Vanuatu: 7 ngày ở xứ đảo thần tiên- nơi thịt bò ngon nhất thế giới? (kỳ 5)

27 Tháng Ba, 2008 | Vanuatu

Nguyễn Hồng-Anh

Trong một bài trước, khi nói về chuyện hưởng thụ cái “đệ nhất khoái”, tôi có đặt câu hỏi là liệu thịt bò của xứ Vanuatu có ngon hơn thịt bò Úc không. Lý do, trong một bài viết trên internet, một cây bút ở Việt Nam cho rằng thịt bò Vanuatu là loại thịt bò ngon nhất thế giới. Tôi có thói quen thích tìm hiểu, nghe người ta nói và sau đó tới tận nơi để chứng nghiệm.

Tờ VnEconomy trích đăng bài “Miếng thịt bò Vanuatu” của báo Sài Gòn Tiếp Thị nhưng không ghi tên tác giả có đoạn như sau:

“Nói đến Vanatu, một đảo quốc nhỏ bé ở vùng Nam Thái Bình Dương dễ khiến liên tưởng đến những đồn điền dừa bạt ngàn có từ trăm năm nay, nhưng cũng nhắc ngay đến đảo quốc đang sở hữu món thịt bò được đánh giá ngon nhất thế giới.

Câu chuyện khởi nguồn nuôi bò thịt ở  Vanuatu mang lý do vô cùng đơn giản. Những đồn điền dừa rộng lớn trước kia thường bị cỏ mọc phủ cao kín quanh gốc dừa, khi khai thác dừa rụng rất tốn công vạch cỏ thu gom dừa và rất dễ bỏ sót.

Làm cỏ sạch cả trang trại dừa thì không xuể. Một chủ đồn điền nhập vài con bò nuôi để chúng ăn cỏ thiên nhiên trong đồn điền, từ đó sinh sôi nảy nở. Độ cao của cỏ trong đồn điền dần bị hạ thấp do đàn bò, việc thu hoạch dừa dễ dàng hơn.

Cũng từ đó, giới đồn điền nghiệm ra rằng thịt bò ở đây có độ mềm, vị thơm ngọt, ngon một cách kỳ lạ so với các loại thịt bò nhập từ những nước khác.

Nghề nuôi bò gắn với các chủ đồn điền dừa có đồng cỏ thiên nhiên từ đó. Đến năm 1970, nguồn cỏ trên trang trại giảm dần, giới chủ đồn điền mới chuyển sang trồng cỏ phục vụ cho mục đích nuôi bò…

… Có diện tích trồng cỏ bao la, người nuôi bò ở Vanuatu cũng không nhiều trong khi miếng thịt bò đánh giá ngon nhất thế giới.

Có thể nói nhờ vào thổ nhưỡng, khí hậu, và nhất là việc chăn thả hoàn toàn tự nhiên, đồng cỏ không nhiễm chút phân bón hóa học nên thịt bò Vanatu có vị ngon đặc biệt, chế biến món gì cũng ngon.

Đĩa thịt bò Vanuatu trong đêm đầu tiên ở Port Vila

Ấn tượng khi ăn thịt bò Vanatu là độ mềm đến bất ngờ của thịt. Nhiều nhà hàng dùng thịt tươi ướp lạnh, đem cắt bằng máy, từng thớ thịt mỏng tang, đỏ màu tươi rói dùng chế biến món thịt bò sống ăn với nước xốt ngon ngọt đến tuyệt vời”.

Tôi không biết nhà báo này có đi thực tế không hay chỉ ngồi nhà nghiên cứu qua tài liệu. Nhưng nghe lối giải thích có lớp lang và có lý nên tôi yên chí lớn rằng thịt bò Vanuatu phải ngon, dù có thể không là ngon nhất thế giới được.

Vì thế, đêm đầu tiên, sau khi chèo thuyền và tắm mấy tiếng đồng hồ cho đói, chúng tôi kéo nhau tới một nhà hàng để ăn món thịt bò. Từ khách sạn Fatumaru đi dọc lên phố, nhà hàng tôi nhớ hình có tên Steak House/ The Office Pub nằm bên tay trái, có nghĩa là không nằm phía bờ biển.

Tôi không thể ghi ra địa chỉ vì Vanuatu có tiếng là “nhà không số, phố không tên” nên địa chỉ trên business card, hóa đơn chỉ là cái… PO Box với số số điện thoại và tên của thành phố là Port Vila.

Nhà hàng này chuyên về thịt bò và thịt nướng. Gia đình 5 người, chúng tôi kêu 4 món thịt bò khác nhau, từ T-bone đến eye fillet để san sẻ với nhau và xem loại nào ngon nhất.

Nhưng khi vừa nhai miếng thứ nhất, tôi đã phải nhăn mặt kêu “thế mà bài báo lại cho là thịt bò Vanuatu ngon nhất thế giới”. Nếu tôi không đọc bài báo thì chẳng có gì để nói. Nhà tôi cũng háo hức muốn xem thịt bò Vanuatu ngon như thế nào do tôi mách lại, phải công nhận thịt bò ở đây quá dai. Mà đấy là các đĩa thịt được nướng từ mức trung bình đến sống, chứ không phải chín tới nơi để thịt có thể cứng và dai.

Các con của tôi có đứa nói hơi dai có đứa nói cũng được. Như vậy, thịt bò Vanuatu không thể là thịt bò ngon nhất thế giới được. Tôi giải thích với  các con rằng có lẽ ông nhà báo Việt Nam đó chưa ăn thịt bò Vanuatu và cũng có thể chỉ mới ăn thịt bò của Vanuatu và chưa bao giờ qua Úc tham quan, ăn thịt bò Úc nên mới viết như thế.

Đêm hôm sau, chúng tôi tới một nhà hàng tây phương khác có tên Nomads Moorings nằm bên tay phải đường lên phố, sát bờ biển.  Lại cũng đặt các đĩa thịt bò khác nhau để cùng thưởng thức. Tiệm này khá hơn, nhưng thịt vẫn còn vẻ hơi dai. Vì vậy, ngày hôm sau, khi gặp ông Đinh Văn Thân và nghe ông cho biết ông có nuôi đàn bò thịt lên tới 3,000 con tôi liền nói người ta bảo thịt bò Vanuatu ngon nhất thế giới nhưng sao ăn đã hai lần mà thấy không ngon, lại còn hơi dai. Ông Thân chỉ cười và nói thịt bò ở đây ngon lắm bởi người ta không lựa miếng thịt ngon và ông Thân không bàn cãi thêm về chuyện này.

Vợ chồng chúng tôi là những người rất thích ăn thịt bò. Đồ biển (tôm, cua, cá, mực) dù ngon mấy ăn nhiều cũng mau ớn, nhưng tuyệt nhiên ăn thịt bò chỉ có no và cành bụng chứ không ngán. Thịt bò ở Úc làm kiểu gì cũng ngon cả. Thơm và mềm. Tôi nghĩ được sống ở  Úc để ăn thịt bò và uống rượu vang (đỏ) quả là điều may mắn, là cả một cái sự sung sướng trên đời.

Nhưng các con tôi vẫn cho rằng có thể còn những nhà hàng khác họ biết cách nấu để thịt bò khỏi dai hoặc chọn cho khách miếng thịt ngon nhất mà họ có.  Tôi nghĩ con chúng tôi có thể nói đúng. Đêm cuối cùng, khi ăn ở nhà hàng có cái tên rất tây Chantillys on the Bay cũng nằm trên đường tới phố và sát biển, chúng tôi mới được ăn một bữa thịt bò vừa ý, rất ngon là đàng khác.

Nhà hàng trình bày khá sang trọng, các tiếp viên người bản xứ rất lịch sự và điệu nghệ. Tôi tưởng đây là nhà hàng của người Pháp vì cái tên Chantillys, như khi tính tiền mới biết rằng đây là một nhà hàng do một bà người Úc làm chủ. Chúng tôi khen các món thịt bò của tiệm bà rất ngon nhưng rất tiếc đêm nay là đêm cuối cùng thì  bà cám ơn và nói “sao người nào tới đây cũng nói đây là đêm cuối cùng ở Port Vila, sao không tìm chúng tôi sớm hơn?”.

Sau một tuần sống ở Vanuatu, tôi cho rằng với đất đai và đồng cỏ như như thế, thịt bò Vanuatu có thể thuộc loại ngon vào bậc nhất thế giới, nhưng không thể là nhất được. Và ngon hay không cũng còn tùy bàn tay tài tình của người đầu bếp nữa, như của nhà hàng Chantillys on the Bay.

Xe taxi và xe bus đậu trong chợ Fruit Market ở Port Vila

Ăn uống

Cũng như ở mọi nơi khác, muốn tiết kiệm nên mua thực phẩm và đồ uống ở các siêu thị đem về nhà dùng. Nếu ở apartment (như ở Fatumaru Lodge) thì mặc sức nấu nướng, vì có đầy đủ dụng cụ làm bếp. Thức uống ở nhà hàng thường đắt gấp đôi, như một lon bia tới 600 Vatu trong khi mua ở siêu thị chỉ 240 Vatu (nhà hàng ở Úc cũng vậy thôi). Các đĩa thịt bò beefsteak trung bình khoảng 2200 Vatu (khoảng $25 Úc kim). Một đĩa Fish & Chip từ 1300 Vatu (từ $15 đô) và cũng có đĩa thịt bò bi-tét lên tới 2600 Vatu (khoảng $30.50 đô).

Vanuatu là nước nổi tiếng được gọi là “tax haven”, không phải chịu thuế lợi tức, thuế công ty, thuế lợi nhuận vốn đầu tư, nhưng có thuế VAT, một loại thuế trị giá gia tăng kiểu Pháp gần giống thuế hàng hóa và dịch vụ GST của Úc, nên thực phẩm vì thế vẫn đắt. Tuy nhiên, so với những nước trong vùng như Tân Đảo, vật giá ở Vanuatu dễ chịu hơn đối với du khách.

Cách nhà trọ của chúng tôi chừng hơn trăm mét và nằm phía bên kia đường và trên đồi cao có nhà hàng Tàu tên là Harbour View  Restaurant. Vì nằm trên đồi cao nên có cái nhìn xuống vịnh rất đẹp.  Thịt bò ở đây mềm (hình như người Hoa có dùng hóa chất để thịt được mềm?)  và các món đồ biển đều khá ngon, trừ món cua xào gừng mà chúng tôi cho là hơi tệ. Giá cũng phải chăng, nhẹ hơn ăn ở quán ăn tây phương một chút.

 

Đi lại

Ở Port Vila, phương tiện di chuyển công cộng là xe bus và taxi. Xe bus mang bảng số có chữ B nằm trước các con số; xe taxi có dấu hiệu taxi trên mui hay chữ T trước các con số của bảng số.

Một cảnh xe chở hàng chạy vào chợ Fruit Market

Xe bus to hơn, có nhiều dãy ghế hơn, lớn bằng xe van loại Tarago hoặc có nhiều hơn một băng ghế. Xe taxi nhỏ hơn, đa số là loại xe trông rất tồi tàn, chỉ đủ sức chở 4 người (trông giống xe van, nhưng nhỏ chỉ có 2 dãy ghế gồm cả dãy ghế trước có tài xế ngồi) hoặc chở tối đa 5 người.

Xe bus thường chạy một số tuyến đường nhất định, nhưng cũng có lúc tài xế lái theo nhu cầu của khách hay theo ý thích của tài xế. Bởi vậy bạn đừng ngạc nhiên nếu đón xe giữa một chặng đường mà tài xế xe bus kéo dài chuyến đi của bạn bằng cách chở một người khách nào đó chạy về tướng tây rồi mới trở ngược lại, cũng đoạn đường đó để đưa bạn về hướng đông. Nhưng họ sẽ không tính thêm tiền đâu.

Trong thành phố và các bãi biển lân cận,  đi những đoạn dài chừng 5, 7 cây số và mất khoảng 5 đến 10 phút, khách chỉ trả 100 Vatu mà thôi ( khoảng $1.20 đô). Nhưng muốn ăn chắc, trước khi bước lên xe tôi luôn luôn nói địa điểm sẽ đến  và hỏi tài xế có phải 100 Vatu một người không.

Một hai ngày đầu khi mới đến đây, một hôm cũng trên đoạn đường đó, tôi hỏi tài xế có phải 100 Vatu không, thì bác tài này ngần ngừ một lát và sau đó gật đầu, nhưng khi bước lên xe, bác đưa cho tôi cái bảng giá đánh máy và nói rằng đáng lý ra tôi phải 200 Vatu, vì người ngoại quốc đi xe bus phải trả giá gấp đôi. Tôi tưởng Vanuatu bắt chước Trung Cộng và Việt Cộng (không biết hiện nay còn duy trì không) bằng cách có hai loại giá, cho người trong nước và du khách ngoại quốc.

Nhưng về sau, không thấy bác tài nào đòi giá gấp đôi, tôi mới hỏi một người Việt qua Vanuatu được khoảng 4 tháng là có chuyện đi xe bus có hai giá không thì người Việt này nói bác tài đó xạo đấy.

Đi taxi thì có thể đắt hơn, bởi tài xế tính theo cuốc xe. Nhưng nếu đi 5 người trong một cuốc xe như gia đình chúng tôi trong một đoạn đường tương tự, thì giá cũng bằng nhau. Dĩ nhiên, gọi taxi bạn có thể trả giá trước. Đi taxi hay đi xe hơi ở Port Vila, không phải (và không thấy ai) cài seat belt.

Phần lớn taxi rước người trên đường phố thủ đô Port Vila là những chiếc xe tồi tàn, rất xập xệ, rách nát và không thơm tho.  Tôi không hiểu tại sao có những chiếc xe tình trạng như thế mà chính phủ vẫn để cho chạy, vì có thể gây tai nạn cho người trên xe hay khách bộ hành. Một đặc điểm khác của taxi là hầu như mọi bác tài đều không mang giày dép, chỉ rặt đi chân không.

Tôi có cảm tưởng những chiếc xe taxi như thế là xe chạy lậu (vài chiếc đậu trong sân Chợ Trái Cây trông khá hơn). Nhưng loại xe xập xệ này lưu hành rất nhiều và có bảng số hẳn hoi. Thấy những chiếc xe taxi (và cả xe bus nữa) như thế, tôi liên tưởng tới những chiếc xe chở hàng hay chở khách ở Sài Gòn  đi Long Khánh những năm cuối thập niên 1970 khi cộng sản chiếm Miền Nam được vài năm. Nói thế, vẫn có những chiếc xe đúng tiêu chuẩn nếu khách sạn thuê mướn cho du khách. (Còn tiếp)

Tai nạn xảy ra phố Port Vila trong chuyến du lịch của chúng tôi. Người qua đường tụ lại xem