Vòng quanh thế giới (11): Bảo tàng viện Hàng hải & Tượng đài Thuyền nhân

29 Tháng Mười Một, 2017 | Na Uy
Viện bảo tàng Hàng hải Na Uy (phải) với bảng hiệu phía trước. (Hình: TVTS)

Bấy lâu tôi cứ tưởng chỉ có những nước như  Anh, Ý, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha mới sinh ra những nhà thám hiểm tài ba nhưng nhờ đi một chuyến qua Na Uy mới biết rằng một nước nhỏ với dân số khoảng 5 triệu người và diện tích lớn hơn Việt Nam một chút cũng đã sản xuất ra những nhà thám hiểm lừng danh, ghi tên tuổi trong lịch sử.

Chẳng hạn Leif Eriksson (970-1020) được cho là người Âu Châu đầu tiên đặt chân tới Bắc Mỹ trước cả Christopher Columbus (1451-1506) vài trăm năm mặc dầu vấn đề này còn bị tranh luận. Tuy Eriksson  là người Norse sinh ở Greenland nhưng có thể coi là người Na Uy vì sau ông đã cải từ đạo của người Norse sang đạo Thiên chúa và qua Na Uy giúp việc cho vua nước này, ông trở về Greenland (lãnh thổ một thời có tranh chấp giữa Na Uy và Đan Mạch và nay là vùng tự trị của Đan Mạch) và lên đường thám hiểm, tìm ra vùng đất Newfoundland của Gia Nã Đại ngày nay.

Trong danh sách 10 nhà thám hiểm được xem vĩ đại nhất thế giới, người ta còn thấy tên của một người Na Uy khác, đó là ông Roald Amundsen (1872-1928) mà chúng tôi được thấy chân dung bằng tượng của ông trước Bảo tàng viện Hàng hải Na Uy (Norwegian Maritime Museum) trong ngày thứ hai của chuyến du lịch Oslo.

Bán đảo của bảo tàng viện: Fram Museum (phải) và Kon-Tiki Museum nằm bên cạnh Norwegian Maritime Museum. (Hình: TVTS)

Bảo tàng viện Hàng hải Na uy (BTVHHNU) nằm ở gần cuối mép bán đảo Bygdoy cách ga xe lửa trung ương chừng 8 cây số và khoảng 15 phút lái xe.  Trên bán đảo Bygdoy ngoài BTVHHNU còn có hai bảo tàng viện kế cận vài chục mét là Bảo tàng viện Fram (Frammuseet) và bảo tàng viện Kon-Tiki (Kon-Tiki Museet). Xa hơn chừng khoảng một cây số có Bảo tàng viện Tàu Viking (Vikingskipshuset), Bảo tàng viện Lịch sử Văn hóa (Norsk Folkemuseum) hay có thể gọi Bảo tàng viện Dân gian. Điều này có nghĩa bán đảo Bygdoy là một khu văn hóa của người Na Uy, một bán đảo bảo tàng viện, và có lẽ vì vậy người Việt tị nạn ở đây đã chọn vùng biển này để xây tượng đài thuyền nhân có tên Hoa Biển, cũng là lý do khiến tôi muốn tìm đến nơi để chiêm ngắm. Du lịch Na Uy mà không đến xem tượng đài Hoa Biển ở thành phố Oslo là một thiếu sót, theo tôi nghĩ.

BTVHHNU khác với những bảo tàng viện trong khu vực. Nơi đây ghi lại lịch sử hàng hải liên quan đến nước Na Uy kéo dài cả hai ngàn năm trong bối cảnh ngành hàng hải và thám hiểm của thế giới.

Du khách có thể xem, quan sát những đồ tạo tác, khảo cổ, họa đồ, hình vẽ về ngành hàng hải đã góp phần vào sự giàu mạnh và sung túc ngày nay của Na Uy. Từ chiếc thuyền độc mộc nghe nói có tuổi cả hai ngàn năm đến những đội thương thuyền của đầu thế kỷ hai mươi, đến ngành khai thác dầu hỏa hiện nay với những thành tựu và phát minh mà nhiều người trên thế giới không biết đến, bởi vì Na Uy nằm ở một phần đất quá xa với thế giới.

Tượng đài Thuyền nhân  hình Hoa Biển  dưới bờ bán đảo Bygdoy của Thành phố Oslo. (Hình: TVTS)

Bước vào phòng bảo tàng ở tầng trệt, cảnh tượng đầu tiên chúng tôi nghe thấy là tiếng đàn dương cầm, vĩ cầm và hồ cầm của những người trình diễn có vẻ tài tử ở trên bục cuối phòng. Tấu khúc nhạc cổ điển trỗi lên trong một gian phòng trưng bày gần một chục chiếc thuyền nhỏ bằng chèo hay buồm thô sơ của thời xa xưa đặt trên sàn nhà và những bánh lái tàu thật lớn gắn trên tường, và một chiếc thuyền lớn với nhiều cánh buồm phác họa tiến trình đi biển của người xưa và ngành hàng hải ngày nay.

Ở một phòng khác có tên THE SHIP nơi trưng bày hình ảnh của những chiếc tàu buôn của Na Uy bị đánh chìm trong Đệ nhất Thế chiến. Tuy không phải là cường quốc thực dân như Anh, Pháp, Tây Ban Nha nhưng Na Uy có một đội thương thuyền đáng kể đi qua cả vùng Biển Đông vì vậy trong Đệ nhất Thế chiến các thương thuyền của Na Uy là mục tiêu của các ngư lôi tàu ngầm U-boat Đức như chiếc Gurre bị đánh chìm vào tháng 3 năm 1917 làm 22 thủy thủ thiệt mạng. Một chiếc xuồng cấp cứu của chiếc tàu Gurre được trưng bày trong phòng này và những vũ khí cá nhân dùng trong trận thế chiến đã làm 18 triệu người thiệt mạng.

Ở một vài gian phòng kế cận khác có  rất nhiều bức tranh sơn dầu lớn vẽ những đội thương thuyền của Na Uy. Người Na Uy vì hoàn cảnh lịch sử đã bị người Đan Mạch đô hộ, người Thụy Điển xâm chiếm nên họ bị đẩy ra ngoài bờ biển. Vì vậy họ đặt trọng tâm vào việc đóng thuyền và cũng chính lãnh vực trội về hàng hải đã khiến người Na Uy di cư và định ở Hoa Kỳ và nghe nói, ngày nay con cháu của họ ở Mỹ đã lên tới 6  triệu người trong khi số người đang sống ở chính quê hương của họ chỉ khoảng 5 triệu. Ta có thể nói đó là đợt di dân thứ hai của con cháu người Viking.

Đã có sự khác nhau từ bản dịch: Bia văn ở trên là những lời cám ơn bằng 3 thứ tiếng;  dưới ghi tên trên 100 chiếc tàu Na Uy đã cứu các thuyền nhân Việt Nam. (Hình: TVTS)

Tầng hai của bảo tàng viện trưng bày rất nhiều mô hình thương thuyền khác nhau của Na Uy chứng tỏ Na Uy là một nước có kỹ nghệ đóng tàu đáng kể. Du khách cũng có thể trải nghiệm cuộc sống  của các thủy thủ trên tàu, dĩ nhiên là tàu thời xa xưa, với những phòng ăn, phòng ngủ, phòng vệ sinh, phòng tắm  v.v…

Tới gian phòng trưng bày AT SEA, du khách sẽ được xem những bích chương, bảng vẽ, bích họa nói về y phục thủy thủ, cấp bậc, chỉ huy tàu, những trận chiến trên biển, hải tặc, đồ nghề và lịch sử đi biển của thế giới nói chung và Na Uy nói riêng. Lại cũng có phòng trưng bày những đồ dùng của thủy thủ như tô, chén, đĩa, hũ rượu bằng sứ hay đồ gốm còn nguyên vẹn hay đã bị vỡ vụn.

Cũng ở tầng lầu này của  tàng viện, chúng tôi có thể thấy Vịnh Oslo được bao bọc bởi những eo biển và từ đây tàu muốn ra đại dương (North Sea) cũng phải mất cả trăm cây số, để có thể chạm tới bờ biển của nước Thụy Điển láng giềng. Cư dân đi lại trong vịnh bằng tàu đò như ở thành phố Sydney. Chúng tôi có thể nhìn thấy tòa nhà Opera House doi ra trên biển từ rất xa, nhưng thấy rõ nhất là hình ảnh đài Hoa Biển, tức tượng đài thuyền nhân,  cạnh bảo tàng viện hàng hải này.

Tượng các nhà thám hiểm Na Uy đã đặt chân tới Nam Cực vào tháng 12 năm 1911.  (Hình: TVTS)

Chúng tôi sẽ rời BTVHHNU để xuống bờ biển thăm một thắng cảnh quan trọng đối với nhiều người Việt tị nạn cộng sản, đó là tượng đài thuyền nhân.

Nhưng trước khi đến đó, chúng tôi gặp tượng của năm người đàn ông mặc áo quần chống lạnh rất dày, đó là những nhà thám hiểm  người Na Uy đã đến được Nam Cực với ngày được khắc ghi dưới chân họ là 14.12.1911, gồm Roald Amundsen, Olav Bjaaland, Oscar Wisting, Sverre Hassel, Helmer Hanssen.

Như đã nói ở đầu bài, Roald Amundsen là một trong 10 nhà thám hiểm lớn nhất trong lịch sử thế giới. Ông là người đầu tiên đặt chân đến Nam Cực (đáy địa cầu) vào tháng 12 năm 1911 tức cách đây cả trên trăm năm. Chưa hết, nhà thám hiểm Na Uy này cũng là người đầu tiên đặt chân đến Bắc Cực vào năm 1926, khiến ông trở thành nhà thám hiểm đầu tiên đặt chân lên cả hai cực của địa cầu.

Ông cũng là người đầu tiên vượt được con đường thông tây bắc NorthWest Passage từ  Đại Tây Dương thông qua Thái Bình Dương, con đường mà những nhà hàng hải tiền bối như Christopher Columbus, John Cabot và Henry Hudson đã thử và thất bại. Sinh nghề tử nghiệp, ông Admunsen đã bị mất tích trong một chuyến đi cứu nạn vào năm 1928.

Du khách xem những chiếc thuyền độc mộc trong tiếng nhạc cổ điển sống của một nhóm tứ tấu. (Hình: TVTS)

Như đã nói ở trên, Bygdoy là bán đảo của bảo tàng viện, cạnh Bảo tàng viện Hàng hải Na Uy có bảo tàng viện Fram Museum. Bảo tàng viện này được lập ra để vinh danh những nhà thám hiểm Na Uy trong đó có ông Admunsen. Nơi đây cũng lưu lại chiếc tàu Fram dài 39 mét dùng để thám hiểm mà bên trong tàu còn nguyên vẹn. Fram được dùng để thám hiểm Bắc Cực và Nam Cực trong thời gian 1893 đến 1912 bởi các nhà thám hiểm Roald Admunsen, Oscar Wisting, Otto Sverdrup và Fridtjor Nansen.

Cạnh Bảo tàng viện Hàng hải Na Uy vài chục mét có bảo tàng viện Kon-Tiki Museum. Bạn đọc TVTS có lẽ cũng đã nghe tên chiếc bè Kon-Tiki trong mục điểm phim của TVTS cách đây mấy tháng khi đài SBS chiếu  cuốn phim phiêu lưu mạo hiểm trong đó nhà thám hiểm Thor Heyerrdahl đã dùng chiếc bè gỗ balsa, một loại bè được đóng trước thời Columbus cùng với năm người đàn ông vượt biển Thái Bình Dương, đi từ Peru đến Polynesia vào năm 1947, cũng giống như người ta nói có người Việt Nam ở Phước Tuy hay Vũng Tàu(?) đã dùng chiếc thúng mây của dân chài cá để vượt biên sau năm 1975.

“Tượng Đài Thuyền Nhân”  cô đơn giữa biển

Du lịch ở bất cứ nơi đâu, nếu điều kiện cho phép  chúng tôi sẽ tìm thăm những nơi có người Việt định cư, làm ăn dù đó là người Việt nạn cộng sản, người Việt di dân hay người Việt đi từ Miền Bắc.

Tượng đài thuyền nhân với hoa biển 5 cánh nằm cách bờ khoảng 12 mét. (Hình: TVTS)

Khi chưa đặt chân đến Na Uy, tôi đã nghe nói đến tượng đài thuyền nhân có tên Hoa Biển, không phải về kiến trúc của nó mà về sự hình thành và những chuyện trong thời gian tiến hành và hoàn tất.

Tượng Đài Thuyền Nhân, còn được gọi là Tượng Đài Hoa Biển, được hình thành do sự quyên góp và đóng góp của người Việt tị nạn ở Na Uy như là một hình thức cám ơn chính phủ, nhân dân và các thủ thủy của cả trăm  con tàu đã cứu vớt người tị nạn cộng sản trên biển và đưa về định cư ở Na Uy. Chi phí xây cất khoảng 2 triệu Krone Na  Uy tức khoảng 300 ngàn Úc kim.

Bảo tàng viện Hàng hải Na Uy cho “miếng đất” sát bờ biển để xây. Bức tượng  có hình 5 cánh buồm tạo thành một đóa hoa, gọi là Hoa Biển (Sjoblomst) với đường kính dài khoảng 6 mét làm bằng loại thép đặc biệt màu xám không bị sét rỉ, đặt cách bờ khoảng 12 mét, do kiến trúc sư người Na Uy Thor Sandborg thực hiện.

Nhìn chiếc Hoa Biển ở dưới nước, mấy ai hiểu được nó là gì nếu không có người giải thích?

Tô, chén, đĩa, hủ rượu của thủy thủ thời xa xưa tại Viện bảo tàng hàng hải Na Uy. (Hình: TVTS)

Trên bờ có tấm bia văn, ở dưới ghi tên tất cả những chiếc tàu đã vớt người tị nạn vượt biên,  ở phía trên có  lời cám ơn bằng ba thứ tiếng Na Uy, Anh và Việt. Tiếng Na Uy và tiếng Anh giống nhau, tiếng Việt hơi khác.

Thank you Norway for the freedom

From Vietnamese boat refugees and their families

Tri ân Na Uy đã cứu giúp chúng tôi đến đất tự do

Thuyền nhân Việt Nam tỵ nạn cộng sản và thân nhân

“Sjoblomst”

Thor Sandborg

2013

đoạn dưới có nghĩa:

“Hoa Biển”

Thor Sandborg

2013.

Nhìn “Tượng Đài Thuyền Nhân” nằm dưới nước biển  tôi chạnh nhớ đến biết bao nhiêu người đã nằm trong bụng cá hay vùi thây dưới đáy biển lạnh lẽo trong đó có bạn thân của tôi, không được may mắn như tôi và hàng trăm ngàn người khác. Thật buồn.

 

Nguyễn Hồng-Anh

11.11.2017

(Du lịch báo in TVTS số 1651 phát hành ngày 15.11.2017)