Đài Loan: khúc xương khó nuốt của Tập

08 Tháng Mười Hai, 2021 | Bình Luận
Một buổi lễ thượng cờ ở Đài Bắc, Đài Loan (ảnh tư liệu, tháng 3/2018). Photo courtesy: Reuters

Đài Loan là nơi đóng đô Trung Hoa Dân Quốc, tên của một nước được thành lập năm 1912 sau Cách mạng Tân Hợi. Nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc (Trung Cộng – TC) được thành lập từ năm 1949 sau khi Mao Trạch Đông đánh thắng Tưởng Giới Thạch nhưng Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan) vẫn được đa số các quốc gia trên thế giới công nhận, tiếp tục là một trong năm thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên hiệp quốc (LHQ) với tên chính thức Trung Hoa Dân Quốc.

Sau khi Mỹ bắt tay với Trung Cộng để cô lập Liên Xô thì đến ngày 25.10.1971, một nghị quyết thừa nhận Cộng Hòa Nhân Dân Trung Quốc là thành viên mới đã được Đại hội đồng LHQ thông qua với 76 phiếu thuận, 35 chống và 17 phiếu trắng. Tuy nhiên, chỉ đến năm 1979 Hoa Kỳ mới chính thức thừa nhận TC với chính sách “One China – Một nước Trung Hoa”, thiết lập ngoại giao với Bắc Kinh, cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan nhưng bảo đảm sự toàn vẹn của hòn đảo này bằng Đạo luật Đài Loan. Từ đây Trung Hoa Dân Quốc bị gọi là Đài Loan, bị các nước lần lượt rút quan hệ ngoại giao cấp đại sứ và đến nay chỉ còn 15 nước nhỏ trên thế giới duy trì quan hệ cấp đại sứ trong đó có Vatican.

Nhưng điều đó không có nghĩa là một quốc gia có 23 triệu dân mất chủ quyền về lãnh thổ cũng như chính trị. Nhiều  nước vẫn duy trì giao dịch thương mại qua việc đặt văn phòng kinh tế và văn hóa song phương. Tổng thống Tưởng Giới Thạch chỉ không còn chủ trương chiếm lại Hoa Lục sau khi Hoa Kỳ thừa nhận chỉ có một nước Trung Hoa  nhưng điều này không có nghĩa Đài Loan là một tỉnh ly khai của Trung Cộng, về mặt công pháp quốc tế cũng như thực tế.

Sở dĩ TC đòi thống nhất Đài Loan, coi Đài Loan là phần đất ly khai mà thế giới –gồm Hoa Kỳ và các nước tây phương— không phản ứng bởi họ muốn làm ăn với TC, một thị trường với dân số lớn gấp 60 lần Đài Loan. Và khi TC đã mạnh về kinh tế lẫn quân sự, họ mạnh miệng dọa thống nhất Đài Loan bằng vũ lực. Sự đe dọa này  đã lên cao dưới thời Tập Cận Bình và dấu hiệu cho thấy một cuộc chiến giữa TC và Đài Loan sẽ xảy ra trong vòng năm, sáu năm như các chuyên gia quân sự Hoa Kỳ thẩm định.

Tháng rồi, qua hội nghị trực tuyến lần đầu tiên giữa Tập Cận Bình và Tổng thống Joe Biden, ông Tập đã cảnh cáo Mỹ và các đồng minh về việc xía vào chuyện Đài Loan vì những ai chơi với lửa sẽ phỏng tay. Nhưng tuần qua, Tổng thống Biden đã lập ra một hội nghị mới được ông đặt tên là Thượng đỉnh Dân chủ (Democracy Summit) dự trù sẽ tổ chức trực tuyến vào ngày 10 tháng 12 này. Trong số 109 quốc gia được mời, có Đài Loan. Dĩ nhiên TC không được mời.

Một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Đài Loan cho rằng lời mời tham dự Thượng đỉnh Dân chủ một lần nữa xác định nỗ lực của Đài Loan trong việc thăng tiến các giá trị dân chủ và nhân quyền của đảo quốc trong thời gian qua, và càng ngày càng được thế giới thừa nhận.

Đài Loan là một nước độc lập có chủ quyền từ năm 1949, thành viên của LHQ cho đến năm 1971. Cách đây đúng 50 năm, 76 trong số 128 thành viên LHQ nhìn nhận TC là chủ của Hoa Lục không có nghĩa Đài Loan bị trở thành một tỉnh ly khai. Không phải lúc nào kẻ mạnh, độc tài cũng có lý. Đa số dân Đài Loan không cảm thấy họ có sự ràng buộc nào đối với Hoa Lục về chủng tộc cũng như lịch sử. Như bà Tổng thống Thái Anh Văn, họ là người Đài Loan. Họ không muốn bàn thảo về chuyện “một quốc gia hai thể chế” như trường hợp Hồng Kông. Họ muốn tự quyết định vận mạng đất nước họ. Hoa Kỳ đang tiếp tục cho Đài Loan cũng như thế giới thấy rõ ràng sự ủng hộ của Hoa Kỳ để Đài Loan tự quyết định tương lai của mình, thách thức hành động cô lập và đe dọa Đài Loan của TC.

Tuần qua tàu chiến Mỹ lại đi qua eo biển Đài Loan, là lần thứ 10 kể từ khi ông Biden lên cầm quyền cùng lúc các viên chức Mỹ và Đài Loan thảo luận về hợp tác thương mại. Một nước Lithuania nhỏ chỉ có 3 triệu dân ở vùng Biển Baltic bất chấp phản đối và đe dọa của TC để cho mở một “Văn phòng Liên lạc Đài Loan” (thay vì gọi Đài Bắc như TC yêu cầu) tại thủ đô Vilnius thì Mỹ có gì ngại khi giúp Đài Loan duy trì độc lập?

 

(Trích từ báo in TVTS số 1862 phát hành ngày 01.12.2021)