La Mã ngàn năm vẫn đẹp (bài 4)

30 Tháng Ba, 2011 | Ý
Via della Conciliazone: con đường chính dài khoảng 500m dẫn vào Quảng trường và Vương cung Thánh đường Thánh Phê-rô. Hình: TVTS

Gọi thủ đô của nước Ý là Rome (tiếng Pháp, Anh), Roma (La tinh, Ý) hay La Mã (Việt) tùy thói quen hay sở thích của bạn. Nhưng khi gọi Rome người ta sẽ nghĩ đến một thành phố mang tính cách hành chánh, chính trị của một nước Ý thống nhất từ năm 1861 (được thành hình bởi vua Victor Emmanuel II của Triều đại Piedmont-Sardina) và Cộng hòa Ý ngày nay.

Gọi Roma hay La Mã có thể làm bạn nghĩ tới kinh đô của đế quốc La Mã thời xưa hay kinh đô của các Quốc gia thuộc Giáo hội (Papal States, States of the Church) từ thế kỷ thứ 6 đến hậu bán thế kỷ thứ 19 và là giáo đô của Giáo hội Công giáo ngày nay mà biên giới nằm ở phía tây con sông Tiber có thành quách bao phủ với diện tích 44 mẫu tây, được gọi là Vatican City, là lãnh thổ của một quốc gia có chủ quyền, nhỏ bậc nhất thế giới với dân số khoảng 1,000 người không tăng chẳng giảm, bởi toàn đàn ông lại độc thân khi còn là cư dân của Vatican City.

Ngày xưa, người La Mã bách đạo Thiên chúa như trường hợp Saul –công dân La Mã gốc Do Thái– đi bắt đạo nhưng được mặc khải rồi theo đạo và sau trở thành Thánh Phao-lô (Paul), một trong những cột trụ của giáo hội sơ khởi.

Năm 380, hoàng đế Theodosius I công nhận Công giáo là quốc giáo của Đế quốc La Mã và vì thế mà giáo hội ảnh hưởng lên chính trị của đế quốc La Mã và ngược lại nhiều kiến trúc của Công giáo mang ảnh hưởng của văn minh La Mã mà đền Pantheon chúng tôi nói trong số báo tuần qua là một ví dụ cụ thể.

Đến Rome để thăm viếng, bạn sẽ thưởng ngoạn những di tích lịch sử của đế quốc La Mã và của Giáo hội Công giáo (Roma).

 

Tìm thư viện nhưng được chỉ bảo tàng viện

Vợ chồng chúng tôi đến thăm Quảng trường và Đền Thánh Phê-rô hai lần trong chuyến đi này. Chúng tôi đã viết về những nơi này trong bút ký năm 2003. Dự lễ phong thánh Mẹ MacKillop, chúng tôi cũng đã có bài tường thuật trong số báo  1282, cho nên bây giờ mời bạn cùng chúng tôi đi xem cái gì khác ở trong Thành Vatican.

Lối vào bên phải Quảng trường Thánh Phê-rô. Hình: TVTS

Tôi nhớ có người bạn nói một khi sang Rome hãy làm sao vào Vatican Library (Biblioteca Apostolica Vaticana) để xem cho biết cái thư viện được coi là thuộc loại xưa nhất (xây năm 1475), có nhiều sách quý nhất trong đó lưu trữ một bộ sưu tập 75,000 sách cổ chép bằng tay, trên 1.1 triệu sách in trong đó có khoảng 8,500 cuốn in trước năm 1501. Chưa hết, nghe nói thư viện còn giữ những cuốn kinh thánh chép tay bằng tiếng Hy Lạp.

Trước khi lên đường, đọc báo thấy sau ba năm đóng cửa để chỉnh trang, thư viện Vatican vừa bắt đầu mở cửa cho công chúng.

Tôi lên internet xem thư viện nằm ở nơi mô nhưng chỉ thấy các hình ảnh bên trong và vài hình mặt tiền tòa nhà. Còn địa chỉ?  Chỉ thấy ghi Vatican Library nằm trong Vatican City. Không mất công tìm tòi thêm bởi tôi nghĩ rằng vào trong Quảng trường Thánh Phê-rô hỏi thế nào cũng có người chỉ đường cho.

Hôm đó Thứ Sáu, hai ngày trước lễ phong thánh. Du khách tấp nập, từ quảng trường vào trong Đền Thánh Phê-rô. Đủ hạng người: giáo dân có, tu sĩ có; linh mục có giám mục có; người Ý có người ngoại quốc có. Tôi tin tưởng sẽ có dịp ghé Thư viện Vatican, chỉ để liếc vài cuốn sách cổ, thoáng nhìn vài trang giấy để gọi là cho biết với đời…

Vào Quảng trường Thánh Phê-rô có 3 lối đi. Đường Via della Conciliazone là một đại lô rộng và dài khoảng 500m chạy từ khu vực lâu đài Tổng lãnh Thiên thần Mi-ca-e tới thẳng quảng trường; hai lối đi vào cổng trái và phải băng qua các cột đá lớn hình trụ tạo thành hành lang vòng đai của quảng trường.

Tại cổng phụ bên phải, nhìn bảng vẽ hướng dẫn những cơ sở trong Thành Vatican mà du khách có thể đi thăm, tôi thấy có tên Vatican Museums nằm bên phải Thành Vatican, Bookshop ở sâu bên trong quảng trường, phía trái, sát cổng dành cho những VIP đi vào nội thành có lính người Thụy Sĩ mặc y phục La Mã đứng gác.  Trên đường trước khi vào cổng phải của quảng trường cũng có một cổng có lính Vatican gác mà người ra vào ra vẻ là những viên chức làm việc cho Tòa Thánh. Lại thấy những vị mặc áo chùng thâm có viền đỏ (đức ông) hay có thắc lưng và mũ tím (giám mục) và thỉnh thoảng thấy có vị đội mũ đỏ (hồng y). Tôi nghĩ đấy là cổng vào “tử cấm thành” của giáo triều La Mã.

Đến gần những sạp bán báo và ảnh lưu niệm, tôi hỏi mấy người bán hàng Thư viện Vatican ở đâu. Có người bán hàng hiểu tiếng Anh, người không. Họ hỏi nhau rồi chỉ cho tôi hướng mà tôi thấy đề trên bảng chỉ dẫn là bookshop. Chúng tôi tiến ra giữa quảng trường, nhìn hàng chục vị linh mục đi qua lại, chọn vị nào lớn tuổi và ra vẻ trí thức nhất để hỏi Vatican Library nằm ở nơi mô. Một vị chỉ cho tôi hướng ra cổng nhưng tôi nói đấy là Vatican Museums. Vị này nói tiếng Anh khá trôi chảy, rõ ràng là vị trí thức mà tôi đang mong chờ để hỏi, nhưng nghe tôi nói hướng đó là bảo tàng viện, vị này chỉ hướng đi ngược, lại là cái bookshop mà chúng tôi đã thấy trên bảng hướng dẫn.

Nhà tôi bảo cứ đi thử biết đâu đó là thư viện, vì ai ai cũng chỉ hướng đó. Tôi nói thư viện là thư viện, nhà sách là nhà sách, hai cái hoàn toàn khác nhau, nhưng cứ đi thử xem sao vì biết đâu chỉ là bất đồng ngôn ngữ?

Bạn cũng nên biết đi bộ từ đầu này đến đầu kia quảng trường là một đoạn đường dài, gặp lúc một nửa quảng trường đang được xếp ghế và phân chia khu vực cho lễ phong thánh nên đường đi lại ngoằn ngoèo dài hơn.

Bookshop này khá lớn nhưng cũng chỉ là tiệm sách mà thôi. Hỏi các nhân viên nhà sách, người nói họ không biết, kẻ chỉ về hướng bảo tàng viện.  Tôi đã bắt đầu thất vọng vì tốn nhiều giờ đi lui tới, nghĩ rằng sẽ tìm một người nào mặt mày trông có vẻ đọc sách nhiều để hỏi lần cuối.

Gặp một người đàn ông trẻ và khá bô trai mặc áo màu nâu như các thầy dòng, tôi chào ông và gợi chuyện. Nghe tôi giới thiệu là người Việt Nam, thế là ông thầy bắt chuyện, cho biết ông quen nhiều người Việt ở Ba Lan, rằng người Việt thế này thế nọ, toàn là những điều tốt. Ông thầy cho biết ông qua La Mã du học.

Gặp đúng người, tôi hỏi ông có biết Vatican có một thư viện rất lớn, nổi tiếng thế giới nằm đâu đây không, ông thầy người Ba Lan lắc đầu. Tôi nói với nhà tôi thế là hết hy vọng, bởi cho dù là giáo dân, cha thầy, ai tới Vatican cũng chỉ để hành hương mà dù có tu học, cũng có thể không cần thiết phải vào thư viện.

Tôi không biết vợ tôi trong đời đã bao nhiêu lần tới thư viện chứ riêng tôi, thư viện địa phương hay đại học cũng chỉ tới chừng mươi lần và phần lớn để ngắm… các người đẹp chứ không phải để đọc sách.

Quang cảnh mặt tiền Thành Vatican: tòa nhà 5 tầng góc phải là trụ sở Đài phát thanh Vatican và chiếc cầu thứ nhất, Umberto I, dẫn tới Lâu đài Sant’Angelo. Hình: TVTS

Thế là chúng tôi bỏ qua chuyện thăm Vatican Library và thẳng tiến tới Vatican Meseums. Từ cổng quảng trường theo hướng trái, bạn sẽ đi dọc thành quách của Vatican City như ta đi quanh Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh hay Đại Nội ở Huế. Những bức tường cao được xây bởi nhiều loại gạch hình thù khác nhau trông rất đẹp mắt. Nhà tôi vừa đi vừa thắc mắc không biết làm thế nào mà người ta xây bức thành một cách công phu như vậy. Thành quách của Vatican khác các tử cấm thành của vua chúa Trung Hoa, Việt Nam, Nhật Bản ở chỗ bên ngoài thành không có hào sâu kênh rộng để phòng thủ. Đi bộ chừng 15 đến 20 phút thì tới nơi.

Nhưng người gác cửa nói bảo tàng viện vừa đóng cửa, chỉ mở từ  9am đến 4pm và từ 7pm đến 9.30pm. Chúng tôi trở lại Điện Thánh Phê-rô để xem cho kỹ hơn những nơi chỉ liếc qua và trở lại Vatican Museums lúc 6.30pm để sắp hàng chờ.

Thấy người ta đi đâu, mình theo đó nhưng các nhân viên gác cửa hỏi có voucher không, nếu không có reservation thì phải qua một hàng khác chờ tới 8pm cho đến khi những người đã ghi danh trước (qua guide tour hay qua online) vào hết thì mới đến phiên mình.

Hết đoàn này tới đoàn khác, mỗi đoàn vài chục người được hướng dẫn bởi tour guide vào cửa sau 7pm. Trong hàng chúng tôi có 4 bà Úc xồn xồn nói chuyện huyên thuyên. Thấy các bà có vẻ là người đi đó đây nhiều, tôi hỏi các bà có biết Vatican Library ở đâu không nhưng họ nói chưa bao giờ nghe và bảo tôi tại sao không vào google mà coi (sau này tôi mới biết Vatican Library chỉ dành cho những người nghiên cứu -qualified scholars- mà thôi và mỗi năm có khoảng 5,000 người đến nghiên cứu, xem sách tại chỗ chứ không cho mượn).

Đôi khi chúng tôi cũng góp chuyện nói đùa với các “đồng hương” Úc để cho đỡ buồn chán trong lúc chờ đợi dài cả cổ. Có những lúc thấy rào xếp hàng vắng người nhưng chúng tôi cũng không được vào, những người trong nhóm chúng tôi lại phàn nàn với nhau. Những đoàn người từ đâu cứ kéo đến, ước chừng cả ngàn người đã vào cửa trong lúc chúng tôi cứ chờ. Nhà tôi thắc mắc không biết đến phiên mình còn có chỗ để vào nữa không.

Chờ hơn một tiếng đồng hồ, có vài người bỏ hàng ra về. Chúng tôi cũng đã chán nản nhưng tiếc công chờ nên nghĩ đã lỡ đợi thì đợi luôn. Cuối cùng đến 8pm thì được vào. Vé 19 Euro, thuê audio giảng giải mang theo nghe tốn 7 Euro.

Bảo tàng viện Vatican là một phức hợp nằm trên đồi cao nên khi lên đi cầu thang để tới nơi thì hiện ra trước mắt chúng tôi một cái sân hình chữ nhật rất rộng bao bọc bởi những dãy nhà lầu. Lúc này trời đã tối, những ngọn đuốc trên các lối đi trong sân cỏ tạo nên một khung cảnh mờ ảo và linh thiêng như cảnh trong các phim La Mã.

Bởi vì là ban đêm và thì giờ không còn nhiều nên chúng tôi đã không thể đi xem hết mọi cảnh trong sân mà tôi nghĩ rằng sẽ có một vẻ đẹp khác nếu là ban ngày. Ngoài sân đã tối mờ, vào bên trong bảo tàng viện cũng chẳng sáng hơn bởi vì người ta dùng ánh sáng tối thiểu để bảo trì các cổ vật hay để tăng sự huyền bí.

Chúng tôi nhìn tờ hướng dẫn để mở audio đúng nơi chúng tôi đi hầu nghe giải thích. Nhưng rồi chúng tôi cứ đi bừa, gặp gì xem đó và trước tiên là khu di vật của Ai cập cổ đại, trưng bày các xác ướp, hòm, tượng v.v… Du khách được phép chụp hình ở mọi nơi khi đi thăm bảo tàng viện ngoại trừ Điện Sistine.

Có thể nói đây là một bảo tàng viện lớn bậc nhất trên thế giới, xứng đáng là một cơ sở bảo tồn văn hóa của nhân loại. Tôi mua một cuốn sách có tựa “The Vatican Museums: Discover the history, the works of art, the colections” mà bìa sau có lời giới thiệu của đương kim  Giáo hoàng Benedict XVI như sau: “… Hàng ngày có hàng ngàn người thăm viếng Bảo tàng viện Vatican… Đây là thức ăn cho sự suy tư! Những du khách này, họ là ai? Họ là đại diện của khá nhiều chủng tộc khác nhau của nhân loại. Nhiều người trong họ không phải là người Công giáo, rất nhiều người không phải là người Thiên Chúa giáo và có thể cũng không phải là người có tín ngưỡng. Một số lượng lớn cũng đến thăm viếng Vương cung Thánh đường Thánh Phê-rô, nhưng nhiều người trong họ khi đến Vatican, chỉ thăm viếng Bảo tàng viện mà thôi. Tất cả những chuyện này khiến người ta suy ngẫm về trách nhiệm phi thường của cơ sở này từ quan điểm của lập trường Ki-tô hữu…”.

Tổng lãnh Thiên thần Mi-ca-e dựng trên nóc lâu đài do điêu khắc gia Raffaello thực hiện. Hình: TVTS

Tôi gấp sách lại, tìm xem được gì thì xem trong khoảng hai ba tiếng còn lại bởi 9.30pm đóng cửa vào, thì chừng 10pm đến  11pm  ắt phải đi ra.

Cho đến lúc này, tôi đã được xem một vài bảo tàng viện lớn của nhân loại như  bảo tàng viện Louvres, Bảo tàng viện Cairo nhưng Bảo tàng viện Vatican vẫn hấp dẫn tôi.

Bảo tàng viện Vatican hình thành do sáng kiến của Giáo hoàng Julius II (1503-1513) với một số tác phẩm điêu khắc do ngài sưu tập và được đặt ở chỗ mà ngày nay gọi là Cortile Ottagano, tức bảo tàng viện Museo Pio-Clementino trong phức hợp Vatican Museums, tiếng Ý gọi là Musei Vaticani.

(Các) Bảo tàng viện Vatican có tên bằng số nhiều, có nghĩa trong phức hợp rộng lớn nhiều tầng này có nhiều bảo tàng viện (thật ra là những khu)  và những phòng trưng bày tranh (gallery) mang tên của các vị giáo hoàng bảo trợ từ khi thành lập cho đến thời cận kim.

Tuy nhiên trong vòng hai thế kỷ rưỡi đầu, các vị giáo hoàng kế tiếp cũng chỉ thu thập được một số tác phẩm điêu khắc mà thôi. Cho đến hậu bán thế kỷ 18, Bảo tàng viện Vatican mới được thành lập  bởi Giáo hoàng Clement XIV (1769-1774) và người kế vị là  Giáo hoàng Pius VI (1775-1799). Các vị giáo hoàng là trong số các vị quân vương đầu tiên mở các bộ sưu tập trong cung điện của họ cho công chúng xem và như vậy đã đóng góp vào việc phát huy kiến thức văn hóa, nghệ thuật và lịch sử.

Từ các khu bảo tàng viện, bạn sẽ đi theo các hành lang của các tầng lầu để thưởng thức tranh vẽ trên trần hay tường nhà (fresco) hay những bộ sưu tập của các danh họa treo trong các phòng trưng bày riêng biệt. Người ta nói Bảo tàng viện Vatican là nơi có nhiều bộ sưu tập tranh quý giá nhất của nhân loại.

Các hành lang được trang trí bằng cẩm thạch và tranh sẽ dẫn bạn tới khu vực gần cung điện giáo hoàng ở, nhưng du khách chỉ được phép thăm viếng nguyện đường mà giáo hoàng thỉnh thoảng cầu nguyện hay làm lễ trong một số dịp, đó là Sistine Chapel (Cappella Sistina). Điện Sistine cũng là nơi các vị trong Hồng Y đoàn “bị giam” trong suốt thời gian bầu một giáo hoàng mới.

Chúng tôi đến Điện Sistine cũng đã gần 10 giờ đêm. Đã nghe nói nhiều nhưng hôm nay mới được thấy. Du khách được yêu cầu giữ im lặng và không được chụp hình tuy nhiên vẫn có một vài người bị an ninh tới gần yêu cầu nói nhỏ hay không được chụp hình. Tôi cũng phải nói khe khẽ vào tai vợ “đẹp quá” khi bước vào Sistine Chapel, nhìn tranh vẽ quanh tường và nhất là những bức tranh thật lớn trên trần nhà, những bức tranh tuyệt vời như The Last Judgement (Ngày Phán Xét), The Creation of Adam (Sự Dựng nên ông A-dông), The Creation of Eva (Sự Dựng nên bà E-và), Original Sin and the expulsion from Paradise (Tội Tổ tông và sự đuổi khỏi vườn Địa đàng) của danh họa Michelangelo và của một số danh họa khác như Cosimo Rosselli, Pietro Perugino mô tả những sự kiện trong thánh kinh.

Nhà tôi lại hỏi làm sao người ta có thể vẽ những bức tranh lớn như thế trên trần cao về các câu chuyện trong sách Sáng Thế ký  một cách hài hòa như trong một bức tranh duy nhất vậy.

Giáo hoàng Julius II  ngoài việc có công sưu tập các bộ điêu khắc đầu tiên, cũng là người đã ủy nhiệm cho họa sư Michelangelo trang trí trần Điện Sistine rộng 1,100 mét vuông từ năm 1508 đến 1512 mà bức tranh Creation of Adam trên trần nhà thờ được sánh ngang hàng với bức tranh Mona Lisa của Leonardo da Vinci.

Người đứng xem trong Điện Sistine đêm đó hầu như nghẹt cả nguyện đường, đi muốn dụng nhau, dù cả nguyện đường trống rỗng chỉ có một bàn thờ nằm ở giữa mà thôi.

Tôi nghĩ nếu người ta tìm cách để cất giữ những tuyệt tác điện ảnh như Gone with The Wind, The Sound of Music, Ben Hur để ngàn sau con người có thể có dịp được coi mà không sợ chiến tranh hay thời gian  phá hủy, Điện Sistine nơi có những tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng của thời Phục Hưng cũng cần phải được bảo vệ một cách nào đó bởi nếu có trận Thế chiến Thứ ba, chắc khó tồn tại.

Tuy đi tự túc, có thể đứng lâu hơn để ngắm nhưng rồi chúng tôi cũng phải tìm đường đi ra vì đã hơn 10 giờ đêm. Không sợ lạc trong mê hồn trận di tích lịch sử này bởi… vào khó ra dễ, vào chậm ra nhanh. Không ra cũng sẽ bị đuổi ra, nhưng vì nán coi cho bõ công đi, chúng tôi có lẽ thuộc nhóm những người ra chót.

Những lối đi bên trong Lâu đài Sant’Angelo. Hình: TVTS

Lâu đài Tổng lãnh Thiên thần Mi-ca-e

Mỗi lần đi qua sông Tiber để đến Vatican và trở về nhà chúng tôi đều thấy một tòa lâu đài hình trụ màu mè nằm sát bờ sông. Tòa nhà gây sự chú ý bởi hình thể độc đáo của nó cũng như toàn bộ tường gạch không được tô nên màu vàng sẫm của gạch nổi bật trên bầu trời xanh và mây trắng của một thành phố nằm trong một phần của Địa Trung Hải. Đó là Castel Sant Angelo, lâu đài tổng lãnh thiên thần.

Hôm dự lễ phong thánh Mẹ Mary MacKillop xong, chúng tôi ra khỏi Quảng trường Thánh Phê-rô bằng con đường Via della Conciliazone nằm trước mặt. Con đường lát gạch đá được bao phủ bởi những tòa nhà khoảng bốn năm tầng cao bằng nhau chạy dài gần tới bờ sông. Đến gần ngã tư  Via S. Pio X, nếu bạn nhìn thấy một tòa nhà màu vàng  5 tầng gần những cổng vòng cung nằm bên trái, thì đấy là trụ sở của Đài phát thanh Vatican. Dãy nhà tạo thành “hàng cây” từ Thành Vatican tới bờ sông chấm dứt bởi quảng trường có tên là Piazza Giovanni XXIII và bên kia khoảng đất này là tòa lâu đài Castel Sant Angelo.  Cách đó chừng vài trăm mét là một tòa binh đinh cổ kính có tên là Corte Suprema di Cassazione, tức viện phúc thẩm,  tòa án tối cao hay gọi là tối cao pháp viện tùy theo thói quen của bạn. Tòa nhà này cũng còn được gọi là Palazzio di Giustizia tức Điện Công Lý.

Nhưng trước hết mời bạn cùng chúng tôi vào thăm tòa lâu đài có tên Tổng lãnh Thiên thần nay là bảo tàng viện Museo Nazionale di Castel Sant Angelo, vé vào cửa 8 Euro.

Castel SantAngelo nguyên là lăng (mausoleum) của Hoàng đế Hadrian xây vào khoảng thế kỷ thứ 2 sau Công nguyên để chôn ông (chết vào năm 138 sau CN)  và gia đình của ông. Nhưng đến năm 401 lăng trở thành pháo đài quân sự.

Tương truyền năm 590 một trận dịch hoành hành ở Rome, Tổng lãnh Thiên thần Mi-ca-e (Archangel Michael) hiện ra trên chóp của Lăng Hadrian cầm gươm tra vào võ như là biểu tượng chấm dứt nạn dịch nên lăng này mang tên của vị tổng lãnh thiên thần từ đó cho đến ngày nay.

Sau thế kỷ 14, các giáo hoàng đã biến pháo đài (fortress) này thành lâu đài (castle). Chính nơi đây vào năm 1527 Giáo hoàng Clement VII đã trú ẩn khi Rome bị cướp phá bởi quân nổi loạn của Charles V, Hoàng đế La Mã Thần thánh. Tước Holy Roman Emperor được giáo hoàng ban cho từ thời trung cổ (800 đến 1530) bao gồm một thực thể chính trị lỏng lẽo Áo-Đức và Tây Ban Nha.

Giáo hoàng Leo X  xây một nguyện đường bên trong lâu đài, và năm 1536 Điêu khắc gia Raffaello da Montepulo (một học trò của Michelangelo) làm bức tượng cẩm thạch Tổng lãnh Thiên thần Mi-ca-e tay cầm gươm tra vào võ dựng trên chóp sân thượng lâu đài để nhớ đến trận dịch năm 590.

Giáo hoàng Paul III sau đó xây một apartment thật đẹp bên trong lâu đài phòng hờ khi một vị giáo hoàng bị bao vây thì có chỗ ở tốt hơn. Lâu đài cũng được các giáo hoàng làm nhà tù và vài vụ xử tử cũng xảy ra trong khu này.

Ngày nay, lâu đài là nơi để du khách tới thăm viếng và một phần của lâu đài trở thành bảo tàng viện. Lên sân thượng của lâu đài, bạn sẽ có cái nhìn 360 độ thành phố Rome, đặc biệt là toàn bộ Thành Vatican mà rõ nhất là Bảo tàng viện Vatican và Quảng trường Thánh Phê-rô với con đường rộng thẳng tắp dẫn vào quảng trường, hai bên là những tòa binh đinh trông như một đạo binh dàn hàng để tiếp đón khách thập phương vào thăm viếng một nơi ảnh hưởng toàn thể Âu Châu trong suốt hai ngàn năm qua.

Nếu bạn là người Công giáo mộ đạo và giàu trí tưởng tượng, hãy coi đại lộ Via della Conciliazone nằm trước mặt ở phía dưới là đường lên thiên cung. Tôi nghĩ cảnh này đẹp bằng hay hơn tầm nhìn từ tháp Eiffel. Hãy chuẩn bị máy ảnh đủ pin và memory card đủ chỗ chứa để chụp những bức ảnh thành phố La Mã nhìn từ nơi Tổng lãnh Thiên thần Mi-ca-e đang đứng. Trên các hành lang của lâu đài cũng có quán nước để du khách vừa nhâm nhi vừa ngắm cảnh qua các cửa ô.

Tác giả trước Corte di Cassazione, pháp đình cao nhất của Ý. Hình: TVTS

Sông Tiber ở Rome cũng như sông Seine ở Paris tuy nhỏ mà đẹp, được bắt ngang bằng nhiều cây cầu cổ kính, là nơi để du khách thả bộ du ngoạn. Bạn có thể đi từ cây cầu Ponte Sant’Angelo đến cây cầu Ponte Umberto I đối diện với tòa pháp đình nguy nga cổ kính để ngắm sinh hoạt văn hóa ở đoạn bờ sông này nơi có nhiều tiệm bán sách, đồ lưu niệm, tranh ảnh của những nghệ sĩ vỉa hè.

Thơ mộng lắm, nhưng mời bạn hãy cùng chúng tôi chuẩn bị đi thăm một thành phố độc đáo của Ý và cũng có thể độc nhất vô nhị trên hành tinh này – Venice hay Venezia (tiếng Ý)–  thường được gọi là “thành phố kênh đào”.

 

Nguyễn Hồng-Anh