SÀI GÒN: HÀNH TRÌNH ẨM THỰC & VV… (11) Sài Gòn ăn tối

07 Tháng Tư, 2008 | Ăn uống

  

Tôi thuộc “típ” thường bị bà vợ làu bàu là “Ăn thì ăn những miếng ngon, làm thì lựa việc cỏn con mà làm”, nên mong rằng bạn sẽ không đến nỗi phải thất vọng trong vấn đề phục vụ ông thần khẩu.

 

Từ khoảng 6, 7 giờ chiều trở đi là sinh hoạt ẩm thực ở Sài Gòn bắt đầu ì xèo ghê gớm. Việc chọn lựa hàng quán do đó cũng trở thành một vấn đề nhiêu khê, khi bạn có cảm tưởng như đang ở giữa một rừng tiệm ăn, tiệm nhậu. Bạn chắc sẽ ú ớ khi được hỏi muốn đi ăn gì, tiệm nào vào buổi tối. Thôi, trước hết để giải quyết vấn đề một cách mau chóng, ta sẽ làm một màn “ẩm thực tổng quan” bằng cách đến với những địa điểm phục vụ “buffet”, dân Sài Gòn gọi là nơi bán những “món ăn tự chọn”.

 

Đúng như tên gọi, bạn tha hồ chọn lựa thức ăn và tha hồ ăn cho đến khi không còn tọng hay nhồi nhét vào đâu được. Những món ăn dân dã bạn đã thưởng thức qua, vậy ta khỏi cần lên đến tận khu Bình Quới để có thể tự chọn những món khoái khẩu trong số khỏng 70 món dân tộc khác nhau. Cũng chả cần bước vào khách sạn Bông Sen là nơi thỉnh thoảng tổ chức những buổi “Buffet Gánh Rong”.

 

Những món ăn đầy tình tự quê hương này, bạn đã từng nếm thử ở những phần trước của cuộc hành trình.  Những nơi đó chỉ có vẻ lạ khi tụ tập được nhiều món quà dân tộc để bán theo kiểu “buffet”, dĩ nhiên không sao so sánh được với những địa điểm chuyên bán một hai món đặc biệt nào đó. Lượng thì có, nhưng phẩm không có gì đáng nói. Đáng nói chỉ ở cái không khí ồn ào, nhộn nhịp cho vui.

 

Để thay đổi không khí, mời bạn đến với những địa điểm “buffet” thuộc hàng cao cấp hơn với nhiều món khoái khẩu.  Đại khái, giá cho một suất ăn “tự chọn” khoảng từ 15 đến 20 “đô” tại  các khách sạn như Caravelle, Renaissance, Sofitel, Omni, Sheraton, vv…

 

Caravelle là một trong vài địa điểm “Buffet” được chiếu cố nhiều nhất với giá cả vừa phải, thức ăn tươi rói và nhất là bạn có quyền uống vang trắng hay đỏ tùy thích. Hai cái thùng tròn đặt nằm chứa hai loại  rượu đó hấp dẫn lạ thường đối với những đệ tử lưu linh.  Chẳng phải là loại rượu ngon gì cho lắm, nhưng ai có chủ trương “quí hồ đa” tức cứ quí hồ nhiều là được, sẽ cảm thấy hài lòng. 

 

Trong khi đó, tại nhà hàng “buffet” ở tầng dưới kháchsạn Renaissance, ngay bờ sông Sài Gòn, thì bạn lại có quyền ních bia “Tiger” thả dàn, tha hồ vào ra… toilette đều đều. Chỉ có bia hơi “Tiger” miễn phí mà thôi, các loại bia đóng chai khác bạn có quyền chi đẹp. Và tuy là “buffet”, nhưng bia bọt lại được phục vụ tại bàn với ly tách sạch sẽ, bóng loáng đúng tiêu chuẩn quốc tế, lịch sự ra gì. Tại khách sạn Sofitel hay Sheraton, bạn phải chi cho vấn đề bia bọt trong khi mặc sức đớp linh đình và phủ phê.

 

Nếu bạn nghiện sushi, sẽ thấy hài lòng khi được tung hoành tại quầy bầy các loại cá sống, những loại “nigri” và “maki”. Đừng khó tính, đừng “được voi đòi tiên” để ấm ớ đòi hỏi những loại sashimi cao cấp hơn khi bạn chỉ chi chưa đến một nửa chầu sushi ở hải ngoại. 

 

Chưa kể phải chi cho phần bia, phần rượu. Ai khoái “seafood” sẽ cảm thấy… lời to, đáng đồng tiền bát gạo khi được thưởng thức  không giới hạn nhiều loại tôm, ghẹ, sò, hào tươi rói. Muốn nướng hay hấp tùy ý. Chỉ cần cho người phục vụ nơi quầy thức ăn biết, sau đó tà tà trở về bàn chờ đợi sẽ có người mang tới tận nơi vài phút sau.  Trường hợp đó, tôi và bạn đã thấy tại Renaissance với những nhân viên phục vụ vui vẻ và lễ độ.

 

Tuy nói là ăn “vô giới hạn”, thật ra cũng cần có tí quen biết và chút ”phe đảng” với những nhân viên phục vụ để có được những loại thức ăn cao cấp vừa kể.  Nếu khi thấy không còn những món đó trên quầy, tưởng hết mà không lên tiếng hỏi han thì sẽ bị phe lờ và không có được một sự cung cấp nào thêm. 

 

Những món đó thật ra cũng rất hạn chế, nếu đến muộn sẽ chẳng có hy vọng gì được thưởng thức. Hoặc chỉ được mang ra theo từng đợt khách.  Nếu mang ra thả cửa, e rằng những người đến sau chẳng có được miếng nào. Còn thịt thà theo lối Tây Phương như jambon, xúc xích, thịt trừu, thịt bò hay các loại “fromage”, “soupes” thì cứ tha hồ chiếu cố tại những nơi trên cũng như tại Omni, Sheraton, vv…. 

 

Ngoài những khách nước ngoài và Việt Kiều, thành phần thực khách bản xứ đến với những nơi này đều có vẻ là dân ăn nên, làm ra coi như “buffet” là một cái “mốt” thời thượng.  Có những gia đình dắt díu nhau đến với nguyên cả đội ngũ, trong số có cả chục đấng nhi đồng, chạy nhẩy lăng xăng, vui mắt đáo để.

 

Bạn không khoái không khí “buffet”, trong khi thèm một bữa ăn tối theo kiểu gia đình? Tiệm Hoàng Yến là nơi có thể đáp ứng sự đòi hỏi của bạn. Hoàng Yến có 2 cửa tiệm, một trên đường Ngô Đức Kế và một trên góc đướng Nguyễn Đình Chiểu (Phan Đình Phùng cũ) và Hai Bà Trưng, bề thế hơn tiệm trước rất nhiều. 

 

Tiệm sau là một trong những tiệm được nhiều người nhắc nhở khi đi cùng bạn bè hay gia đình ở xa về.  Lịch sự, sạch sẽ, phục vụ nhanh nhẹn là những điểm bạn sẽ ghi nhận được nơi Hoàng Yến. Chưa kể những món ăn ngon miệng  bạn và tôi đã thưởng thức như gỏi sò huyết, gỏi nghêu, dồi trường chấm mắm tôm cùng các món ăn cơm khác như canh chua cá bông lau,  cá trê chiên, bò xào bông hẹ, vv… Tổng cộng bữa ăn đó với 4 cái “Ken” là nửa triệu đồng, một số tiền quá lớn đối với một người dân có mức thu nhập trung bình ở Sài Gòn!

 

Đã lâu không ăn cơm Huế, hình như bạn có vẻ thòm thèm. Hỏi thăm, được vợ chồng Elvis Phương cho biết có “Quán 3 Miền” chuyên trị những món ăn Huế rất tới. Chẳng thế  bạn đã rủ tôi tới đó thêm 3 lần trong vòng một tháng, sau khi nếm thử lần đầu tiên! Người điều hành “Quán 3 Miền” không ai xa lạ, chính là người em trai của Trịnh Công Sơn.

 

Quán này nằm trong một ngõ trên đường Trần Quốc Thảo, cách bệnh viện Hoàn Mỹ vài căn, với một bảng hiệu ở phía trước ngõ không gây ấn tượng gì cho lắm. Phiá cưả vào được trang trí  bằng những nét đặc thù dân tộc, với chiếc cầu bắc ngang hồ nước, có cá bơi lội tung tăng, chung quanh là cây cối xanh tươi, thoáng mát.  Ngay như bảng hiệu tuy được làm bằng đèn “neon”, nhưng lại được gắn trên một cái mẹt to tướng, trưng lên gần nóc quán. 

 

Mặc dù tên gọi là “3 Miền”,  ý muốn nói có đủ các đặc sản của những miền Bắc, Trung, Nam. Nhưng đa số thực khách đến đây phần đông nhắm vào những món Huế, vì tin tưởng nơi chủ nhân là người chính gốc miền sông Hương, núi Ngự. Phòng ăn dưới nhà chật chội, nhưng lên trên lầu bạn sẽ cảm thấy thoải mái hơn, nhất là nếu được xếp ngồi ở  phiá ngoài “balcon”, với những tàng cây lớn lấp lánh ánh đèn như đêm… Noel. 

 

Chắc bạn còn nhớ, tối hôm đó bạn đã quất một trận thật đã đời vì thấy ngon miệng với món cơm mo cau.  Món này được phụ diễn bằng những món lỉnh kỉnh đặc biệt của miền Trung như  tôm rim, thịt rim, mắm ruốc xào thịt heo, muối mè, vv… đựng trong những đĩa nhỏ xíu đặt chung quanh phần cơm để trên miếng mo cau khô.

 

Chủ quán nói rằng mo cau khô được đưa vào từ miền Trung cho đúng điệu một trăm phần phầm trăm. Món sườn ram cháy ăn kèm với cơm mo cau cũng làm tăng khẩu vị một cách đặc biệt để ta ăn quên no, mặc dù trước đó đã khai vị bằng một số đặc sản khác như gỏi sưá, gỏi cá chẽm, bánh bèo và chả ram.

 

Nghe nhiều dân Sài Gòn đồn về một tiệm ăn tên Thanh Trà trên đường Nguyễn Trãi có nhiều món đặc biệt. Không ngăn nổi tính tò mò về đớp hít, tôi và bạn đã  vào tận nhà hàng khá lớn, cao 4 tầng này trong quận 5 để nghiên cứu mùi vị ra sao. Thanh Trà được trang trí theo kiểu lai Tầu và chia làm nhiều phòng ăn riêng biệt, hình như có cả những phòng đặc biệt dành riêng cho các đại gia. 

 

Có thể hôm đó xui xẻo, xuất hành lộn hướng hay sao mà bị thất vọng não nề. Nhân viên phục vụ thì chậm chạp, uể oải, chẳng có một nụ cươì nào dù là cầu tài.  Không khí có phần nặng nề ngay từ “phút đầu gặp em tinh tú quay cuồng” vì mặt em bí sị như bị… sa con trê, tức là đang đau khổ vì bệnh trĩ mà chưa đi cắt, đốt, cột.

 

Nhìn vào thực đơn, món nào cũng có những tên thật hấp dẫn.  Chọn cầu may món gỏi bưởi hải sản, chân vịt bách hoa, ruột heo chiên giòn, vv… với hy vọng sẽ lấy lại được tinh thần. Ngáp lên, ngáp xuống cả nửa tiếng đồng hồ mới được cô phục vụ tà tà mang tới, mặt vẫn luôn sưng xệ.  Không muốn trì hoãn sự sung sướng, bèn gắp lấy gắp để, nhưng để rồi mắt mũi trợn ngược lên bởi cách pha chế  không ra đâu vào với đâu của những món ăn.

 

Thế này thì hỏng kiểu: ruột chiên thì mềm xèo và dai nhách, gỏi bưởi thì đắng nghét, còn chân vịt bách hoa thì được rưới lên một thứ nước “sốt” đặc sệt, mùi vị thật là khó nhá. Bạn nhìn tôi ngao ngán vì không thể nuốt trôi mặc dù đã gọi thêm vài chai “Tiger” lấy khí thế.  Mặt bạn cũng đau khổ ra gì, không thua cô phục vụ là mấy, khi vừa lẩm bẩm gì đó – mà tôi nghĩ rằng không được văn chương, thanh tao – trong miệng, vừa móc bóp trả cái hoá đon tròm trèm cũng nửa triệu. Đúng là tiền mất, tật mang.

 

Lại cũng từ bữa ăn vô cùng thất bại này, đã suy ra thêm một kinh nghiệm đớp hít. Dù tiệm đó nổi tiếng ngon, nhưng thật ra cũng còn tùy thuộc nhiều yếu tố.  Nếu trong lúc khách hàng quá đông đảo, đầu bếp cũng như phụ bếp sẽ quyếnh quáng cả lên để pha chế, nấu nướng, trình bày một cách luôm thuộm và cẩu thả. Hoặc có những nhà hàng thay đổi đầu bếp theo từng “ca” trong ngày. Vớ vẩn gặp tay bếp nào còn non, ta đành phải ôm hận vì tức anh ách.

 

Ngược lại, nếu bước vào một tiệm ế khách, ta nên “bảo trọng” vì rất có thể được phục vụ những nón ăn biến chế từ những thực phẩm đã được cư ngụ trong tủ lạnh quá lâu ngày.  Cá, thịt thì phảng phất một mùi vị lạ kỳ.  Rau thì héo hắt, già nua chẳng đẹp mắt tí nào.  Còn nếu tin ở khoa bói toán thì chỉ còn biết kết luận là xuất  hành đi ăn không có đúng giờ, đúng hướng nên đã gặp một bữa thất bại ê chề.

 

Bạn đừng xị mắt ra làu bàu, mệt lắm. Tôi sẽ đưa bạn đến một nhà hàng nổi tiếng với những món ăn Bắc đặc biệt để ăn trả thù. Nhà hàng có tên Hương Rừng, có những đặc sản như rươi, chả cá, giả cầy, vó bò,vv… đặc biệt là ba ba và dê. Ông chủ quán chắc chắn phải là một tay sành điệu về ăn nhậu và có máu vô cùng văn nghệ nên đã đưa hai động vật là Ba Ba và Dê lên hàng cao cấp. 

 

Thọc tiết ba ba tại Hương Xưa

Đầu tiên ta nên khai vị bằng món  tiết và mật ba ba, một loại động vật sống ở các vùng đầm nhiệt đới, như miền đồng quê miền Bắc chẳng hạn.  Theo chủ quán, tiết và mật ba ba pha rượu vừa giúp được khí huyết lưu thông lại còn kích thích tiêu hoá, nghe sao ham quá. Thế là một chú ba ba được mang ra bên cạnh bàn thọc tiết và mổ lấy mật bởi những bàn tay nghề nghiệp. Chỉ một thoáng, một ly nhựa lớn trộn tiết với mật và rượu đã sớt vào những ly con cho từng người. Chơi vào một ngụm nóng ran cả người, ai nấy có cảm tưởng như máu huyết lưu thông rầm rập trong cơ thể, hưng phấn lạ lùng.

 

Vấn đề tâm lý ảnh hưởng đến ta một cách ghê gớm. Về thịt ba ba, chủ quán phán rằng có thể chữa được những chứng bệnh đau nhức, mệt mỏi và tăng cường sinh lực rất mạnh bạo.  Chú ba ba coi chậm chạp và lừ đừ như vậy, không biết sao có thể làm cho tăng cường sinh lực, nhất là đối với phái nữ vì thịt nó rất bổ âm. Tức cảnh ba ba, ông chủ quán đã sinh tình hứng chí làm một “thi phẩm ẩm thực” như sau:

 

“ Ba Ba um với chuối xanh”

“Em ăn sao thấy nhớ anh đêm ngày”

 

Tiếc rằng ở hải ngoại kiếm lõ mắt cũng chẳng có chú ba ba nào để um với chuối xanh cho bà nhà xơi!

 

“Sư Phụ” Dê cũng được nhà hàng Hương Xưa ưu ái một cách đặc biệt để ca ngợi ra rít hai món tiết canh dê và dê tái chanh. Ông nhận xét là tiết canh dê vừa ngọt, vừa mát lại vừa lành chứ không dữ dội như tiết canh chó.  Món sau chẳng biết sao không còn được khai thác nhiều tại những khu bán cầy tơ. 

 

Tác giả khó quên được món này nơi quán bán thịt cầy dưới chân Cầu kiệu trước năm 75.  Làm một đĩa tiết canh, xơi thêm đĩa thịt luộc, đĩa dồi và lòng cùng bát sáo măng.  Chiêu thêm vài xị nếp than để rồi được bà cụ chủ quán mời làm vài hơi thuốc lào ta thấy ôi chao, sao mơ mơ màng màng “đã” hết sức, dòng nước đục lờ nhờ dưới Cầu Kiệu khi ấy cũng nên thơ lạ lùng.

 

Ông chủ quán là người chắc chắn có nhiều nghiên cứu về dê, nên phán rằng “sư phụ” chỉ xơi lộc cây non và uống nước suối hoặc các nguồn nước sạch nên thịt ăn rất ngon.  Đối với phái nam, dê là loại thực phẩm bổ dương nên ăn vào thì cơ thể sẽ được tráng kiện với một nguồn sinh lực dồi dào. Từ đó có câu thơ rằng:

 

“Tái dê chấm với tương gừng”

“Ăn vào khí thế phừng phừng hơn dê”

“Đêm về em lại tỉ tê”

“Ngày mai anh cứ tái dê tương gừng”

 

Dĩ nhiên trong bữa ăn hôm đó, bạn và tôi đã được thưởng thức hai món đặc biệt này. Chả biết về đêm bạn có ai tỉ tê để xem sự “phừng phừng” có hiệu  nghiệm hay không?  Ngoài hai đặc sản trên, chắc bạn cũng không nhận ra được những nét đặc biệt của những món khác như giả cầy, chả cá hay vó bò do bị áp chế bởi hai món bổ âm và bổ dương trên. Chỉ riêng có món vó bò khi ăn nhai sừn sựt nên thấy hay ra gì.  Đến cái gót chân của bò cũng khai thác thành một món khoái khẩu kể cũng tài tình…