Tạp ký của Trường Kỳ: Cali đớp hít (2)

30 Tháng Chín, 2008 | Ăn uống

 

 

Một tiệm khác mang một tên Tây rất quen thuộc đối với dân chơi Sài Gòn trước kia là Brodard, nằm tuốt trong New Saigon Mall. Tên thì tên Tây nhưng lại toàn là món… ta như cơm, phở hay Tầu… lai như hoành thánh suông. Được quảng cáo ở đây có món Phở Thái mà “hương vị không giống Trung Hoa và Việt Nam”. Ăn thử một tô, phải công nhận là… chẳng giống cái phở gì ráo trọi, tuy nhiên cũng có một mùi vị là lạ, ngộ ngộ.

 

Tuy nhiên gọi là Phở thì tội cho cái món Phở “độc quyền” của dân Mít ta quá sức. Gọi quách là hủ tíu Thái Lan cho xong. Đã có hủ tíu Triều Châu, hủ tíu Nam Vang, nay thêm hủ tíu Thái Lan cho đủ bộ.

 

Chả hiểu vì nguyên nhân gì mà New Saigon Mall vắng như chùa bà đanh cho nên Brodard cũng bị ảnh hưởng nẳng nề. Có lần ghé Brodard vào buổi trưa chỉ thấy có hai ông tài tử Huy Khanh và Trần Quang cùng người đẹp của anh ngồi đấu hót trong một khung cảnh vắng vẻ lặng lờ.

 

Một tiệm ăn khác có một cái tên rất… Tầu, nhưng lại chuyên trị những món ăn Tây, với giá cả rất là bình dân. Đó là Tài Bửu không cách “Au Bon Bakery” bao xa. Chỉ cần có khoảng, 6 tì là ta có thể thưởng thức được một món ngon lành như gà, bò, gan bò, v.v… nấu nấm, nấu rượu, nấu đậu, xào bơ tỏi, v.v… kèm theo một chén soup và một phần salad rất hấp dẫn.

 

Nghe nói ông chủ trước kia là chủ tiệm Mekong cũng chuyên bán cơm Tây bình dân ở Việt Nam. Bánh ngọt của Tài Bửu cũng rất được thiên hạ chiếu cố. Ít ra cũng có “ép phê” vì những bằng cấp, chứng chỉ về nghề bánh được trưng bầy gần ngay quầy bánh.

 

Lần đầu tiên ăn ở tiệm này với Elvis Phương cách đây vài năm, chàng tỏ ra rất khoái món “cheese cake”. Giờ đây mới qua một trận thập tử nhất sinh vì nghẹt động mạch tim phải mổ xẻ, có lẽ còn lâu lắm Elvis nhà ta mới có dịp thưởng thức lại món này.

 

Viết đến đây chợ nhớ bạn hiền, từ nhiều năm nay ăn kiên ăn khem, đi bộ đều chi, không rượu bia thuốc là mà vẫn bị Cholesterol nó hành. Bác sĩ điều trị tại bệnh viện Fountain Valley đã phải nói rằng Elvis Phương nên lấy ngày 01 tháng 05 vừa qua là ngày sinh nhật thứ nhì của anh vì có đến 4 động mạch tim bị tắc nghẽn đến 95 phần trăm. May còn kịp đưa vào nhà thương để còn có thể cứu sống.

 

Ngày 08 tháng 05 anh đã trở về nhà và phải nghỉ hát ít nhất là 4 tháng. Nghĩ tới mình cũng hơi ớn ớn vì chất mỡ tích lũy trong người từ không biết bao nhiêu là tô phở gầu, hành trần nước béo nhưng vẫn chưa thấy hề hấn gì. Hay là Budweiser đã làm tiêu tan hết chất béo trong người rồi chăng?

 

Được biết còn có những tiệm ăn có tên tây khác như Givral ở Gardena, Pagode Saigon ở San Gabriel, Paris ở Rosemead nhưng chưa có dịp ghé qua, hy vọng chuyến tới sẽ có dịp khám phá…

 

Hết tiệm Tây bây giờ qua đến tiệm Tầu. Nói về tiệm Tầu ở Nam Cali không thể nào không nhắc tới Seafood World là một nhà hàng rất lớn, nơi đã diễn ra không biết bao nhiêu là đám cưới, đám tiệc của giới nghệ sĩ cũng như truyền thông.

 

Đúng như tên gọi của nó, đồ biển ở đây rất ngon. Một nhà hàng khác những ngày gần đây cũng được nhiều người chọn là địa điểm tổ chức tiệc tùng nhiều không kém. Đó là nhà hàng Grand Garden, gần nơi dạy nhạc của nữ danh ca Thái Thanh và nhạc sĩ Nghiêm Phú Phi. Đám cưới của Diễm Liên cũng đã được diễn ra tại đây vào ngày 07 tháng 05 vừa qua.

 

Thực đơn đám cưới thì như quí vị cũng biết là gần như tiệm Tầu nào cũng đãi loại như thế: cũng tổ yến, cũng tôm hùm, càng cua bọc tôm, cá hấp, gà hấp bào ngư và cải bẹ xanh, v.v…  chỉ có cái tên đặt là khác nhau cho có vẻ văn chương hoa mỹ hay là để cho giống tuồng tích Tầu! Hơn nhau ở chỗ nêm nếm và nghệ thuật biến chế của đầu bếp “được tuyển từ Hồng Kông sang”, hay “chính gốc Quảng Đông” hoặc “trứ danh, chuyên trị những món Triều Châu”.

 

Riêng về món tôm hùm, nhiều anh chị em nghệ sĩ đã chấm tiệm Kim Sư. Lần đầu tiên được Phương Hồng Quế mời ăn tại đây, tác giả đã phải khen lấy khen để cái món độc đáo này. Những lần sau đó, ai có rủ rê đi ăn cơm Tầu là y như rằng đề nghị Kim Sư cho chắc ăn, khỏi nghĩ ngợi lôi thôi, cứ tôm hùm mà tì tì đánh chén.

 

Đầu tiên ta “chơi” cái đầu với những miếng gạch tôm khi thì sền sệt vàng vàng béo ngậy, khi thì đặc sệt đỏ chói bùi không chịu được. Chiêu một ngụm Heineken lạnh buốt tới củ tỉ thì có Cholesterol cũng mặc xác nó!

 

Những ngày ở Cali, tạm quên đi Budweiser để thay bằng Heineken cho “hợp thời trang” Âu Châu theo anh em, có vẻ đậm đà và quyến rũ lắm. Những tiệm ăn Tầu nhỏ hơn là Tứ Hải trên đường Brookhurst cũng có vài món đặc biệt để nhậu như: cua chiên bơ, bê thui (không rắc thính mà lại rắc mè), lòng heo, v.v… những món này tuy có vẻ Việt Nam nhưng chế biến hơi lai… Tầu nên cũng có vẻ lạ lạ.

 

Nghe nói tiệm Hải Đô trên Bolsa là một tiệm bán về khuya cũng hấp dẫn lắm, nhưng lần đi với Ngọc Trọng, Christopher Lê và một vài người bạn thì hơi thất vọng vì phải chờ đợi quá lâu mặc dù tiệm chỉ lưa thưa có vài bàn, chờ đợi lâu nên đói muốn xỉu nên ăn món mì chỉ để lấy no, không còn lòng dạ nào mà thưởng thức.

 

Nói về mì và hủ tíu mà không nói đến tiệm chuyên trị những món này là Triều Châu là một điều thiếu sót. Hủ tíu nơi đây bán đắt hàng không thể tả, sáng nào cũng nườm nượp người ra kẻ vào, bên trong tiệm lúc nào cũng ồn ào náo nhiệt. Ngon thì có ngon thật, nhưng ai có tính ăn thanh cảnh thì sẽ phải “dội” vì những miếng thịt heo được thái quá dầy và thô, còn những miếng thịt gà hay vịt thì miếng nào miếng nấy được chặt bự tổ nái.

 

Buổi sáng vào đây làm một tô hủ tíu, thêm một chén xíu mại, một cái “giò cháo quẩy” và một ly cà phê sữa đá cho đủ bộ thì ta có thể yên tâm và chắc dạ cho đến chiều. Món ăn Thái Lan cũng được dân Mít ta ở Cali chiếu cố khá nhiều. Nhất là dân nghệ sĩ thì khoái nhất là Thainakorn ở Buena Park. Don Ho, là một tay sành ăn và thích khám phá những tiệm ăn mới lạ, cũng cho biết đây là một trong những tiệm ăn thường lui tới nhất.

 

Gần như nghệ sĩ nào khoái đớp món Thái Lan là y như rằng Thainakorn được nhắc tới. Khi ngỏ ý muốn đi ăn cơm Thái là vợ chồng Tùng Châu, Châu Ngọc và Thế Sơn cùng một lúc đề nghị tiệm này. Đặc biệt hôm đó có món gỏi tôm sống trộn với ớ, chanh và rau thơm rất hấp dẫn. Những con tôm lớn tươi rói bóc vỏ bỏ vào miệng nhai sao mà dòn và ngọt thế, thêm cái cay xè của ớt hiểm bằm nhở, cộng với vị chua dịu của chanh, hòa với những vị rau thơm ngon ác liệt. Món gỏi cá với xoài cũng hấp dẫn lạ lùng.

 

Những miếng cá nhỏ chiên dòn tan, trộn với xoài xanh thắt nhỏ, pha với nước mắm cay và rau thơm tạo thành một mùi vị đặc biệt. Món Steak ở đây cũng được ướp một cách riêng, chiên trên đĩa gang nóng hổi, khi ăn có mùi khen khét lôi cuốn lạ lùng, khó mà diễn tả. Chỉ biết là gắp miếng nào, đáng miếng ấy.

 

Sau khi đến thăm Ngọc Chánh ở vũ trường Ritz, cũng được mời đi ăn tại một tiệm Thái ở Anaheim, ngay gần đó. Là một khách hàng quen thuộc nên ông chủ Ritz đã cho thưởng thức những món đặc biệt của tiệm Special Thai Restaurant như: Cánh gà nhồi thịt, bò sa tế, canh chua tôm, cá chiên dòn, v.v…

 

Nổi bật hôm đó phải là món cánh gà nhồi thịt và cá chiên dòn. Có thể nói món cá chiên dòn tan này rất hợp với khẩu vị dân Mít nên gần như mỗi lần đi ăn cơm Thái là chắc chắn món này không thể thiếu trong “order”. Món cánh gà nhồi thịt đặc biệt ở chỗ tất cả xương của cái cánh gà được rút ra hết để nhồi thịt vào trong.

Chiên vàng lên, sau đó chấm với một thứ nước “sốt” cay cay ngọt ngọt khiến ông thần khẩu tê đê mê… Dân Đại Hàn ở quanh khu Little Saigon cũng khá đông nên những tiệm ăn cũng tương đối phát triển. Nhất là những tiệm BBQ Đại Hàn hiện được dân Mít nhà ta chiếu cố nhiều.

 

Chỉ độ hơn mười mấy đô là ta có thể làm một phùa “all you can eat” no cành hông. Mỗi bàn được đặc một lò nướng bằng gaz ở giữa, với một ống hút khói ngay phía trên. Một em Đại Hàn đến thoa dầu, quét mỡ lên chảo và bật cho lửa cháy một cái “tách” để sau đó rút lui.

 

Quân ta từ đó mặc tình thao túng, đi tới đi lui quầy bầy thức ăn chiến đấu không ngừng nghỉ, sau đó vừa đi ra vừa thở hốn hển, chân bước nặng nề vì những miếng thịt bò được ướp “theo kiểu Đại Hàn” nó hành hạ cái bao tử khi nhất quyết ăn để khỏi bị… lỗ vốn!

 

Mấy lần đi ăn BBQ kiểu này ớn quá sức nên mới chọn ngày lành tháng tốt ngao du vào một tiệm ăn Đại Hàn có “phục vụ” đàng hoàng cho đúng điệu. Sợ “All You Can Eat” quá đi thôi. Nơi chọn lựa cầu may, hên xui ráng chịu để có dịp khám phá là Kokk Il Restaurant ở ngay trong khu Đại Hàn ở Garden Grove.

 

Tiệm ăn rộng rãi khang trang, với một cô bé cho biết tên là Jami Kim – du học sinh, làm waitress bán thời gian, đang theo học tại UCLA – phục vụ tại bàn. Ta lại làm một phùa BBQ nữa xem sao. Trước tiên có đến gần hàng chục loại “kim chi” và những món lỉnh kỉnh dọn trong những đĩa nhỏ xíu được bầy ra bàn để ăn kèm với món chính là sườn bò và thịt bò BBQ.

 

Không khí ở đây lịch sự hơn hẳn những tiệm BBQ “All You Can Eat”. Có nhạc nhè nhẹ, có em bé Kim phục vụ tươm tất đâu ra đó, gắp từng miếng thịt bỏ lên lò nướng, rót bia rót rượu kịp lúc kịp thời. Thấy cái màn phục vụ này làm mất tự nhiên quá đi, nên xin được em cho tự túc “tay làm hàm nhai” để tiện đấu láo với bạn bè, chỉ ới em khi nào cần thiết.

 

Hình như món ăn Đại Hàn không được dân Mít tại Cali hưởng ứng cho lắm nên ngoài những món BBQ, rất ít được ai mách bảo cho những món ngon vật lạ khác nên không thể nào diễn tả được.

 

Một hôm bỗng nhiên lên cơn thèm ăn Sushi kinh khủng, ới ngay Jimmy Tòng là một tay cũng rất khoái món này. Ông anh của Bích Trâm, tức anh rể của tài tử kiêm ca sĩ Nguyễn Chánh Tín lôi ngay đến một tiệm… Đại Hàn, nói là để ăn thử sushi và sashimi theo kiểu Đại Hàn xem sao. Tiệm này cũng nằm ngay trong khu Đại Hàn ở Central Plaza, nhỏ nhưng ấm cúng. Tên tiệm bằng chữ Đại Hàn, ở dưới phụ đề thêm chữ Sushi, thế thôi nên bây giờ hỏi tên gì cũng không biết.

 

Lại cũng đủ mọi thứ “kim chi” và rau lỉnh kỉnh được bầy ra ngay trên sushi bar trước khi những món chính được mang ra. Mỗi tên làm một cái Sashimi. Vì cũng chỉ là những loại cá sống như Tuna, Salmon, Yellow Tail, v.v… thêm King Clam để trên một cái thớt bằng gỗ với những rong biển, cải trắng, cà rốt bào mỏng phụ diễn nên Đại Hàn hay Nhật gì cũng thế. Nhưng chắc chắn ăn sushi ở một tiệm Nhật sẽ bảo đảm hơn.

 

Tuy nhiên hôm đó được ăn một món rất hấp dẫn là tôm sống. Trên quầy có nguyên một chậu lớn trong đó các chú tôm lớn đang tà tà nhởn nhơ. Giơ tay ra hiệu chỉ vào chậu cho biết số lượng tiêu thụ là tay đầu bếp thò ngay tay vào bốc từng chú tôm ra, vặt ngay cái đầu còn cả râu ria bỏ ngay vào chảo dầu sôi sùng sục để làm ngay một màn “deep fry”.

 

Còn mình tôm còn cọ quậy tươi rói được bầy trên một đĩa nhỏ đựng những cục đá nhỏ mang ra để khách thưởng thức ngay tức khắc. Vừa dòn, vừa ngọt, chấm với “green mustard” và đưa cay với một hớp sake thì quên cả “đường xưa lổi cũ”! Đầu tôm sau khi lấy ra từ chảo vạc dầu được bầy trên một đĩa nhỏ, ta cứ thế thưởng thức nguyên con, cả râu ria dài thòng cũng dòn tan tà tà xuôi xuống cổ họng thật là mê ly rùng rợn…

 

Tiền bạc luôn trong tình trạng “trồi sụt” bất thường, nhưng chẳng biết tại sao chỉ khoái đớp hít, nhất là lại khoái nhất món Nhật, có thể gọi là đắt hơn cả những món ăn của các nước khác. Người ta gọi đó là có tính “con nhà lính, tính nhà quan” là vậy. Không phải chỉ một mình, mà cả vợ con cũng mê mẫn cái món sushi. Thỉnh thoảng hứng chí kéo nhau ra tiệm Nhật làm một phùa đớp hít nhẹ nhàng thì sơ sơ cũng phải gần một “bớp” rưởi!

 

Lý do khoái sushi chắc chắn đến từ thời gian tỵ nạn bên Nhật. May mắn là được ở trong một trại chưa tới 50 mạng và lại ở sát Tokyo nên dễ có dịp “giang hồ” để khám phá.

 

Hơn một năm sống tà tà, tự do đi lại nên đã có dịp biết khá nhiều miếng ngon vật lạ của xứ hoa Anh Đào. Hơn nữa lại quen biết với một số anh em sinh viên Việt Nam du học, nên đã được chỉ dẫn tận tình về mặt đớp hít. Mới thử qua một lần sushi và sashimi đã “chịu đèn” ngay tức khắc. Cá sống còn tươi rói mà chẳng hề có mùi tanh tưởi gì hết trơn như những lời “tuyên truyền phản động” trước đó.

 

Chỉ thấy mát rượi và ngọt lịm nơi cổ họng, sướng quá sức! Thế là từ đó đâm ra mê man mùi cá sống, cầu gai, king clam, scallop, v.v… đến nỗi nghèo luôn cũng vì sushi! Những lần qua Cali trước, được anh em dẫn đi ăn một màn sushi theo kiểu “all you can eat” với giá rất vừa túi tiền. Ở miền Nam có Todai do ông bạn Trần Đình Thục giới thiệu, và sau đó được một số anh chị em khác chiêu đãi cũng tại đây.

 

Ở Todai không những chỉ có sushi mà còn được tăng cường một quầy thức ăn Tầu, bầy biện rất bắt mắt. Bạn nào dại dột, bị quyến rũ bởi những món này, xơi cho một bụng thì chẳng còn hơi sức đâu mà thưởng thức sushi. Kinh nghiệm sau lần đầu tiên, ta cứ tà tà bước lên vài bậc thang để đến quầy sushi trước cho chắc ăn, quên đi những món Tầu lỉnh kỉnh ở phía dưới.

 

Phải thành thật khai báo là ăn sushi kiểu này không được “đã” cho lắm vì không khí quá ồn ào, náo nhiệt, không thể ngồi nhâm nhi, lai rai dăm ba sợi. Đối với một nhóm bạn, hoặc với gia đình thì theo kiểu này rất là thích hợp.

 

Miền Bắc Cali cách đây vài năm cũng có tiệm Sushi Depot, ăn thả dàn chỉ có mười mấy “đô”. Đi xuôi theo chiều thì ta sẽ gặp những món Tầu trước tiên. Chớ dại ăn mấy món này trước mà… lỗ vốn. Theo kinh nghiệm bản thân, ta cứ phóng ngay tới quầy sushi là bảo đảm. Muốn ăn sashimi cũng được, nhưng phải “order” mấy anh phục vụ túc trực phía sau.

 

Sashimi kiểu này dĩ nhiên chỉ thường có hai ba loại cá là tuna, salmon, v.v… “All you can eat” mà có những loại seafood “cao cấp” như  “hamachi” (cá yellow tail, thú thật không biết dịch ra tên tiếng Việt là cá gì), “katsuo” (cá bonito), “Maguro” (red tuna), “unagi” (lươn nước ngọt), “Hokkegai” (surf clam) hoặc “Ikura” (trứng cá salmon) hay “uni” (cầu gai), hoặc “Miruga” (ta thường gọi là ốc vòi voi, đúng ra là một loại nghêu khổng lồ nên mới có tên gọi là King Clam), v.v… thì chỉ có nước sập tiệm!

 

Đánh vào thị hiếu những tay khoái ăn sushi và sashimi nên trong những chợ (như chợ 99 chẳng hạn) ở San Jose có bán sẵn những vỉ sushi hay những vỉ cá sống để ăn sashimi như salmon, thon, v.v… với nước chấm và mustard gói chung trong một vỉ rất tiện lợi. Khi lên cơn ghiền, chỉ việc ghé ngang làm vài vỉ, mua thêm tí gừng chua, mang về bầy ra đĩa cũng hay ra phết. Có còn hơn không. Tuy không được tươi lắm như ở trong tiệm nhưng cũng giúp cho ông thần khẩu đỡ làu bàu!

 

Chuyến này qua cũng gặp một tay khoái sushi là Thế Sơn nên rủ nhau đến Matsu trên đường Beach thưởng thức. Đây cũng là một tiệm Nhật được giới nghệ sĩ ưa  thích. Chẳng thế vừa bước vào đã gặp ngay Băng Châu ngồi chờ để được sắp chỗ.

 

Cô nàng cho biết một tuần mà không có sushi thì cảm thấy thiếu thốn vô cùng.

 

Như bất cứ một tiệm Nhật nào khác, Matsu được tran trí với đền lồng, cờ đuôi nheo với những chữ Nhật ngoằn ngoèo và những phòng tatami riêng biệt, cùng với tiếng đàn koto mở nhè nhẹ. Khách có quyền chọn ngồi ở sushi bar, ở bàn ăn hoặc phòng riêng tùy thích.

 

Muốn thưởng thức đâu ra đó thì nên đến với những tiệm tương tự như vậy mới thấm thía được cái đặc biệt của sashimi, của sushi hoặc maki sushi (là loại sushi được cuốn bằng một lớp rong biển khô ép mỏng hơn cả bánh tráng, dưới hình thức “roll”, sau đó cắt ra từng khoanh (nên còn gọi là “cut roll”), hay “handroll”, cuốn theo hình nón (như “cornet” cà rem) với những cái tên quen thuộc như “California Roll”, “Kamikaze”, v.v… và cả chục thứ tên khác, tùy nhà hàng chế biến và đặt tên).

 

Tại Matsu, món mang cá “yellow tail” nướng được truyền tụng là ngon, nên ngoài một màn tổng hợp các loại sashimi, dĩ nhiên là phải “order” món này để phải công nhận là tiếng đồn không sai. Mang cá hình như chỉ được rắc một chút muối, ngoài ra không có một thứ gia vị gì khác, sau đó mang nướng thẳng trên lửa. Thế mà sao ngon tuyệt, vừa béo vừa bùi cộng với mùi khen khét độc đáo nên được khai thác tận tình.

 

Lên đến San Jose cũng lại được thưởng thức món này tại tiệm Sushi Masa với 2 nữ thành viên của gia đình ban nhạc “Family Love” là Thủy và Tammy cùng một vài người bạn khác. Nhờ đã từng sống ở Hawaii một thời gian dài nên Tammy rất sành sỏi với các món ăn Nhật, do đó anh em đã được thưởng thức một bữa no say túy lúy. Bây giờ nhớ lại vẫn còn thấy thòm thèm.

 

Anh em dưới miền Nam còn cho biết có một tiệm Nhật khác rất nổi tiếng (hình như tên là Tokai?) ở Irvine, nhưng được khuyến cáo là mỗi lần đến ăn phải sắp hàng chờ đợi cả một, hai tiếng đồng hồ nên quá nản chí, đành chờ đến một dịp khác để trước khi đi phải làm một tô phở dằn bụng để đến lúc được ngồi vào bàn là vừa (và dĩ nhiên sau đó phải chờ đợi thêm cả nửa tiếng là thường!). Không có gì dằn bụng, đứng chờ đợi kiểu này, lết được vào bàn thì chỉ có nước xỉu, chả còn hơi sức đâu mà thưởng thức!

 

Mới đây có một nhà hàng với cái tên Nhật là Sumo, được khai trương trên đường McArthur, với sức chứa trên 500 người, do đó mới dám tự nhận là “nhà hàng đồ biển ăn thả dàn lớn nhất Orange County” (The Largest Seafood Buffet In Orange County). Đây không phải là một nhà hàng Nhật thuần túy, mà là một nơi tổng hợp nhiều món có mùi vị của các nước khác nhau như Trung Hoa, Mỹ, Pháp, v.v… nhưng món sushi của Nhật chiếm một chỗ đứng quan trọng với một “Sushi Factory” riêng biệt.

 

Nơi đây bạn có thể mua sushi mang về nhà nhấm nháp một cách yên tĩnh hơn, hoặc có thể quất một màn “all you can eat” chưa tới 20 tì!  Nền ăn uống ở Cali thật phóng phú; ham ăn, ham uống cách mấy cũng không thể nào viếng thăm cho đủ những nhà hàng thi nhau mở ra tại đây (nhưng thật ra cũng có rất nhiều tiệm âm thầm “phẹc mê bu tích”!).

 

Thời gian gần một tháng của chuyến đi chỉ có thể diễn tả lại một vài khía cạnh độc đáo của nền “đớp hít” của nơi “đi dễ khó về”. Chỉ thấy sao nói vậy, nhớ gì viết nấy, nên dĩ nhiên cái tính cách “biên khảo” hay “tham luận” về nghệ thuật “đớp hít” không thể tìm thấy trong loạt bài “tạp ký” lẩm cẩm này. Nhưng dù sao, đó cũng là một cái nhìn chung của một người đến từ Montreal, một nơi cách Cali hàng ngàn dặm!

 

Viết về nền ăn uống Cali mà không đề cập đến những tiệm bán những món “ăn chơi”, những món nhậu nhẹt hay những tiệm bán “food to go” là một điều không thể tha thứ.

 

Câu quảng cáo “ăn chơi ngon hơn ăn thiệt” của ông nghị Tony Lâm về tiệm ăn có tên Viễn Đông trên đường Westminster thuần túy món Bắc Kỳ nhiều khi cũng đúng ra phết.

 

Viễn Đông nổi tiếng với những món như búc ốc, bún chả, bún thang, bún bung, bún mọc, v.v… Ông chủ tiệm lúc nào cũng chạy tới chạy lui mời khách uống trà với một vẻ rất thân tình. Phần đông khách tới đây là những khách quen, thường kéo theo những bạn bè hoặc những người trong gia đình từ các tiểu bang khác hay những nước khác tới tìm lại hương vị của miền Bắc.

 

Trên đường Mac Fadden cũng có một tiệm “ăn chơi” khác là Hà Nội, mới ra đời khoảng vài năm nay, nhưng khách khứa cũng đã biết đến tiếng tăm với những món như búc ốc, bánh tôm hoặc chả cá Lã Vọng. Nhưng nói đến bún thì không thể nào không đến với Bình Minh, là một nơi được giới nghệ sĩ, nhất là những nghệ sĩ phái nữ chiếu cố rất nhiều.

 

Về món Huế, chắc chắn sẽ phải nói đến Huế Rendez-Vous, Thuận Kiều, Vỹ Dạ, v.v… Nguyên cái tên của những tiệm này cũng đủ để quí vị đoán ra những món ăn nào được bán, trong đó chắc chắn không thể thiếu món bún bò giò heo là món nồng cốt của chương trình “đớp hít”.

 

Một điểm đặc biệt khác của nền “đớp hít” Cali chính là những tiệm bán “food to go” thường được gọi một cách thân mật là “food to… chỉ”. Chắc bạn đọc ngạc nhiên lắm, cũng ngay như chính tác giả lần đầu được nghe nói đến. Sau đó mới vỡ lẽ rằng khi ta vào một triệm “food to go” nào đó, cứ việc chỉ tay vào món ăn mình muốn mua là được cấp tốc phục vụ ngay. Với một “đô”, ta có quyền chỉ bất cứ món nào được bầy trong quầy kính.

 

Phải thú thật là người viết thấy hơi ngượng ngượng khi đi với một người bạn vào một tiệm “food to go” khi ông bạn chỉ vào món thịt kho đậu hũ và cho biết muốn mua một đồng. Thế mà cũng xôm tụ ra phết. Sức ăn trung bình của một người cho một bữa chỉ cần “chỉ” chừng hai món; mỗi món 1, 2 tiền cũng đủ một bữa ăn no nê. Tiện lợi vô cùng.

 

Thật không thiếu món gì để ăn với cơm, tại các tiệm “food to… chỉ” như Thúy, Hương Hương, Hương Lan, v.v… không những vậy còn có những món “phụ diễn” như nem nướng, chạo tôm, giò chả các loại, bò khô, nem chua, thịt nguội, dồi lòng heo, v.v… bầy biện rất đẹp mắt.

 

Có lần ở trong Motel một mình, bỗng dưng cơn đói kéo đến mà chẳng có xe cộ chi, ới cho Tố Uyên (một trong những cô em gái của Khánh Ly) nhờ giải quyết… nạn đói dùm. Thế là chỉ khoảng nửa tiếng sau Tố Uyên và 2 ông bạn thân đã có mặt ngay với một đống “food to… chỉ” như thịt bò xào đậu đũa, thịt kho nước dừa, sườn heo rim, “xúp lơ” xào thịt heo, tùm lum tà la, mà theo Tố Uyên cho biết chưa đến 10 tiền!

 

Tất cả 4 người ăn không thể nào hết nổi. Kèm theo đó là bò khô, nem chua, jambon, v.v… linh đình. Thế là có một bữa cứu đói đâu ra đó. Chả may tác giả bị lâm vào tình trạng… “độc thân”, chắc chắn sẽ dời đô qua Cali, lấy “food to… chỉ” làm chuẩn. Chẳng phải nấu nướng, dọn dẹp gì. Đớp xong, ta cứ thế quẳng nguyên những hộp bằng “mốp” vào thùng rác là khỏe ru. Một ngày tốn chừng 3,4 tiền là no nê căng bụng.

 

Muốn khỏi đi mua lôi thôi, ta có thể đặt cơm tháng. Trung bình một bữa khoảng 3 tiền rưỡi là có quyền “chơi” 3 món: xào, mặn và canh đầy đủ chất bổ dưỡng. Muốn ăn ngay tại nơi làm việc cũng được, vào buổi trưa sẽ có người mang tận nơi, tận chốn. Cao cấp hơn một bậc trong việc chục vụ bao tử hằng ngày là cơm phần. Một số tiệm ở đây có bán cơm phần với một giá rất hợp túi tiền, khoảng 5 “đô” với 3 món ngon lành và cơm.

 

Thế là xong một bữa. Người viết vốn ưa nhậu nhẹt nên những món như cơm hoặc bún, không thiết tha cho lắm nên chỉ quan tâm đến những món nào thích hợp với Buweiser hoặc Heineken. La ve mà phối hợp với bún này, bún nọ hay “food to… chỉ” thì có vẻ gượng ép quá đi thôi, không có vẻ bắt mồi tí nào hết sốt cả. Muốn bắt mồi phải là tiết canh, dồi heo chẳng hạn. Muốn thế phải lại ngay Saigon Deli hay là Cây Dừa cũng vậy.

 

Gặp Công Thành là phải đến Saigon Deli để thưởng thức món tiết canh hay đến Huệ với dồi và lòng heo. Anh chàng “sếu vườn” này là một tay nghiện tiết canh, đến nỗi vợ anh là Lyn cũng bị lây để rất khoái thưởng thức món này. Quán nhậu nổi tiếng với các món dê bắt buộc phải là Bình Dân. Không lần nào qua Cali mà không ghé Bình Dân ít nhất 5,7 lần.

 

Không khí của cái quán nhỏ chừng trên 20 chỗ ngồi này không khác gì không khí của các quán nhậu ở Sài Gòn trước kia. Vỏ la ve la liệt trên bàn, khói thuốc lá bay mờ mịt. Mặc dù luật cấm hút thuốc hiện nay rất gắt gao, nhưng mới đây vẫn còn thấy thực khách phì phèo như thường lệ, ngất ngưởng bên những gương mặt hoặc lừ đừ trầm tư như những triết gia, hoặc đỏ ké với những lời phát ngôn rổn rảng, tay chân múa may một cách say sưa trong những câu truyện.

 

Khách khứa của Bình Dân đại đa số là dực rựa, hiếm khi nào thấy mấy bà, mấy cô lai vãng tới. Nếu có, cũng được hộ tống bởi dăm ba bạn bè. Một thân một mình vào đây đúng là “hoa lạc giữa rừng gươm”. Đến với Bình Dân, người viết khởi sự bằng món tiết canh dê, kế đó là dê mỡ chài, dê lá lốt và cuối cùng là một mà “closing” với lẩu dê.

 

Có một vài quán khác có bán thịt dê nhưng với tác giả, Bình Dân có thể coi là trội hơn cả về mặt pha chế và ướp gia vị. Thực đơn của Bình Dân còn có nhiều món khác, nhưng những món vừa kể có thể gọi là “top of the world”.

 

Một quán nhậu khác cũng bán nhiều món dê là Hồng Liên trên đường Westminster với những món chỉ nghe qua cũng đã rệu nước miếng: Dê tái, dê bát bửu, sường dê nướng, gỏi dê, v.v… và nhất là những món thịt rừng như Pín Và Ngọc Nai Tiềm Thuốc Bắc, heo rừng nướng vĩ và xào lăn, v.v… Chẳng thế mà tiệm này tự xưng là “Hồng Liên Đệ Nhất Chân Truyền Thịt Rừng” với câu thơ “Heo Rừng, Dê với Nai Tơ, Ngon, thơm, bổ dưỡng giấc mơ đạt thành”.

 

Đọc xong hai câu thơ… thịt rừng kể trên mà không mò đến ăn kể cũng uổng.

 

(TVTS  646 – 12.8.1998 )