Hàng trăm du khách Úc ở Thái lan bị kẹt vì phi trường Phuket đóng cửa do người biểu tình chiếm

30 Tháng Tám, 2008 | Tin thể thao

 









Cảnh sát và người biểu tình đối đầu nhau


 


(TVTS) Du khách trở thành nạn nhân của cuộc biểu tình diễn ra trong nhiều ngày qua khi hàng ngàn  người dân Thái Lan xuống đường, chiếm tòa nhà Chính phủ, đột nhập đài truyền hình quốc gia ở Bangkok và nay xông vào chiếm phi trường Phuket, ngăn du khách ra vào.


 


Mỗi tuần hãng máy bay rẻ tiền Jetstar có 3 chuyến bay Sydney-Phuket, nhưng phi trường khu du lịch nổi tiến này phải đóng cửa vào hôm Thứ Sáu vừa qua bởi người biểu tình đột nhập vào.


 


Khoảng 265 du khách Úc ở Phuket bị kẹt phải ở lại nơi này. Trong khi đó hãng Jetstar chuyến hướng chuyến bay từ Sydney đi Phuket sang Bangkok.


 


Sau phi trường Phuket, các phi trường ở miền nam Thái Lan như Krabi và Hat Yai cũng phải đóng cửa vì làn sóng biểu tình tràn lan cả nước.


 


Những người biểu tình càng ngày càng bạo động hơn và chiếm xứ nhiều cơ sở công cộng. Họ nhất định không giải tán theo lệnh của chính phủ, cho rằng chỉ ngưng biểu tình khi nào Thủ tướng Thái Samak Sundaravej từ chức.


 


Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc cho rằng tình hình Thái Lan hiện nay do các cuộc biểu tình gây nên là không thích hợp cho những người du lịch, vì thế đề nghị không nên tới, cần thận trọng, tránh xa những khu vực có biểu tình và những nơi tập trung nhiều nhân viên quân sự.


 


Có khoảng 5,000 người biểu tình đột nhập và chiếm phi trường Phuket. Quân đội Thái hiện giờ vẫn còn đóng vai bàng quan, chưa có phản ứng.


 


Thủ tướng Thái Samak hôm nay vẫn nhất quyết không chịu từ chức sau 5 ngày có những cuộc biểu tình bạo động.  Thủ tướng Thái nói ông lên cầm quyền bằng con đường hợp pháp do đó không thể nhượng bộ những người chống đối.


 


Ông Samak nói đến nay ông đã tránh dùng biện pháp vũ lực đối với những người biểu tình cho nên bị chê là quá yếu, nhưng nếu dùng sức mạnh thì sẽ bị chỉ trích là quá mạnh tay.


 


Thủ tướng Samak nói ông đang xin được gặp quốc vương Bhumibol như là một hình thức tìm sự hỗ trợ của Đức Vua, một người không nắm quyền lực nhưng được dân chúng, các tướng lãnh và các nhà chính trị nể trọng.