Nguyễn Thuyên kiện TVTS về mạ lỵ – kỳ 13: Trần Hiền và Đào Dũng làm nhân chứng

28 Tháng Mười, 2009 | Kiện tụng

 

 

Tuần Báo Chuông Sài Gòn –hình trên, ấn bản phát hành vào tháng 5 và tháng 6 năm 2003–đóng cửa từ nhiều năm trước (năm 1996 theo lời khai của Nguyễn Thuyên truớc tòa).

 

Tưởng cũng nên biết, theo tài liệu TVTS thăm dò từ cơ quan thanh lý Insolvency and Trustee Service Australia National Personal Insolvency Index  thì Nguyễn Thuyên sinh ngày 12.9.1939 bị tuyên bố vỡ nợ (bankrupt) qua 2 vụ vào ngày 28.8.1995 (Hồ sơ: ITSA Reference VIC2075/95/1 và ITSA Reference VIC2075/95/3).

 

Khi bắt đầu xảy ra vụ kiện, Nguyễn Thuyên lại cho tái phát hành tờ báo này, nhưng chỉ kéo dài được thời gian ngắn rồi cũng lại chết.

 

Lần tái phát hành này Nguyễn Thuyên làm chủ bút, Đào Dũng làm trưởng ban điều hành và Trần Hiền đặc trách quảng cáo.

 

Khi ra làm chứng trong phiên tòa thứ hai vào năm 2006 (phiên tòa này sẽ được TVTS tường thuật sau), Nguyễn Thuyên khai rằng tờ báo Chuông Sài Gòn phát hành hàng tuần, rồi sau đó phải phát hành hàng tháng, rồi phải ngưng phát hành là… do hai bài viết (mạ lị)… của báo TiVi Tuần-san (đăng khoảng giữa năm 2002)!

 

Luật sư Evatt của nguyên đơn mở đầu cuộc chất vấn nhân chứng thứ tư của nguyên đơn bằng cách hỏi một số câu hỏi và tòa được nghe như sau, qua thông dịch viên:

 

Trần Hiền sinh ở Việt Nam, đến Úc năm 1980 và biết Nguyễn Thuyên từ năm 1984. Trần Hiền nói người trong cộng đồng Việt Nam gọi Nguyễn Thuyên là giáo sư và Nguyễn Thuyên cũng tự xưng là giáo sư.

 

Ông Hiền không biết đích xác nhưng buổi hội thảo chính trị có nguyên đơn thuyết trình diễn ra khoảng tháng 4 năm 2002. Ông Hiền không dự buổi hội thảo đó nhưng vì là người làm việc cho Cộng đồng Người Việt Tự do nên bất cứ chuyện gì liên quan đến hội ông đều biết.

 

Có 3 người nói trong buổi hội thảo, nhưng ông Hiền chỉ biết một người là nguyên đơn, và không biết ai được mời tới thuyết trình được gọi là giáo sư cả.

 

Trần Hiền biết cuốn sách do nguyên đơn viết.  Ấn bản thứ hai màu trắng là  cuốn mà ông Hiền đã có mua. Ông Hiền cũng đã dự một buổi họp được tổ chức bởi Hội Cựu Quân nhân ở Sydney và “Giáo sư Thuyên” (nguyên văn bằng tiếng Việt của Trần Hiền) đã đề nghị tặng sách của ông ta bán để hỗ trợ Lý Tống với giá $40 đô la.

 

Luật sư Evatt  yêu cầu ông Hiền nhìn vào bằng chứng A, là bài viết bằng tiếng Việt của báo TiVi Tuần-san phát hành ngày 17.4.2002, hỏi tiếp và được Trần Hiền trả lời đại khái như sau:

 

Trần Hiền đọc bài viết đó khi báo phát hành, và sau khi đọc đã nhận diện nhân vật Cử Bịp  chính là “Giáo sư Thuyên”. Ông Hiền nhận diện rất dễ dàng vì trước khi đọc bài báo, ông Hiền đã đọc cái thông cáo loan báo “Giáo sư Thuyên” sẽ nói về cuộc đấu tranh của cộng đồng.

 

Luật sư Evatt nói về bài báo thứ hai và hỏi Trần Hiền đã nhận diện ai là Cử Bịp không, Trần Hiền nói “đấy là Giáo sư Thuyên”. Lý do nhận diện vì “chỉ có Giáo sư Thuyên” là người bán sách và tặng tiền bán được cho Lý Tống.

 

* * *

 

Lúc này đến phiên Luật sư McHugh đối chất (cross-examine) nhân chứng Trần Hiền.

 

Luật sư chỉ cho ông Hiền hai tờ cung khai của nhân chứng (witness statement) đề ngày 3.11.2004 và 19.11.2004 và hỏi ông Hiền có phải ông đã không nhắc gì trong cả hai tờ cung khai rằng ông đã có nhờ đến một thông ngôn hay dịch viên hay không.

 

Ông Hiền trả rằng “Tôi tin vào luật sư của tôi, nhất là khi ông ấy cũng là người Việt Nam” nên bất cứ cái gì ông ấy viết xuống ông Hiền đều tin tưởng.

 

Quan tòa lưu ý ông Trần Hiền tốt hơn hết là nên lắng nghe thật kỹ càng câu hỏi đặt ra cho ông và trả lời một cách trực tiếp như ông có thể làm được.

 

Luật sư McHugh lại hỏi có phải vừa rồi ông Hiền đã nói ông tin vào luật sư của ông (Hiền), thì đấy có phải ông muốn nói luật sư của nguyên đơn không, ông Hiền nói luật sư mà ông nhắc đến là Hồ (tức Lê Đình Hồ), luật sư của nguyên đơn.

 

Luật sư  McHugh  đối chất về sự khác biệt của một số lời khai trong hai bản khai của nhân chứng Trần Hiền, và tòa được nghe đại khái như sau:

Ông Trần Hiền không có khả năng đọc tiếng Anh một cách phải chăng. Ông đọc hai bản cung khai trước khi ký và không ai giúp ông đọc trước khi ký. Ông cũng hiểu rằng khi ký như vậy thì sẽ được dùng vào tiến trình xét xử và cũng là cách cho các bị đơn biết nhân chứng làm chứng về những điều gì.

 

Tòa được nghe thêm rằng Luật sư  Lê Đình Hồ soạn bản khai đầu tiên có tựa đề “Joint Statement” (cung khai tập thể). Luật sư Hồ soạn thảo bản cung khai trước khi nói với ông Hiền nội dung bản cung khai của ông Hiền.

 

Ông Hiền ký bản cung khai thứ hai vì nghĩ rằng bản cung khai thứ nhất là của tập thể, bản thứ hai là bản riêng rẽ và đấy mới chính bản cung khai của ông.

 

Luật sư  McHugh hỏi về sự khác biệt giữa hai tờ khai: Tờ khai tập thể nói nguyên đơn lên Sydney năm 2004 và sống ở đó trong khi tờ khai thứ hai nói nguyên đơn lên phía bắc để tới bang NSW năm 2001-2002.

 

Ông Hiền nói có thể ông luật sư (của nguyên đơn) thấy có sự sai sót trong tờ khai đầu nên sửa chữa trong tờ khai thứ hai, nhưng sau đó ông Hiền lại nói khi ông đọc lại tờ khai đầu thấy năm 2004 không đúng nên ông đề nghị luật sư điều chỉnh lại năm 2001 hay 2002.

 

Luật sư McHugh xoay qua hỏi về những lời khai trong hai bản cung khai. Bản đầu ông Hiền nói buổi hội thảo chính trị diễn ra vào tháng 3 năm 2002 nhưng trong bản cung khai thứ hai, nói diễn ra vào ngày 21.4.2004.

 

Luật sư  McHugh hỏi có ai đề nghị về cái ngày sau này không, ông Hiền nói không. Nhưng sau khi luật sư hỏi làm sao tới khi ký bản cung khai, với một thời gian dài 30 tháng, ông Hiền nhớ được ngày tháng vừa nói, ông Hiền nói dễ lắm vì ông có bạn bè làm báo  ở Melbourne. Ông ấy gởi cho ông Hiền cái thông cáo (notice) đăng trên báo cách đây hai tuần.

 

Khi được chỉ cho cái thông cáo và hỏi có phải đấy là cái thông cáo được gởi cho ông cách đấy hai tuần không, Trần Hiền trả lời: “không!  qua điện thoại”. Ông Hiền biết được qua điện thoại bởi một người bạn, ông Long Quân, chủ bút của một tờ báo.

 

Ông Hiền nói với ông Long Quân ông Hiền sẽ ra làm chứng trước tòa nên cần biết chính xác cái ngày tháng.

 

Qua các câu hỏi khác của Luật sư McHugh, tòa được nghe rằng luật sư (của nguyên đơn) soạn bản cung khai thứ nhất. Luật sư cũng soạn và viết ngày 21.4.2002 vào bản cung khai thứ hai.

 

Ông Hiền nói ông đọc bài báo thứ nhất ngày  17.4  và bài báo ra  vào tháng 6 mà không phải do viên luật sư (của nguyên đơn) hay nguyên đơn chỉ cho đọc. Ông nói đã quen biết nguyên đơn 20 năm và muốn nguyên đơn thắng kiện.

 

Về một buổi họp được tổ chức bởi Hội Cựu Quân nhân ở Sydney trong đó nguyên đơn bán sách giúp Lý Tống, ông Hiền cho rằng nó thường xảy ra vào Ngày Quân Lực 19 tháng 6 hàng năm và đấy là vào ngày 19.6.2002.

 

Luật sư hỏi ông Hiền có quen với từ “giáo sư” trong tiếng Việt không, ông Hiền nói có. Luật sư hỏi có phải cụm từ “giáo sư” trong tiếng Việt có thể chỉ một người có bằng đại học và cũng là một giáo viên không, Trần Hiền nói đúng.

 

Và khi hỏi có phải những từ đó không giới hạn khi dùng đối với “giáo sư đại học”, Trần Hiền trả lời: “không”.

 

Đến đây tòa tuyên bố tạm ngưng phiên tòa và nói tòa sẽ tiếp tục vào sáng mai lúc 10 giờ.

 

Thứ Sáu ngày 3.12.2004. Đây là ngày thứ tư tòa ngồi xử.

 

Quan tòa và các luật sư bàn cãi một số vấn đề liên quan đến cách dịch chữ Đại Bịp. Sau đó bàn về việc một người trong bồi thẩm đoàn sẽ đi Melbourne để dự lễ ra trường vào tối Thứ Hai tuần sau, do đó xét xem phiên xử có thể chấm dứt vào chiều Thứ Hai hay không, hoặc kéo dài thêm thì sẽ như thế nào.

 

Luật sư Evatt cho biết bài diễn văn  của ông sẽ kết thúc chừng 1 tiếng trong khi luật sư McHugh cho biết ông sẽ không gọi thông dịch viên (expert witness) của các bị đơn (tức TVTS) ra làm chứng do đó ông sẽ là người đọc diễn văn sau cùng (để kết thúc buổi tranh luận trước khi bồi thẩm đoàn rút lui và nghị luận).

 

Luật sư McHugh cho biết ông sẽ không hỏi nhân chứng Trần Hiền lâu hơn và nhân chứng cuối cùng của nguyên đơn, nếu diễn biến xảy ra như những nhân chứng khác, cũng sẽ được ông đối chất chừng một tiếng.

 

Chừng nửa tiếng sau, quan tòa cho gọi nhân chứng Trần Hiền vào.

 

* * *

 

Luật sư McHugh hỏi ông Hiền về chuyện làm chứng ngày hôm qua liên quan đến ba thuyết trình viên. Khi Luật sư Evatt hỏi, ông Hiền nói có 3 người nhưng ông Hiền chỉ biết một người là Giáo sư Nguyễn Thuyên.

 

Trong cái thông cáo mà ông Hiền nói đã đọc vào tháng 4 năm 2002, có tên 3 người theo thứ tự, trước hết là nguyên đơn, sau đó là Nguyễn Hiệp và Vương Thiên Vũ.

 

Tòa được nghe rằng ông Hiền không biết hai ông này, không biết họ có bằng cử nhân hay không, và ông Hiền cũng không biết họ có phải là giáo viên (teacher) hay không. Nhưng ông Hiền nói theo những gì ghi ở trong thông cáo (trên báo Nhân Quyền) thì rõ ràng hai người này được gọi là ông  (Mister)  chứ không phải giáo sư.

 

Sau đó quan tòa yêu cầu Trần Hiền nhìn vào bằng chứng H1 –tức cái thông cáo— trong đó có 3 tên đánh  số 1, 2 và 3. Ông quan tòa nói xin lỗi nếu ông Hiền có thể đã được hỏi rồi, nhưng vì ông quên nên ông muốn hỏi, liên quan đến số  3 với chữ  Ông” nằm trước cái tên, có phải “Ông” nghĩa là “Mister” không, ông Hiền nói đúng trăm phần trăm.

 

Về chữ “Anh” đứng trước tên người thứ hai, quan tòa hỏi có phải cũng là “Mister” trong tiếng Anh không, ông Hiền nói “Anh” có nghĩa là người trẻ tuổi hơn, chừng 30 hay 40.

 

Đến đây quan tòa hỏi có ai thắc mắc gì nữa không, Luật sư McHugh trả lời không và Luật sư Evatt cũng không tái chất vấn (re-examine) như ông vẫn thường làm với những người trước.

Nhân chứng Trần Hiền được cho lui ra.

 

 

Đào Dũng làm nhân chứng

 

 

Nhân chứng cuối cùng là Đào Dũng được gọi lên bục nhân chứng tuyên thệ và thông dịch viên vẫn được giữ lại. Quan tòa yêu cầu ông Đào Dũng nói 100 phần trăm tiếng Việt, vì rằng sẽ dễ dàng hơn qua người thông dịch.

 

Luật sư Evatt của nguyên đơn chất vấn và tòa được nghe đại khái như sau:

 

Đào Dũng sinh đẻ tại Việt Nam, đến Úc năm 1980, quen biết “Giáo sư Thuyên” từ năm 1994, 1995 khi hai ông cùng làm chung trong tờ báo Chuông Sài Gòn.

 

Ông Thuyên tự xưng là giáo sư  và mọi người trong cộng đồng hầu như ai cũng gọi ông ta là Giáo sư Thuyên.

 

Ông Đào Dũng có đọc cái thông cáo đăng trong báo Nhân Quyền nói về buổi hội thảo chính trị do Cộng đồng Người Việt Tự do Victoria tổ chức vào khoảng giữa tháng 3 tháng 4 hay tháng 5.

Ông Dũng có thấy cuốn sách màu trắng là bằng chứng F, một cuốn sách ông cho là rất nổi tiếng trong cộng đồng Việt Nam mà tác giả là “Giáo sư Thuyên”.

 

Ông Dũng có dự một buổi gây quỹ ở Sydney để hỗ trợ Lý Tống, trong đó cuốn sách giá $40 được bán và tất cả tiền bán được đều cho Lý Tống.

 

Khi Luật sư Evatt hỏi  ông Dũng có đọc bài báo ngày 17.4.2002 khi nó ra không, ông Dũng trả lời một tràng dài  “Tôi đã không đọc khi nó phát hành, nhưng hai hay ba ngày sau, một nhóm bạn điện thoại cho tôi hỏi tôi có đọc bài báo, cái bài viết mạ lỵ Giáo sư Thuyên”.  Đến đây Luật sư McHugh thưa với quan tòa là ông muốn nhân chứng trả lời thẳng vào câu hỏi.  Luật sư Evatt sau đó cũng yêu cầu ông Dũng cố gắng trả lời trực tiếp chừng nào hay chừng đó.

 

Và trong những câu hỏi tiếp theo của Luật sư Evatt, có lúc Luật sư  McHugh phản đối (objection) nhưng quan tòa cho phép hỏi tiếp câu đó, có lúc quan tòa không cho phép. Luật sư McHugh nói  rằng về việc nhận diện (identification) thì ông chẳng có vấn đề, nhưng ông lo ngại cái lối hỏi làm cho người trả lời diễn giải bài viết, mà đấy là chuyện dành cho bồi thẩm đoàn.

 

Sau đó, tòa được nghe có vài người gọi cho Đào Dũng trong đó có ông (Văn Tấn) Thạch. Ông Thạch nói nếu ông Dũng mà đọc bài báo thì sẽ nhận ra ngay nhân vật Cử Bịp là Giáo sư Nguyễn Thuyên. Ông Dũng kể ra hai người khác cũng nói như ông Thạch vậy.

 

Ông Đào Dũng đi mua báo đọc bài viết và nhận ra bài này nói về Giáo sư Thuyên, nhân vật Cử Bịp là Giáo sư Thuyên, bởi trong buổi hội thảo ở Melbourne chỉ có một người có thể được coi như là giáo sư, đấy là Giáo sư  Thuyên.

 

Ông Đào Dũng tiếp tục kiểm tra, để mắt theo dõi tờ báo kể từ khi đọc bài báo đầu tiên gọi Giáo sư  Thuyên là Cử Bịp nên khi đọc bài báo thứ hai, nhận ra ngay Cử Bịp muốn ám chỉ Giáo sư Thuyên, bởi vì trong buổi gây quỹ giúp Lý Tống chỉ có cuốn sách do Giáo sư  Thuyên viết được đem ra bán, chứ không có sách của người khác.

* * *

Qua phần đối chất Đào Dũng của  Luật sư McHugh, tòa được nghe đại khái như sau:

 

Ông Dũng có ký vào hai tờ cung khai của nhân chứng (witness statement), tờ tập thể đề ngày 3.11.2004 và tờ cá nhân ngày 19.11.2004. Ông Dũng không cần người giúp dịch hay đọc trước khi ký vì ông Dũng có thể đọc tiếng Anh.

 

Ông Dũng hiểu rằng khi ký vào thì những tài liệu này sẽ dùng trong tiến trình xử kiện. Ông biết phải khai chính xác, trung thực.

Về bản cung khai thứ nhất. Luật sư (Lê Đình) Hồ là người soạn thảo bản cung khai. Trước khi đặt bút ký, ông Dũng có nói chuyện với Luật sư  Hồ. Ông Dũng không nói với ông Hồ về ngày tháng của buổi hội thảo ở Melbourne, không nói về ngày tháng của buổi gây quỹ, không nói về ngày tháng nguyên đơn đi lên Sydney.

 

Về bản cung khai thứ hai: Luật sư  Hồ soạn và ông Hồ có nói chuyện với ông Dũng trước khi soạn.

 

Dũng không biết ai đã sửa năm trong đoạn 11 của tờ khai.

 

Ông Dũng nói nguyên đơn luôn luôn được gọi là Giáo sư Thuyên, rằng một người có bằng đại học và đi dạy luôn luôn được gọi là giáo sư.

 

Ông Đào Dũng nói ông cộng tác với ông Thuyên nhưng không quá thân  thiết như Luật sư  McHugh gợi ý. Ông Dũng đến đấy không phải để bênh vực ông Thuyên, nhưng đến đây vì sự thật, bởi vì công lý phải được thực thi, sáng tỏ, bởi công lý luôn luôn đứng về phía của sự thật.

 

Bây giờ Luật sư  McHugh chuyển qua đề tài khác, về những thuyết trình viên trong buổi hội thảo.

 

Tòa được nghe ông Dũng không biết gì về ông Nguyễn Hiệp. Còn ông Vương Thiên Vũ thì ông Dũng có gặp một hay hai lần.

 

Khi hỏi vào năm 2002 khi đọc cái thông cáo, ông có biết ông Vũ có là một giáo viên (teacher) lúc đó không, nhưng ông Dũng trả lời: “Tôi biết chắc ông ấy không là một giáo sư (professor)”. Luật sư McHugh bảo ông Dũng đấy không phải là câu trả lời cho câu hỏi của ông. Luật sư yêu cầu ông Dũng hãy trả lời thẳng vào câu hỏi, trả lời đầy đủ câu hỏi chứ không thêm điều gì khác.

 

Sau đó là những câu hỏi về cuốn sách màu trắng (ấn bản thứ hai Bộ Mặt Thật của HCM), ngày tổ chức buổi gây quỹ bán sách ủng hộ Lý Tống mà ông Dũng nói vào khoảng đâu đó Ngày Quân Lực 19.6.

 

Luật sư trở lại bài báo thứ nhất ra ngày 17.4.2002, hỏi ông Dũng có phải sáng hôm  nay khi làm chứng, ông đã nói rằng trước khi đọc, ông đã được thông báo cho biết Cử Bịp là nguyên đơn không. Ông thông ngôn hỏi có phải luật sư muốn nói là “giáo sư” không, Luật sư  McHugh trả lời: Tôi nói “nguyên đơn”!

 

Khi ông Dũng trả lời “đúng vậy”, luật sư hỏi tiếp: “Khi ông sắp đọc bài báo ông có trông đợi sẽ có cái gì đó nói về nguyên đơn không?”.  Đây là câu hỏi mà Luật sư McHugh hỏi đi hỏi lại nhiều lần khi ông luật sư cho rằng ông Dũng đã không trả lời thẳng vào câu hỏi của ông.

 

Ông Dũng trả lời khi bài báo phát hành, bạn bè báo động, ông mua đọc và biết ngay lập tức.

 

Luật sư nhắc lại câu hỏi nói trên, ông Dũng nói bạn bè ông báo cho biết bài báo mạ lỵ Giáo sư Thuyên. Luật sư nhắc lại đúng câu hỏi nói trên, nhưng ông Dũng vẫn trả lời như hai câu vừa rồi.

 

Luật sư yêu cầu ông Dũng tập trung vào  câu hỏi của ông là “Trước khi ông đọc, có phải ông trông mong tìm được cái gì trong đó nói về nguyên đơn không?”, nhưng ông Dũng nói ông không phải là người dễ bị ảnh hưởng bởi bạn bè hay dư luận.

 

Luật sư McHugh hỏi lại câu đó vì ông muốn biết tình trạng đầu óc (state of mind) của ông Dũng trước khi đọc bài báo nhưng ông Dũng lại trả lời tương tự.

 

Luật sư McHugh bây giờ hỏi theo cách khác.

 

Luật sư  hỏi ông Dũng có phải lý do ông nhận diện nguyên đơn là Cử Bịp bởi vì trong buổi hội thảo chỉ có một người có thể được gọi là “giáo sư” không.  Ông Dũng trả lời đúng thế.

 

Và với bài viết thứ hai xảy ra 7 tuần lễ sau, ông Dũng nói lý do nhận diện cũng như trên.

 

Luật sư McHugh hỏi có phải sáng nay ông Dũng nói ông đã theo dõi tờ báo sau khi bài báo thứ nhất phát hành để tìm xem còn có thêm điều gì khác có thể liên quan đến nguyên đơn không, ông Đào Dũng trả lời đúng thế.

 

Luật sư McHugh trình với tòa ông không còn gì để hỏi nhân chứng thêm nữa. Phần chất vấnđối chất tất cả các nhân chứng của nguyên đơn chấm dứt.

 

(Còn tiếp)