#MeToo: coi chừng tố cáo lạm dụng tình dục bị lạm dụng

17 Tháng Ba, 2021 | Bình Luận
Tòa nhà Quốc hội Australia ở Canberra. Photo courtesy: Reuters

Tuần qua, chính trường Úc nổi sóng khi một bộ trưởng trong nội các của Thủ tướng Scott Morrison đã ra mặt nhìn nhận là người đã bị truyền thông cho là người bị cáo buộc đã hiếp dâm một phụ nữ cách đây trên 30 năm và người này đã tự tử vào năm ngoái. Suốt gần một tuần lễ người ta không biết ai là người bị tố cáo trong số các vị bộ trưởng chính phủ liên bang. Sở dĩ ông bộ trưởng này quyết định họp báo để bác bỏ cáo buộc vì cảnh sát Tiểu bang New South Wales đã quyết định đóng hồ sơ điều tra vì không có những bằng chứng khả tín để tiếp tục điều tra.

Trước đám đông ký giả, Bộ trưởng Tư pháp Christian Porter, 50 tuổi, đã xúc động gần rơi lệ khi nói rằng cách đây 33 năm ông chỉ là một cậu thiếu niên, ông đã không hiếp dâm cô ta. Câu chuyện được cho là xảy ra vào tháng Giêng năm 1988 khi ông Porter còn 17 tuổi và cô gái kia 16 tuổi, cả hai đều là những người có biệt tài tranh biện, đi tham dự một sự kiện tại Đại học Sydney.

Nhưng phụ nữ này đã chỉ đi trình việc bị hiếp dâm với cảnh sát NSW vào đầu năm ngoái và tự tử vào tháng 6. Vài giờ trước khi chết, bà đã liên lạc với cảnh sát nói bà không muốn tiếp tục cuộc điều tra.

Trả lời báo chí ông có từ chức không, Bộ trưởng Porter nói ông không từ chức và cũng không tạm ngưng chức vì “Nếu tôi từ chức Bộ trưởng Tư pháp do một cáo buộc về một sự việc đã không xảy ra, thì hóa ra bất cứ người nào ở nước Úc cũng có thể mất sự nghiệp của họ, công việc của họ, việc làm trong đời sống của họ chỉ vì chẳng có gì hơn là một cáo buộc xuất hiện trên báo chí.

“Cuộc đời của bất cứ một đứa bé nào mà chúng ta nuôi khôn lớn đều cũng có thể  bị hủy hoại bằng những cáo buộc trên mạng. Tôi nghĩ nếu tôi từ chức, và điều này sẽ đặt ra một tiêu chuẩn mới, thì cũng chẳng cần có một vị bộ trưởng tư pháp vì sẽ không cần luật pháp cho lắm để bảo vệ ở đất nước này.

“Tôi sẽ không thuộc thành phần để cho sự việc này xảy ra khi tôi là Bộ trưởng Tư pháp. Tôi sẽ không từ chức hay tạm ngưng chức”.

Tuy nhiên ông bộ trưởng nói ông sẽ lấy một thời gian nghỉ việc để dưỡng tinh thần và sẽ nhờ chuyên gia tâm lý giúp đỡ. Thủ tướng Morrison bênh vực cấp dưới của mình và nói rằng ông sẽ hoan nghênh ông Porter trở lại làm việc trong chức bộ trưởng sau thời gian nghỉ dưỡng.

Thế nhưng đối lập và đối thủ không tha cho ông, Thượng nghị sĩ Penny Wong của Lao động và Thượng nghị sĩ Sarah Hanson-Yong của đảng Xanh cho rằng cần phải có một cuộc điều tra độc lập về cáo buộc này trong khi Thủ lãnh Đối lập Anthony Albanese ủng hộ cuộc điều tra pháp y tại Nam Úc nơi người đàn bà này chết và yêu cầu Thủ tướng Morrison phải làm cái gì đó. Cựu Thủ tướng Tự do Malcolm Turnbull cũng nhảy vào vòng tranh luận, nói rằng người ta không chắc tại sao bà ta chết nhưng biết chắc bà chết, vì vậy cần một cuộc điều tra. Một phụ nữ bạn của bà tự tử cũng yêu cầu chính phủ tiếp tục cuộc điều tra vì áp lực sẽ gia tăng chứ không giảm xuống.

Cho dù có tiếp tục điều tra nhưng người được cho là nạn nhân đã từng đi trình báo với cảnh sát vào năm ngoái, đã chết. Một sự việc đã xảy ra quá lâu, trên 30 năm, làm sao có thể tìm ra bằng chứng làm cơ sở để tòa xét xử? Theo nguyên tắc tố tụng, một bị cáo hay hay bị đơn được quyền đối chất với người tố cáo hay nguyên đơn. Nhưng trong trường hợp này, phụ nữ được cho là bị hiếp dâm đã chết thì làm sao có sự đối chất?

Một cuộc điều tra độc lập cũng sẽ dẫn đến tình trạng như điều tra của cảnh sát NSW, không có bằng chứng hay bằng chứng không khả tín để đưa ra tòa.  Thế nhưng vẫn có những chính trị gia, nhà báo, những nhà hoạt động bảo vệ những nạn nhân bị hiếp dâm và sách nhiễu tình dục muốn làm cho ra lẽ. Đồng ý chúng ta phải bảo vệ và hỗ trợ các nạn nhân tình dục, nhưng quyền của người chưa bị pháp luật phán có tội cũng được tôn trọng. Trong trường hợp Bộ trưởng Porter, dù không có phiên tòa nào buộc tội ông đi nữa nhưng ông sẽ sống với cáo buộc mà không có cơ hội minh oan, bởi bà kia đã chết.

 

(Trích từ báo in TVTS số 1824 phát hành ngày 10.03.2021)