Biểu tình ở Mỹ và Úc đi sai hướng

24 Tháng Sáu, 2020 | Bình Luận
Người dân biểu tình tại thành phố Sydney. (Photo courtesy: Reuters)

“Mạng sống của người da màu đáng giá” – đó là điều hiển nhiên. Đấu tranh đòi sự công bằng đối xử với người da màu cũng là điều hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, dùng bạo lực, phá hoại nhà cửa đường sá, cướp bóc, hành hung cảnh sát… là không thể chấp nhận được. Từ một động cơ có ý nghĩa nhân văn, các cuộc biểu tình “Black lives matter” ở Mỹ đã đi xa khỏi đấu tranh đòi công bằng sắc tộc, mà ngược lại càng làm gia tăng sự chia rẽ.

Ít nhất 11 người đã bị giết hại trong những cuộc cướp bóc trong đó có nhiều người là người Mỹ gốc Phi. Nhiều khu dân cư bị phá hoại nặng nề, hàng trăm các cửa tiệm lớn nhỏ bị cướp bóc đập phá. Những hành vi đến độ cực đoan như bắt người da trắng quỳ ngay tại lề đường xin lỗi chỉ vì “có đặc quyền da trắng”. Tất cả những điều đó có mang đến sự thay đổi tích cực trong xã hội? Có giúp cho gia đình của George Floyd và cộng đồng người da đen?

Những vấn đề cốt lõi trong xã hội Mỹ đó là: phân biệt sắc tộc vẫn còn tồn tại, nhiều vấn đề tội phạm trong cộng đồng người da đen, và một mức độ bạo lực cao trong các hành vi của cảnh sát. Theo số liệu từ tổ chức nghiên cứu ‘Mapping Police Violence’, chỉ riêng trong năm ngoái đã có hơn 1,000 người bị giết chết dưới tay cảnh sát. Trong số đó, người da đen chiếm 24%, mặc dù họ chỉ chiếm 13% tổng dân số.

Đó là những vấn đề lớn đối với nước Mỹ, mà chắc chắn rằng bạo động, thái độ thù địch và sự phân cực xã hội sẽ không bao giờ giúp mang đến câu trả lời.

Còn ở Úc, cuối tuần qua chúng ta chứng kiến hàng chục nghìn người trên khắp nước Úc xuống đường trong các cuộc biểu tình đi theo phong trào Black lives matter. Họ kêu gọi sự công bằng cho George Floyd trong mối liên hệ với những người Thổ dân Úc chết trong thời gian bị cảnh sát giam giữ.

Trong khi các lãnh đạo liên bang, tiểu bang và người đứng đầu ngành y tế kêu gọi các nhà tổ chức ngừng tiến hành do lo sợ rủi ro lây nhiễm coronavirus, hàng nghìn người tại các thành phố vẫn tụ tập biểu tình, phá vỡ các quy định giãn cách xã hội.  Rõ ràng, việc tụ tập lên đến hàng chục nghìn người trong thời điểm này có thể gây ra một hệ quả y tế khó lường. Họ đã đánh cược sự an toàn của bản thân và cộng đồng, và có thể đảo ngược lại tất cả những thành công chúng ta đạt được trong sự đánh đổi hoàn toàn về kinh tế và đời sống xã hội những tháng vừa qua. Câu hỏi là – có đáng không?

Số liệu từ Viện Nghiên cứu Tội phạm Úc (Australian Institute of Criminology) cho thấy có 393 người Úc gốc Thổ dân đã chết trong khi bị giam giữ hoặc do cảnh sát  trong giai đoạn 25 năm từ 1991 đến 2016. Trong khi con số đó với người không phải Thổ dân là 1,651 người.

Số lượng này cũng đã giảm dần đều từ bấy đến nay, giảm nhiều hơn so với nhóm người không phải gốc Thổ dân. Đã có những cái chết oan trong những người Thổ dân bị bắt giữ, tuy nhiên hầu như không có dữ liệu cho thấy nguyên nhân của những cái chết trong nhà tù hay dưới tay cảnh sát xuất phát từ phân biệt sắc tộc.

Nhưng, một thực tế rất đáng buồn đó là, số lượng tù nhân gốc Thổ dân chiếm tới gần 30 phần trăm trong các nhà tù tại Úc, trong khi chỉ chiếm chưa tới 3 phần trăm dân số. Như vậy, những vấn đề tội phạm trong cộng đồng người Thổ dân là có thật, và cần giải pháp. Nếu như những người biểu tình trên đây thực sự mong muốn giúp đỡ họ, thì việc giúp loại bỏ nạn bạo hành gia đình, rượu bia, ma túy, thất nghiệp trong cộng đồng người Úc Thổ dân mới là vấn đề thực sự cần chú tâm đến.

Trên thực tế, chính phủ đã áp dụng  nhiều các chính sách hỗ trợ cho cộng đồng người Thổ dân, với những khoản trợ cấp cho giáo dục, y tế và hỗ trợ việc làm. Những người tâm huyết trong cộng đồng cũng đã dẫn dắt các tổ chức nhằm giúp cải thiện các vấn đề xã hội tại đây. Đó là điều họ cần.

Nếu như có điều tương đồng giữa cộng đồng người Thổ dân tại Úc và người gốc Phi tại Mỹ, thì đó là, họ đều là những công dân muốn hòa nhập vào cộng đồng một cách tự nhiên, được đối xử một cách bình đẳng, thay vì sự chia rẽ. Và, lòng bao dung, chứ không phải giận dữ và thù hận, mới có thể giúp làm lành vết thương.

 

(Trích từ báo in TVTS số 1785 phát hành ngày 10.06.2020)