Liên đoàn Bơi lội Thế giới FINA ra quy định thi đấu quốc tế đối với vận động viên chuyển giới

21 Tháng Sáu, 2022 | Tin thể thao
Minh họa: Vận động viên bơi lội Úc Emily Seebohm của Úc phản ứng sau chiến thắng 30/7/2021  tại Thế vận hội Tokyo 2020. Photo courtesy: REUTERS / Stefan Wermuth

Liên đoàn Bơi lội Thế giới (Fina) đã biểu quyết không để các vận động viên chuyển giới tham gia thi đấu đỉnh cao hạng mục nữ nếu họ từng trải qua bất kỳ giai đoạn dậy thì nào của nam giới. Fina cũng hướng đến việc thành lập hạng mục “mở rộng” tại các giải đấu dành cho những vận động viên xác định là có giới tính khác với giới tính lúc khai sinh.

Chính sách mới này, được thông qua với 71% phiếu thuận trong số 152 thành viên Fina, được mô tả là “chỉ là bước đầu tiên hướng tới sự hoà nhập hoàn toàn” cho các vận động viên chuyển giới.

Tài liệu dài 34 trang nói rằng các vận động viên chuyển giới từ nam sang nữ có thể thi đấu ở hạng mục nữ nhưng “với điều kiện họ chưa vượt quá giai đoạn dậy thì thứ hai trong Thang điểm Tanner (giai đoạn đánh dấu sự thay đổi về mặt cơ thể, thường từ 11-12 tuổi), hoặc trước khi tròn 12 tuổi”. Quyết định được đưa ra trong kỳ đại hội bất thường của Giải Vô địch Bơi lội Thế giới đang diễn ra tại Budapest (Hungary). Điều này cũng có nghĩa là vận động viên chuyển giới người Mỹ Lia Thomas, người từng bày tỏ mong muốn tranh suất tham dự Thế vận hội Olympics, sẽ bị cấm tham gia hạng mục bơi nữ.

Tuy nhiên, chính sách mới không áp dụng cho các liên đoàn quốc gia hoặc trong các giải đấu giữa các trường đại học, NCAA, là giải mà Thomas gần đây đã thắng ở hạng mục bơi tự do 500 yard. Mỗi liên đoàn, gồm cả Liên đoàn Bơi lội Vương quốc Anh – sẽ cần quyết định xem họ có muốn áp dụng chính sách của Fina hay không.

Vận động viên đoạt huy chương vàng Olympic người Úc Emily Seebohm đã hoan nghênh quyết định của FINA về việc hạn chế sự tham gia của các vận động viên chuyển giới trong môn bơi lội dành cho phụ nữ ưu tú, nói rằng môn thể thao này giờ đây có thể tiếp tục một cách chắc chắn rõ ràng.

Hạng mục mở rộng cho vận động viên chuyển giới

Trước đó, các thành viên của Fina đã nghe bản phúc trình từ một nhóm các chuyên gia hàng đầu thế giới về chuyển giới trong các lĩnh vực y học, luật pháp, và thể thao.

Brent Nowicki, giám đốc điều hành của Liên đoàn Bơi lội, cho biết: “Cách tiếp cận của Fina trong việc soạn thảo chính sách này là toàn diện, dựa trên khoa học và bao quát. Điều quan trọng là cách tiếp cận của Fina nhấn mạnh đến sự công bằng trong cạnh tranh.”

Chủ tịch Fina, ông Husain Al-Musallam, cho biết liên đoàn “đang cố gắng bảo vệ quyền thi đấu của các vận động viên”, đồng thời “bảo vệ sự công bằng trong thi đấu”.

“Fina luôn hoan nghênh mọi vận động viên. Sự ra đời của hạng mục mở rộng có ý nghĩa rằng mọi người đều có cơ hội tham gia thi đấu đỉnh cao. Điều này chưa bao giờ xảy ra trước đây, vì thế Fina cần phải dẫn đầu. Tôi mong tất cả vận động viên cảm thấy được tham gia vào việc phát triển ý tưởng trong quá trình này.”

Cựu vận động viên bơi lội người Anh Sharron Davies, người từng phản đối việc vận động viên chuyển giới được tham gia thi đấu ở hạng mục bơi nữ, nói với BBC rằng cô ấy “thực sự tự hào về FINA”.

“Bốn năm trước, cùng với 60 vận động viên đoạt huy chương Olympics khác, tôi đã viết thư cho IOC (Uỷ ban Olympics Quốc tế) và nói rằng ‘hãy nghiên cứu khoa học trước’, mà không có cơ quan quản lý nào điều đó cho đến bây giờ,” cô nói.

“Đó là những gì Fina đã làm. Họ đã làm một cách khoa học, họ có những người phù hợp, họ nói chuyện với các vận động viên và huấn luyện viên.”

“Bơi lội là một môn thể thao rất hoà nhập, chúng tôi mong tất cả mọi người đến bơi và thi đấu. Nhưng nền tảng của thể thao phải là sự công bằng, và nó phải công bằng cho cả hai giới.”

Khi được hỏi liệu chính sách mới của Fina có khiến các vận động viên chuyển giới rơi vào tình trạng “lấp lửng” trong khi chờ đợi sự ra đời của một hạng mục mới, Davies ca ngợi Fina vì đã có những cuộc thảo luận về sự hoà nhập của vận động viên chuyển giới, điều mà đáng lẽ phải xảy ra cách đây 5 năm.

“Thể thao là có sự phân hạng, những cậu trai 15 tuổi không thi đấu với các em dưới 12 tuổi. Võ sĩ quyền anh hạng nặng không thi đấu với những võ sĩ hạng nhẹ. Đó cũng là lý do chúng ta có các hạng mục khác nhau trong Thế vận hội dành cho người khuyết tật, nhằm tạo cơ hội công bằng cho tất cả mọi người,” cô nói.

“Đó là mục đích chính của việc phân loại hạng mục trong thể thao và người thua duy nhất ở đây là phụ nữ – họ đã mất quyền tham gia thể thao một cách công bằng.”

Tuy nhiên, Athlete Ally, nhóm ủng hộ LGBT đã vận động ủng hộ vận động viên chuyển giới Thomas hồi tháng Hai, gọi chính sách mới là “phân biệt đối xử, có hại, phản khoa học và không phù hợp với các nguyên tắc của Uỷ ban Olympics Quốc tế năm 2021”.

Anne Lieberman, giám đốc chính sách và chương trình của nhóm này nói:

“Các tiêu chí về việc đủ điều kiện thi đấu hạng mục nữ quy định trong chính sách là mang tính áp chế đối với cơ thể phụ nữ, và khi thực thi sẽ vi phạm nghiêm trọng đến quyền riêng tư, quyền con người của bất kỳ vận động viên nào muốn thi đấu ở hạng mục nữ.”

(Nguồn: BBC)