Nguyễn Thuyên kiện TVTS – Kỳ 21 (hết). Diễn văn cuối cùng và kết quả của phiên tòa nhận diện (7A Trial)

17 Tháng Ba, 2010 | Kiện tụng

 

Nguyễn Thuyên đầu thập niên 1990 và cuốn sách Bộ Mặt Thật HCM của ông 

 

Cuối cùng, về câu hỏi 6. Luật sư  McHugh nói rằng nếu bồi thẩm đoàn đã trả lời YES cho các câu hỏi 5(a), 5(b), 5(c) và 5(d), thì bây giờ bồi thẩm đoàn sẽ trả lời YES hoặc NO cho các câu hỏi 6(a), 6(b), 6(c) và 6(d). 

 

Với những ám chỉ đã được chuyển đạt như thế tới người đọc, liệu chúng có mạ lỵ nguyên đơn không?

 

Về câu hỏi 6(a) liên quan đến nguyên đơn là một tay lừa gạt (deceiver), luật sư nói ông sẽ không đề nghị với bồi thẩm đoàn rằng nói một ai đó là tay lường gạt mà không mạ lỵ, nếu bồi thẩm đoàn phán nó đã được truyền đạt trong bài viết.

 

Về câu hỏi 6(b) liên quan đến sự chôm chĩa (pilfered and copied), luật sư đã tranh luận khá mạnh mẽ về bản dịch cho rằng nó đã không được truyền đạt như vậy.  Nhưng nếu  bồi thẩm đoàn nghĩ rằng đó là sự tố cáo về sự đạo văn (plagiarism) thì cũng tùy thuộc vào bồi thẩm đoàn để quyết định đấy có là mạ lỵ không.

 

Nếu ám chỉ đó được xem là nhẹ hơn chuyện đạo văn, rằng chôm chĩa chưa phải là đạo văn,  thì ông đề nghị một độc giả bình thường sẽ không đánh giá thấp người khác. Vì vậy vấn đề là bồi thẩm đoàn đánh giá sự tố cáo trầm trọng như thế nào đối với Cử Bịp trong toàn bộ bản văn của bài viết.

 

Luật sư minh họa bằng một thí dụ:  Nếu bồi thẩm đoàn nói về chuyện này với đứa con trai bảy tuổi của ông thì đấy là một lời ca ngợi bởi đã khen cậu bé  khéo xoay xở làm sao đó để đưa nó vào trong câu chuyện của cậu bé. Nhưng nếu nói về một giáo sư đại học thì lại là một chuyện khác.

Về câu hỏi tay lừa gạt, luật sư không đề nghị bồi thẩm đoàn nói NO.

 

Với câu hỏi về chôm chĩa, luật sư cho rằng tùy bồi thẩm đoàn đánh giá liên quan đến văn bản (context) của bài báo.

 

Nhưng đối với hai câu hỏi sau liên quan đến ám chỉ tay cơ hội (6c)và việc bán sách (6d),  Luật sư McHugh biện luận rất mạnh mẽ, cho rằng chúng không mạ lỵ.

 

Theo luật sư vấn đề ở đây là các giá trị, giá trị của cộng đồng, bởi vì những bằng chứng về Lý Tống mà bồi thẩm đoàn được nghe bởi các nhân chứng không phải là những gì mà những người bình thường sẽ biết, bởi chúng quá đặc biệt, cá biệt. 

 

Nói theo thuật ngữ pháp lý, nó phải được hiểu đối với một người bình thường trong cộng đồng khi họ đọc, không phải chỉ cộng đồng Việt Nam thôi, mà là cả cộng đồng Úc.

 

Luật sư McHugh  nói nếu bồi thẩm đoàn đọc đoạn 31 của bài báo thì họ sẽ hiểu những tranh biện mà ông muốn nói. Đoạn này kể cho độc giả nghe chuyện Lý Tống không tặc một chiếc máy bay của Hàng không Việt Nam để thả truyền đơn ở Sài Gòn và ông ta đã bị bắt. Chuyện này xảy ra đã cả 10 năm rồi và trong đoạn 32 nói Lý Tống đã được thả khỏi tù.

 

Và trong đoạn 33 độc giả được nghe “tinh thần hợp tác và tương kính vẫn được tiếp nối” trong cộng đồng Việt Nam  “sau khi Lý Tống bay từ Thái Lan về Việt Nam rải truyền đơn lần thứ hai — after the event of Ly Long flying  an aircraft from Thailand to Vietnam to drop leaflets for the second time—mà trong bản văn (do thông dịch viên của nguyên đơn dịch) luật sư nói đã dùng từ flew.

 

Trọng tâm của các ám chỉ (c) và (d) là nguyên đơn không thành thật trong việc hỗ trợ Lý Tống.

Luật sư đề nghị các thành viên bình thường trong cộng đồng vào thời gian giữa tháng 4 và tháng 6 của năm 2002 không đánh giá cao những tay không tặc hay những người hỗ trợ một cách đặc biệt những tay không tặc.

 

Những người bình thường –chứ không phải những người coi Lý Tống là anh hùng–  sẽ rất ngờ vực khi cho rằng nói một ai đó là họ không thành thực trong việc hỗ trợ một tay không tặc đã hai lần bị bỏ tù,  là mạ lỵ.

 

Luật sư trình với bồi thẩm đoàn ông không tìm cách đùa giỡn (make fun) mà đưa ra những điểm nghiêm túc. Như các nhân chứng đã trình bày và nguyên đơn cũng đã nói, thì người ta có thể nghĩ cộng đồng kiều dân này (tức Việt Nam) gồm phần lớn những người tị nạn và vì thế người ta có thể hiểu rằng trong cộng đồng này sẽ có những ý kiến khác nhau về vấn đề này.

 

Điều mà luật sư muốn lưu ý bồi thẩm đoàn: thử thách dành cho họ là những người bình thường trong toàn thể cộng đồng Úc Đại Lợi sẽ nghĩ gì về các vấn đề này. Ông muốn đề nghị rằng họ chẳng đánh giá thấp hay có khuynh hướng nghĩ xấu về một ai bởi những ám chỉ (c) và (d).

 

Cuối cùng, luật sư muốn trở lại các câu hỏi 4, 5 và 6.

 

Với câu hỏi 4, luật sư đề nghị bồi thẩm trả lời NO nhưng nếu họ chống lại ông, thì khi qua câu hỏi 5, ông đề nghị trả lời NO cho câu hỏi về tay lừa gạt. Ông cũng đề nghị trả lời NO cho câu hỏi

 

(b) về chôm chĩa; và NO cho cả hai câu (c) và (d) vì các ám chỉ đó quá dài giòng và quá phức tạp.

 

Về câu hỏi 6, ông sẽ không đề nghị trả lời  NO cho câu hỏi 6(a) liên quan đến sự mạ lỵ khi ám chỉ tay lừa bịp.

 

Câu hỏi 6(b) liên quan đến ám chỉ chôm chĩa có mạ lỵ không, luật sư nói ông để tùy bồi thẩm đoàn quyết định khi họ đọc cả bản văn.

 

Nhưng đối với hai câu hỏi 6(c) và 6(d) liên quan đến lòng ái quốc và việc bán sách, luật sư nói ông rất mạnh dạn đề nghị với bởi thẩm đoàn hãy trả lời NO bởi hai ám chỉ đó không có chi là mạ lỵ cả, xét theo tiêu chuẩn của một cộng đồng bình thường.

 

Ông tóm những điểm chính mà ông đã trình bày, như câu hỏi 1 trong đó ông rất bi quan, nghi ngờ khía cạnh khách quan của sự nhận diện cũng như những lời chứng của các nhân chứng. Vì thế ông đề nghị sau khi xem xét tất cả các hoàn cảnh này, thật không có lý để nhận diện được nguyên đơn trong cả hai bài báo.

 

Và khi đến câu hỏi 3 và 6,  bồi thẩm đoàn nên tự hỏi liệu những người bình thường có khuynh hướng nghĩ xấu, đánh giá thấp nguyên đơn  không, chỉ vì một vài ám chỉ, đặc biệt là ám chỉ về Lý Tống và chuyện nổ về bằng cấp.

 

Lúc này đã  3 giờ rưỡi chiều. Luật sư  McHugh nói tất cả mọi người đã trải qua một tuần lễ dài. Cả ông và bồi thẩm đoàn lại vừa trải qua một ngày dài. Ông cám ơn bồi thẩm đoàn đã kiên nhẫn  và chăm chú lắng nghe ông. Ông cho biết sau đó,  quan tòa sẽ tóm lược, rồi bồi thẩm đoàn sẽ rút lui để nghị án.

 

Quan tòa cho bồi thẩm đoàn rút lui, hẹn trở lại vào 10 giờ sáng ngày mai.

 

* * *

 

Báo TiVi Tuần-san số 977 phát hành ngày 15.12.2004 tường thuật kết quả phiên xử này trong đó có đoạn như sau:

 

“… Sáng ngày thứ sáu của phiên tòa, Chánh án Sperling giải thích cho bồi thẩm đoàn về vai trò bồi thẩm của họ. Ông lưu ý họ không nên để bị thành kiến ảnh hưởng đến quyết định vì  trong xã hội có những người có thành kiến với báo chí, sắc tộc v.v…

 

Ông lưu ý cho dù có những sự bất nhất trong các lời khai của các nhân chứng, nhưng điều quan trọng là bồi thẩm đoàn phải xét xem một độc giả bình thường (ordinary reader) khi đọc có nhận diện ra nhân vật trong hai bài báo nói trên không.

 

Chiều ngày thứ sáu của phiên tòa, sau hơn một tiếng bàn thảo, bồi thẩm đoàn trở ra để phán quyết.  Quan tòa Sperling đọc ra một số câu hỏi (questions for the jury) để bồi thẩm đoàn trả lời và ông bồi thẩm trưởng đã trả lời CÓ (Yes) đối với tất cả các câu hỏi.

 

Bồi thẩm đoàn kết luận các bài viết chứa đựng những ý nghĩa như sau:

 

Các bên bị đơn đã ám chỉ bên nguyên đơn là tay lừa đảo (fraudster), tay bịp bợm (deceiver),  nổ là có bằng cử nhân nhưng trên thực tế học lực thấp hơn ba cấp;  sách có nội dung chôm chĩa cóp nhặt từ sách của người khác;  là tay cơ hội chủ nghĩa khi hỗ trợ Lý Tống, không phải yêu nước mà vì mưu lợi riêng tư;  bán sách (Bộ Mặt Thật Hồ Chí Minh) với giá $40 đề nghị chia nửa tiền bán  để giúp Lý Tống không phải vì thực sự muốn giúp Lý Tống, mà vì ông ta biết rằng không đề nghị như thế, chẳng ai bỏ tiền ra mua cuốn sách đó dù chỉ $5 hay $10; v.v…

 

Những cáo buộc này nếu không có bằng chứng hỗ trợ,  là một sự mạ lỵ, nhất là đối với người Úc, chuyện mạo nhận bằng cấp và đạo văn  là điều rất trầm trọng. Viết mà không có chứng minh là một sự mạ lỵ nặng nề.

 

Câu hỏi bây giờ được đặt ra: báo Tivi Tuần San có mạ lỵ ông Nguyễn Thuyên không?   Sẽ có câu trả lời trong phiên tòa tới đây. BỘ MẶT THẬT  của bất cứ những ai giả dối hay mạ lỵ, dù đó là nguyên đơn hay bị đơn, sẽ lộ ra, trước công lý và dư luận…”.

 

* * *

 

Đến ngày 13.3.2006,  vụ kiện được xử bởi Quan tòa Patten ngồi ghế chánh án. Phiên tòa kéo dài đến 13 ngày với  19 người của hai bên ra làm nhân chứng.

 

Ngày 23.6.2006 quan tòa Patten đưa ra phán quyết. TVTS đã tóm lược kết quả phán quyết (Judgement) trong số báo 1213 phát hành ngày 24.6.2009.

 

Cũng xin nhắc lại, trong phiên tòa lần thứ hai này, TVTS  đã đưa thêm những cáo buộc đã không được đề cập trong hai bài báo, với mục đích chứng minh sự lừa bịp của nguyên đơn như  vấn đề (ông ta chưa bao giờ tốt nghiệp một đại học nào và không có bằng cử nhân mà)  xưng là hiệu trưởng, nổ Chuông Sài Gòn là tờ báo có số phát hành cao nhất, tham dự vào một kế hoạch gian lận lừa đảo bằng cách làm các chứng chỉ giả bậc trung học cho các học sinh ở Việt Nam giữa các năm 1973 và 1975 và phạm sự song hôn.

 

Nhưng tòa đã không chấp nhận những bằng chứng TVTS đưa ra liên quan  đến những tố cáo vừa nêu, nên đã cho Nguyễn Thuyên thắng. Và vì thế, khi đưa ra phán quyết bồi thường cho nguyên đơn, quan tòa đã gộp chung với những cáo buộc trong hai bài báo.

 

Tuy nhiên, trong suốt 21 tuần lễ vừa qua, độc giả chỉ nghe những gì liên quan đến hai bài viết bởi đơn kiện của ông Nguyễn Thuyên chỉ nói về hai bài báo ngày 17.4.2002 và 5.6.2002.

 

Sự tranh cãi giữa hai luật sư trước bồi thẩm đoàn, vì thế,  cũng chỉ liên hệ đến 6 câu hỏi dành cho bổi thẩm đoàn (Questions for the Jury) mà Luật sư McHugh đã tìm cách giải thích, biện hộ cho TVTS nhưng đã thất bại.

 

Nếu TVTS thắng vụ kiện thứ nhất (tức việc nhận diện Cử Bịp) thì đã không có phiên tòa thứ hai.

Và chẳng có gì để nói thêm nữa.

 

  loạt bài tường thuật này chỉ liên quan đến 2 bài báo, nên TVTS  đăng kết quả phán quyết của quan tòa liên quan về 6 ám chỉ tức là những điều mà Nguyễn Thuyên kiện, nói đã ám chỉ ông ta và đã được bồi thẩm đoàn trả lời YES:

 

Nguyễn Thuyên được quan tòa cho thắng:

 

– Nguyên đơn là tay đại bịp (worst kind of fraudster).

 

– Nguyên đơn là một tay cơ hội chủ nghĩa.

 

– Nguyên đơn bán sách $40 đề nghị cho Lý Tống một nửa tiền bán sách, không phải thật sự vì chính nghĩa, mà bởi ông ta biết rằng không làm như thế thì không ai mua dù bán $5 hay $10 một cuốn.

 

TVTS được quan tòa cho thắng:

 

– Nguyên đơn nổ có bằng cử nhân trong khi thực tế trình độ học vấn của ông ta thấp hơn 3 cấp.

 

– Nguyên đơn là một kẻ lừa gạt (deceiver).

 

– Nguyên đơn chôm chĩa các sách của người khác cho nội dung sách của mình. (Nói một cách văn hoa, nguyên đơn là người đạo-văn, plagiarist).

 

 

Tạm kết

 

Như người viết đã thưa cùng độc giả ngay từ đầu, loạt bài này ngoài tường thuật một cách rất trung thực những gì đã xảy ra qua phiên tòa 7A Trial trước bồi thẩm đoàn, còn có mục đích đưa ra một kinh nghiệm, một bài học cho những người khác trong vấn đề thưa kiện. Ông bà mình đã rất chí lý khi khuyên bảo chúng ta rằng có chuyện gì thì tốt nhất nên dàn xếp với nhau chứ kiện cáo thì “vô phúc đáo tụng đình”.

 

Một vài thân hữu cho rằng TVTS đã làm một việc mà trước đây chưa thấy ai làm là đã tường thuật vụ kiện rất chi tiết và dài giòng như vậy. Họ nói trình bày vụ kiện một cách công bằng như thế là tốt cho cộng đồng.

 

Một vài độc giả nói đọc loạt bài về vụ kiện này rất nhức đầu vì phải tập trung tinh thần, phải nhớ các sự kiện thì mới hiểu, nhưng họ cũng rất thích thú khi theo dõi sự biện luận của hai luật sư  nguyên đơn và bị đơn. Được vậy, người viết cũng đã hài lòng.

 

Theo thiển ý, phiên tòa 6 ngày trước bồi thẩm đoàn có tính cách kỹ thuật nhiều hơn bởi chú trọng về sự nhận diện (identification). Phiên tòa 13 ngày trước một quan tòa mới là trọng điểm của vụ kiện tụng, bởi bên bị cho rằng đã không mạ lị vì chỉ nói sự thật và vì thế phải chứng minh. Bên nguyên đưa ra 13 nhân chứng, bên bị mời 6 người, tổng cộng có 19 nhân chứng.

 

Để có bằng chứng đưa ra trước tòa mà biện hộ nói sự thật, TVTS đã tìm tài liệu, gặp những người và cơ quan liên hệ, phỏng vấn, chụp hình, quay video, trao đổi thư từ, dò  hỏi nhiều nơi, từ Huế, Sài Gòn, Long Thành; từ miền tây sang miền đông Hoa Kỳ và ở Úc.

 

Lại phải tìm đọc hàng chục cuốn sách để xem cuốn nào bị Nguyễn Thuyên đạo văn, đạo văn ở trang nào, đoạn nào.

 

Ngoài những chuyện đã được trình bày trong phiên tòa lần thứ hai, TVTS còn những tài liệu chưa trình bày hay chưa nói ra, gọi là chuyện bên lề. Mời bạn đọc đón theo dõi. Cũng có thể câu chuyện dài này sẽ được in thành sách, nhưng đó là chuyện tương lai.

 

Tạm thời,  mượn lời kết thúc của Luật sư  McHugh – “tất cả mọi người đã trải qua một thời gian dài”– người viết xin cám ơn độc giả đã kiên nhẫn theo dõi loạt bài tường thuật dài 21 tuần lễ này.

 

Nguyễn Hồng Anh

Melbourne 28.8.09

 

(Trích TVTS số 1223)