Thủ tướng Theresa May từ chức, Brexit về đâu?

12 Tháng Sáu, 2019 | Bình Luận
Thủ tướng Anh Theresa May. Photo Courtesy: Reuters

Nếu như ta thường vẫn nói về những chia rẽ trong nội bộ chính trị, trong cộng đồng xã hội tại Úc, thì có lẽ nó cũng chẳng là gì so với nước Anh ở thời điểm hiện tại. Nội bộ đảng bảo thủ cầm quyền chia rẽ. Các đảng phái chia rẽ, đảng mới mọc lên. Người dân cũng dần chia thành hai phía đối cực – một bên kiên quyết ra đi dù có thỏa thuận hay không thỏa thuận, còn một bên từ chối tất cả những gì liên quan đến Brexit.

Gần ba năm loay hoay đi tìm lời giải cho bài toán Brexit, Theresa May ngày càng trở nên cô độc trong cuộc li hôn với Liên minh châu Âu (EU), sự ủng hộ giành cho vai trò lãnh đạo của bà đi từ yếu ớt đến con số 0. Ba lần đưa ra đề nghị về một thỏa thuận rời EU lên Hạ viện Anh là ba lần bị chối bỏ. Để rồi cuối cùng, hồi thứ Sáu tuần qua, bà đã phải nói lời từ chức trong những giọt nước mắt “tiếc nuối”, bỏ giở giữa chừng công sức ba năm chỉ với mục tiêu mang lại một Brexit mà người dân Anh mong muốn.

Theresa May lên giữ vị trí lãnh đạo Đảng Bảo thủ Anh sau sự ra đi của cựu Thủ tướng David Cameron – người đã kêu gọi cuộc trưng cầu dân ý và đã vận động để ở lại EU. Đây là cú cá cược lớn của ông Cameron nhằm hàn gắn sự chia rẽ trong đảng Bảo thủ của mình sau nhiều những bất đồng trong mối quan hệ với Liên minh châu Âu. Nhưng ông đã thua, với 52% người dân Vương quốc Anh và Bắc Ireland bỏ phiếu rời Liên minh EU, để lại cho bà May nhiệm vụ dẫn dắt nước Anh trong hành trình tách khỏi EU.

Rời khỏi Liên minh châu Âu, đạt được một thỏa thuận có lợi cho nước Anh, và được quốc hội ủng hộ – đó dĩ nhiên là một đích đến lý tưởng nhưng cũng được coi là “ly rượu độc” mà bà May đã đặt ra cho vai trò của mình. Nếu không phải Theresa May, bất kỳ người nào khác ở trong vị trí của bà chắc cũng không tránh khỏi những thương tổn và những chướng ngại vật tàn khốc. Tuy nhiên cũng phải thừa nhận rằng, thất bại của bà May một phần lớn cũng đến từ những bước đi sai lầm về chính trị mà không còn cơ hội thay đổi.

Trong gần ba năm lãnh đạo, Theresa May bị nhiều chỉ trích là cố làm hài lòng mọi phía, nhưng kết cục không thành công đối với bất kỳ phía nào, và tự khiến bản thân bị xa lánh. Bà gánh toàn bộ việc đưa ra các bản kế hoạch, thương thảo với phía EU mà thiếu sự bàn luận thống nhất với các phía liên quan trong chính phủ, dẫn đến dần đánh mất sự tin tưởng của những người ban đầu ủng hộ bà.

Vào tháng Một năm nay, bà đã tránh thua chỉ trong gang tấc trong cuộc bỏ phiếu tín nhiệm tại quốc hội, sau khi bản kế hoạch Brexit của bà bị đa số bác bỏ với tỷ lệ chênh lệch kỷ lục trong lịch sử Hạ viện là 230 phiếu. Và vào tháng Ba, bà May thậm chí đã tuyên bố sẽ tự hy sinh chức vụ của mình nếu thỏa thuận Brexit mà bà đưa ra được thông qua. Nỗ lực cuối cùng trong tuyệt vọng này cũng không giúp bà thành công, vì cả hai lần đều bị từ chối.

Bà May sẽ vẫn tiếp tục vai trò của thủ tướng cho tới khi một lãnh đạo đảng Tory bảo thủ mới được lựa chọn. Những cái tên có triển vọng được đưa ra bao gồm Boris Johnson, Michael Gove và Dominic Raab. Trong khi quá trình lựa chọn sẽ có thể còn kéo dài, thời hạn cho Brexit chỉ còn cách ít tháng, đó là ngày 31 tháng 10 này.

Vấn đề là, một sự thay đổi người lãnh đạo không có nghĩa là phía hội đồng châu Âu tại Brussels sẽ thay đổi suy nghĩ và đưa ra cho nước Anh một bản thỏa thuận tốt hơn. Cơ hội phía EU có thể đưa ra chỉ có thể là tiếp tục gia hạn trì hoãn Brexit. Nếu như nhà lãnh đạo Bảo thủ mới quyết tâm rời EU với một thỏa thuận, có thể họ sẽ cần đến sự gia hạn này. Nhưng một giai đoạn kéo dài của những bàn luận, thương lượng cũng hoàn toàn có thể trở nên vô nghĩa như đã xảy ra với May.

Ngược lại, nếu nhà lãnh đạo tiếp theo nhất quyết tiến hành Brexit dù có hay không có thỏa thuận, thì Anh vẫn sẽ ‘dứt áo ra đi’ vào tháng 10. Và chuyện sau cùng có thể xảy ra đó là Anh thu hồi điều khoản 50 và ở lại EU. Nếu vậy, đây sẽ là một sự thất vọng nặng nề cho nền dân chủ Anh.

(Trích từ báo in TVTS số 1731 phát hành ngày 29.5.2019)