Nguyễn Thuyên kiện TiVi Tuần-san về mạ lỵ – kỳ 2: Nguyễn Thế Phong làm chứng

23 Tháng Sáu, 2009 | Kiện tụng

 

 

Nguyễn Thế Phong, chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Tự Do Victoria, một trong những người làm chứng cho Nguyễn Thuyên. Hình Việt Luận

 

Xử để xem nhân vật Cử  Bịp có phải ám chỉ Nguyễn Thuyên không, và có mạ lỵ không

 

Vì các bị đơn (Nguyễn & Vũ Publishers Pty Ltd, Nguyễn Hồng Anh và Lão Ngoan Đồng hay nói ngắn gọn TVTS) không nhìn nhận  nhân vật Cử Bịp trong các bài báo có ý ám chỉ Nguyễn Thuyên nên theo luật ở NSW,  phải qua một phiên xử nhận diện, xử trước một bồi thẩm đoàn (before a jury) và xét có mạ lỵ không. Từ chuyên môn gọi phiên tòa này là 7A Trial.

 

Phiên tòa được diễn ra ngày 30.11.2004  tại phòng xử  9E của Tòa Thượng Thẩm do ông Chánh án Sperling chủ tọa. Bồi thẩm đoàn 4 người gồm hai ông và hai bà đã ngồi lắng nghe liên tiếp trong 6 ngày các luật sư hai bên chất vấn và chất vấn chéo (examine and cross-examine) nguyên đơn (tức Nguyễn Thuyên) và 5 nhân chứng của nguyên đơn.

 

Đây chỉ là một vụ kiện dân sự.

 

Điều đáng ngạc nhiên là bên bị lẫn bên nguyên đều được biết sống ở Melbourne, nhưng ông Nguyễn Thuyên đã kiện các bên bị tại tòa án ở Sydney.

 

Phía bên bị gồm chủ bút Nguyễn Hồng Anh và ký giả Lão Ngoan Đồng đã lên dự phiên xử  7A Trial nhưng cả hai chỉ ngồi nghe như một khán thính giả chứ không ra làm chứng để bị chất vấn.

Trong khi đó, nguyên đơn Nguyễn Thuyên,  2  nhân chứng ở Melbourne và 3 nhân chứng ở Sydney của ông Nguyễn Thuyên  đã tuần tự lên trước bục nhân chứng để luật sư của ông Thuyên đặt câu hỏi (examine), cũng như  để sau đó luật sư của TVTS chất vấn chéo, vặn hỏi (cross-examine).

 

Trong phiên tòa mở đầu vào ngày 30.11.04, bên phía nguyên có hai trạng sư (barristers) là CA Evatt và MK Rolinson biện hộ và luật sư (solicitor) ngồi phiá sau lo hồ sơ là ông Lê Đình Hồ.

 

Các trạng sư mặc áo thụng đen đội tóc giả dành cho một barrister. Các solicitors ngồi phía sau mặc y phục bình thường.

 

Phía bị đơn có trạng sư  RG McHugh và luật sư ngồi sau lo hồ sơ là ông John Breene.

 

Cho đến ngày ra tòa, các luật sư hai bên vẫn chưa đồng ý hẳn với nhau về bản dịch của thông dịch viên của Nguyễn Thuyên và như  Luật sư  McHugh của bị đơn nói với quan tòa trong ngày xử đầu tiên thì có thể ông phải nhờ một chuyên gia dịch thuật ra tranh luận về một số từ ngữ sau này, chẳng hạn như  nên dịch cụm từ  tay đại bịpgreat fraudster hay là skilful cheater,  hoặc có chấp nhận lối dịch của bên nguyên đơn rằng the plaintiff  pilfered details  from other people’s books bởi vì khi dùng từ sách (books) với số nhiều  thì sau này khi phải biện hộ để nói lên sự thật, thì liệu đây là lời tố một vụ đạo văn hay nhiều vụ đạo văn!

 

Luật sư hai bên cũng như quan tòa bàn luận có nên nói cho bồi thẩm đoàn biết rằng công việc của bồi thẩm là nhận diện nhân vật bị ám chỉ và phán đoán  những câu hỏi trong phần “Questions for The Jury” xem có tính cách mạ lỵ hay không,  và rằng ngay cả khi bồi thẩm phán quyết các bài viết có tính cách mạ lỵ thì việc đòi bồi thường thiệt hại cũng còn phải qua một thủ tục khác trong một phiên tòa do một chánh án chủ tọa, để bên bị đơn  biện hộ.

 

Quan tòa sau đó giải thích cho bồi thẩm đoàn 4 người về nhiệm vụ của họ cũng như yêu cầu nếu có ai đó trong bồi thẩm đoàn có biết hay quen  các nguyên đơn và bị đơn thì nên xin rút lui, vì sợ rằng sẽ bị ảnh hưởng khi phán đoán, nhưng đã không có ai xin tòa rút lui.

 

Luật sư Evatt (của bên nguyên đơn) sau đó giới thiệu sơ với bồi thẩm đoàn về nội vụ, về hai bài báo trên TiVi Tuần-san và tiểu sử của nguyên đơn  và gọi thân chủ mình, ông Nguyễn Thuyên,  Giáo sư  Thuyên (Professor Thuyên), một việc mà ông cho rằng bạn của ông (my friend) tức là Luật sư  McHugh (của bên bị đơn) đã than phiền,  vì Luật sư  McHugh cho rằng một trong những vấn đề sẽ tranh cãi là nguyên đơn có phải là Giáo sư  Thuyên hay không.

 

Ông Evatt cho rằng ông vẫn cứ gọi nguyên đơn là Professor Thuyên bởi trong cộng đồng Việt Nam, ông ta được biết đến như  Giáo sư Thuyên.

 

Tranh cãi về từ  Giáo sư/Professor  và việc nhận diện (identification)

 

Theo sự hiểu biết của người viết bài này và cũng là người tham dự phiên xử  7A Trial từ đầu đến cuối, quan tòa là người làm trọng tài khi luật sư của hai bên tranh cãi, chất vấn các nhân chứng. Ông quan tòa sẽ can thiệp khi có một bên phản đối (objection)  phía bên kia hoặc khi ông quan tòa cảm thấy cần phải can thiệp. Ông có quyền cho các luật sư phản đối, hủy bỏ câu hỏi, câu trả lời hay cho phép tiếp tục đặt câu hỏi.

 

Trong ngày đầu của phiên xử,  ông Xuong Dich Au,  phiên dịch viên của nguyên đơn Nguyễn Thuyên ra làm chứng với tư cách là một chuyên viên dịch thuật (expert) để luật sư  hai bên chất vấn/thẩm vấn (examine) và chất vấn chéo (cross-examine).

 

Nhưng bởi vì buổi làm chứng của ông Xuong Dich Au chỉ kéo dài trong khoảng thời gian ngắn và phải gác lại vì đến giờ nghỉ trưa, rồi qua ngày hôm sau mới tiếp tục, nên chúng tôi sẽ tường thuật sau để câu chuyện được có đầu có đuôi, hầu bạn đọc dễ theo dõi.

 

Sau khi tòa tái nhóm, ông Nguyễn Thế Phong  là người chứng đầu tiên của nhóm 5 người của nguyên đơn lên bục chứng tuyên thệ. Sau đó luật sư bên nguyên bắt đầu hỏi (examine). Ông Nguyễn Thế Phong không cần thông ngôn, nói tiếng Anh rất lưu loát.

 

Luật sư  Evatt của Nguyễn Thuyên đặt câu hỏi và Nguyễn Thế Phong trả lời từng câu hỏi một, được tóm lược như sau:

 

Ông Phong hiện là Chủ tịch của Hội đồng các Cộng đồng Sắc tộc ở Victoria, cựu  Chủ tịch vừa qua của Cộng đồng Người Việt Tự do tiểu bang Victoria trong hai nhiệm kỳ gần đây nhất, từ năm 1999 đến 2003.

 

Ông Phong quen biết Nguyễn Thuyên ít nhất từ năm 1990 và kể từ khi lên làm chủ tịch Cộng đồng thì tiếp xúc với ông Thuyên nhiều hơn. Ông Phong nói ông Thuyên thường tự xưng là Giáo sư  Thuyên mà qua tiếng Việt ông hiểu là Professor Thuyên. Cộng đồng Việt Nam biết đến ông Thuyên như  là một Professor và khi ông Phong mời ông Thuyên một cách chính thức, ông Phong cũng mời ông ta như là Professor Thuyen Nguyen.

 

Ông Phong nói vào tháng 3 năm 2002  ông có tổ chức một diễn đàn và mời hai thuyết trình viên khác nói chuyện,  gồm cả bản thân ông Phong là thuyết trình viên thứ ba, và người còn lại là nguyên đơn được ông Phong mời nói về đề tài lịch sử  giữa Việt Nam và Trung Hoa, đặc biệt là việc nhà cầm quyền Việt Nam dâng đất dâng biển cho Trung Hoa.

 

Buổi nói chuyện diễn ra vào ngày 21.4.02 và theo ông Phong, không có ai là Professor   ngoại trừ nguyên đơn được gọi là Professor.

 

Hỏi có biết một cuốn  sách có tên Bộ Mặt Thật của Hồ Chí Minh  không, ông Phong nói ông có mua và đọc cuốn sách đó khi xuất bản lần đầu vào năm 1990. 

 

Luật sư Evatt của nguyên đơn sau đó xuất trình cuốn sách với tòa như một chứng cớ nhưng quan tòa cho biết cuốn sách được chấp nhận làm bằng chứng  căn cứ vào một số giới hạn sau đây như: là bằng chứng sự hiện hữu của một  ấn phẩm vào năm 1990;  là bằng chứng ấn phẩm mang tên nguyên đơn ở trang bìa;  rằng nó có bức hình của nguyên đơn ở trang 433; rằng nó có bức hình khác của một tòa nhà ở trang 435.

 

Quan tòa hỏi Luật sư McHugh rằng hai bên đã đồng ý nguyên đơn là tác giả cuốn sách không thì ông McHugh chỉ nói  “chắc chắn ông ấy được gọi là tác giả”. Và khi Luật sư  Evatt nói “tôi được chỉ thị rằng ông ấy là tác giả” thì quan tòa nói “trong giai đoạn này tôi chỉ ghi nhận rằng tên của nguyên đơn xuất hiện trên bìa cuốn sách”.

 

Sau đó luật sư Evatt hỏi ông Phong có nhận ra bức hình không và đó có đúng là Giáo sư  Thuyên không thì ông Phong  trả lời đúng.

 

Cuốn  Bộ Mặt Thật Hồ Chí Minh  ấn bản năm 2000 cũng đã được chất vấn tương tự.

 

Sau đó, khi được luật sư  Evatt hỏi trước tháng 4 năm 2002, ông  Thuyên có nói cho ông Phong ý định làm gì với cuốn sách không và Lý Tống là ai, ông Phong trả lời ông Thuyên nói ông đã cố gắng để gây quỹ cho Lý Tống, một nhà hoạt động chính trị ở Mỹ, đã có vài lần tìm cách để lật đổ chế độ ở Việt Nam, bao gồm cả hành động mà người ta có thể gọi là không tặc một chiếc phi cơ bay tới Việt Nam để thả truyền đơn  ở đó và ông bị bắt ở Thái Lan và bị bỏ tù. Cộng đồng Việt Nam ở Úc coi ông Lý Tống là một anh hùng của tự do, chống chế độ cộng sản.

 

Tiếp tục trả lời các câu hỏi của Luật sư  Evatt, ông Phong nói ông Thuyên nói ông bán cuốn sách bìa trắng năm 2000 với giá $40 và tiền thu được sẽ dùng để hỗ trợ pháp lý cho Lý Tống và giúp ông ấy ra khỏi tù. Và khi được hỏi có biết trong cộng đồng Việt Nam có ai trước tháng 4 năm 2002 viết một cuộc sách và bán sách đó để giúp Lý Tống không, ông Phong nói ông không nghe có chuyện đó.

 

Sau câu hỏi về hai  ấn bản cuốn  Bộ Mặt Thật của Hồ Chí Minh  và việc bán sách hỗ trợ Lý Tống, Luật sư Evatt hỏi ông Phong trước tháng 4  năm 2002, có nghe nguyên đơn có bằng cử nhân, bằng đại học không thì ông Phong nói có, rằng ông nghe một vài người rất thông thạo trong cộng đồng Việt Nam nói khi ông đi tìm hiểu. Riêng ông Thuyên thì đã không trực tiếp nói với ông Phong rằng ông ta có bằng cử nhân.

 

Về bài báo trên TiVi Tuần-san ngày 17.4.02, ông Phong nói ông có đọc sự nhắc đến (reference)  trong bài viết về một nhân vật được gọi là “Cử Bịp” và nhận diện ra nhân vật Cử Bịp là Professor Thuyên, Nguyễn Thuyên, là nguyên đơn.

 

Khi được Luật sư Evatt hỏi có đọc bài viết thứ hai vào ngày 5.6.02 và nhận diện như thế nào, ông Phong nói ông có đọc và nhận diện nhân vật  Cử Bịp  chính là Giáo sư  Thuyên, nguyên đơn.

Hỏi tại sao lại nhận diện được nguyên đơn, Giáo sư  Thuyên như  là Cử Bịp, ông Phong nói bởi vì trước hết, trong bài đó đã nói tới người mà ông mời diễn thuyết. Bài viết cũng nhắc đến Lý Tống và cuốn sách, là người duy nhất đến nay tặng tiền bán sách cho chính nghĩa Lý Tống, là người đã viết cuốn sách về bộ mặt thật của Hồ Chí Minh, là người duy nhất viết cuốn sách với cái tựa như thế, là Giáo sư Thuyên.

 

Luật sư  Evatt lại hỏi trong bài viết thứ nhất có nói về một professor và điều đó có giúp nhận diện ra ông ấy không thì ông Phong trả lời có, bởi vì, hầu hết mọi người khi nói  đến Giáo sư  Thuyên đều gọi ông ấy là Giáo sư, Giáo sư  Thuyên hay Professor Thuyên.

 

* * *

 

Đến đây người viết bài (tức Nguyễn Hồng Anh) xin nhấn mạnh đến từ Professor mà cả Luật sư Evatt của nguyên đơn lẫn nhân chứng Nguyễn Thế Phong đã sử dụng khi gọi ông Thuyên hay nói về ông ta, vì họ dùng tiếng Anh. Nhưng Professor  là một từ và một học hàm dành cho nguyên đơn mà Luật sư  McHugh của bị đơn thường phản đối hay không chấp nhận trong phiên xử này. Vì thế, Luật sư  McHugh chỉ gọi ông Thuyên là Mr Thuyên.

 

* * *

 

Bây giờ đến phần vặn hỏi hay còn gọi là thẩm vấn chéo (cross-examination) là phần dành cho luật sư của phía bên bị đơn.

 

Luật sư  McHugh đại diện cho bên bị tức công ty Nguyễn & Vũ Publishers, chủ bút Nguyễn Hồng Anh và ký giả Lão Ngoan Đồng.

 

Luật sư   McHugh hỏi có phải ông Phong không phải là phiên dịch viên (translator) không thì được ông Phong trả lời vâng, rằng không phải là phiên dịch viên chuyên nghiệp.

 

Luật sư  McHugh hỏi tại sao vừa rồi ông Phong làm chứng cho nguyên đơn và nhắc tới ông ấy như là “professor”, thì có phải đấy là lối dịch từ tiếng Việt sang, hay ý ông Phong muốn nói ông ấy được gọi là professor trong tiếng Anh.

 

Ông Phong trả lời ông Thuyên luôn xưng như thế cũng như người ta gọi ông  là professor vì thế ông Phong gọi ông ấy là professor.

 

Luật sư  McHugh gợi ý (suggested)  rằng khi nói tiếng Việt có phải ông Phong dùng từ  giáo sư  khi gọi ông Thuyên và ông Phong đồng ý thế, bởi vậy Luật sư McHugh hỏi có phải khi ông Phong nhắc tới từ  professor  bằng tiếng Anh có phải đấy là cách dịch từ ngữ  ấy  từ chữ  giáo sư không, thì  ông Phong cho rằng không, bởi vì nghĩa của nó như thế trong tiếng Việt.

 

Nhiều câu hỏi được đặt ra liên quan đến các từ ngữ  giáo sư  và professor  nhưng Luật sư  McHugh muốn ông Phong hiểu rằng ông không có ý tấn công ông Phong hay gì khác, mà chỉ muốn làm cho vấn đề được rõ ràng ra.

 

Khi được hỏi trước đây có làm việc hay có liên hệ gì đó với báo TiVi Tuần-san không, ông Phong nói không làm việc cho TiVi Tuần-san mà chỉ liên hệ như  là một người viết bài (column writer) cho  TiVi Tuần-san qua một chương trình của Chính phủ Liên bang.

 

Luật sư McHugh hỏi có phải sự dàn xếp đó (tức viết bài) chấm dứt vào khoảng năm 1990, ông Phong nói không nhớ rõ, nhưng khoảng đâu đó.

 

Hỏi có phải lúc đó ông Phong có sự rã đám (fall-out) với bị đơn thứ hai, tức ông Nguyễn Hồng Anh không, ông Phong cho rằng đấy không phải là sự rã đám mà ông chỉ coi đấy là một chuyện làm ăn (a business).

 

Ông Phong trả lời với  Luật sư Mc Hugh rằng từ đó ông đã không nói chuyện cũng như đã không có một sự giao dịch nào với ông Nguyễn Hồng Anh trong hơn 10 năm qua.

 

* * *

Người viết lại xin được nói thêm về sự kiện này. Số là trước đó nhà báo Đào Phụ Hồ, một thân hữu của TVTS từ ngày báo mới ra đời, đề nghị với TVTS mở một trang giải đáp thắc mắc lấy tên Bao Công, không những TVTS không phải trả tiền nhuận bút cho người phụ trách trang này, trái lại TVTS còn được trả tiền qua hình thức bán trang dành cho mục Bao Công. Tiền này do ngân sách (fund) của chính phủ tài trợ.

 

Sau một thời gian, Đào Phụ Hồ nói ông bận việc (mà quả thật ông là người quá bận rộn với nghề tay phải của ông là một tiến sĩ kỹ sư tốt nghiệp ở Úc) nên Đào Phụ Hồ giới thiệu Nguyễn Thế Phong thay thế.

 

Nguyễn Thế Phong cũng là người không xa lạ gì với chủ bút báo TVTS, bởi mẹ của Phong và mẹ của chủ bút TVTS  có quen biết nhau ở Việt Nam trước năm 1975, và khi mới chân ướt chân ráo đến định cư ở Adelaide vào năm 1981, chủ bút TVTS từng được mẹ của Phong mời tới nhà ăn cơm với mẹ và các chị em của Phong. 

 

Khi hỏi về ba của Phong –một đại tá chỉ huy trưởng Thiết giáp thuộc Quân đoàn 1– mẹ Phong cho biết ông hiện đang còn bị giam ở trại cải tạo tại Việt Nam và con trai bà –Phong, một người mà chủ bút TVTS chưa bao giờ gặp mặt trước đó– hiện đang đi tu để làm linh mục và đang học ở Melbourne.

 

Khi chủ bút TVTS lập gia đình vào năm 1983, Thầy Phong là người giúp lễ cho hôn lễ của chủ bút TVTS  do Linh mục Huỳnh San chủ tế, tại nhà thờ Thánh Giuse ở vùng Collingwood, Melbourne.  Quen biết là thế đó!

 

Nhưng sau một thời gian viết bài trên mục Bao Công, ông Phong nói chính phủ không còn trợ cấp nữa  nên chỉ có thể tiếp tục viết bài  nhưng không trả tiền mua trang báo như cũ. 

 

TVTS trả lời nếu không trả tiền thì không dành đất nữa. Ông Phong nói nếu vậy thì ông  sẽ sang cộng tác với  Tuần Báo Tivi Victoria.

 

Đây là một tờ báo do một cựu nhân viên của TVTS  mới xin nghỉ việc nay ra làm chủ và phát hành một tờ báo có hình thức và cái tên nghe cũng hơi từa tựa như TiVi Tuần-san, và dĩ nhiên là đối thủ của TVTS.

 

Nghe hơi hướm có vẻ hù như thế,  TVTS nói với ông Phong nếu ông muốn cộng tác với tờ báo kia thì cứ việc tự nhiên. 

 

Thế là vài bữa sau, mục Bao Công mà công đầu là của nhà báo Đào Phụ Hồ đã xuất hiện trên tờ báo đối thủ của TVTS!

 

Và kể từ đó, Nguyễn Thế Phong không còn liên lạc với chủ bút TVTS.  Tất cả mọi chuyện gọi là quen biết giữa hai người hay là chuyện làm ăn (business) như ông Phong nói, đã trở thành chuyện của quá khứ.

 

* * *

 

Đón đọc tiếp lần tới: Tiếp tục cuộc chất vấn chéo ông Nguyễn Thế Phong trong vai nhân chứng của nguyên đơn Nguyễn Thuyên (Ghi chú: Bài tường thuật này có sử dụng biên bản của tòa như là tài liệu để tham khảo).

 

(Trích TVTS – 1204)