Bộ Tứ đủ sức đối đầu với Trung Cộng

24 Tháng Ba, 2021 | Bình Luận

Một hội nghị lịch sử ảnh hưởng đến khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương đã diễn ra vào cuối tuần qua giữa lãnh đạo bốn quốc gia gồm Mỹ, Nhật, Ấn Độ và Úc qua màn hình trực tuyến với múi giờ khác nhau giữa các quốc gia. Thủ tướng Scott Morrison đã có nụ cười tươi và thân thiện chào Tổng thống Joe Biden, Thủ tướng Yoshihide Suga, Thủ tướng Narendra Modi bằng câu “good morning” và cho biết ở Úc đang rạng đông (Thứ Bảy) bởi vì tại Nhật hay Ấn trời chưa sáng hay còn khuya, và tại Mỹ vẫn còn là chiều Thứ Sáu.

Đây là một hội nghị mà thế giới, đặc biệt là các nước Á Châu quan tâm theo dõi kể từ ngày The Quadrilateral Security Dialogue thành hình vào năm 2017 được gọi tắt là The Quad (Đối Thoại An Ninh Bốn Bên hay gọi tắt Bộ Tứ Kim Cương hay gọn hơn là Bộ Tứ).

Đối Thoại này được khởi xướng bởi Thủ tướng Nhật Shinzo Abe với sự hỗ trợ của Phó Tổng thống Mỹ Dick Cheney, Thủ tướng Úc John Howard và Thủ tướng Ấn Độ Mannohan Singh. Song song với sự thành hình Đối Thoại là một cuộc tập trận có tên là Thao diễn Malabar (Exercise Malabar). Nhưng vì Đối Thoại được coi ra đời nhằm chống lại sự bành trướng về kinh tế và quân sự của Trung Cộng và do Bắc Kinh phản đối, nên ngay sau khi Thủ tướng Kevin Rudd lên cầm quyền, Úc đã rút ra khỏi Đối Thoại để tránh làm phật lòng bạn hàng lớn nhất của Úc. Bộ Tứ vì vậy không còn nữa kể từ năm 2008.

Chỉ đến khi Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull cầm quyền và thảo luận với Tổng thống Donald Trump, Thủ tướng Abe, Thủ tướng Modi, Bộ Tứ hoạt động trở lại và Úc đã được Ấn Độ mời tham gia cuộc tập trận hải quân Malabar vào năm ngoái.

Trong những năm vừa qua, hoạt động của Bộ Tứ chỉ qua những cuộc họp cấp ngoại trưởng, nhưng tuần qua Bộ Tứ đã nâng Đối Thoại lên một tầm cao hơn, đó là lần đầu tiên lãnh tụ của bốn quốc gia trong Bộ Tứ họp để thảo luận những vấn đề được coi là cấp bách và sống còn của khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương. Người ta nói rằng sở dĩ các thủ tướng và tổng thống họp vì tình hình an ninh và quân sự trong vùng căng thẳng do thái độ quyết chiến của Trung Cộng đối với khu vực, đặc biệt là ở vùng Biển Hoa Đông và Biển Đông.

Nhưng Hoa Kỳ đã tìm cách hạ nhiệt bằng cách cho rằng Bộ Tứ quan tâm về vấn đề nạn dịch Covid-19, khí hậu thay đổi. Thật vậy, Mỹ và Nhật sẽ chi tiền để sản xuất 1 tỉ liều vắc-xin chích một mũi Johnson Johnson tại Ấn Độ, tạo công ăn việc làm cho một đồng minh có 1.380 tỉ dân và Úc sẽ chi $100 triệu đô la và đóng vai trò phân phối cho các quốc gia trong vùng Đông Nam Á và Châu Đại Dương. Sản xuất thuốc chủng ngừa của Mỹ ngay ở Ấn Độ cũng là cách để giảm bớt ảnh hưởng của Trung Cộng đối với những nước nghèo đang bị Bắc Kinh dụ mua vắc-xin Tàu với giá rẻ. Tên của Trung Quốc không được nhắc đến trong Đối Thoại.

Cuộc họp của Bộ Tứ xảy ra đúng lúc Quốc hội Trung Cộng đang họp để thông qua luật kiềm chế người dân Hồng Kông. Tuần qua, Chủ tịch Tập Cận Bình tuyên bố các lực lượng vũ trang phải ở trong tư thế chiến đấu và sẵn sàng đáp trả trước những tình huống phức tạp hiện nay và phải cương quyết bảo vệ sự vẹn toàn lãnh thổ, an ninh và lợi ích của Trung Quốc.

Tờ Hoàn cầu Thời báo vừa đe dọa trừng phạt kinh tế Úc vừa cho rằng Bộ Tứ chỉ là màn trình diễn chứ chẳng làm nên cơm cháo gì, nhưng tự họ cũng đã biết sức mạnh và ý chí của Bộ Tứ này. Nhật có tranh chấp trên biển (đảo Senkaku) và Ấn đã đụng độ ở biên giới (Ladakh) với Trung Cộng năm ngoái nên Ấn càng quyết tâm hơn với Mỹ và Úc cũng như Nhật để bảo đảm an ninh cho chính họ và tự do hàng hải trong Biển Đông nơi Trung Cộng tuyên bố có 90% chủ quyền.

Lâu nay, nhiều doanh gia Úc vẫn không tin vào mộng bá quyền của Bắc Kinh nên không chịu nghĩ đến việc tìm một thị trường khác. Nay với Bộ Tứ, Úc sẽ được bảo đảm hơn về an ninh lẫn mậu dịch. Sức mạnh quân sự của 4 nước không thể là chuyện đùa hay để chỉ trình diễn. Dân số 1.862 tỉ người, (thế giới 7.8 tỉ) cũng đủ cho họ sản xuất và tiêu thụ với nhau trong Bộ Tứ. Một cuộc chiến ở trong vùng với Trung Cộng là điều không tránh khỏi, do đó Bộ Tứ là một liên minh cần thiết. Mừng thay!

 

(Trích từ báo in TVTS số 1825 phát hành ngày 17.03.2021)