Bàn về RƯỢU: bài 8

03 Tháng Mười Hai, 2008 | Tìm hiểu về rượu

   

 

 

 

Giữ hột xoàn hay trữ rượu? Rượu vang: nằm xuôi, lộn ngược

 

Cách đây khá lâu, Thụy Văn tôi được một người bạn mời uống rượu, dĩ nhiên là phải mời uống một thứ rượu đặc biệt thì mới có chuyện để nói. Rượu cognac của Pháp thượng hảo hạng.

 

Thụy Văn tôi chỉ uống rượu cognac đến trình độ XO thôi. Dân rượu Mít tộc ở đây chơi XO là đã được coi xịn lắm rồi. Nhưng ông bạn của Thụy Văn tôi là người thích trữ rượu, những loại rượu ngon, quý mà ông gọi vừa trưng bày cho đẹp mắt vừa làm … di sản cho con cháu sau này.

 

Vừa… triển lãm, vừa… đầu tư

 

Ông bạn kể rằng ông thường chỉ trích vợ ông về chuyện mê hột xoàn, nhưng vợ ông nói ông là dân nhà quê, không hiểu mô tê gì mà cũng dám phê bình. Theo bà, hột xoàn vừa làm cho người mang đẹp ra, sang trọng lên, lại còn là cách giữ của rất… an toàn khi ra ngoài đường lộ  lại tiện lợi khi cất giấu trong xó nhà.

 

Viên kim cương một cà- rá nước A hoặc B hôm nay có thể $20,000 mà biết đâu 10 năm sau trở thành ba, bốn chục ngàn đô la không chừng. Bà vợ bạn Thụy Văn chê cánh đàn ông không biết gì về trang sức và đầu tư nên cứ gặp bà nào thích hột xoàn thì chỉ việc phê ngay là dân nhà quê, thích khoe của, chứ thật ra mấy ông mới là dân nhà quê, cù lần lửa.

 

Bà chơi hột xoàn thì ông chơi rượu.

 

Ông bạn của Thụy Văn bèn sưu tầm rượu, rượu Pháp loại XO trở lên. Ông cũng lý luận với bà vợ rằng ông mua rượu để trưng cho đẹp nhà đẹp cửa như người ta treo tranh, lại thêm phần sang trọng như các bà mang hột xoàn.

 

Ông cũng bảo đảm với vợ là những chai rượu XO trở lên sẽ được cất trong tủ búp–phê có cửa kính hẳn hoi, có khóa để bạn bè có tới chơi thì cũng không dám đề nghị mở tủ ra, mà phải hiểu rằng những chai rượu nằm đằng sau cửa kính là loại trưng bày, như tranh Picasso, Leonardo Da Vinci… chứ không phải để uống.

 

Và ông còn cho vợ thấy rượu cũng lên giá như hột xoàn, thí dụ một chai Courvoisier VSOP cách đây gần 20 năm chỉ có khoảng $30 mà nay cũng đã xuýt xoát $70. Ông lý luận, trữ rượu cũng là một cách đầu tư. Bà vợ mê hột xoàn của ông hết cãi.

 

Từ đó, lâu lâu ông để dành tiền tậu vài chai rượu đặc biệt, có những chai vài ba trăm, có trai trên cả ngàn đô. Ông bạn giải thích với vợ đầu tư vào rượu không cần nhiều vốn như đầu tư vào hột xoàn. Bà vợ cũng đành chịu. Hơn nữa, ông chồng bà chỉ thích mua rượu chưng chứ không thuộc loại sáng say chiều xỉn nên cũng không gây vấn đề cho hạnh phúc và túi tiền của gia đình.

 

Hôm đó, ông bạn mời Thụy Văn tôi tới nhà dự lễ lục tuần của ông. Khách chỉ là vài ba người mà ông coi  là thân. Sinh nhật thứ 60 thì phải có cái gì khác thường. Ông cho mở chai rượu Thụy Văn tôi chưa thấy bao giờ, nên cũng không thể nhớ tên. Chỉ biết là rượu Pháp, chai cổ cao bằng pha lê, đậy bằng nút bần (còn gọi là nút điển điển).

 

Lý do, chai pha lê này còn có một nút đậy riêng, cũng làm bằng pha lê, nhưng núm tròn có nhiều góc cạnh, và do kỹ thuật cắt góc tuyệt đẹp và công phu, núm đậy pha lê này dưới chùm đèn bóng lấp lánh như một viên kim cương mấy trăm cà- rá. Thụy Văn nghĩ chai rượu này phải đắt tiền lắm, bởi cái vỏ chai không thôi ít ra cũng phải trị giá cả trên $300 (ngang hàng với những chai lọc rượu mà tiếng Anh gọi là decanter. Sẽ nói về nghệ thuật lọc rượu ở một dịp khác).

 

Hỏi giá cho biết để mở rộng kiến thức rượu, nhưng ông bạn chỉ nói trên một ngàn đô và cho biết thêm trong hộp giấy đựng rượu, nhà sản xuất có ghi số chai rượu và nói rằng chỉ sản xuất giới hạn vài ngàn chai thôi. Vì thế mà rượu đắt. Dĩ nhiên, với những chai rượu cognac như thế này thì khi uống vào, mùi sẽ thơm rất dịu dàng, không thua gì rượu nho hiệu Grange, vì không còn ngửi thấy mùi cồn như trong những chai rượu giá từ $200 trở xuống.

 

Ông bạn Thụy Văn tôi trịnh trọng đặt chai rượu xuống bàn, lấy cái mở nút loại tốt với hai cánh bẫy hai bên để có thể nâng từ nút bần lên mà không sợ bị vỡ giữa chừng. Trục khoan đã đụng đáy nút bần, ông bạn dùng hai tay bóp hai cánh bẫy để kéo nút bần lên. Ông làm rất từ tốn, rất nhà nghề. Nhưng ồ kìa! trục xoắn từ từ đi lên mà nút bần cứ nằm nguyên chỗ, không nhúc nhích.

 

Ông bạn có vẻ vừa ngạc nhiên vừa bực tức, cằn nhằn tại sao chai rượu cả ngàn bạc mà cái nút bần bở, còn dổm hơn cả những chai rượu vang loại mười đồng. Ông làm lại lần thứ hai. Cái trục khoan đâm xuống làm rơi những mảnh vụn của nút bần lên mặt rượu trong chai. Mặt nước rượu cognac trước đây còn trong veo hơn cả mặt nước hồ thu của thi sĩ Nguyễn Khuyến, thế mà bây giờ lăn tăn những bột bần, chẳng khác gì mặt ao đầy bèo.

 

Ông bạn bắt đầu nhăn mặt. Cái trục khoan cuốn lên nhưng nút bần vẫn y nguyên tại chỗ. Ông bạn nói nút bần quá bở và do đó tạo một lỗ hổng, làm cái trục khoan bằng thép không còn bám vào ruột nút bần được nữa.

 

Ông thử thêm lần thứ ba, nhưng chỉ vô ích. Người trong bàn tiệc mỗi người một ý. Kẻ cho rằng cái khóa mở rượu chưa phải là loại khóa tốt. Kẻ khác cho rằng khui rượu bạc ngàn như vậy phải dùng khóa loại có hình chữ T để khi đâm qua khỏi đáy nút bần, nó bật thành hình chữ T thì nâng nút bần lên dễ dàng, dù nút bần có dổm bao nhiêu đi nữa.

 

Lại có kẻ ra vẻ sành rượu nói rằng rượu luôn luôn phải để nằm nghiêng xuống mặt bàn để giữ cho nút bần ẩm, khỏi bị khô và bở. Nhưng ông bạn Thụy Văn tôi nói có bao giờ thấy rượu cognac trong tiệm hay ở những nơi trưng bày mà người ta cho chai nằm xuống đâu?

 

Cả Thụy Văn tôi đây cũng chỉ thấy người ta cho chai rượu vang nằm nghiêng hay chổng đầu xuống đất, còn với rượu cognac, thì quả thật chưa hề thấy để ở tư thế trông… thiếu thẩm mỹ đó bao giờ.

 

Làm sao bây giờ giữa buổi tiệc? Chủ nhà đành dùng đũa cái đẩy cái nút bần kia vào trong ruột chai. Nút bần trôi bồng bềnh trong chai, thật là ngứa mắt, nhưng biết làm sao.

 

Cho chúng nằm xuống

 

Câu chuyện trên xảy ra trước ngày Thụy Văn tôi bắt đầu nghiên cứu thêm về rượu nho để viết bài hầu bạn đọc mê rượu, một nghệ thuật không phải chỉ mất thì giờ mà đôi khi cũng phải tốn tiền thì mới rút được dăm ba kinh nghiệm, bởi vì viết mà không có kinh nghiệm sống thì khó mà hấp dẫn người đọc.

 

Trừ những tiệm bán rượu, những tủ trưng bày rượu dùng để uống liền trong các gia đình, chứ trong những hầm cất trữ rượu (cellar), người ta luôn luôn đặt các chai rượu nằm xuống hoặc chổng đít lên trời.

 

Nếu bạn tinh mắt thì sẽ thấy tất cả những kệ rượu (shelf) hay giá rượu (rack) đều luôn luôn chế tạo ở tư thế để khách hàng có thể đặt chai rượu nằm ngang, nằm nghiêng hoặc cúi thẳng đầu xuống đất.

 

Trong mọi tư thế, nút bần luôn luôn ngập ướt rượu. Mục đích giữ cho nút bần luôn luôn được ẩm ướt để nút bần khỏi bị khô, bở, mặt khác còn giúp cho không khí khỏi lọt qua vào bên trong, gây hiện tượng ốc-xy hóa, làm hư rượu.

 

Có người còn cho rằng nút bần trong quá trình va chạm với rượu cũng sẽ tạo thêm hương vị thơm cho rượu, giống như rượu được cất trong các thùng gỗ sồi vậy. Đó là lý do tại sao người ta không chuộng những nút chai làm bằng nhựa, vừa rẻ tiền vừa bảo đảm không khí không lẻn vào bên trong.

 

Các nút bần được dùng trong kỹ nghệ rượu ở Úc có giá thành từ 5 xu đến 70 xu một cái. Cho nên, với những chai rượu chỉ bốn, năm đô thì chắc chắn người ta phải làm nút chai với loại bần rẻ nhất hoặc nút bần bằng nhựa.

 

Trường hợp chai rượu Pháp đặc biệt của người bạn nói ở trên, Thụy Văn tôi thấy nút bần rất đẹp và chắc chắn phải rất tốt, nhưng do để đứng lâu ngày, khô thì trở nên bở và vì vậy dùng khóa mở kéo ra thì chỉ có bị tuột mà thôi.

 

Thụy Văn tôi nghĩ rằng, trong trường hợp những chai rượu cognac có nút bần để đứng lâu ngày, bạn cần phải cho nằm xuống chừng một ngày, hoặc ít lắm bốn, năm tiếng đồng hồ trước khi mở ra uống. Có như vậy, cái nút mới không bị bể vụn.

 

Nhưng bạn đọc thuộc trường phái rượu cognac khỏi phải lo chuyện này. Đa số các nút rượu cognac Pháp đều chế bằng nút đậy, ấn vào hoặc vặn bằng nắp kẽm. Các chai cognac xài nút bần như rượu vang là những trường hợp rất đặc biệt, thường chỉ để dùng với những chai rượu có nút đậy bằng khối pha lê. Thử tưởng tượng những chai cognac, whisky trong tủ búp-phê của bạn mà cứ bắt chúng phải nằm ngổn ngang thì còn gì là mỹ thuật. Khách tới thăm chắc chắn tưởng rằng bạn đang… có vấn đề!

 

Nhưng có phải tất cả mọi chai rượu đều phải để nằm xuống hết không? Điều này còn tùy.

 

Nếu bạn mua một két rượu vang về mà chưa có giá hay kệ để cất giữ cho đúng cách, thì trước tiên xin bạn vui lòng đặt nguyên cả thùng rượu đó trong tư thế nằm hay tư thế lộn ngược lại để luôn giữ cho các nút bần được ẩm ướt.

 

Như đã nói ở trên, những chai rượu có nút vặn, ấn (tiếng Anh gọi là plastic-topped resealable corks hoặc screw-tops caps) thường là loại rượu cognac, whisky, brandy hoặc những loại rượu gọi là fortifieds (nồng độ cồn cao hơn rượu vang) như tawny port, muscat, tokay hay sherry là những loại rượu không dùng nút bần, nên không cần để nằm hay lộn ngược.

 

Ngược lại, những chai rượu như thế- nhất là rượu tawny port, muscat, tokay và sherry-theo sách vở, luôn luôn phải được giữ ở tư thế đứng, đầu đội trời, chân đặt đất, chứ không chơi trò đi lộn đầu xuống đất như mấy anh rượu vang.

 

Một thân hữu thuộc tửu phái cognac thấy Thụy Văn viết về rượu bèn hỏi rượu cognac có cần để lâu không, và nếu để lâu thì có giá trị như loại rượu Penfolds Grange không?

 

Ý tửu hữu này muốn nói rằng một chai rượu Grange mà cất giữ 48 năm như chai Grange đời 1951 mà Thụy Văn đưa tin mấy tháng trước đã lên tới khoảng $27,000 thì chai Hennessy XO (chai một lít hiện giá khoảng $200) mà ông bạn cất giữ tới giữa thế kỷ 21 thì có giá trị tương đương với chai Grange 1951 không?

 

Thụy Văn tôi trước đây là tửu hữu của phái cognac, nhưng từ ngày cải qua đạo rượu vang thì hầu như chưa có nhu cầu để tìm hiểu thêm về rượu cognac của mấy anh Pháp Lăng Sa. Nhưng nhờ uống nhiều rượu mà ngộ được đạo rượu và từ đó diễn giải ra như sau, nếu có chi sai sót xin chư vị tửu hữu bốn phương viết thư (xin chớ gọi điện thoại) đóng góp ý kiến, thì sẽ muôn vàn cảm tạ.

 

Số là rượu cognac đã qua đủ chu kỳ làm rượu, rượu đã chín đủ (thí dụ bạn thường thấy chai rượu whisky cổ đen ghi 12 tuổi) thì người ta mới ra thùng, mới đóng chai. Vì thế, một khi đã vô chai rồi, rượu cognac dù có để cho đến ngày tận thế thì nó cũng rứa. Mà cũng có thể hư không chừng vì chưa chắc chai rượu đó đã được làm ra để tồn tại muôn năm như… chủ nghĩa xã hội.

 

Trường hợp chai cognac đó sau này đắt giá là bởi vì nó hiếm, chứ không phải rượu chín, ngấu (ageing) như rượu vang. Trường hợp rượu lên giá-như chai Courvoiser VSOP mà ông bạn của Thụy Văn nói trên, từ khoảng $30 lên tới gần $70-là do nạn lạm phát, lên theo với chỉ số giá cả sinh hoạt. Không biết ông bạn rượu của Thụy Văn tôi có còn nhớ là vào ngày đó, cách đây 20 năm giá một lít xăng dưới 30 xu mà ngày nay đã lên 70 xu?

 

Nói như thế thì chẳng hóa ra Thụy Văn tôi đã mâu thuẫn với những lời “quảng cáo” trước đây, rằng “cất trữ rượu là một hình thức đầu tư” hoặc đầu tư vào thứ rượu gì đó thì cũng như là đầu tư vào một loại blue-chip, như ta đầu tư vào thị trường chứng khoán?

 

Xin thưa, không mâu thuẫn tí ti ông cụ nào. Bạn đem bỏ tiền vào trương mục hoạt kỳ, định kỳ, dài hạn, ngắn hạn hoặc đầu tư vào cổ phần, quỹ hưu trí, địa ốc hoặc chơi hụi v.v… hay mua rượu, hột xoàn đều là đầu tư cả (xin lưu ý, mua xe hơi, dù là xe xịn, xe nhập cảng và luôn luôn chơi xe mới cáo chỉ đi một thời gian ngắn rồi bán, đều không thể gọi là đầu tư, mà đó là cách phá tiền). Chỉ có điều là lời nhiều hay lời ít so với giá cả sinh hoạt và mức lạm phát đồng tiền.

 

Nếu bạn có $30,000 để dành, bạn sẽ làm gì nếu không gửi ngân hàng hay chôn dưới đất? Mua vàng? Bạn có thể mua được khoảng năm chục lượng vàng. Mua hột xoàn? Sẽ chỉ có thể mua được chiếc nhẫn nạm hột xoàn lớn hơn một cà-rá có màu tím trong vắt nước C.

 

Cả hai thứ này dễ cất lắm. Nếu không thuê hộp đựng đồ quý (safe) ở ngân hàng mà cất cho an toàn thì bạn cũng có thể chôn ở trong nhà. Nhưng nếu dùng để mua rượu vang đầu tư thì sao? Nếu bạn đầu tư vào loại rượu khoảng $15 một chai để cất uống (hay làm của) trong vòng 5 hoặc 10 năm tới thì bạn có thể mua tới 2,000 chai rượu!

 

Có chỗ để cất chừng đó chai rượu không? Rủi nhiệt độ trong phòng cất rượu của bạn cao trên 20 độ C thì coi như cả gia tài rượu đó sẽ chín (ageing) sớm và có thể tiêu tùng mà bạn chẳng hay.

 

Nghề chơi rượu cũng lắm công phu, bạn rượu ơi! Sẽ hầu chuyện cùng bạn đọc về việc trữ rượu (cellaring), chọn các loại rượu mà cất giữ vào dịp khác.

 

(TVTS – 695)