Chưa dám đàn áp giáo dân Hà Nội, nhà nước chỉ mới ra tối hậu thư giải tán tụ họp và cầu nguyện, hạn chót 5 giờ chiều Chủ Nhật 27.1.08. Hy vọng không có cảnh… tắm máu

28 Tháng Một, 2008 | Tin Việt Nam

Có người cũng lo sợ rằng sẽ có một trận Thiên An Môn  hay Ngưỡng Quang nếu nhà nước dùng đến biện pháp mạnh như đã xảy ra ở các chế độ độc tài cộng sản Trung Quốc hay quân phiệt Miến Điện.


 









27.1.08  “tối hậu thư” hết hạn…  nhưng sau đó là đêm không ngủ đọc kinh cầu nguyện tại Tòa Khâm Sứ 


 

Nỗi lo ngại đó đã bắt đầu ló dạng khi vào ngày 26.1.08  bà Ngô Thị Thanh Hằng, phó chủ tịch Ủy Ban Nhân dân TP Hà Nội gởi một lá thư cho Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội và đồng kính gởi Hội Đồng Giám Mục Việt Nam yêu cầu phải chấm dứt mọi cuộc tụ họp và rút ra khỏi Tòa Khâm Sứ, chậm nhất là 5 giờ chiều Chủ Nhật 27.1.08. 


 


Trong thư, bà Hằng nêu vấn đề quyền sở hữu khu đất số 42  phố Nhà Chung và vấn đề vi phạm luật phát của một số linh mục và giáo dân trong thời gian qua tại Khu Nhà Chung.


 


Trước hết bà Hằng cho rằng  Giáo Hội Công Giáo VN không còn làm chủ khu đất  Tòa Khâm Sứ bởi linh mục Nguyễn Tùng Cương làm đại diện quản lý,  đã bàn giao khu  đất nay là số 42 Nhà Chung cho nhà nước vào ngày 24.11.1961.


 


Thứ đến là việc các linh mục và giáo dân tiếp tục chiếm đóng khu vực Tòa Khâm Sứ và có những hành vi vi phạm pháp luật như đập khóa cửa, dựng lều, tập trung đông người, cư trú bất hợp pháp, lăng mạ và gây thương tích cho nhân viên nhà nước, tổ chức cầu nguyện trái quy định của Pháp Lệnh Tín Ngưỡng v.v…


 


Ủy Ban Nhân Dân Thành Phố Hà Nội vì thế  “cực lực lên án hành vi vi phạm pháp luật nêu trên” và yêu cầu Tòa Tổng Giám Mục hợp tác chặt chẽ với chính quyền địa phương để tuyên truyền và yêu cầu các giáo sĩ và giáo dân chấp hành nghiêm chỉnh pháp luật.


Cuối cùng bà Phó Chủ Tịch Hằng cảnh cáo nếu Tòa Tổng Giám Mục, các giáo sĩ và giáo dân không thực thi các yêu cầu trên, Ủy Ban Nhân Dân TP Hà Nội sẽ “thực hiện các biện pháp giải quyết”.


 


Nghe “pháp lệnh” này của thành phố, giáo dân ùn ùn kéo đến Tòa Khâm, làm một đêm không ngủ tại chỗ dù trời  Hà Nội dạo này trở rét và có mưa phùn.  Hạn chót của tối hậu thư  là 5 giờ chiều Chủ Nhật, nhưng giáo dân kéo đến chật cả sân Tòa Khâm Sứ, đọc kinh cầu nguyện trước tượng Đức Mẹ và Thánh Giá mà họ đã dựng vào ngày mừng lễ thượng thọ 90 tuổi của Đức Hồng Y Phạm Đình Tụng, ca hát những câu đại khái “sống, chết bên mẹ con sợ chi!”.


 


Nghe nói có 3,000 người đọc kinh cầu nguyện và ngủ qua đêm ở Tòa Khâm Sứ.  Sáng  Thứ Hai 28.1.08, giáo dân Hà Nội vô cùng phấn khởi khi thấy Đức Cha Nguyễn Văn Sang,   giám mục giáo phận Thái Bình đã tới Tòa Khâm Sứ để cầu nguyện  cùng giáo dân, dù trời buổi sáng hôm qua rất lạnh, khoảng 9 độ C.


 









Đức Cha Nguyễn Văn Sang đến cầu nguyện vào sáng sớm Thứ Hai 28.1.08


 

Trước đó Tổng Giám Mục Hà Nội Ngô Quang Kiệt cũng đã tuyên bố với một tín hữu rằng nếu giáo dân cầu nguyện  tại Tòa Khâm Sứ mà bị bắt giam tù do cầu nguyện thì ngài sẽ sẵn sàng đi tù thay thế (xem bài phỏng vấn trên báo giấy TVTS số ra Thứ Tư 30.1.08).


 


Tưởng cũng nên nhắc lại, sau buổi lễ mừng thượng thọ, các linh mục và giáo dân đã từ Nhà Chung rước kiệu sang Tòa Khâm Sứ, với những dàn nhạc công kèn đồng  trong đồng phục trắng, những kẻ khuân kiệu đồng phục vàng, các phụ nữ  mặc sắc phục dân tộc của mình như người Mường.


 


Một phụ nữ  Mường vượt hàng rào vào sâu bên trong Tòa Khâm Sứ để dâng hoa cho Đức Mẹ đã bị cảnh vệ kéo giữ lại, gây nên một cuộc xô xát nhẹ khi hai bên lực lượng an ninh và giáo dân  giằng co nhau.


 


Chính bà Phó Chủ Tịch Ngô Thị Thanh Hằng trong “tối hậu thư”  đã nói về vụ dựng tượng thánh giá bất hợp pháp vào ngày lễ thượng thọ của Đức Hồng Y hôm 25.1.08 trong đó bà Hằng cáo buộc giáo dân đã hành hung nhân viên bảo vệ, đánh bị thương một số người và gây trọng thương cho một nhân viên khiến phải đưa đi bệnh viện cấp cứu.


 


Ngày giao thừa  Tết Dương Lịch vừa qua Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đến thăm Đức Cha Ngô Quang Kiệt, đi một vòng xem khu vực Tòa Khâm Sứ nơi có đông giáo dân đến cầu nguyện và ký thỉnh nguyện thư để xin nhà nước trả lại đất mà họ tịch thu của giáo hội trước đây.


 


Sau chuyến  đi “thăm dân cho biết sự tình” một tháng qua, mọi chuyện vẫn như cũ, chưa có tiến bộ nào khác. Không biết vào ngày cuối năm hay giao thừa Tết Ta (6.2.08), ông thủ tướng có lại đến thăm khu Tòa Khâm Sứ  nữa không để có một biện pháp tốt đẹp cho cả hai phía—nhà nước và giáo hội.


 


Hy vọng rằng đến ngày đó, khu Tòa Khâm Sứ không phải là biển máu như Thiên An Môn năm nào.