Vanuatu: 7 ngày ở xứ đảo thần tiên- đất nước thân thiện (kỳ 3)

15 Tháng Ba, 2008 | Vanuatu
Thơ mộng: nhà trọ Fatumaru Lodge. Hình: TVTS

Nguyễn Hồng-Anh

Chúng tôi đến phi trường quốc tế Bauerfield ở thành phố Port Vila khoảng  3 giờ rưỡi chiều. Gần nhà xa cửa ngõ, chỉ đoạn trường chừng ba ngàn cây số mà chúng tôi phải mất gần  9 tiếng đồng hồ từ khi máy bay rời phi trường Tullamarine ở Melbourne, lên Brisbane đổi máy bay đi Port Vila. Mà đó là chuyến đi ít mất thì giờ nhất đấy.

Trên phi đạo và bãi đáp ở Bauerfield, chỉ có duy nhất chiếc máy bay phản lực hành khách Boeing 737-300 của chúng tôi. Cảnh tượng của phi trường “quốc tế” ở đây chẳng khác nào phi trường Phú Bài của thành phố Huế cuối thập niên 1960. Thua xa phi trường Despensar ở đảo Bali và phi trường Tontouta ở Nouméa. Chỉ có vài chiếc máy bay một hai chong chóng nho nhỏ đậu ở bãi cỏ cạnh sân bay.

Vài chục người dân bản xứ tóc quăn da đen hay nâu sậm đứng trên lầu nhà đợi của phi trường đón thân nhân, được ngăn bởi tấm rào bằng gỗ hình mắt cá (trellis). Hành khách bước xuống thềm sân bay đi bộ giữa trời để vào nhà đợi. Họ sẽ thấy và có thể nói chuyện với thân nhân ra đón đứng trên lầu trước khi xếp hàng vào trình giấy tờ cho nhân viên quan thuế.

 

Đường tới khách sạn: gần mà xa

Quả như các giới thiệu trên truyền đơn bươm bướm hay trong tạp chí của hãng Air Vanuatu, đến phi trường là du khách được tiếp đón bởi một ban nhạc địa phương do người dân gốc Melanesian trình diễn.  Ba nhân viên di trú xét giấy tờ khá chậm chạp, có thể do bị ảnh hưởng lối làm việc từ thời Pháp thuộc. Chỉ trên một trăm hành khách của một chuyến bay mà tôi ước chừng phải đợi cả hơn nửa tiếng đồng hồ mới xong.

Trời nóng nực và khí ẩm thấp làm hầu hết hành khách chẳng ai buồn vỗ tay mỗi khi ban nhạc chơi xong một bản. Chỉ một phụ nữ Úc  vỗ tay một lần duy nhất sau bài hát thứ hai khiến tôi cũng đập tay và cái cho đỡ áy náy. Thật tội nghiệp cho các nghệ sĩ  này. Du khách chẳng mấy hứng thú  qua một chuyến hành trình dài, mệt, đẫm mồ hôi và chưa quen thuộc với sự thay đổi khí hậu của nơi mới đến. Tôi nghĩ nếu người ta cho ban nhạc đón khách ở bên ngoài phòng đợi sau khi đã qua các thủ tục di trú và quan thuế thì có lý hơn.

Cầu tàu Irriki Island Resort

Nhưng đó là chuyện của người ta. Chuyện của chúng tôi là làm sao tìm được người của khách sạn ra đón. Khác với lần đi Tân Đảo tự túc thuê/đón phương tiện đi từ phi trường về thành phố sau 12 giờ khuya trên đoạn đường dài trên 50 cây số, lần này dù là ban ngày và đoạn đường chỉ dài khoảng 8 cây số, chúng tôi cũng đã ghi danh nhờ khách sạn đưa đón hai chiều với lệ phí  23 Úc kim một người cho tiện.

Nhưng đợi mãi chẳng thấy ai mang bảng có tên chúng tôi đến.  Tôi đổi  tiền tại phi trường để có thể gọi điện thoại cho khách sạn (ở phi trường quốc tế Brisbane không có dịch vụ đổi tiền Úc ra tiền Vanuatu mặc dù có nhận đổi tiền các nước nhỏ khác như Fiji. Hối xuất ở phi trường Bauerfield  1 đô Úc ăn 83 đồng tiền địa phương, gọi là Vatu. Từ nay gọi tiền của nước Vanuatu là Vatu. Sau này trong thành phố một đô Úc đổi khoảng từ 85 đến 86 Vatu).

Tôi đi loanh  quanh hỏi người này tới người kia, từ shop này tới văn phòng nọ để xem mua thẻ điện thoại  gọi là Telcard ở đâu nhưng không có chỗ nào bán và cũng chẳng thấy cái điện thoại công cộng nằm ở nơi mô. Các ông taxi cứ chạy theo hỏi muốn đi không, nhưng tôi nói phải đợi khách sạn cho xe ra đón vì họ đã tính tiền chúng tôi trong cái hóa đơn thuê khách sạn và đã lấy tiền cọc qua thẻ tính dụng rồi.

Đợi chừng mươi phút nữa, các ông taxi lại tới rủ rê lên xe nhưng tôi nói tôi không muốn trả tiền đến hai lần. Lúc này trời bắt đầu đổ mưa. Ở phi trường chỉ còn gia đình chúng tôi và vài chiếc taxi. Nóng và mưa, chúng tôi chỉ trông sớm về khách sạn để cất hành lý, thay áo quần và tắm.

Một ông taxi cho biết một chuyến chỉ 1500 Vatu mà thôi. Nghe tiền Vatu và không có sẵn máy tính để biết trị giá tiền địa phương so với tiền Úc nên tôi cứ rối bời. Anh ta nói “fifteen hundreds Vatu” mà tôi nghe làm sao đấy để rồi cứ hỏi lại “gì mà tới one hundred fifty dollars, đắt thế?”.  Anh ta nói tiền Vatu, nhưng tôi hỏi lại bằng tiền đô, chẳng ai hiểu nhau khiến con tôi phải giải thích rằng tiền Vatu như thế mà theo hối xuất tôi vừa đổi, chưa tới 20 đô.

và dãy nhà trọ trên đảo

Tôi tính nhẫm khách sạn đã tính gần 60 đô cho cả gia đình trong một chuyến đi hoặc về. Taxi tình rẻ bằng một phần ba của khách sạn. Nhưng khách sạn phải tốn công gọi xe nên kiếm lời là chuyện bình thường, nhất là một khi mình đã đồng ý trước. Tôi thấy giá khách sạn tính cũng không quá quắt bởi sau này trong chuyến ra phi trường, xe của họ thuê là loại xe van chở khách chuyên nghiệp, mới, rộng, có máy lạnh trong khi xe của các bác taxi thì cũ kỹ, dơ bẩn, xập xệ, là những chiếc taxi tồi tệ nhất mà tôi chưa bao giờ thấy ở mọi nơi tôi đã đi qua.

Đến lúc này tôi đồng ý để anh taxi chở rồi sẽ tính toán với khách sạn sau, như anh taxi đề nghị. Nhưng xe taxi ở đây quá nhỏ dù là kiểu xe van, chỗ hành khách ngồi cạnh tài xế là nơi tài xế chứa đồ dùng cá nhân, rất lôi thôi và bề bộn. Chỉ có hai băng sau, ngồi được 4 người. Gia đình 5 người chúng tôi cũng có thể ngồi chen chúc trong hai băng ghế sau. Nhưng chúng tôi lại có đến 3 cái va li lớn mà taxi chỉ có thể chứa khoảng 1 cái ở phía sau.

Thế là anh taxi lại đề nghị kêu thêm một taxi nữa. Anh cho giá  2 chiếc chỉ 2,000 Vatu mà thôi (khoảng 23 đô Úc).  Tôi miễn cưỡng đồng ý, dù biết rằng thuê 2 xe taxi vẫn còn  rẻ hơn là nhờ khách sạn thuê dùm. Bởi vì vừa tới xứ lạ, thấy mấy anh taxi liếng thoắng và mau miệng khiến tôi cứ ngại là bị lừa, như đã từng bị các taxi ở một số nơi chém khi vừa bước xuống phi trường. Tôi quên bẵng tiếng thơm rằng dân Vanuatu chất phác hiền hòa.

Trên đường đi, tôi cứ  đưa mắt nhìn xem chiếc xe taxi chở con chúng tôi có chạy gần chúng tôi không, bởi nhìn các ông to con, đen đúa lại đi chân không thì lòng không được yên.  Có lẽ thấy được bộ mặt lo ngại của tôi, anh taxi vui vẻ nói “ông đừng sợ, đất nước chúng tôi rất thân thiện, người dân ở đây hiếu khách lắm” khiến tôi phải vội vàng châm chế, nói rằng tôi nghe nói nước của các ông thân thiện lắm nên chúng tôi mới tới dây nghỉ mát.

Chạy chừng 10 phút là đến Fatumaru Lodge, một nhà trọ nằm sâu dưới bờ biển, với con đường dốc đi xuống khá ngặt. Một phụ nữ da đen tóc quăn đẫy đà ra đón chúng tôi. Tôi hỏi co phải Emily không và bà nói đúng là bà. Emily xin lỗi vì đã không cho xe ra đón do lầm rằng chúng tôi sẽ tới Port Vila bằng chuyến bay tối. Tôi trả tiền cho hai anh taxi trong khi Emily nói tiếng địa phương với hai anh này, rồi lại một lần nữa xin lỗi và nói rằng tôi cứ việc trả tiền taxi rồi sau này bà sẽ tính toán lại với chúng tôi.

Emily đưa chúng tôi vào hai căn phòng sát nhau ở tầng trệt có cửa thông qua lại, rồi chỉ cho chúng tôi cách mở cánh cửa xếp bằng gỗ thay bức tường để cả căn phòng được mở rộng ra ban-công (deck). Phòng ốc đang mờ mờ dù đã bật đèn điện bỗng sáng trưng khi bức tường bằng gỗ được xếp lại một bên. Biển nằm ngay trước mặt. Nước thủy triều xuống nhưng vẫn chỉ cách phòng vài thước. Bên kia vịnh là vùng đồi núi với vài căn nhà có mái nhô lên khỏi các tàng cây rậm rạp.

Khách sạn Le Meridien nơi có Casino

Phía tay trái là cảng Port Vila với chiếc tàu khách màu trắng nhiều tầng đang đậu (sau này tôi biết đó là tàu chở khách du lịch từ các nước đến viếng cảng Port Vila). Xa xa là đảo Irriki (nơi có khu nghỉ mát nổi tiếng Irriki Resort)  nằm chắn ngang cửa biển ra đại dương. Nhờ vậy mà Vịnh Fatumaru biển lặng. Tôi chưa bao giờ được ở trong một căn phòng sát biển và thơ mộng như vậy.

Rồi Emily đưa chúng tôi đi một vòng chỉ những tiện nghi trong khu nhà trọ như hồ bơi, nơi ăn sáng ngoài trời (nếu muốn đặt) và phương tiện nướng barbecue dành cho khách trọ. Bà đem chúng tôi ra vườn sau chỉ những chiếc thuyền nhựa (kayak) mà khách trọ có thể sử dụng miễn phí bất cứ lúc nào (có nơi phải thuê từ 1,000 đến 1,200 Vatu). Lại dẫn chúng tôi ra cầu tàu (jetty) là nơi khách có thể đứng ngắm hay  nhảy xuống nước biển.  Bà nói rằng biển này rất an toàn, không có cá mập, có thể bơi hay chèo qua bờ bên kia của vịnh.

Nói tóm lại là ở đây rất an toàn, dù vậy ban ngày cũng như ban đêm đều có an ninh canh gác, nên bà nói chúng tôi  hãy an tâm mà hưởng những ngày nghỉ mát ở đây. Tôi hỏi ông bà chủ Pascal và Patricia đâu rồi, Emily nói họ trở về Pháp nghỉ mát, có chuyện gì cứ việc hỏi bà.

Tôi bắt đầu yên tâm, thấy mọi chuyện đều tốt đẹp qua chuyến hành trình gần nửa ngày.  Người dân Vanuatu thân thiện quả đúng như sách vở tài liệu viết; nhân viên khách sạn phục vụ tốt như họ quảng cáo trên mạng lưới. Tới một xứ lạ dù bị kích thích do trông ngóng nhưng cũng không tránh khỏi bồn chồn và lo lắng trong buổi đầu.  Đó là những cảm giác chúng tôi thường có qua những chuyến du lịch tự túc không người hướng dẫn trong gần hai chục năm qua. Nhưng lần mò đường vẫn có cái thú của nó.

 

Gần gũi với thiên nhiên

Tôi đã đi du lịch nhiều nơi và mỗi một nơi chốn khi đến đều cho tôi những cảm giác khác nhau, nhất là ở những xứ nóng và ẩm thấp như  Thái Lan,  Singapore, Bali, Tân Đảo hay ngay cả Nhật Bản.  Trong chuyến du lịch đầu tiên tại Bangkok, chúng tôi ở khách sạn 1 sao thì không có gì để nói và phàn nàn vì tiền nào của nấy.  Tại Singapore, Tân Đảo và Nhật, chúng tôi ở khách sạn 3 sao nên rất thoải mái. Tại Bali (Nam Dương), chúng tôi ở trong những loại nhà gọi là cottage, một loại nhà nhỏ kiểu vùng quê nên mới đầu cảm thấy khá khó chịu dù cũng có đủ phương tiện như máy lạnh và hồ bơi, được thay ra giường và khăn tắm hàng ngày. Nhưng chỉ qua chừng một ngày sau, chúng tôi bắt đầu quen với khí hậu địa phương, khung cảnh thiên nhiên của vùng biển nhiều cây cối nên chúng tôi lại thích ở trong các nhà trọ có vẻ dân dã này.

Lần này ở khách sạn Fatumaru Lodge cũng vậy. Kiến trúc (tôi nghĩ kiểu Pháp), cây cối um tùm và thế nhà sát mặt biển làm cho phòng ốc có vẻ hơi tối,  kiến bò lổn ngổn đầy sàn gỗ ban công, thậm chí vào tận trong phòng. Con chúng tôi sinh đẻ tại Úc, chưa sống ở vùng thôn quê, vùng nước mặn như  vợ chồng chúng tôi nên thấy kiến trong phòng là khiếp vía.

Đây là loại kiến vàng nhạt, to, đi nhanh, tạo cảm giác nhột khi chúng bò lên chân, người chứ không đốt. Xa làng quê cả gần  năm thập kỷ, tôi không còn nhớ tên loại kiến này, nhưng tôi bảo con cái chớ sợ. Ngoài một vài con lạc đường vào tận giường ngủ, đa số đều có kỷ luật, chỉ theo đàn đi ngoài sàn ban-công gỗ.  Với hiện tượng kiến bò lên sàn nhà, tôi giải thích với cả nhà rằng mặc dù trời đang nắng và nóng, nhưng báo hiệu sẽ có mưa, không tối nay thì sẽ là ngày mai (mà quả thật hầu như  ngày nào cũng có mưa, dài hay ngắn mà thôi vì đây là mùa mưa ở Vanuatu).

Le Lagon Resort

Sau đó, con cái chúng tôi phát hiện những con nhện, có con to bằng ngón tay cái. Lại phải tìm bà quản lý để hỏi. Emily bảo đàn kiến đó không sao cả và nhện ở đây không độc. Con cái chúng tôi thường bị dị ứng với muỗi, với cả muỗi ở Melbourne một khi ra sân cỏ chơi hay ăn barbecue ngoài trời, hoặc vào buổi tối. Vì thế cứ mỗi sáng thức dậy, tay chân, mặt mày đứa nào cũng sưng vù lên vì bị muỗi đốt, dù trước khi ngủ đã trùm ra phủ kín đầu và tay chân. Đó là cái bất tiện và khó chịu duy nhất  đối với con cái chúng tôi.

Nhưng sau này, đi chơi nhiều ở Port Vila, tới những khu nghỉ mát sang trọng gọi là resort ở các hòn đảo khác, ở những nơi có bãi cỏ mênh mông  có cả sòng Casino và sân cù phục vụ khách, chúng tôi vẫn thấy người ta xây những căn nhà nho nhỏ, bằng gạch nhưng phủ lá trên mái hay bọc lá chung quanh tường tạo cho khách có cảm tưởng họ đang ở trong những căn nhà lá, gần gũi với thiên nhiên, nhưng giá tiền phòng lại rất đắt.

Tôi thấy phần lớn khách sạn ở Vanuata xây theo kiểu kiến trúc của khu resort, một mô hình du lịch ở các bãi biển hay hòn đảo vùng nhiệt đới mà Việt Nam ngày nay cũng bắt chước để làm như xây khu resort ở  đảo Hòn Tre tại Nha Trang với tên nghe rất kêu “Hòn Ngọc Việt” hay Vinpearl  Island Resort.

Ở vài ngày thì chúng tôi trở nên quen thuộc với lối sống gần gũi thiên nhiên, biển cả. Con cái chúng tôi cũng bắt đầu thích loại nhà nghỉ mát khác với những khách sạn nhiều tầng, hiện đại ở  các thành phố lớn. Tôi nói với các con là chúng tôi đang nghỉ mát ở một đất nước có cuộc sống gần gũi với thiên nhiên bậc nhất trên thế giới.

Sau cơn mưa ngắn khi vừa tới phi trường ở Port Vila, thời tiết chiều Chủ Nhật hôm đó (13.1.08)  trở nên quang đãng. Chúng tôi thay đồ ra vườn kéo những chiếc xuồng gỗ (kayak)  đơn và đôi xuống bãi biển cạnh phòng trọ để thưởng thức trò chèo thuyền trên biển, trong vịnh.

Erakor Island Resort

Mặt biển hôm đó rất yên lặng, tựa như nước trong hồ,  nên dễ chèo. Chúng tôi chèo cả mấy tiếng đồng hồ, vòng quanh vịnh, qua phía vịnh bên kia mà không có chút lo ngại gì với con người, với thiên nhiên. Những đứa trẻ da đen bản xứ thả dây câu cá ở dọc bờ đá của Vịnh Fatumaru  luôn vẫy tay chào chúng tôi.  Người lớn nam cũng như nữ sống ở trong những  căn nhà lụp xụp, xiêu vẹo trông như cái chòi ở ven bờ biển cũng vẫy tay chào, nói hello. Họ sống có vẻ nghèo nàn nhưng cảnh nghèo của họ vẫn có nét thơ mộng, bởi chỉ có rải rác vài căn nhà lá hay lợp tôn rỉ sét bên cạnh những căn nhà kiểu tân thời hay kiểu  Tây như  nhà trọ chúng tôi. Không có sự  cách biệt đến bất nhẫn, chẳng hạn như  nhà cửa dọc sông, ven biển như ở Thái Lan.

Êm đềm và thân thiện. Rất bình yên.  Không phải là thiên đường thì đây cũng là xứ thần tiên, không những của người địa phương mà còn cho cả du khách nữa. Chúng tôi chèo thuyền, tắm biển và được hưởng sự  ấm áp của nước biển không thể nào có được ở Úc.  Tắm biển xong tắm hồ bơi.

Một căn nhà chòi của người địa phương cạnh Fatumaru Lodge

Ngày đầu tiên ở Vanuatu quá đẹp, quá thích thú khiến chúng tôi vui đùa cho đến khi không còn ánh mặt trời.  Sau đó, chúng tôi đi bộ lên phố  bởi nghe nói rằng chỉ mất khoảng  15 phút. Một đoạn đường không có đèn đường, tối như ở làng quê.  Phố xá Port Vila vắng tanh vào 9 giờ  tối. Mọi cửa tiệm đều đóng cửa. Chúng đi trở ngược về hướng nhà trọ và chọn một nhà hàng trên đường về để hưởng thụ cái thú đệ nhất khoái: Ăn.

Ăn và uống: còn gì thích thú sau một ngày ngồi máy bay, sau một buổi vui chơi lành mạnh trên vùng biển quá đẹp như  biển ở thành phố Port Vila?  Bởi nghe nói rằng thịt bò Vanuatu ngon nhất thế giới. Hơn cả thịt bò nước Úc chúng tôi chăng? (Còn tiếp)