Bàn về rượu: bài 1

04 Tháng Bảy, 2008 | Tìm hiểu về rượu

 

Rượu vang đỏ

 

Nghề chơi cũng lắm công phu: Rượu vang trắng ướp lạnh, rượu vang đỏ để nguyên. Không bỏ đá cục vào như uống cognac hay whisky.

 

Các cụ nhà ta liệt kê rượu là một trong bốn điều đam mê tệ hại làm hư hỏng con người- tứ đổ tường. Rượu chè đứng đầu, các thứ còn lại là trai gái, cờ bạc và hút sách. Tuy nhiên các thi sĩ nhà ta như cụ Tú Xương lại coi rượu là một trong “tam khoái” của cụ: “một rượu, một trà, một đàn bà…”.

 

Tuy rượu chưa  được nâng lên hàng “tửu đạo” như trà đạo nhưng nếu người uống rượu mà biết cách thì có thể trở thành bậc thánh­ – tửu thánh, tửu tiên-như Lý Bạch, như ông Lưu Linh (một trong thất hiền đời Tấn).

 

Trong mục viết về rượu, Thụy Văn không giám mong những người uống rượu tại xứ Úc này trở thành tửu thánh, tửu tiên bởi vì nếu bạn đọc trở thành những vị như Lý Bạch, như Lưu Linh hay như Tú Xương thì chắc chắn sẽ bị mất bằng lái xe, bị phạt tiền, làm khổ vợ con.

 

Uống rượu đến say lúy túy là không nên nhưng nếu không kém may mắn thiếu tửu hữu như cụ Nguyễn Khuyến “rượu ngon không có bạn hiền”, mà ba bốn người trong đám bạn cưa một chai cognac hay uống vài chai rượu vang, thì xin nhớ để bà xã lái xe về, còn không thì đi xe ké, hay như phần đông người Úc, kêu tắc xi về nhà, là sẽ không bị nhà nước mắng vốn “If you drink and drive , you’re bloody idiot” như những cái quảng cáo thường đăng trên báo Tivi Tuần San.

 

Qua Úc gần hai chục năm, uống bao nhiêu bia, bao nhiêu rượu rồi nhưng Thụy Văn không giám gọi mình là giới sành điệu, như Tây họ gọi là connoisseur, nhưng do lõm bõm biết đôi chút qua kinh nghiệm, xin bạo dạn tán dốc với bạn đọc gọi là mua vui vài số báo, nếu có đủ sức viết. Được vậy cũng đã may mắn lắm rồi.

 

Các nhật báo Úc, như báo The Age hay Herald Sun hàng tuần thường dành ra một mục mấy trang trong số báo ra ngày thứ Ba để viết về đề tài ăn nhậu (food and drink). Họ viết và thường là quảng cáo cho một số món ăn, nhà hàng, một số tên rượu. Cho dù là quảng cáo đi nữa thì các trang trong mục food and drink cũng giúp ích rất nhiều cho độc giả của họ. Bởi dân Úc nổi tiếng về mục ăn nhậu: Thịt rượu ở đây ê hề, vấn đề còn lại là làm sao biết thưởng thức.

 

Ngày xưa, khi còn bé tí teo, những bậc trưởng thượng trong gia đình Thụy Văn thường mắng Thụy Văn tham ăn, thấy miếng ngon dọn trên bàn là thuổng trước, không lễ phép đợi các đấng lớn tuổi, hoặc thấy những miếng ăn ngon mà cứ đứng bên cạnh ra vẻ thèm nhỏ dãi, thì các đấng dạy Thụy Văn tôi với những câu như “miếng ăn là miếng nhục” hay “người ta ăn để sống chứ không phải sống để ăn”.

 

Thời còn bé nghe ông bà cha mẹ dạy những câu như vậy, Thụy Văn tôi tin là đúng, bởi vì nghĩ rằng người lớn nói cái gì cũng đúng cả. Nhưng đến khi lớn, có những dịp vào Chợ Lớn  ăn nhậu hay ra những quán bình dân thấy thiên hạ ăn uống thoải mái, Thụy Văn tôi nghĩ rằng ông bà mình nói có phần không đúng và có vẻ hơi ép con cháu. Người Hoa họ giỏi về nấu ăn nên chính ông bà mình cũng phải chấp nhận hễ ăn thì phải ăn cơm Tàu.

 

Qua Úc, mới thấy dân ở cái nước phúc địa này “en-doi” cái thú ăn uống. Mà phải “ăn-uống-đa-văn-hóa” nữa kia! Cứ xuống đường Victoria của người Việt ở Richmond mỗi đêm thì thấy rõ “chân lý” Multicultural Victoria của ngài Thủ hiến Kennett. Ngoài món ăn quán Việt, trên đường Victoria Street  còn các quán với các món ăn Tàu, Nhật, Thái,v.v… Như vậy không đa văn là gì?

 

3,000 cuốn lịch đặc biệt của Ủy hội Đa văn Sự vụ của ông Kennett in năm 1999 thay vì in hình người đẹp, thắng cảnh, chỉ toàn là hình các món ăn của các sắc tộc.

Cho nên, Thụy Văn tôi muốn sửa lại câu nói của ông bà khó tính dạy con cháu rằng thì là… “người ta còn sống để ăn” . Dân gian đã chẳng cho ăn nằm trong bộ tứ khoái đó sao?

 

Mà hễ có ăn thì phải có uống. Tùy hoàn cảnh, ta có thể uống rượu đế, rượu bách nhật, rượu nếp than là những thứ quốc hồn quốc túy mà lại rẻ tiền. Khá hơn một chút thì uống bia. Bia 33, bia con cọp, rồi sau này có những loại bia lon của Mỹ nhập vào như Ham, Budwiser. Gần đây hơn nữa, dân Việt Nam ở trong nước chuộng loại bia Hòa Lan Heineken.

 

Qua Úc, theo chỗ Thụy Văn thì dân Việt Nam (ở Melbourne) trong mấy năm đầu thập niên 1980 thường khoái bia Carlton Draught. Uống Carlton Draught là phải uống loại bia chai lớn. Vài năm sau, có phong trào chuyển sang uống loại bia lon Foster ngọt hơn và nhẹ hơn. Nhưng rồi một thời gian loại bia Foster bị chê bởi vì có nhiều người cho rằng uống xong sáng dậy nhức đầu và nhất là có nhiều người uống vào thì bị Tào Tháo đuổi.

 

Khoảng cuối thập niên 1980, người ta thấy xuất hiện ở một số bàn tiệc ở vùng Richmond, miền đông và miền bắc Melbourne những loại bia “mới” đó là bia Victoria Bitter (VB). Gọi mới là đối với dân Mít, chứ Úc thòi lòi thì họ đã thích hiệu này từ khuya.

 

Đa số dân nhậu kinh niên thời đó xác nhận VB là một phát hiện mới rất hữu ích cho dân nhậu Mít tộc, đáng được giải thưởng Nobel. Bitter là đắng cơ mà, nên uống vào

rất có hậu, lại được cái là sáng sủa ngủ dậy không bị nhức đầu như mấy anh nhà Carlton Draught và Foster.

 

Nhưng dân nhậu ở phía tây có người không chịu cái quan niệm cho rằng VB ngon hơn Foster, cho nên trong nhiều tiệc rượu , Thụy Văn thấy chủ nhà – nếu ở miền tây-thường mua hai thứ bia Foster và VB để ngon dở tùy tửu khách lựa chọn. Lại có những người muốn dung hòa mà lại làm cho bàn tiệc đẹp mắt, sang trọng hơn bằng cách đãi bia chai Crown Larger. Crown Larger có mùi thơm hơn, tức là nồng hơn.

 

Trời nóng, barbecue mà uống bia thì ngon nhất, đã nhất. Nhưng đó đây, Thụy Văn đã thỉnh thoảng thấy trong những bữa tiệc của Mít tộc có những chai rượu đỏ, rượu trắng-tức là rượu vang. Dân thích uống vang lý luận rằng uống bia thường làm cho no bụng, ăn ít và vì thế không thưởng thức được cái ngon của các món ăn.

 

Mùa nóng uống bia, mùa lạnh uống rượu. Với một số người họ cho rằng thói uống bia dành cho giới bình dân, rượu dành cho giới trung lưu hay thượng lưu. Quan niệm này dễ gây mất lòng và có tính cách kì thị, phân biệt giai cấp ở một đất nước có truyền thống mateship (coi  nhau như bạn bè), nhưng ông Tổng Trưởng Tài Chánh John Fahey (đảng tự do) trong một cuộc tranh cãi gần đây, khi muốn chứng minh ông gần gũi giai cấp bình dân (dù đã làm thủ hiến NSW và nay là tổng trưởng liên bang) ông cho rằng ông thuộc giới uống bia chứ không phải như ai đó thuộc giới uống chardonnay (một loại rượu vang trắng, uống với tôm nướng, sò huyết thì hết sẩy- sẽ đi vào chi tiết trong các bài sau).

 

Theo chỗ Thụy Văn hiểu, khi nói giới chardonnay, người ta muốn ám chỉ giới chí thức cấp tiến và dĩ nhiên có tiền bạc rủng rỉnh để ăn tiêu nhưng thường làm bộ lo cho giới lao động, nghĩa là nói một đường sống một nẻo.

 

Nhưng theo Thụy Văn tôi nghĩ, cái gì mình thích thì sẽ thấy ngon. Quen uống bia thì sẽ thấy bia ngon thôi, chưa chắc rượu cognac loại XO đã ngon bằng, nữa là mấy thứ rượu vang mười mấy hoặc hai ba chục đô.

 

Cho nên, nếu bạn nhậu của mình thích uống bia mà thôi, thì mình không nên ép họ uống rượu. Uống rượu cũng phải tập đấy. Một người không biết ăn mắm nêm, mắm tôm thì dứt khoát hai món này không thể nào ngon được dù họ rất yêu nước Việt của họ. Nhưng nếu tập ăn, và ăn được, thì dần dần sẽ quen, và sau đó thấy thiếu là thèm.

Rượu cũng vậy, nếu uống quen rồi thì sẽ thấy rất thú, sẽ học hỏi, tìm hiểu, đi thực tế, là cả một công trình, và nếu cần, phải ghi danh vào trường TAFE để học mới mở mang kiến thức thêm.

 

Trong một vài bữa tiệc nọ, lại gặp bữa tiệc chỉ đãi rượu , Thụy Văn tôi thấy có một vài vị uống rượu vang mà bỏ cả đá vào, có lẽ do trời nóng và khát. Sai sách vở là cái chắc rồi.

 

Bỏ đá cục vào ly rượu vang không những chứng tỏ mình là người không sành rượu, mà lại càng làm cho ly rượu trông xấu và mùi vị dở đi. Bỏ cục đá vào trong ly rượu trắng đã làm phai màu vàng của rượu, mà lại bỏ cục nước đá trong ly rượu đỏ thì các nhà làm rượu phải khóc thét lên mất. Uống rượu đỏ mà chỉ ngắm cái màu đỏ thắm của rượu thôi, cũng làm cho cái lưỡi… líu lên rồi, bạn rượu ơi!

 

Thụy Văn tôi được nghe kể rằng, có một người nọ thuộc loại người thích rượu vang nên mỗi khi đến nhà hàng đều ghé qua tiệm rượu mua một chai rượu trắng loại chardonnay hay riesling, bởi vì anh ta là người thích ăn đồ biển.

 

Theo sách vở- nghĩa là theo quan niệm thông thường- hễ ăn đồ biển thì nên uống rượu trắng. Uống rượu chardonnay thì càng tuyệt vời, bởi vì hương thơm của mùi gỗ sồi trong thùng cất rượu và vị chua của loại rượu này sẽ đánh tan mùi tanh của thức ăn biển.

 

Gặp trời nóng, chủ tiệm rượu luôn luôn bảo anh ta đợi để vào trong tủ lạnh lấy cho chai rượu ủ lạnh. Trời nóng mà uống rượu vang trắng để trong tủ lạnh thì còn gì bằng. Chất mát của rượu, thấm vào lưỡi, xuyên kẽ răng, chảy qua cuống họng, xuống bao tử, chiến đấu can cường với mấy món đồ biển, rồi lên báo cáo với não bộ, thì cán bộ não chỉ việc chấm điểm và cho rượu đó 5 sao hoặc 20 điểm ngay.

 

Có bữa anh ta đổi ý, muốn ăn thịt bò nhúng dấm và thịt bò xào lăn, thịt bò nướng lá lốp (thật ra là nướng lá nho), nên- lại theo sách vở thì ăn thịt có màu đỏ, nên uống rượu đỏ mới ngon miệng, mới là loại người sành rượu- wine connoisseur- nên anh ta mua một chai rượu đỏ. Anh là dân uống rượu thích vị mạnh, nên nay không chơi chardonnay bên phái rượu trắng thì qua môn phái rượu đỏ, lại mua ngay chai rượu loại shiraz.

 

Gặp hôm đó trời nóng nực, trên 35 độ, mồ hôi rỉ rả cả hai nách, anh ta nghĩ rằng lát nữa uống rượu bỏ lạnh sẽ làm cho người sảng khoái và xuống nhiệt ngay. Thấy ông chủ tiệm không hỏi han “ông có cần tôi lấy rượu trong phòng lạnh không” như thường lệ, anh ta bèn chỉ cái chai rượu nằm trên kệ nhắc nhở ông chủ “ông lấy cho chai này nhưng tôi cần chai hiện đang bỏ trong tủ lạnh”.

 

Ông chủ tiệm có vẻ ngạc nhiên, nhưng thấy ông khách hàng có nét mặt chân thành quá bèn nói rất lịch sự “thưa ông rượu đỏ không cần bỏ tủ lạnh”. Anh này nghe vậy là biết có chuyện rồi. Anh ta biết trong đám bạn bè mình chỉ là dân uống bia và uống rượu cognac, whisky thôi, nên không thèm hỏi bạn mà lần sau, thấy người ta (người Úc) làm gì thì mình… cứ thế làm theo là chắc ăn.

 

Sách vở dạy rằng, uống rượu champagne thì phải uống thật lạnh (COLD), uống rượu trắng thì uống lạnh vừa phải (COOL) và uống rượu đỏ thì để yên như vậy (ROOM TEMPERATURE), cứ xách chai rượu để trong tủ rượu (hay bày bán trên kệ) ra uống. Thế thôi.

 

Nhưng, nghề chơi cũng lắm công phu. Xin hẹn bạn đọc trong kỳ tới.

 

(TVTS – 684. Loạt bài Bàn Về Rượu được viết trước loạt bài Tản Mạn Về Rượu Vang. TVTS ONLINE đăng lại để độc giả bốn phương thưởng lãm)