Vấn đề kỳ thị và phong trào chống kỳ thị

14 Tháng Tư, 2021 | Bình Luận
Phong trào tuần hành yêu cầu chấm dứt bạo lực nhằm vào người gốc Á tại Mỹ. Photo courtesy: CNN

Sau khi phong trào ủng hộ Black Life Matters và những cuộc xuống đường chống kỳ thị người da đen tạm lắng với việc ông Joe Biden và bà Kamala Harris đã yên ổn ngồi trong Tòa Bạch ốc, phong trào chống kỳ thị người Á Châu bùng nổ. Phần lớn các báo chí Việt ngữ ở Hoa Kỳ đều cho rằng vụ giết tám người trong đó có sáu người Á Châu tại các tiệm mát-xa ở Thành phố Atlanta có động cơ kỳ thị người Á Châu. Một số cây viết chuyên dùng bút hiệu ở trên một số mạng lưới tấn công tới tấp những người từng đi biểu tình ủng hộ ông Donald Trump với cờ vàng (tức cờ Việt Nam Cộng Hòa) nhưng bị cho là im re không lên tiếng hay ra mặt chống bọn da trắng thượng đẳng của phe ông Trump tấn công người Á Châu và cả người Việt Nam.

Và cũng có một vài nhà báo xuất hiện trên YouTube chê trách nhẹ nhàng những hội đoàn, tổ chức chính trị không lên tiếng, hay nói xách mé những người ủng hộ ông Trump đã tỏ ra dửng dưng trước việc người Á Châu và người Việt bị tấn công hồi gần đây.

Dĩ nhiên, một số tổ chức chính trị của người Việt và nhất là các chính trị gia gốc Việt (phần lớn thuộc đảng Dân chủ) đã chụp cơ hội này để  hô hào và tụ họp quần chúng sau lưng họ cho mục tiêu chính trị của họ.

Và ra vẻ như lời kêu gọi hay thách thức cộng đồng Việt Nam “im lặng” trước sự kỳ thị người Á Châu đã có tác động nên cuối tuần qua, có thêm một cuộc biểu tình “tự phát” đã diễn ra ở một công viên trong thành phố Fountain Valley thuộc Quận Cam, California. Ngoài một số người Mỹ da trắng, sắc tộc khác, người ta thấy có những người trẻ gốc Việt mang những biểu ngữ như “Stop Asian Hate” đứng bên cạnh những lá cờ vàng và cờ hoa, cắm ở lề công viên.

Kỹ sư Tạ Trung, đại diện của ban tổ chức nói:  “Cuộc tuần hành hôm nay để gióng lên tiếng nói chung của người Mỹ gốc Việt tại Nam California. Ngoài ra, cộng đồng người Mỹ gốc Việt phải đoàn kết, cùng đồng hành với các cộng đồng người AAPI [người Mỹ gốc Á Châu và Thái Bình Dương] để có những biện pháp phản đối kỳ thị chủng tộc, ngăn chặn những hành động thù ghét nhắm vào người Á Châu, không để chúng tái diễn trong tương lai”.

Chống kỳ thị là điều nên làm và phải làm. Luật pháp Hoa Kỳ và của những quốc gia dân chủ đều có những đạo luật để bảo vệ người dân trước sự kỳ thị, dù đó là kỳ thị bằng bạo lực hay chỉ bằng lời nói hay chữ viết. Tại Úc đã có những nhà báo bị kiện vì viết hay nói những lời kỳ thị chủng tộc. Nhưng liệu luật pháp có bảo đảm trăm phần trăm người dân khỏi bị kỳ thị chủng tộc không, lại là chuyện khác.

Hoa Kỳ bị mang tiếng là quốc gia có sự kỳ thị kể từ thời lập quốc. Sự kỳ thị đó không chỉ giới hạn đối với người da đen gốc Phi Châu. Người da màu La-ti-nô như Mễ Tây Cơ cũng bị kỳ thị từ thời khai phá Miền Viễn Tây. Người da vàng gốc Trung Hoa như thời tìm vàng ở California. Martin Luther King cũng chỉ giúp giảm nạn kỳ thị một phần. Và tại sao phong trào Black Life Matters ra đời trong thời kỳ Barack Obama là người da đen đầu tiên đang làm tổng thống?

Chớ cho rằng chỉ  ở Mỹ mới có kỳ thị. Ở Trung Quốc hay Nhật, thậm chí cả ở Việt Nam cũng có sự kỳ thị chủng tộc. Là người Việt Nam, độc giả chắc cũng có kinh nghiệm sự kỳ thị miền, giọng nói. Tóm lại, đã là con người, hẵn có sự kỳ thị. Vấn đề là chính phủ phải ngăn chặn bằng những hình phạt và giáo dục. Chỉ có giáo dục và nâng cao đời sống của người dân thì nạn kỳ thị sẽ giảm.

Nhiều nhà lãnh đạo Mỹ, các chính trị gia và báo chí Mỹ và Việt cho rằng sở dĩ nạn kỳ thị bùng phát mạnh mẽ là do các chính sách của ông Trump và việc ông ta gọi cúm corona virus là China virus và người Việt gọi là Dịch Vũ Hán, làm người Mỹ da trắng thượng đẳng tấn công người Á Châu. Vậy người  đàn ông tấn công phụ nữ lớn tuổi gốc Phi Luật Tân ở New York một cách quá tàn bạo vào cuối tháng vừa rồi có phải Mỹ da trắng không? Và thanh niên bắn chết 8 người ở Atlanta có phải chỉ vì thù ghét người Á Châu không?

Chớ hùa theo phong trào và chớ lên mặt đạo đức để dạy người khác. Thay vì gọi Wuhan’s virus, gọi CCP’s virus hay Xi’ virus có là kỳ thị chủng tộc không?

 

(Trích từ báo in TVTS số 1828 phát hành ngày 07.04.2021)