Bàn về rượu: bài 4

27 Tháng Chín, 2008 | Tìm hiểu về rượu

 

Một tiệm bán rượu ở Melbourne

 

Tuần qua, trong chương trình mạn đàm trên đài phát thanh 3AW, người điều khiển chương trình buổi trưa là Ernie Sigley đã mời một chức sắc cấp giám đốc (Chief Executive Officer – CEO) của AFL(Australian Football League)  lên phòng thu âm để nói chuyện trời đất, tùm lum tà la cho thính giả nghe về sinh hoạt football của Úc và để thính giả điện vào nói chuyện, phê bình, đặt câu hỏi v.v…

 

Thụy Văn không nhớ được tên của ông giám đốc này, chỉ biết rằng trước khi nói chuyện fooball, Ernie Sigley đã nói với ông rằng vì khi nhảy qua làm cho AFL, ông đã có làm trong kỹ nghệ rượu Úc, thì nên nói qua về chuyện rượu trước.

 

Theo ông giám đốc này, rượu của Úc ngày càng nổi tiếng và do đó xuất cảng càng nhiều, nhưng về chuyện người Úc ngày càng đầu tư vào kỹ nghệ rượu, có thêm người mua hàng chục mẫu đất trồng nho, đầu tư hàng trục triệu đô la với hy vọng mai mốt có lời là chuyện ông không thể bàn luận, vì ngành kinh doanh ngành nào cũng có cái bấp bênh và rủi ro của nó.

 

Theo ông này thì ngày xưa nhân viên đi làm ở các hãng rượu thường được chủ cho uống thả dàn. Ăn sáng cũng có thể làm một ly rượu. Morning tea cũng được cho uống rượu, khỏi trả tiền (Thụy Văn thấy vài nhân viên rót rượu của Dan Murphy trong tuần qua, khi rót rượu ra mời hàng trăm khách đến thử, cũng tự rót rượu vào ly mình uống như khách thử rượu. Đã thật!). Nhưng cả hai người, ông giám đốc và phát thanh viên đều nhìn nhận rằng cái tập quán uống rượu tại hãng trong lúc làm việc hiện nay không còn được chấp nhận nữa.

 

Cũng theo ông giám đốc này thì có một vài người bạn Pháp qua Úc thấy cái lối uống rượu của người Úc mà lấy làm ngạc nhiên, vì người Pháp chỉ uống rượu vang trong bữa cơm mà thôi, trong lúc người Úc uống rượu lúc nào cũng được, mà rất nhiều khi uống ngoài bữa ăn. Nói như vậy là đương nhiên nhìn nhận đời sống ẩm thực của Úc cao, dư ăn dư uống. Chuyện này, khỏi giải thích vì bạn đọc cũng như Thụy Văn tôi đều là người hiện đang sống tại Úc, nên dư biết rồi.

 

Nước Pháp ngày nay tuy không còn làm bá chủ thế giới như ngày trước, nhưng nhiều sản phẩm của Pháp vẫn đứng hàng số một. Như ví xách thì phải là đồ da của Tây. Như nước hoa thì phải là nước hoa làm tại Ba-lê. Và rượu thì dứt khoát  không ai qua mặt Pháp được. Bởi vậy, người Úc phải qua tận Pháp học cách làm rượu và phải mất vài chục năm sau mới được như ngày nay.

 

Bán chai rượu Grange giá $27,100

 

Ngày trước, người Úc có truyền thống làm rượu vang cất ở trong cái thùng chứa rượu thật lớn gọi là vat. Cha đẻ của rượu Grange là ông Max Schubert (Sinh năm 1915, chết 1994) đã qua tận kinh đô làm rượu vang của Pháp là Bordeaux vào năm 1950 để học cách làm rượu nho của Tây.

 

Trở về nước vào năm 1951, Max Schubert áp dụng lối cất rượu trong những cái thùng tròn và dẹp hai đầu, giữa bụng phình ra gọi là barrel và thùng này được làm bằng gỗ sồi (oak). Nhờ vậy mà rượu Úc ngon ra. Theo người rành chuyện, rượu cất trong thùng gỗ sồi  là một cuộc đại cách mạng của kỹ nghệ rượu Úc để cho ra đời loại rượu có nhãn Penfolds Grange hiện nay.

 

Nhân nói về rượu Grange, tưởng cũng nhắc đến một câu chuyện thời sự về rượu. Tuần qua, tửu giới ở Úc đã theo dõi việc nhà buôn rượu Oddbins ở Adelaide cho đấu giá kín (silent auction) một chai rượu Grange Hermitage đời 1951 (nói “đời” theo kiểu xe hơi cho dễ hiểu). Gọi là kín bởi vì không có cảnh người này đưa ra một cái giá, sau đó có kẻ khác cho giá cao hơn, và cứ thế má trả cho đến khi không còn người trả giá cao hơn nữa.

 

Trước đây, đã có hai chai rượu Grange đời 1951 tạo kỷ lục trong lịch sử đấu giá rượu của Úc. Tháng 10 năm ngoái, một chai rượu Grange đã được mua qua một cuộc đấu giá tại Melbourne với số tiền kỷ lục là $20,460. Qua tháng 11, một chai rượu Grange cùng đời đã được bán với giá $24,550, nghĩa là chỉ một tháng sau mà giá đã tăng trên 20%.

 

Cuộc đấu giá kín hết hạn vào lúc 5 giờ chiều ngày thứ Tư tuần qua. Việc đấu giá kín này cũng giống như hình thức bỏ thầu. Chỉ cho giá một lần và ai cho giá cao nhất thì người đó thắng.

 

Người ta cũng đã đoán trước cuộc đấu giá silent auction này sẽ chẳng có bao nhiêu người tham gia, vì dễ mấy ai dám bỏ ra vài chục ngàn đồng để chỉ mua một chai rượu.

 

Như vợ của Thụy Văn tôi khi nghe kể tin này thì nói rằng nếu bà ấy mà có chừng đó tiền, sẽ đặt cọc mua một căn nhà hay một apartment đang quảng cáo trên Tivi Tuần San, chứ ai điên mà đi mua chai rượu như thế.  Theo bà vợ của tôi thì nếu lấy vỏ chai rượu $100 đổ rượu $10 và nói đấy là rượu Wynns Michael Shiraz đời 1994 thì bà vẫn khen ngon như thường. Mà có thể không phải chỉ một mình vợ Thụy Văn mới dễ bị bé cái lầm như thế.

 

Chai Michael  Shiraz 1998

 

Ấy vậy mà vẫn có “3 người điên” đến tham dự cuộc chơi này. Nhưng theo nhà tổ chức đấu giá Stephen Lumb thì việc cả nước mà chỉ có ba người tham dự cuộc đấu giá là chuyện dễ hiểu, vì loại rượu này nằm ngoài tầm với của hầu hết mọi người. Người mua được chai rượu Grange Hermitage đời 1951 đó là một người ở tiểu  bang Victoria và không muốn cho thiên hạ biết tên. Giá mua là $27,100.

 

Theo Thụy Văn tôi nghĩ, chai rượu Grange đời 1951 kia không ngon gấp mấy chục ngàn lần chai rượu bình dân, nhưng giá tiền kia nói lên tính cách lịch sử của chai rượu, của đợt rượu Grange đầu tiên, của người khai sinh ra một loại rượu làm vẻ vang-dân-Úc.

 

Mỗi ngày mấy ly chuẩn là vừa?

 

Tuần trước, Thụy Văn tôi có nói thiên hạ cho rằng uống rượu điều độ là tốt và một ngày làm một ly rượu sẽ kéo dài tuổi thọ. Tuần này xin đi chi tiết hơn.

 

Như đã nói ở trên, người Úc nhờ có rượu ngon và rẻ, nên nhiều khi uống rượu khơi khơi.

 

Người Úc khi gọi rượu vang là table wine, đã có ý ám chỉ loại rượu này dùng để uống trong bữa ăn. Uống rượu trong bữa ăn là tận dụng được cái dược tính của rượu. Rượu sẽ giúp tiêu hóa đồ ăn, và quan trọng nhất, theo nhiều chuyên gia y khoa, giúp tránh được bệnh nghẽn mạch máu, nhồi cơ tim, một chứng bệnh gây nhiều tử vong nhất ở các nước Tây phương.

 

Theo các nhà y học thì trong rượu có chứa chất phenol (carbolic acid) là một chất hóa học có khả năng khử những chất  béo, ngăn chận máu đông lại làm tắt sự lưu thông của máu. Cũng theo họ, rượu vang đỏ (red wine) có nhiều khả năng làm tan mỡ nhất bởi vì khi ép và xay rượu đỏ, người ta lấy luôn cả vỏ nho (skin contact) trong khi rượu trắng thì không, mà vỏ nho thì chứa hóa chất phenol.

 

Uống rượu điều độ là tốt, nhưng nếu lạm dụng thì khổ to, vì theo các nhà khoa học, uống rượu nhiều quá có thể bị ung thư miệng, ung thư thực quản. Uống rượu nhiều làm hại gan và có thể dẫn đến ung thư gan.

 

Những phụ nữ mang thai lạm dụng rượu có thể làm cho bào thai có nguy cơ bị khuyết tật. Và hiện thời vẫn đang có sự tranh luận giữa các khoa học gia về sự dây dưa giữa uống rượu và ung thư vú nơi phụ nữ.

 

Một vài cuộc khảo cứu đã tìm ra sự liên hệ giữa uống rượu và nguy cơ ung thư vú gia tăng nơi phụ nữ. Và có những cuộc nghiên cứu khác cho rằng uống rượu ít chất cồn (low alcohol) sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ ung thư vú nói trên.

 

Xin lưu ý độc giả, Thụy Văn nói thì nói vậy, chứ độc giả nên tham khảo ý kiến của bác sĩ gia đình trong vấn đề uống rượu. Có điều Thụy Văn biết, không những khoảng cách tỷ lệ uống rượu giữa hai phái trong xã hội Úc đã rút ngắn, từ 80%-20% (nam-nữ) xuống còn 60%-40%, mà trong cộng đồng người Việt Nam ở Úc hiện nay, chuyện các bà uống rượu với chồng trong các bữa tiệc là chuyện bất bình thường, nếu không muốn nói là thời thượng.

 

Giáo sư y khoa Đại học Boston ở Hoa Kỳ, Bác sĩ Curtis Ellison cho rằng uống nhiều uống ít không là vấn đề, mà vấn đề quan trọng là uống thường xuyên như thế nào.

 

Trong một bài viết trên tạp trí chuyên đề rượu hồi tháng 10 năm ngoái,  Bác sĩ Curtis Ellison nói đa số người ta không có thói quen uống rượu tốt: nhiều người có thói quen trong tuần không uống gì cả, nhưng đến cuối tuần uống đến trời đất lăn quay.

 

Ông nói chỉ cần một số lượng nhỏ rượu (chất cồn) để giúp tránh bệnh tim, nhưng cần phải dùng một cách điều độ (regularly). Và ông giáo sư y khoa này không quên viết một cách cẩn thận: “Rượu có thể đem lại lợi ích một cách đặc biệt cho sức khỏe của quý vị khi quý vị dùng trong bữa ăn, hơn là uống với bụng trống”.

 

Quan niệm của giáo sư y khoa Ellison cũng trùng hợp với quan điểm của Bác sĩ Philip Norrie, một người Úc say mê rượu và hiện đang làm chủ một nhà làm rượu ở vùng Hunter Valley trên NSW.

 

Trong rượu, ngoài chất chống béo phenol, còn có những chất chống ốc-xy-hóa (antioxidants). Các nhà bác học khắp thế giới rất thích thú khi thấy một cuộc nghiên cứu của Đại học Bordeaux ở Pháp vào năm 1997 trên 2,000 những người già tuổi từ 65 trở lên, cho thấy chất antioxidants ở trong rượu có thể đã giúp con người chống trả lại với bệnh Alzheimer, một loại bệnh mất trí nhớ, lú lẫn nơi người lớn tuổi.

 

Black Label 2001: một trong hai nhãn hàng đầu của hãng Wolf Blass 

 

Chưa hết, người ta còn nhớ vào năm 1991, chương trình 60 Minutes trên đài truyền hình Mỹ với đề tài French Paradox (Nghịch lý nơi người Pháp) đã làm dân Mỹ nối đuôi ở các tiệm bán rượu để mua rượu kẻo sợ… hết rượu (như có tin đồn sắp có… tận thế vào năm 2000 hay trái đất sẽ mất ánh sáng, nhân loại mười phần chết bảy còn ba, nên có một số người muốn ăn chắc bèn đua nhau đi mua gạo, mắm muối, đèn cầy về nhà tích trữ, đến độ một linh mục trong một bài giảng ngày Chủ Nhật đã chế nhiễu cái chuyện đua nhau đi mua đồ tích trữ cho năm 2000 trong cộng đồng Việt Nam).

 

Cái chương trình về sự “nghịch lý của người Pháp” cho thấy là mặc dầu người Pháp ăn đồ ăn béo rất nhiều, nhưng tỷ lệ người chết vì chứng nghẽn tim rất thấp do người Pháp uống nhiều rượu vang đỏ. Khi chương trình chuyền hình này được báo chi loan tải thì không những ở Úc mà các nước khác, số lượng rượu bán tăng lên vùn vụt.

 

Bây giờ lại nói về chuyện uống rượu điều độ. Có lẽ nhiều người uống rượu nhưng không để ý nơi chai rượu có hàng chữ nhỏ đề “Approx… standard drinks”, có nghĩa “là khoảng… ly chuẩn”. Có chai rượu đề approx… 7.7 standard drinks mà cũng có chai khác đề approx… 8 standard drinks, tùy theo lượng cồn trong chai, mà thông thường rượu vang( table wine) có nồng độ rượu từ 10-14%.

 

Nước Úc là nước tiên phong trên thế giới vào năm 1994 đã bắt buộc các nhà làm rượu phải ghi rõ lượng chuẩn trên nhãn chai rượu.

 

Một ly chuẩn đối với rượu vang có dung tích là 120ml;  với loại rượu đỏ như Port và các loại rượu có nồng độ từ 20% trở lên thì 1 ly chuẩn có dung tích là 60ml. Với các loại rượu mạnh brandy, whisky, cognac có nồng độ rượu khoảng 40% thì một ly chuẩn khoảng 30ml.

 

Vậy uống bao nhiêu gọi là điều độ? Theo các cơ quan nghiên cứu y khoa quốc gia Úc –National Health and Medical Research Council– thì được gọi là điều độ nếu các ông mỗi ngày uống tối đa 4 ly chuẩn (khoảng nửa chai rượu vang) và các bà tối đa 2 ly chuẩn.

 

Làm thế nào để mua rượu rẻ?

 

Tuần trước, Thụy Văn tôi có kể chuyện đi thử rượu Grange do cửa hàng Dan Murphy tổ chức nhưng hụt nếm, vì không được làm một trong 200 người tới sớm nhất để được sắp hàng vào thử. Cuối cùng chỉ được đứng ngắm chai rượu Grange đời 1994 đề giá $295 và được thử các loại rượu Shiraz khác nhau mà giá cao nhất khoảng $80 với điều kiện mua bỏ ra $2 mua một cái ly và dĩ nhiên được mang về nhà vì tiệm không có đủ và sợ tốn tiền để thuê người rửa lại cái ly chẳng đáng giá bao nhiêu.

 

Theo dõi các quảng cáo bán hạ giá thì sẽ mua được rượu rẻ hơn 

 

Nếu người nào đó mang đồ nhắm theo thì mặc sức mà thử, uống bao nhiêu cũng được, mặc dầu  mỗi lần rót rượu, họ chỉ rót cho một phần tư hay một phần ba ly mà thôi.

 

Buôn bán là có cạnh tranh, nên vào thứ Bảy tuần qua, tiệm rượu Paddington Grocer ở vùng Malvern cũng quảng cáo cho thử rượu Grange đời 1994 trong hai tiếng đồng hồ. Không như tiệm Dan Murphy, tiệm này nói họ chỉ cho nhấp (sip) loại rượu ngon của thế kỷ và chỉ cho nếm… một giọt mà thôi, nhưng không phải trả đồng nào cả.

 

Thụy Văn bị mất hứng về vụ thử rượu Grange, nên không muốn đi nữa, nhủ bụng chừng nào trúng Tattslotto bốn con hãy đi mua một chai, mời bạn bè tới uống cho biết Grange là cái chi chi.

 

Tại Úc, Hội Những Người Uống Rượu (Wine Society) có đến 58,000 hội viên với những cửa hàng bán rượu có tiếng như Vintage Cellars, Liquorland, Woolworths lập những câu lạc bộ để liên lạc, quảng cáo và có giá đặc biệt hay cho hội viên những ân huệ không ngoài mục đích dụ và giữ khách hàng.

 

Nếu bạn là khách hàng của các ngân hàng như ANZ, Westpac, National hay hãng Qantas,  công ty rượu bia Foster v.v… chắc thể nào bạn cũng đã từng nhận những tờ quảng cáo rượu kèm với báo cáo tài chánh hay sổ trương mục.

 

Những tờ quảng cáo này đề nghị bạn mua những tá rượu vang khác nhau với giá một két (12 chai) khoảng $110 đến khoảng $170. Như tuần qua, Thụy Văn nhận tờ quảng cáo bán một tá rượu vang trắng Chardonnay 1998 của nhà làm rượu Neil McGuigan với giá chỉ $77 (bán hạ nửa giá, một chai chỉ $6.50) và còn tặng cho chai rượu Johnnie Walker Black Label trị giá $34.99 cho két rượu đầu tiên (như vậy chai chardonnay chỉ còn hơn $3). Lại còn cho người mua rượu lần đầu được làm hội viên (free 12 month membership) của Cellarmasters miễn phí một năm, thay vì đóng niên liễm $25 như những người khác.

 

Mấy chục tên rượu của từng tá khác nhau là những tên hiệu lạ, không tên tuổi, nhưng Cellarmasters nói rằng nếu uống chai nào mà không thích thì cứ báo cho họ, sẽ được giữ điểm (tiền) của chai đó cho lần đặt hàng kế tiếp. Quảng cáo như rứa thì thôi. Ai mà chả thích?

 

Nghe vậy, Thụy Văn phải đi tìm tông tích của nhà bán rượu này và được biết Cellarmasters hiện là một công ty bán ruợu hàng đầu của Úc qua bưu điện và điện thoại, tức là bán trực tiếp cho khách hàng chứ không cần qua các cửa tiệm.

 

Như  ông giám đốc Terry Davis của công ty này cho hay thì Cellarmasters bắt đầu làm ăn từ năm 1982. Năm 1987, khi ông Davis vào làm, thì công ty chỉ có 20 nhân viên, nhưng hiện nay công ty đã có đến 1,600 nhân viên. Rượu tồn kho của công ty ở vùng Barossa Valley có đến 1.2 triệu két, và trong năm ngoái, chỉ riêng bán cho khách hàng ở Úc và Tân Tây Lan thôi, công ty đã bán được trên 1 triệu két.

 

Cách đây hai năm, công ty rượu biaa Foster đã mua lại Cellarmasters, và vì thế mà hoạt động bán hàng qua bưu điện của Cellarmasters còn phát triển mạnh qua các nước  khác như  Hòa Lan, Pháp, Bỉ, Đức, Mỹ và Anh.

 

Theo ông Davis thì với kỹ thuật tiến bộ và khả năng tiếp thị của công ty, Cellarmasters có thể bán tới 2 triệu két rượu qua Âu Châu trong năm nay. Hiện tại Cellars chiếm được 10% thị trường thế giới trong lãnh bán rượu trực tiếp đến khách hàng.

 

Theo Cellarmasters, họ hiện có khoảng 200,000 hội viên tại Úc. Thị trường của họ thường là những vùng khá giả như Hawthorn, Kew, Brighton ở Melbourne và Rose Bay, Bellevue Hill và vùng biển phía bắc ở Sydney.

 

Có những khách hàng nói họ không thể khuân két rượu nặng cả 19 ký lô lên lầu, nên Cellarmasters bán hàng giao tận cửa, chỉ tính thêm cước phí chuyên chở và giao hàng mỗi két từ $6 đến $12 tùy theo vùng xa gần.

 

Mỗi ngày Cellarmasters nói chuyện với khoảng 10,000 khách hàng qua điện thoại, xem khách hàng muốn thêm gì nữa. Gặp hội viên cả 6 tháng không có liên lạc gì, Cellarmasters sẽ xem hồ sơ  sem sở thích mua rượu của hội viên mà gởi quảng cáo đề nghị. Chẳng hạn khách hàng trước nay chỉ đặt mua rượu chardonnay thôi, thì nay họ sẽ “offer” những két rượu nhiều thứ khác nhau (mixed cases) để khách hàng chọn, dĩ nhiên là với những ưu tiên, quà tặng hấp dẫn khác.

 

Cellarmasters có nhiều loại rượu. Họ có cả nông trại nho, nhà làm rượu mua rượu của những nhà làm rượu khác rồi đặt nhãn hiệu rượu mới mà bán cho hội viên, nhưng dĩ nhiên luôn xứng đồng tiền bát gạo và họ cho rằng rượu của họ sẽ ăn đứt các tiệm rượu bán lẻ về mặt giá cả, nhờ họ bán trực tiếp.

 

Cellarmasters bán đủ loại rượu trừ rượu của Mildara Blass, tức rượu nhà, rượu của đại công ty Foster. Như ông Davis nói thì sở dĩ Cellarmasters không bán rượu của Mildara Blass để tránh cho các cửa tiệm bán lẻ khác khỏi bị cảm tưởng là Foster ưu đãi công ty nhà hơn.

 

Cellarmasters cũng nói là các tiệm bán lẻ khác không ưa Cellarmasters và cho rằng Cellarmasters không phải là một cửa hàng thật sự (a real shop), nhưng ông Davis nói mặc dầu Cellarmasters chưa bán hàng qua Internet (đã có một số dịch vụ bán rượu online hoạt động rồi), chuyện đó rồi mai mốt cũng tới thôi, do đó các cửa tiệm bán lẻ phải chuẩn bị tinh thần.

 

Hội viên các câu lạc bộ rượu được cái giải gì?

 

Và trong khi cơn sốt quảng cáo rượu Grange 1994 của nhà Penfolds đang lên cao, thì Thụy Văn nhận được một tờ quảng cáo của tiệm rượu Vintage Cellars dành cho hội viên của tiệm rượu này.

 

Như tiệm Vintage Cellars nói thì giá bán lẻ Grange 1994 là $329, nhưng với người nào có thẻ hội viên thì sẽ bán với giá $279 một chai (tuần qua Dan Murphy bán với giá $295). Và nếu hội viên nào mua thêm bất cứ 11 chai rượu loại gì trong tiệm (chai $6 cũng được) thì sẽ hạ giá chai Grange xuống còn $251.10. Tiệm Vintage Cellars có chính sách bớt 5% cho bất cứ ai (không cần là hội viên) mua bất cứ 6 chai rượu nào và bớt đến 10% khi mua bất cứ chai rượu nào.

 

Mà như Thụy Văn đã nói trước đây khi bàn về đầu tư cổ phần, nếu người nào có thẻ Shareholder Discount Card của công ty Coles Myers, thì lại còn được bớt thêm 5% nữa (vì Vintage Cellars là công ty con của Coles Myers),  như vậy chai Grange 1994 –“chai rượu của thế kỷ”–  nay chỉ còn $238.54. 

 

So với cửa tiệm bán đại hạ giá nổi tiếng Dan Murphy thì chai Grange của Vintage Cellars nay rẻ hơn đến $56.46. Nhưng Vintage Cellars cũng cho hội viên biết phải nhanh chân tới mua vì số lượng rượu với giá đặc biệt như vậy rất… giới hạn.

 

Thụy Văn xin hẹn bạn đọc tuần tới sẽ bàn tiếp.

 

(TVTS – 687  26.5.1999)