SÀI GÒN: HÀNH TRÌNH ẨM THỰC & VV… (bài 6) Sài Gòn cà phê, cà pháo…

18 Tháng Ba, 2008 | Ăn uống

Ai là người phàm tục tự nhận mình không thích hưởng, không khoái ăn uống là nói phét! Ai cũng chê ăn, chê uống hẳn các hàng quán ở Sài Gòn sẽ lâm vào tình trạng ế chảy cả ra đề rồi thi nhau “phẹc-mê-bu-tích”! Được cái là dân Sài Gòn rất ư chịu “hưởng” về đớp hít trong nền kinh tế thị trường hiện nay.  Nên ngoài các nơi ăn nhậu, không biết bao nhiêu là quán cà phê mọc lên đầy rẫy để cung ứng cho nền văn hoá ẩm thực thêm phần phong phú, phì nhiêu.

 

Dù túi bạn không được nổi cộm mà xẹp  lép  chỉ có 2, 3 ngàn, bạn cũng có thể ung dung đặt bàn tọa xuống chiếc ghế thấp lè tè của các quán cà phê lề đường, hoặc vào những quán của các chú Ba làm một ly cà phê “bí tất” (còn được gọi là cà phê vợt, cà phê vớ!) đỡ ghiền. Tại các quán lề đường, chị Ba hay cô Sáu sẽ nhoẻn nụ cười duyên để làm cho bạn một “phin” nóng hổi theo kiểu “cái nồi ngồi trên cái cốc”, cùng với bình trà nóng, đã từng được chế thêm mấy lượt nước sôi. Từ  những quán lề đường đó, dù chỉ trong một buổi sáng bạn cũng có thể biết sơ sơ những tin tức thời sự qua các anh tài xế taxi, những nhân viên các cửa hàng bách hoá, những công nhân thuộc đủ mọi ngành, vv… Bạn cứ  tự nhiên bắt chuyện. 

 

Mọi người sẽ tỏ ra vô cùng cởi mở để cho bạn biết hôm nay “1 vé” đổi được bao nhiêu, vàng hay xăng lên xuống thế nào, tay hải quan nào mới bị “tó” vì tham nhũng, hoặc các mánh hối lộ với những ngài cảnh sát giao thông.  Mỗi  quán cà phê lề đường là một đài phát thanh với những tin tức sốt dẻo nhất, nhiều khi quá nóng hỏi đến nỗi những người trong cuộc vẫn chưa hề biết! Những nơi này cũng là địa bàn hoạt động của các cô chú nhóc bán vé số và bán báo. Bạn sẽ hoa mắt với đủ loại vé số. Nào Sài Gòn, Bình Dương, Vĩnh Long, Cà Mâu, vv… đủ mầu, đủ sắc “tếch-ni-cô-lo”. 

 

Mắt bạn lại cũng sẽ loạn lên với đủ mọi thứ báo chí, trong số có những tờ được nhiều người mua nhất là Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Người Lao Động, Công An, Pháp Luật, vv… Những tờ khô khan như Nhân Dân, Quân Đội Nhân Dân, Sài Gòn Giải Phóng, vv… hầu như chẳng mấy được các phó thường dân quan tâm khi thiếu bóng những bài phóng sự, điều tra nhiều khi rất ư gay cấn, đi sát với sinh hoạt thường ngày.

 

Muốn mua những tuần báo, bán nguyệt san hay nguyệt san, đặc san, vv… với bìa mầu, giấy láng, chỉ bước một vài bước lại gốc cây lớn ngay góc đường bạn sẽ không khỏi giật mình khi thấy số lượng báo lên đến cả trăm. Lớp được treo tòng teng trên một khung gỗ với những sợi giây bắt ngang, để tựa sát gốc cây.  Lớp được bầy trên một sạp gỗ thấp lè tè. Hàng chục, hàng trăm người đẹp thi nhau cười toét tòe loe trên bìa báo.  Cô này đè lên cô kia, thân mật quá sức. 

Các cô lại còn thi đua nhau biểu diễn thời trang với đủ kiểu y phục, từ áo dài xuống tới những bộ quần áo “nghèo” và mát mẻ nhất. Nghe nói có đến trên 500 tờ báo được phát hành trên toàn cõi Việt Nam, khiếp chưa?

 

Chỉ riêng về mặt hình thức, phải công nhận đa số những tờ báo ở Việt Nam hiện nay được in ấn rất đẹp và không ít tờ dùng loại giấy láng và in “full color” từ đầu tới đít. Tuy nhiên cũng không ít báo lạm dụng mầu sắc quá độ hoặc khai thác phần “design” quá cỡ khiến độc giả dễ bị trở thành loạn thị hay loạn sắc. Ngồi cà phê lề đường, lơ mơ vài điếu thuốc lá lẻ, theo dõi tình hình qua báo chí và nghe cả chục chương trình phát thanh… tư nhân, phát ngôn vung vít, mua vài tấm vé số cầu may kể ra cũng thú vị! Chả có nơi nào có được cái không khí tạp lục Tùng Lâm như  những nơi này.

 

Nhiều nơi còn có sự lảng vãng, mời mọc của các chú bé đánh giầy, nhất là các chú biết bạn là Việt Kiều với đôi giầy da “ăn nói” láng coóng sẽ ra sức bám trụ ráo riết.  Dĩ nhiên bạn sẽ gật đầu OK. Vài ngàn đồng có là bao, trước mua vui sau làm nghĩa.  Nhất là sắp sửa có màn hẹn hò với bà xã tương lai tuổi còn rất nhí mà bạn đã hồ hởi bảo lãnh để đưa sang hải ngoại với hy vọng sống cho đến khi đầu bạc răng long.

 

Thật ra tóc bạn đã trắng phếu nếu không nhuộm, còn răng thì cái mất, cái còn nên đã phải nhờ cậy vào cái “máy nhai” vừa được lắp ráp ngay khi về tới  Sài Gòn để gỡ gạc cái vé máy bay. Nhưng theo kinh nghiệm của một Việt Kiều, nạn nhân của các chú bé đánh giầy thì bạn nên cẩn tắc vô áy náy. Chớ nên giao một lúc nguyên đôi giầy cho chú nhóc. Ta cương quyết chỉ giao một chiếc, chờ khi xong sẽ giao chiếc khác. Nếu giao nguyên con 2 chiếc thì rất có thể đôi giầy của bạn sẽ trở thành… đôi hia bảy dậm,  cùng chú nhóc tì bay vù về một nơi xa lắm, như ông bạn Việt Kiều của người viết đã gặp.

 

Cần đổi tiền Việt Nam để chi dùng mà không cần ra tận ngân hàng hay những quầy đổi tiền chính thức? Dễ ợt!  Cứ ngỏ ý với chị bán cà phê, sẽ có ngay “nhân viên đa dịch vụ di động” đến lấy “1 vé” của bạn, phóng Honda vù đi vài phút là bạn sẽ có tiền triệu trong túi, đủ để rủng rỉnh vào hết quán này đến tiệm khác.  Không khí ồn ào, bát nháo nhưng thân mật tại những nơi này thật khó tìm thấy tại những nơi bạn và tôi ở từ hàng chục năm qua.

 

Lâu lắm không về Sài Gòn, bạn muốn tìm lại một quán cà phê quen thuộc ngày nào chăng? Như  quán cà phê “Bố Già” chẳng hạn, nằm ngay trên đường Đông Du ở trung tâm Sài Gòn, chỉ cách đường Đồng Khởi (Tự Do) vài bước. Có thể bạn sẽ gặp lại vài bộ mặt quen thuộc cũng từ hải ngoại về đây tụ họp, tán phét và hướng dẫn nhau về các mục ăn chơi lỉnh kỉnh.  Anh nào cũng tỏ ra sành điệu, biết tường tận các nơi du hí và luôn luôn cho những địa điểm mình khám phá ra là “số dách”!

 

Nếu muốn gặp gỡ bạn bè kiểu dân chơi Việt Kiều, bạn có thể lững thững đến với Chu Bar tại góc đường Đồng Khởi và Lý Tự Trọng (Gia Long cũ). Như tên gọi của nó, Chu Bar thật sự là một địa điểm có sinh khí về đêm hơn sáng sớm, là thời điểm để những bộ mặt Việt Kiều uể oải, còn ngáp lên ngáp xuống bên ly cà phê, hẹn hò với nhau tính chuyện “bi-di-nét” hoặc hoạch định những mục ăn chơi trong ngày, bên cạnh những chiếc gối, đầy rẫy trên ghế nệm. Đây không phải là một tiệm “cà phê ôm” nhưng bạn có quyền tha hồ ôm… gối cho đỡ ghiền.

 

Trước kia Chu Bar có tên Spago, một thời cũng lẫy lừng tên tuổi và là nơi tụ họp của các trai thanh, gái lịch. Nếu bạn không khoái cái không khí hơi xìu xìu  vào buổi sáng ở Chu Bar, hãy dùng hết ly cà phê đen đá để rồi trở lại đây vào một buổi tối nào đó sẽ thấy một không khí rất khác biệt.  Đi trên đường Đồng Khởi, chắc chắn bạn sẽ thấy nao nao khi nhớ về những Givral, Continental, Pagode hay Brodard thuở nào. Toàn là những cái tên Tây gợi nhớ của một thời trong quá khứ.

 

Givral vẫn còn đây với cái “logo” như ngày xưa sau một thời kỳ mang một cái tên Việt Hoá. Nay Givral thuộc về khách sạn Bông Sen, nằm trong hệ thống Saigon Tourist nên cần giữ lại cái tên Tây để câu khách du lịch cho hợp tình, hợp cảnh. Đây cũng từng là nơi gặp gỡ của các nhà báo quốc tế cũng như các phóng viên Việt Nam Thông Tấn Xã trong thời kỳ chiến tranh sôi sục.  Đó cũng là một diễn đàn “chính chị, chính em” của những ngày xưa, và còn là nơi phát xuất những tin tức nóng hổi và sốt dẻo nhất.  Givral bây giờ vẫn còn đó, nhưng cái không khí có phần … trí thức dạo nào dĩ nhiên chẳng còn thấy đâu, ngoài một vài khuôn mặt ngoại kiều và Việt Kiều ngồi lim dim tìm về quá khứ.

 

Tất cả đều đã thay đổi hẳn để ta có thể gặp được những thành phần khác biệt tại nơi trước kia là chỗ lui tới của những khách hàng thuộc thành phần trí thức, thật cũng như giả! Dân Sài Gòn bây giờ bất kể thành phần, cứ có tiền là đâu cũng nhào vô cho biết với người ta.  Chả biết cái mùi Givral nó như thế nào mà được người xưa ca tụng là nơi lịch sự, thanh tao.  Vào rồi mới biết, Givral cũng… bình dân như ai.

 

Ngoài cà phê và giải khát, vào buổi sáng ta có thể gọi hủ tíu, bò kho, bún suông, vv… cho đỡ đói lòng.  Nhưng chớ đòi hỏi nhiều nơi những món này, vì được nấu theo kiểu “phổ thông hoá toàn cầu”. Xơi cho đỡ đói thì OK, những muốn cho đã mồm đã miệng thì chẳng OK chút nào. Bánh ngọt theo kiểu Tây cũng vậy. Bề ngoài đại khái giống Tây, nhưng ăn vào lại giống Tây… lai đáo để. Tác giả một lần nữa không tránh khỏi một sự phê bình chủ quan vì cứ tơ tưởng hoài về mùi vị và không khí của ngày xưa, nay đã lỗi thời.

 

Continental nằm bên kia đường bây giờ kín cổng, cao tường quá sức. Ngày xưa thông thoáng bao nhiêu, với cửa mở rộng toang  hoác về phiá công trường Mê Linh cũng như  đường Tự Do, thì bây giờ kín như bưng nên muốn vào nhấm nháp tí cà phê cũng ngại ngùng.  Nơi đây, so với Givral có phần lịch sự hơn với những chỗ ngồi tươm tất cùng những nhân viên phục vụ lễ độ và lành nghề. Tuy nhiên không khí có vẻ ngột ngạt nên chưa làm hết một ly cà phê đã muốn  dời đô. 

 

Bạn muốn tìm lại “Cái Chùa” La Pagode, một thời là nơi tụ họp của những văn nghệ sĩ, những vị học giả và học… thật? Vô ích, “Cái Chùa” đã trở thành nơi bán vé du lịch của Saigon Tourist rồi. Chẳng còn dấu tích nào của “Cái Chùa” ngày xưa, vào thời bạn và tôi lâu lâu dẫn đào địch vào đây một lần để chứng tỏ ta đây là người lịch lãm, văn chương chữ nghĩa bề bề.

 

Thôi, bạn đi với tôi lại thăm Brodard (một thời được đặt cho cái tên… phiên âm là “Bô Đa”) xem sao. Địa điểm này được xây cất từ năm 1932, từng là nơi tụ họp của những ông tây, bà đầm.  Sau đó được dành cho thành phần muốn làm sang như… Tây. Kế đến dân chơi thuộc lớp trẻ Sài Gòn tụ tập về đây, đông nhất là vào những chiều thứ bẩy. Từng cặp, từng cặp kéo nhau lên lầu ngồi rả rích bên ly kem hay ly cà phê suốt mấy tiếng đồng hồ cho đáng đồng tiền bát gạo.

 

Khoảng đầu thập niên 70, Brodard mang một không khí “bụi đời” hơn khi những đám choai choai và “hippy… yaourt” chọn nơi này làm tổng hành dinh. Brodard ngày nay tương đối còn giữ được phong cách thanh lịch ngày nào, với lề lối phục vụ của những nhân viên có tay nghề. Brodard cũng bán những món điểm tâm, nhưng không khác gì người anh em của nó là Givral nên ta chỉ cần ăn cho đỡ đói. 

 

Có lần thèm  đĩa thịt nguội, bèn “order” một phần. Nguội thì có nguội, nhưng thịt chỉ có vỏn vẹn 2 cái được gọi là “xúc xích”, nhưng thật ra là hai cái “hot dog” đóng hộp bé tẻo teo như… chim thằng cháu ngoại 2 tuổi. Thêm vào đó là vài lát “dăm bông” mỏng cùng một nhúm “ba tê” nhão nhẹt, được trang điểm thêm mấy lát dưa leo, vài miếng cà chua. Chấm hết. Muốn ăn cho no, không cần ngon, nhưng vẫn thấy bao tử cồn cào quá sức. Đành phải ăn độn bánh mì và một lát “bơ” cho đỡ nhớ nhà… hải ngoại. Brodard cũng thuộc khách sạn Bông Sen do Saigon Tourist quản lý.

 

Bên cạnh tiệm Café và nhà hàng Brodard trên đường Nguyễn Thiệp,  còn có cửa hàng mang cùng tên bán bánh mì, các loại bánh kẹo, chocolat, vv… là nơi được coi là dành cho khách du lịch và những khách sành điệu khoái (hoặc đua đòi… khoái ) những sản phẩm giống Tây, giống Mẽo. Brodard còn có một cửa hàng cà phê và nhận đặt các loại bánh cho những dịp như cưới hỏi, sinh nhật, thượng thọ, vv… trên đường Nguyễn Văn Trỗi bên Phú Nhuận dành cho những khách hàng sành điệu và… tập sành điệu theo đà văn minh tiến bộ hiện nay.

 

Với tình trạng phát triển ghê gớm về nền ẩm thực như bây giờ, chắc chắn bạn phải đồng ý với tác giả là ở Sài Gòn hiện nay cái gì cũng có, miễn bóp ví bạn rủng rỉnh và có thì giờ dành cho việc đớp hít.  Cũng trên đường Đồng Khởi và những con đường nhỏ cắt ngang, không kể những quán cà phê vỉa hè, còn vô số tiệm cà phê khác như  Montana, Bodega, Yoko, Wild Horse và nhiều nhiều nữa.

 

Trở về với những đường xưa, quán cũ rồi.  Mời bạn ghé vào một số quán cà phê khác cho biết. Bạn đừng có ý nghĩ đen tối là tác giả sẽ đưa bạn đến những quán “cà phê đèn mờ”, “cà phê ôm”, “cà phê võng” hoặc những “loại hình” cà phê lỉnh kỉnh khác. Mới buổi sáng, đến những nơi đó không hợp tí nào. Hơn nữa không biết gân cốt có được thư giãn không hay lại trở nên lỏng la, lỏng lẻo rất phiền phức, khó lòng thực hiện hết cuộc hành trình khi mỏi gối chồn chân. 

 

Hơn nữa, chẳng muốn “vẽ đường cho hươu chạy”, e rằng bạn sẽ chẳng còn được phép của bà xã cho về Sài Gòn, dù cho bạn có người thân đang ngáp ngáp. Ngay như người viết cũng không dám bén mảng đến những nơi đó (và nếu có, chẳng dại gì mà khai!), sợ rằng hạnh phúc gia đình sẽ bị đe doạ nặng nề. Thôi, ta cứ lo chuyện thư giãn cho nó lành mạnh. Giãn đến đâu, hay đến đó.

 

Bạn kiêng ngọt vì bị bệnh tiểu đường? Đừng lo, hãy cùng tôi đến với một quán cà phê không đường ở bên Bình Thạnh. Tên quán là Tri Nhân.  Hỏi sao không có đường mà vẫn cảm thấy vị ngọt ngọt, lẫn với vị đắng của cà phê. Anh chủ quán nhất định không chịu tiết lộ “độc chiêu“, chỉ cho biết vị ngọt  đó có từ những hột cà phê chín. Tin hay không, tùy bạn. Nhưng sau khi uống mà lượng đường không tăng là OK lắm rồi. 

 

Còn một quán cà phê khác cũng có một cách pha chế độc đáo đầy tình tự  dân tộc với hột cau khô và nước mắm! Công thức được chủ quán tiết lộ là mỗi ký lô cà phê, ông ấy trộn với hai hột cau khô xay nhuyễn cùng một muỗng canh nước mắm loại ngon.  Khách khứa vừa uống vừa khen lấy, khen để. Dần dần đâm ra ghiền cái mùi chát chát, thoang thoảng mùi mằn mặn nên trở thành khách hàng thường trực của cái quán cà phê lề đường này, nằm trên đường Lê Hồng Phong, trước kia là Petrus Ký.

 

Không thích ngồi cà phê lề đường hoặc không khoái ngồi máy lạnh vào buổi sáng, hãy đến những tiệm cà phê sân vườn.  Những tiệm cà phê loại này rộng rãi và thoáng mát với hoa lá cành xum xuê, hết sức “hoa đồng cỏ nội”, ngay giữa lòng Sài Gòn ồn ào và bụi bậm. Một trong những tiệm cà phê sân vườn đó là A.Q.

 

Tên tiệm chắc khiến bạn liên tưởng đến tác phẩm nổi tiếng của Lỗ Tấn?  Thật ra nó chẳng có liên hệ gì mấy, ngoài cách trang phục của nhân viên phục vụ với chiếc áo… lai Tầu. Đó chỉ là một cách chơi chữ của chủ quán, được giải thích là Authentic Quality, đại khái là “chất lượng thứ thiệt”, không dởm tí nào. Ít ra điều này cũng được thể hiện qua tách uống cà phê và gói đường có in chữ A.Q. đàng hoàng, lịch sự ra phết. 

Ngôi nhà được khai thác thành cà phê A.Q. là một trong những ngôi nhà cổ nhất ở Sài Gòn, được dựng lên cách đây 140 năm, nằm trên đường Mạc Đỉnh Chi. Cách cấu trúc của ngôi nhà này tuy theo lối Tây (nghe nói trước kia là dinh thự của một ông quan Tây trong ngành kiểm lâm) mang đậm nét Đông Phương cổ kính nhờ những khung cửa gỗ, những cột trụ hợp với nền nhà, lối đi ngoài vườn lát đá, tạo thành nét u mặc và thâm trầm đặc biệt.

 

Phiá trong được chia thành 4, 5  phòng nhỏ với những bộ bàn ghế bằng gỗ và mây, với những chiếc quạt trần cũ kỹ cùng với cách trang trí giản dị bằng các chậu gốm cắm hoa, các tượng gỗ đặc thù Việt Nam.

 

(còn tiếp)