Các đảo quốc Thái Bình Dương: chưa thấy quan tài chưa đổ lệ

05 Tháng Sáu, 2022 | Tin nước Úc,Bình Luận
Thủ tướng Bainimarama (trái) của Fiji nói cuộc gặp mặt với tân Ngoại trưởng Úc Penny Wong tại thủ đô Suva là “tuyệt vời”. Photo courtesy: Reuters

Úc Đại Lợi nằm ở Nam Thái Bình Dương (TBD) là nơi Thuyền trưởng James Cook phát hiện vào năm 1770, nơi hạm đội của Thuyền trưởng Arthur Philip cập bến năm 1788, nơi trở thành Liên bang Úc vào năm 1901 đánh dấu sự độc lập (khỏi Vương quốc Anh) của nước Úc hiện nay. Những đảo quốc trong vùng nam TBD hiện nay cũng đã được độc lập khỏi Anh, Úc, Hoa Kỳ và Pháp kể từ sau Đệ nhị Thế chiến và phần lớn theo hệ thống chính trị Đại nghị Anh (Westminster), độc lập hoàn toàn hay vẫn còn duy trì Nữ hoàng là quốc trưởng của nước họ như Úc. Những nước đó chịu ảnh hưởng của Anh, Úc, Hoa Kỳ hay Pháp nói chung, và với Úc nói riêng, trong một đại gia đình có tên là Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương (PIF – Pacific Islands Forum), vì Úc ở sát nách các đảo quốc này.

Được thành lập vào năm 1971, PIF gồm 18 thành viên: Úc, Cook Islands, Federated States of Micronesia, Fiji, French Polynesia, Kiribati, Nauru, New Caledonia, New Zealand, Niue, Palau, Papua New Guinea, Republic of Marshall Islands, Samoa, Solomon Islands, Tonga, Tuvalu, and Vanuatu. Nhưng sau này, một số đảo quốc đã rút ra khỏi PIF và tổ chức này không còn “đoàn kết” như trước đây. Úc và Tân Tây Lan đã cố gắng để tụ họp lại “đại gia đình TBD” nhưng đã không thành công vì sự bành trướng của Trung Cộng. Một vài đảo quốc có liên hệ gần gũi, mật thiết với Úc và Đài Loan đã lập bang giao với Trung Cộng như Solomon và Kiribati, cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan.

Tuần qua, Ngoại trưởng Vương Nghị của Trung Cộng đã mở một chuyến công du đến 8 đảo ở Thái Bình Dương, từ Solomon tới Papua New Guinea, nhằm mở một mạng lưới kinh tế và an ninh quốc phòng hầu thống trị vùng nam TBD và bao vây Úc. Vương Nghị nói toẹt rằng các nước trong vùng này là những quốc gia có chủ quyền và không là sân sau của bất cứ ai. Sau khi đã ký kết hiệp định an ninh với Solomon cách đây khoảng hai tháng,  tại thủ đô Honiera, một lần nữa  Vương Nghị nói Bắc Kinh không có ý định xây căn cứ quân sự tại Solomon mà chỉ hỗ trợ Solomon nâng cao khả năng của cảnh sát hầu giúp Solomon duy trì tốt hơn trật tự xã hội và đồng thời bảo vệ sự an toàn của các công dân và tổ chức Trung Cộng ở hòn đảo này.

Có tin một đảo quốc có gần 200 ngàn dân nơi Tân Tây Lan có ảnh hưởng. cũng đã ký một hiệp định an ninh với Trung Cộng trong chuyến thăm 16 tiếng đồng hồ của Vương Nghị. Báo Samoa Observer của đảo này nói đây là một chuyến “thăm tuyệt mật” vì không có một tin gì được thông báo cho công chúng, nhằm ràng buộc các đảo quốc trong vùng với lực lượng an ninh và cảnh sát Bắc Kinh với tài nguyên hải sản của họ. Tờ báo địa phương của một nước độc lập từ năm 1962 rất lo ngại khi chính phủ Samoa có quan hệ quá bí mật với một quốc gia nổi tiếng độc tài, đàn áp nhân quyền và có mộng bá chủ.

Chưa hết, trong chuyến công du để mở rộng “sự hợp tác to lớn hơn” như Vương Nghị mô tả, chưa biết Trung Cộng và đảo quốc Kiribati đã có ký những hiệp ước mật gì không trong thời gian Vương Nghị lưu lại bốn tiếng đồng hồ ở thủ đô Tarawa. Đảo quốc Kiribati với gần 120 ngàn dân đã cắt đứt ngoại giao với Đài Bắc sau Solomon và lập quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh.

Ngay khi trở về nước sau chuyến đi Tokyo với Thủ tướng Anthony Albanese họp thượng đỉnh Bộ tứ Kim cương, Ngoại trưởng Úc Penny Wong đã vội vàng bay sang đảo Fiji để gặp Thủ tướng Frank Bainimarama và phát biểu với Diễn đàn Quần đảo Thái Bình dương, cam kết Úc không lơ là về vấn đề khí hậu thay đổi như chính phủ tiền nhiệm đồng thời hứa Úc sẽ viện trợ các quốc gia láng giềng thêm 500 triệu đô la.

Thủ tướng Fiji nói “thật là tuyệt vời” khi ông gặp bà ngoại trưởng Úc, nhưng xét cho cùng, nước ông không chỉ quan tâm về lãnh vực địa chính trị mà còn vấn đề khí hậu thay đổi nữa. Một số quốc gia hải đảo như Solomon cũng đã nói như Thủ tướng Bainimarama, nhưng Bắc Kinh có lo ngại các đảo quốc bị chìm không, bởi Trung Cộng là nước xả khí thải nhiều nhất thế giới, 28% so với 1% của Úc?

Trước đây, Tập Cận Bình nói với Tổng thống Barack Obama Bắc Kinh sẽ không lập căn cứ quân sự ở Biển Đông. Các quốc gia nam TBD đang dần dần lọt vào bẫy nợ và sự kềm kẹp của cộng sản Trung Hoa mà cứ tưởng rằng họ khôn khi đi hàng đôi. Chưa thấy quan tài chưa đổ lệ!

(Trích xã luận TVTS số 1888 phát hành ngày 1.6.2022)