“Tươi mát” để đón tiếp OBAMA

06 Tháng Bảy, 2016 | Phiếm luận

Lão Ngoan Đồng

 
Văn hóa xã hội chủ nghĩa: đón tiếp quốc khách bằng màn vũ dân ca quan họ Bắc Ninh khá xếch xy.
 Chủ tịch Trần Đại Quang và Tổng thống Obama gặp các vũ như sau màn trình diễn.
Photo courtesy: Instagram/ Pete Souza

LNĐ đã tính viết về đề tài này, nhưng nghĩ đi nghĩ lại thấy cứ nói xấu một chế độ xấu hoài hủy sẽ khiến độc giả nhàm chán, nên đã “tự chế” bỏ sang một bên. Tuy nhiên sau khi báo số 1575 ra lò, thấy ở trang 12, cùng với bài “Việt Nam đón bạn cũ trở lại” của đồng nghiệp Y Vi Lưỡng Khả, tòa soạn đã kèm theo tấm hình “tươi mát” mà bộ máy tuyên truyền của nhà nước CSVN đã ra lệnh cấm phổ biến, LNĐ nhận thấy cũng nên trở lại đề tài gái Việt “tươi mát” để đón tiếp Obama.

Qua nội dung bài viết của Y Vi Lưỡng Khả và chú thích bên dưới tấm hình, độc giả đã biết đây là hình chụp các cô vũ công bu quanh ông Obama sau một màn trình diễn dân ca quan họ Bắc Ninh trong dinh Chủ tịch nước để đón mừng vị Tổng thống Hiệp chúng quốc Hoa Kỳ.

Những người đẹp nhảy nhót chỉ với mục đích giúp cho phần trình diễn của ca sĩ, ban nhạc thêm phần vui mắt, và – như trong trường hợp này – thêm phần “tươi mát”.

Thế nhưng với đại đa người Việt bình thường, phần phụ diễn của các cô vũ công trong buổi đón mừng ông Obama đã bị xem là “chướng mắt”; chướng mắt vì nó phi lý (không hề có trong dân ca quan họ Bắc Ninh), vô duyên (uốn éo một cách phi nghệ thuật), và vô lý (“khoe của” không đúng sách vở).

Cũng theo nội dung bài viết của Y Vi Lưỡng Khả, ra vẻ đồng nghiệp có ý nói: vì vị Tổng thống xứ Cờ Huê đã từng tự thú “thuở nhỏ chỉ ham chơi bóng rổ và săn gái” cho nên Bắc Bộ Phủ mới bày ra màn vũ sexy này để ngài “rửa mắt”.

LNĐ không muốn đầu độc con nít, nhưng cũng phải viết thẳng ra rằng: đừng nói gì tới ông Obama còn sung mãn, mà cả đến cụ tỷ phú Rupert Murdoch 8 bó rưỡi, nếu chiêm ngưỡng đôi vai trần, cái lưng trắng muốt, cặp tuyết lê khiêu khích sau vải yếm, đôi mông mẩy nổi bật dưới lớp quần mỏng, thì khỏi cần xài Viagra cũng để hứng tình!

Chính bộ máy truyên truyền của CSVN cũng giật mình nhận ra điều đó cho nên khi kiểm duyệt hình chụp, video của các phóng viên trong cũng như ngoài nước trước khi cho phép gửi đi, đã bắt xóa những hình ảnh khó coi nói trên.

Nếu độc giả không tin, xin mời vào các trang mạng của báo đảng, báo ngoại vi, báo tư nhân, và cả của đài BBC, xem có những tấm hình tươi mát này hay không? Dứt khoát là không!

Nhưng cũng đã quá muộn: trước khi bị kiểm duyệt bắt xóa, một, hoặc vài phóng viên đã kịp gửi đi một trong những tấm hình “tươi mát” nhất. Tấm hình này sau đó đã được các cá nhân phổ biến rộng rãi trên các trang mạng xã hội, chẳng hạn Instagram (hình trên TVTS).

Dĩ nhiên, người Việt nào còn chút tự trọng cũng cảm thấy nhục. Một người viết:

“Loè loẹt, quê mùa và gợi dục rẻ tiền. Mất lịch sự và dốt nát đến thế là cùng!… Nhìn như một bầy nhền nhện ở động Bàn Tơ, hay hiện đại hơn thì giống trong quán bia ôm đèn mờ.”

* * *

Tới đây, để tránh mang tiếng tỵ nạn cộng sản nói xấu cộng sản, LNĐ xin trích đăng hầu độc giả một số nhận xét của Hoài Hương, một đồng nghiệp ở trong nước, trước những diễn tiến trong chuyến công du Việt Nam của ông Obama.

1- Trong lễ đón chính thức cấp Nhà nước, trong khi duyệt đội quân danh dự và cả khi vào phòng khách, khi chứng kiến lễ ký kết các hợp đồng kinh tế quan trọng, ngay cả khi khách tặng món quà quý “Bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khí”, khách luôn nở nụ cười thân thiện cởi mở, chủ thì gần như giữ một biểu cảm rất nghiêm trang.

Chỉ thấy một lần cười duy nhất lúc chạm ly trong tiệc chiêu đãi. Mất gì nụ cười? Cảm giác như chủ nhà có gì đó không thân thiện với khách, như miễn cưỡng… Hay còn lý do gì đó khó nói mà không dám cười?

2- Mục tham quan nhà sàn Bác Hồ và cho cá ăn ở Ao cá Bác Hồ, như một hoạt cảnh. Khi khách còn đang nhẹ nhàng thả từng hạt thức ăn cho cá, nhìn đàn cá quẫy lượn như đôi bên chào hỏi, thì bà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhà mình cứ vốc từng nắm rải như cát và sau đó ụp cả cái xô thức ăn xuống như hắt đất… rồi te te quay lưng đi rất nhanh. Một tích tắc thôi thấy khách ngẩn ngơ lúng túng cụt hứng…

Qua chuyện này thấy có 2 điều rất kém: Dàn trợ lý cho bà Chủ tịch đã không tư vấn cho bà về cách ứng xử trong tình huống này. Cho cá ăn là một cách thư giãn, thưởng thức, ngắm nhìn những con cá bơi lội, chứ không phải là bà nông dân nuôi cá lồng bè cho cá ăn.

Điều thứ hai, cả một khu di tích nhà sàn Bác nhìn rất quy mô như thế, vậy mà dùng một cái xô nhựa hàng chợ đựng thức ăn cho cá, nhìn thô thiển kém thẩm mỹ, sao không dùng một vật dụng thủ công, nhỏ xinh, như một cái giỏ mây hay một cái chén gốm sứ Bát Tràng…, có thêm cái thìa xúc nhỏ, vừa tạo cảm giác thư thái, vừa tinh tế dịu dàng, lại kết hợp giới thiệu khéo với khách tinh hoa thủ công làng nghề VN… (cái thìa xúc cũng là một cách ứng xử lịch sự, không làm bẩn tay khách, không làm khách khó chịu nếu có thể bị dị ứng một thành phần nào trong thức ăn của cá).

3- Tặng hoa. Thật sự không phải vì là người Sài Gòn mà chê Hà Nội. Hoài Hương “chấm” bó hoa của TPHCM tặng khách – một bó hoa sen rất giản dị nhưng đẹp, và quan trọng là ai cũng thấy đó là hoa sen.

Còn Hà Nội thì quả thực nếu không sát bên khách thì chẳng biết trong cái bó tùm hum đó có hoa gì được gài bên trong? Hà Nội nổi tiếng hoa đẹp, không lẽ không có ai tư vấn về hoa tặng khách? Một sự chuẩn bị thiếu kỹ năng ngoại giao và thiếu cả sự tinh tế đúng chất người Tràng An- Thăng Long- Hà Nội.

4- Thực đơn tiệc chiêu đãi khách. Nhìn cách bài trí sắp đặt ly- chén- dao- nĩa- thìa… đã thấy một sự sắp đặt hời hợt và kém thẩm mỹ, nó kém xa cách sắp đặt của mấy nhà hàng khách sạn tầm 3 sao trở lên trong các tiệc bình thường (tiệc cưới, tiệc mừng…)

Còn thực đơn, chắc chắn có sự tham khảo của nhiều đầu bếp cả ta lẫn Tây và đầu bếp của khách, nhưng nếu đi sâu vào hương vị của các món ăn không thấy sự hài hòa của công thức “âm- dương” hòa hợp, ngũ hành tương sinh…, sự lặp lại nguyên liệu (hải sản) nghèo nàn, chưa kể có những món nghe đã thấy kinh (cua bấy chiên bơ sốt trứng muối), đọc chữ “bấy” đã thấy ghê, và thực đơn này

chất béo quá nhiều.

Chưa kể nhìn thực đơn chẳng thấy tinh hoa của văn hóa ẩm thực Việt hay Tây cho xứng tầm quốc yến. Và điều nữa cho thấy sự thiếu sót của thực đơn là không biết dùng rượu gì – thức uống gì – của ai?

5- Không hiểu ai là người tư vấn hay chính cô ca sĩ Mỹ Linh tự ý biến tấu Quốc ca VN, hạ tone, hát một cách điệu đàng ẻo lả chậm rãi như bản kinh tụng buồn. Một bài quốc ca hùng tráng, mà cô hát cho khách nghe trở nên nhạt nhòa, lạnh lẽo và yếu xìu.

Cũng chẳng hiểu tại sao lại mời cô ca sĩ (mà màu thị trường đã làm cô không phải đại diện xuất sắc cho giới nghệ sĩ VN) này hát, trong khi… Tại sao không là một ca sĩ hát nhạc “đỏ”?

6- Điều ngạc nhiên và mắc cở cho Sài Gòn chính là việc sư trụ trì chùa Ngọc Hoàng mời khách cầu Phật có con trai. Một vị trụ trì chùa, không hiểu trình độ Phật học đến đâu mà có thể thấp kém kiến văn đến thế. Ông có biết là lời mời của của ông có thể xem là khiếm nhã cả với Phật Tổ và với khách có một nền văn hóa khác với VN.

[Sau đó nhà chùa đã lên tiếng đính chính, cho biết người mời ông Obama thắp hương cầu Phật cho có con trai không phải vị sư trụ trì mà chỉ là người làm công việc đón tiếp, hướng dẫn khách – chú thích của LNĐ]

7- Quà tặng của đương kim Thủ tướng cho khách, dù có gán vào chữ “Thông điệp ngàn năm”, với cái đầu rồng, thì nó vẫn là một vật phẩm thô, cứng và khó nhận ra đó có phải con rồng Lý- Trần?

Một món quà như cục gạch nặng tới 6kg chưa kể cái đế gỗ, y như ông nhà nông chém to kho mặn, ai mà vác cái cục đó nổi? Chưa kể không biết định giá cái món đồ gốm này bao nhiêu tiền, vì có thể nó cũng gây phiền toái đến khách (giữ lại hay sung công theo luật quà tặng của quốc gia họ).

8- Tất cả những gì khách thể hiện ở VN trong vòng 3 ngày không thể không nói một câu là bài bản chuyên nghiệp từng chi tiết (cho dù có thể diễn, có kịch bản..), nhưng đã thu phục trái tim người Việt.

Từ nụ cười thân thiện, cử chỉ gần gũi, không câu nệ những tiện nghi bình dân (ăn bún chả ngồi ghế nhựa không tựa, uống bia không ly, trú mưa quán bán trà đá, bắt tay người dân… và cả cử chỉ tháo nhẫn cưới để khi bắt tay không làm đau tay người khác…), cho đến những bài nói chuyện, những câu phát biểu tự nhiên, chân thành, không tỏ ra lúng túng và rất uyên bác, đều chứng tỏ “Tầm” của một chính khách bậc nhất của quốc gia số 1.

Phong cách của người Saigon vẫn khác

Tại Hà Nội, ra đón Tổng thống Obama chỉ là 1 con bé nhí nhố, tay chân vụng về, miệng cười thì toe toét, nhe hết cả răng ra, không hề biết thế nào là lịch sự và tôn trọng khi đại diện cho nước nhà ra tiếp đón 1 yếu nhân.

Bó hoa được trao tặng thì vừa to vừa đắt tiền nhưng chả mang ý nghĩa gì.

Tại Saigon, thì có người lớn tuổi đứng đắn ra đón Tổng thống, cô gái tặng hoa đi kèm thì biết đứng yên lặng 1 bên, cười không hở răng, điệu bộ trang nhã. Chiếc áo dài của 2 người cũng đúng là áo dài truyền thống, kín đáo mà sang trọng.

Bó hoa được trao tặng chỉ nhỏ và rẻ tiền thôi, nhưng là hoa sen, ẩn ý nói chúng tôi tuy phải sống trong bùn (cộng sản) nhưng chúng tôi vẫn là người Saigon, không nhiễm chút hôi tanh mùi bùn.

Còn riêng bà Kim Ngân chủ tịch quốc hội, thì qua cung cách cho cá ăn của mình, đã thể hiện rõ cho dù có xức hàng tấn nước hoa Chanel, thì bà vẫn khắm lặm mùi của Việt cộng.

Hoài Hương

[Và dĩ nhiên, “kỳ nữ Bến Tre” không đáng xách dép cho Elizabeth Phú, cô bé tỵ nạn cộng sản ngày nào nay trở thành một Cố vấn An ninh trong Tòa Bạch Ốc – một người đẹp đúng nghĩa “beautiful” mà LNĐ xin mượn câu thơ nối tiếng (trong vở Romeo & Juliet) của thi hào Shakespeare để xưng tụng: a rose by any other name would smell as sweet – một bông hồng dù gọi bằng danh xưng gì cũng tỏa hương ngọt ngào như thế]

Lão Ngoan Đồng (TVTS – 1576)