nhạc của tôi và tập nhạc 40 ca khúc nói về kinh nghiệm của người tị nạn. Tôi ân cần đưa cho Thủy và tự giới thiệu  tôi là chủ bút và  chủ nhiệm một tờ báo Việt ngữ lâu đời ở Úc, ngoài ra tôi cũng là người viết nhạc mấy chục năm về trước và hiện đang bắt đầu phổ biến nhạc của mình. Tôi hỏi Thủy có muốn chụp hình với tôi để làm kỷ niệm với tác giả ca khúc và người khách bất ngờ như tôi không.

Thủy rất vui và tỏ ra thích thú khi được tôi ký tặng CD, sách nhạc và được tôi hứa rằng sẽ đăng hình buổi gặp mặt hôm nay lên báo của tôi và sẽ gởi tặng vợ chồng Thủy một ấn bản, khi nào đến đoạn bút ký viết về Tiệp.  Thủy gọi ông chồng ra chụp hình. Tôi cũng vui vì gia đình của vợ chồng chủ quán qua mấy cuốn CD và tập nhạc sẽ hiểu thêm về chế độ do “Bác Hồ” của chị dựng nên và đã gây bao đau thương cho đất nước, một chế độ mà chính chị lúc này cũng không ưa.

* * *

Sau hai tiếng đồng hồ ở Chợ Sapa, chúng tôi trở lại cổng chính kiếm xe taxi trở về khách sạn nhưng đợi hơn nửa tiếng chẳng thấy bóng dáng một chiếc xe taxi nào. Tôi vào một cửa tiệm bên trái cổng nhờ một thanh niên gọi xe taxi. Anh nói để anh gọi cho người bạn đến chở dùm nhưng người này đang bận đưa khách ra phi trường.

Một phụ nữ ở trong tiệm Exchange đổi tiền trước cổng dẫn chúng tôi sang bên kia đường, giới thiệu với một người đàn ông. Anh này nói vì rảnh nên chở giúp chứ không làm nghề  này. Tôi hỏi bao nhiêu, anh nói 500 CZK.

“Taxi vừa rồi chở chúng tôi vào đây chỉ lấy 400 mà thôi”, tôi nói. Anh ta gật đầu: “Cũng được, tôi chỉ làm giúp”.

Đường của Wenceslas Square tác giả chụp từ khách sạn Rokoko: trên quảng trường dài 750 mét này là những ghế công viên và những sạp bán thức ăn ngay giữa lòng đường, tạo cho khu phố này vẻ đẹp quyến rũ về đêm. Hình: NHA

Ngồi trên xe, người đàn ông (tạm gọi tên X) nói chuyện không ngơi. Anh nói sinh ở Hà Nội, đi bộ đội và sau đó qua Tiệp năm 1986 lúc mới 24 tuổi và nay đã 50 tuổi (đúng ra phải 53). Tôi cũng gợi chuyện để biết thêm về người Việt tại Praha, cũng là mục đích của chuyến du lịch. Người đàn ông này có đứa con trai hiện nay đã 15 tuổi, và cả vợ lẫn con chưa bao giờ sang Tiệp. X nói anh  làm nghề dịch vụ, lo chạy giấy tờ, giúp cho người khác có bằng lái xe,  không mua nhà, sống một mình, ở xứ Tiệp tự do thoải mái, và như rất nhiều người Việt khác, chỉ là thường trú nhân mà thôi.

Hỏi nếu vậy thì ở bên nhà vợ có thể lấy chồng khác chăng, anh nói: “Có thể”.  Anh nói ở Tiệp nhiều đứa “buôn bán” rồi vào tù (tôi hiểu chữ buôn bán có nghĩa gì), vợ ở nhà chờ biết đến bao giờ. Mười người chỉ có một người chờ.

X nhắc lại anh không làm nghề chuyên chở, nhưng luôn tiện bình xăng gần hết, còn chạy được 15 cây số, coi như chuyến chở chúng tôi là để có bình xăng.  Tới trạm xăng, X nhảy xuống đổ xăng, rồi  đến gần cửa xe xin chúng tôi đưa 400 CZK để trả tiền xăng.  Xe nổ máy, tôi thấy bình xăng nhảy lên con số 315 cây số. Đúng là giúp đồng hương để mua xăng.

Câu chuyện trên xe giữa tài xế chuyên nghề dịch vụ tiếp tục. X nói: “Cháu không biết trước, chứ hai bác thuê khách sạn ở Sapa rẻ hơn, hoặc khách sạn gần nhà cháu, giá chỉ một nửa so với trên phố”. Tôi hỏi nhà anh ở bao xa so với trung tâm phố, X nói 6 cây số, còn từ Sapa lên phố 9 cây.

Lối xưng hô bây giờ không còn tôi bác mà là cháu bác. X nói: “Không biết trước chứ hai bác về nhà cháu ở, nhiều người thì không được chứ một mình hai bác thì được. Nhà  ở trọ rẻ, được lo ăn uống, có bác về hưu dẫn đường giới thiệu thắng cảnh như một hướng dẫn viên du lịch.  Vừa rồi có mấy gia đình bên Đức qua, đông quá không chứa hết được, chứ hai bác thì được”.

Tôi chỉ biết nói cám ơn người đồng hương có lòng tốt như vậy, chứ nói sao bây giờ?

Tôi nhớ lại câu nói của một tác giả từ  báo chí trong nước đăng đầu bài này: “Sự hiếu khách đã trở thành một nét văn hóa của người Việt tại Czech, khiến tôi cảm thấy ấm lòng khi du lịch nơi đây”.

Nhưng nghe cách nói của anh X, chắc cho ăn kẹo tôi cũng không dám nhận lời mời tới ở trọ trong nhà của anh, dù miễn phí nói chi chỉ… nửa giá.

Nguyễn Hồng Anh

Melbourne 31.10.2015