Vòng quanh thế giới (9): Giải Nobel Hòa bình ở Oslo

08 Tháng Mười Một, 2017 | Na Uy
Mặt tiền Nobel Peace Center. (Hình: TVTS)

Sau năm ngày đêm ở thành phố Copenhagen, chúng tôi đáp may báy SAS của hãng hàng không Na Uy sang thành phố Oslo. Chúng tôi mua vé trên mạng, thấy hãng nào rẻ, thuận tiện và có tiếng thì mua. Sau này mới biết SAS là một hãng lớn của các nước vùng Scandinavia, viết tắt của chữ Scandinavian Airlines System, mà tên chính thức dài hơn: Scandinavian Airlines System Denmark – Norway – Sweden, có nghĩa đây là liên doanh của ba nước.

Bay mất một tiếng mười phút và giá vé là $140 Úc kim, rẻ so với Úc. Nhưng từ phi trường quốc tế Gardermoen về trung tâm thành phố hơi xa, cách khoảng 45 cây số. Bạn phải đi xe lửa hay taxi. Xe lửa tốc hành chạy khoảng 20 phút với giá vé 160 krone tiền Na Uy (1 Úc kim khoảng 6 NOK). Nhưng chúng tôi được người đồng hương chưa quen đến đón, cho nên  không biết nếu đi taxi phải tốn bao nhiêu trên con đường dài như vậy. Rất có thể trên $100 Úc kim.

Lên mạng, tôi chọn thuê khách sạn 3 sao Anker Hotel giá $170 Úc kim/ đêm bao ăn sáng. Khách sạn này nguyên là chung cư dành cho sinh viên, không có máy lạnh và safe box để đồ quý giấy tờ quan trọng, không có wi-fi ở phòng ngủ, muốn dùng computer hay nhận email thì phải xuống phòng tiếp tân, đôi khi cũng không chạy, vì nhiều người dùng mà đường dây thì yếu. Nhưng được điểm lợi là cách ga xe lửa trung ương chừng nửa cây số và hoàng cung khoảng một cây, cách trụ sở Hội Người Việt Tị Nạn vài trăm mét, gần sông thơ mộng mát mẻ nhiều cây cối và nhất là giá phòng rẻ. Na Uy nổi tiếng đắt đỏ mà thuê được phòng $170 Úc kim bao ăn sáng là quá được.

Khôi nguyên Lưu Hiểu Ba chết trong tù. (Hình: TVTS)

Những cái nhất

Trước khi bay đến Oslo, tôi biết Na Uy là nước được xem hạnh phúc nhất thế giới trong năm 2017, trên cả nước Đan Mạch. Đây cũng là nước có nhiều người Việt tị nạn và sinh sống nhất trong các nước Bắc Âu. Tôi còn biết Oslo là thành phố mỗi năm trao giải Nobel Hòa Bình vào đầu tháng 12, một giải mà khôi nguyên lãnh giải có năm được người ta khen, có năm bị chê.

Nhưng có hai điều tôi không biết về Na Uy trước khi đến: Na Uy là nơi có đời sống đắt đỏ nhất Bắc Âu và có thể đắt nhất Âu Châu và cả thế giới nữa. Điều này tôi đã được những người bạn tị nạn sống lâu năm ở Na Uy cho biết khi ăn một tô bún bò Huế giá 169 krone (khoảng 28 Úc kim). Hay khi đi ngang qua một tiệm  phở gặp một nhân viên chạy bàn từ Việt Nam sang lao động, hỏi tôi đi qua Na Uy thăm bà con hay đi du lịch và khi nghe chúng tôi đi du lịch, cô ta ngạc nhiên nói “Ở đây đắt đỏ lắm, chắc cô chú phải giàu lắm mới du lịch ở xứ này”, vì cô tưởng chúng tôi từ Việt Nam sang.

Tôi cũng chỉ mới biết Na Uy là một nước giàu có nhờ ngành hàng hải, đóng tàu và là nước giàu nhờ xuất cảng dầu hỏa khi bạn bè ở Na Uy hướng dẫn đi thăm Oslo. Và quả thật, sau này khi theo dõi báo chí nói về khủng hoảng năng lượng hiện nay tại Úc trong khi Úc giàu khoáng sản, than đá, khí đốt thì tôi mới biết Na Uy là nước xuất cảng dầu hỏa hàng đầu thế giới như các nước trong OPEC, Mỹ và Nga, mang lại sự thịnh vượng cho nước này bởi hàng năm bán ra khoảng 350 tỉ Mỹ kim dầu thô và khí đốt.

Dân số tương đương các nước Bắc Âu khác, đất nước có diện tích lớn hơn Việt Nam vài chục ngàn cây số vuông nhưng dân số chỉ khoảng 5 triệu người và với sự phát triển nhanh  sau thế chiến thứ hai, Na Uy đã trở thành một nước giàu có và có sức mạnh quân sự đủ để ngăn chận mộng bành trướng của người Nga.

Phòng đèn màu trưng bày ở lầu hai với ảnh Henry Kissinger. (Hình: TVTS)

Na Uy xứ lạnh tình nồng

Tôi không có ý định khi đi du lịch ở Bắc Âu, sẽ tìm gặp các cộng đồng Việt Nam ở đây. Nhưng sau khi đã mua vé máy bay và còn khoảng mười ngày sẽ lên đường, tôi nghĩ tại sao không thử liên lạc với một cộng đồng trong năm nước mình sẽ đến.

Tôi chọn cộng đồng người Việt Na Uy vì nghe người Việt ở đây chống cộng rất mạnh qua nhiều sinh hoạt đưa lên mạng. Do đó tôi viết một lá thư ngắn gởi cho Hội Người Việt Tị Nạn Na Uy, nhờ chuyển đến ông Phạm Sĩ Việt, cho biết tôi là chủ bút của TiVi Tuần-san, sắp du lịch Na Uy, nhân tiện muốn đến thăm các hội đoàn trong cộng đồng, nói chuyện và nếu sắp xếp được, sẽ giới thiệu vài ca khúc của tôi qua một buổi văn nghệ bỏ túi.

Chỉ chừng vài tiếng đồng hồ sau, tôi nhận được thư hồi đáp của ông Phạm Sĩ Việt, cho biết mặc dầu ông không còn ở trong ban chấp hành của hội và chưa một lần gặp mặt tôi, ông sẽ  liên lạc với các anh chị em trong ban chấp  hành để tổ chức buổi tiếp đón “một vị khách từ nửa trái đất, lại là một vị khách khá đặc biệt”. Ông Việt cho biết ông chủ tịch hội hiện đang ở Mỹ và sẽ trở về trước khi tôi đến Na Uy và ông sẽ cho tôi biết  chương trình sớm vì thời gian không còn nhiều.

Tôi rất vui vì đây là chuyến đi du lịch đầu tiên không có sự chuẩn bị gặp đồng hương nhưng lại được đáp lời một cách nhiệt tình. Rất là ấm lòng. Đúng là cái duyên.

Oslo City Hall nơi tổ chức lễ trao Giải Nobel Hòa bình mỗi năm vào ngày 10 tháng 12. Đây là mặt nhìn ra hướng biển của phòng hội, nơi thường đặt khán đài để trao giải và đọc diễn văn. Ban công chung quanh là nơi ban quân nhạc trỗi kèn đón hoàng gia Na Uy và quan khách đến dự. (Hình: TVTS)

“Thao tác” từ ngày đầu

Ông Phạm Sĩ Việt ra phi trường đón chúng tôi. Gặp nhau, chúng tôi gọi nhau bằng anh ngay, cho thân mật. Thay vì để chúng tôi ở khách sạn vài tiếng cho lấy lại sức sau chuyến bay như đề nghị, tôi nói nếu được hãy đưa tôi đi xem những nơi đáng xem ngay vì chúng tôi chỉ ở thành phố Oslo trong bốn ngày đêm mà thôi.

Trời Na Uy tuy cuối hè nhưng mặt trời lặn vẫn còn chậm, do đó chúng tôi có thể ngắm cảnh từ chiều đến tối, có khoảng sáu tiếng đồng hồ để xem mệt nghỉ.

Nơi chúng tôi được anh Việt đưa đi thăm đầu tiên là Trung tâm Nobel Hòa bình nằm gần ga xe lửa cũ, sát Hải cảng Oslo.

Từ nhỏ tôi đã nghe nói đến giải Nobel Hòa Bình. Bây giờ mới được thấy trung tâm này. Nobel Peace Centre mà chúng tôi đến xem, thật ra chỉ mới được khánh thành hồi gần đây, vào năm 2005 bởi quốc vương Harald V của Na Uy trong một buổi lễ có sự hiện diện của hoàng gia hai nước Na Uy và Thụy Điển. Tất cả các giải Nobel đều được phát tại Thành phố Stockholm, thủ đô của Thụy Điển, ngoại trừ Giải Nobel Hòa bình.

Chuông Nobel Hòa bình trong phòng hội Oslo City Hall được đánh lên khi phát giải. (Hình: TVTS)

Giải Nobel Hòa Bình đầu tiên được trao vào ngày 10.12.1901, kỷ niệm ngày kỹ sư sáng chế chất nổ người Thụy  Điển Alfred Nobel qua đời (năm 1896). Người ta không hiểu lý do tại sao ông Nobel chọn Na Uy để chấm và trao giải thưởng  về hòa bình thay vì Thụy Điển (cũng nên biết khi Nobel chết, hai nước Thụy Điển còn nằm trong Union, tức liên hiệp).

Các giải Nobel hàng năm gồm văn chương, vật lý, hóa học, y khoa, kinh tế và hòa bình. Nhưng Giải Nobel Hòa bình được nhiều người biết tới nhất bởi ngoài số tiền 9 triệu krone (khoảng $1.5 triệu Úc kim) còn mang đến vinh dự, hào quang cho cá nhân hay tổ chức nhận.

Có vài năm giải này không có người nhận bởi  Ủy ban Giải Nobel Na Uy (do quốc hội Na Uy cử ra) không tìm được người hay tổ chức như ý. Mà có năm ủy ban bị chỉ trích vì trao giải không đúng người, như  giải này được trao cho Lê Đức Thọ và Henry Kissinger vào năm 1973 và Lê Đức Thọ của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (tức Bắc Việt) đã từ chối nhận giải này.

Năm ngoái, giải được trao cho Tổng thống Juan Manuel Santos của nước Colombia vì những nỗ lực của ông trong việc chấm dứt cuộc nội chiến 50 năm tại nước Nam Mỹ này. Giải Nobel Hòa Bình năm 2017 vừa được công bố trao cho ICAN, tổ chức quốc tế vận động hủy bỏ vũ khí nguyên tử do Tiến sĩ người Úc Tilman Ruff thành lập tại Melbourne vào năm 2007.  Thủ tướng và Lãnh tụ Đối lập đã không gọi điện thoại chúc mừng Tiến sĩ Ruff khiến ông Ruff phải lên tiếng than phiền.  Nói thẳng ra, tổ chức ICAN trong thực tế chẳng làm gì được với cuộc chạy đua vũ trang nguyên tử hiện nay và nhất là nguy cơ chiến tranh nguyên tử xảy ra giữa Bắc Hàn và Hoa Kỳ, có chăng họ muốn trói tay Mỹ và đồng minh tây phương như Anh, Pháp chứ các nước có bom nguyên tử như Nga, Trung Cộng, Pakistan, Ấn Độ  đâu hưởn để nghe mấy ông bà trong tổ chức ICAN hủy bỏ kho vũ khí nguyên tử của họ.

Tòa Thị chính Oslo với hai cột tháp (góc phải) và Nobel Peace Centre hai tầng màu trắng (góc trái) nhìn từ bến cảng. (Hình: TVTS)

Vào Trung tâm Nobel Hòa bình, du khách có thể được hướng dẫn hoặc tự đi tham quan. Ở tầng trệt trưng bày tài liệu về ông Nobel, những người hay tổ chức được giải, về những nỗ lực mà họ đã làm và đạt được qua hình ảnh, audio hay video. Lên tầng lầu cũng tiếp tục xem hình ảnh và tài liệu, nhưng đặc biết có phòng tối với đèn điện màu tím mờ ảo, nhạc nhẹ dẫn du khách đi vòng vòng xem những hình ảnh của những người và tổ chức được giải Nobel Hòa bình. Tôi chạm trán một trong những hình ảnh đầu tiên là cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Kissinger, khôi nguyên Nobel Hòa bình 1973, và một vài nhân vật  khác được giải nhưng bị chỉ trích như Yasser Arafat, lãnh tụ phong trào giải phóng PLO của Palestine.

Cho đến khi chạm mặt với khôi nguyên năm 2010 là ông Lưu Hiểu Ba, một nhà hoạt động cho dân chủ tại Trung Quốc, bị nhà cầm quyền Bắc Kinh buộc tội “kích động lật đổ chính quyền” với án tù 11 năm, không được đi lãnh giải và chết trong khi đang bị giam tù trong năm nay, tôi cảm thấy xúc động.

Tôi còn nhớ khi phát giải thưởng Nobel Hòa bình năm 2010, người ta đã để một cái ghế trống trên khán đài vì người nhận đã không được đến dự và lãnh giải bởi Bắc Kinh không cho ông Lưu Hiểu Ba xuất ngoại.

Chúng tôi tiếp tục đi xem nơi phát giải thưởng là Tòa  Thị chính Oslo (Olso City Hall) cách Trung tâm Nobel Hòa bình vài trăm  mét.  Tòa nhà hình vuông màu nâu sậm nằm ở một vị trí trung tâm của vịnh Oslo với hai ngọn tháp vuông nổi bật trên bầu trời xanh, bao bọc chung quanh bằng những vườn hoa nhiều màu sắc chăm sóc cắt tỉa rất cẩn thận. Từ Nobel Peace Center đi sang City Hall, khi mới đến gần, tôi tưởng hướng ở biển là mặt tiền, nhưng cửa chính nằm hướng bên trong với hai ngọn tháp làm mặt tiền, trên tháp có cái đồng hồ lớn và 49 cái chuong đánh lên mỗi  giờ, vang rất xa.

Tác giả cạnh đài phun nước hình con thiên nga trước cửa vào Tòa Thị chính Oslo. (Hình: TVTS)

Vì tòa nhà nằm ở mô đất cao sân rộng, người ta có thể đi bộ lên các bậc cấp hoặc lái xe lên gần cửa sảnh đường, như vua và hoàng hậu Na Uy mỗi khi đến dự lễ trao giải Nobel. Giữa sân có đài phun nước hình con thiên nga và ở trên tường mặt tiền, lại cũng có một cái đồng hồ thật lớn.

Ở bên ngoài có nhiều tác phẩm điêu khắc và phù điêu nói nói về lịch sử của Na Uy. Bên trong sảnh đường rực rỡ với những bích họa vĩ đại choáng hết các bức tường của tòa nhà. Tòa thị chính được xây xong sau  đệ nghị thế chiến và lễ trao Giải Nobel Hòa bình chỉ được dời về đây từ năm 1990. Tôi chưa thấy ở đâu có những bức tranh vẽ trên tường to và bắt mắt như thế  dù đó là ở Ý, Pháp, Tây Ban Nha.

Tòa thị chính mở  cửa cho công chúng  vào xem miễn phí. Chính điện (hay phòng hội lớn) để trống nên  căn phòng này nhìn hơi trống trải mất trang nghiêm uy nghi, nhất là khi trẻ con chạy nhảy hay người ta ngồi ở các băng ghế đá sát tường nghỉ ngơi, thậm chí nằm ngủ. Nhưng bạn hãy quên cảnh tượng đó, hãy  xem những bức tranh vĩ đại trên tường để thấy nó đẹp như thế nào. Cũng trong đại sảnh của Tòa Thị chính Oslo, trước bậc cấp lên các ban-công (nơi đây du khách không được vào), có một cái chuông màu vàng nghe nói được đánh lên khi trao bằng và huy chương Nobel Hòa bình.

Nhìn tòa nhà nơi trao Giải Nobel Hòa bình  mà người nhận giải có vinh dự được thế giới biết, được trọng vọng, tên tuổi được nhắc nhở nhiều năm hay cả vài chục năm sau, được lãnh một số tiền lớn (trúng số triệu) nhưng khá nhiều người hay tổ chức, theo tôi, không xứng đáng nhận cái giải  thưởng này.

Mời quý vị cùng tôi đi xem một thắng cảnh “tươi mát” hơn trong số báo tuần tới: Vigekand Park,  được vài người Việt ở Na Uy gọi là “công  viên xếch xi” và tôi đặt cho cái tên “công viên tượng khỏa thân”. Nhưng công trình này là cả một nghệ thuật và triết lý cao siêu về nhân sinh, vì vậy chúng tôi sẽ cho đăng nhiều bức hình để bạn đọc thưởng lãm.

 

Nguyễn Hồng-Anh

21.10.2017

(Du lịch báo in TVTS số 1648 phát hành ngày 25.10.2017)