Cao tối thiểu 1,5 mét mới được vào đại học: ‘Kỳ thị’ và ‘vi phạm nhân quyền’

14 Tháng Hai, 2019 | Giáo dục - Di trú
Nữ sinh Việt Nam phải có chiều cao từ 1,5 met trở lên mới được xét tuyển vào ngành sư phạm. Photo Courtesy: Reuters

Quy định phải “cao tối thiểu 1,5 met” mới được xét tuyển vào Đại học Sư phạm (ĐHSP) TPHCM năm 2019 đang bị dư luận phản ứng dữ dội. Một chuyên gia giáo dục Việt Nam nói với VOA rằng quy định này có thể dẫn việc ngồi tù ở các quốc gia phương Tây vì tội kỳ thị, trong khi đại diện của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền quốc tế khẳng định quy định trên vi phạm nhân quyền và kêu gọi giới hữu trách Việt Nam nên “vào cuộc”.

Trước đó, theo tường thuật của báo Thanh Niên ngày 12/2, trường ĐHSP TPHCM có quy định về điều kiện chiều cao tối thiểu để được xét tuyển vào ngành sư phạm năm 2019. Theo đó, nam phải cao từ 1,55 met trở lên và nữ cao từ 1,5 met trở lên.

Thông tin này đã làm “bùng nổ” các ý kiến phản đối và chỉ trích từ phía công chúng, trong đó có cả các chuyên gia về giáo dục.

“Những quy định như thế, nếu ở một nước dân chủ và có luật pháp, thì họ có thể bỏ tù vì như thế là phân biệt đối xử”, nhà giáo Phạm Toàn, nhận định với VOA từ Hà Nội.

Giải thích trên báo Dân Trí vào chiều 13/2, Phó hiệu trưởng trường ĐHSP TPHCM, PGS.TS. Huỳnh Văn Sơn, nói rằng tiêu chuẩn về chiều cao không phải là một tiêu chuẩn mới, mà là một trong những điều kiện về sức khỏe của người dự tuyển đã có từ năm 2008. Theo ông, đây chỉ là một “chi tiết” trong những yêu cầu tổng thể về sức khỏe của đề án tổng thể, với rất nhiều yêu cầu về phẩm chất, năng lực khác, nên “cần xem xét tổng thể chứ không nên tách ra một chi tiết mang tính đơn lẻ để quy gán và tạo ra dư luận xã hội thiếu cơ sở”.

Nhà giáo Phạm Toàn không đồng tình với quan điểm này. Ông cho rằng thay vì tập trung vào việc cải thiện chất lượng giáo dục-đào tạo, ngành giáo dục Việt Nam thời gian qua thường xuyên đưa ra những quy định mà ông nói là “không thể thực hiện” và “gây lúng túng”. Ông đưa ra dẫn chứng gần đây nhất là dự thảo thông tư về quy chế công tác học sinh, sinh viên ngành đào tạo giáo viên, trong đó quy định rằng nếu sinh viên hoạt động mại dâm đến lần thứ tư thì sẽ bị buộc thôi học.

“Xuất phát từ cái dốt và vô tổ chức. Cứ thảo rồi duyệt, thảo rồi duyệt… giống như quy định nữ sinh bán dâm đến lần thứ 4 thì bị đuổi học. Vớ vẩn! Nếu thế thì đến lần thứ 3 dừng lại thì làm thế nào?”, nhà giáo Phạm Toàn nói.

Theo số liệu năm ngoái của Tổng hội Y học Việt Nam, chiều cao trung bình của người Việt hiện đã rơi vào top 20 nước thấp nhất thế giới, với chỉ 1,63m ở nam giới và 1,53m ở nữ giới. Vì vậy, quy định “chiều cao tối thiểu” của ĐHSP TPHCM đang gây lo ngại về khả năng dập tắt ước mơ trở thành giáo viên của rất nhiều thanh niên Việt Nam.

Ông Phil Robertson, Phó giám đốc khu vực châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), tỏ ra rất ngạc nhiên về sự tồn tại của một quy định mà ông cho là “kỳ cục” tại một trường đại học chuyên về công tác giáo dục tại Việt Nam.

Ông nói: “Bất cứ quy định nào về chiều cao như thế này, nói rằng ai thấp hơn một tiêu chuẩn nào đó về chiều cao thì không được nhận vào trường đại học, thì rõ ràng đều là kỳ thị và vi phạm nhân quyền”, ông Phil Robertson nhận định với VOA.

Ông Robertson kêu gọi giới hữu trách Việt Nam nên can thiệp ngay lập tức và yêu cầu trường ĐHSP TPHCM hủy bỏ quy định trên nhằm đảm bảo cho tất cả mọi người, không phân biệt đặc điểm về thể lý của họ, đều được bình đẳng trong việc nộp đơn và theo học đại học.

Mặc dù Hiến pháp Việt Nam quy định mọi người đều được đối xử bình đẳng về mọi mặt, không phân biệt “giống nòi, gái, trai, giai cấp, tôn giáo…”, nhưng trên thực tế vẫn tồn tại rất nhiều những phân biệt đối xử, một luật sư từ TPHCM nói với VOA.

Một tình huống tương tự cũng đã xảy ra tại Trung Quốc vào năm ngoái, khi trường Đại học Sư phạm Thiểm Tây quyết định không cấp bằng tốt nghiệp cho một nữ sinh tên Li sau khi kết quả kiểm tra y tế cho thấy chiều cao của cô chỉ có 1,4 m, thấp hơn 10cm so với yêu cầu chiều cao tối thiểu là 1,5 mét.

Sau khi báo chí tường thuật phản ứng dữ dội của dư luận, giới hữu trách Trung Quốc đã lên tiếng khẳng định việc quy định chiều cao tối thiểu như vậy là “bất hợp pháp” và cho biết sẽ hủy bỏ quy định trên vào năm sau.

Theo VOA tiếng Việt