Giá dầu tăng mạnh sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran

Đường dẫn dầu ở Nga. Photo Courtesy: Reuters

Giá dầu thế giới bật tăng sáng 9.5, sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rời khỏi thỏa thuận hạn nhân với Iran và áp lệnh trừng phạt trở lại đối với nước này. Động thái của ông Trump có thể khiến nguồn dầu xuất khẩu từ Iran bị hạn chế trong bối cảnh nguồn cung dầu toàn cầu vốn dĩ đã bị thắt chặt gần đây.

Lúc hơn 9h theo giờ Việt Nam, giá dầu WTI giao sau tại thị trường Mỹ tăng 1.55 Mỹ kim /thùng, tương đương tăng 2.2% so với đóng cửa phiên đêm qua tại New York, đạt 70.61 Mỹ kim /thùng, cao nhất từ cuối năm 2014.

Giá dầu Brent giao sau tại thị trường London tăng 1.8 Mỹ kim/thùng, tương đương tăng 2.4%, đạt 76.65 Mỹ kim/thùng, cũng là mức cao nhất kể từ cuối năm 2014.

Trong phiên giao dịch đêm qua, giá dầu đóng cửa trong trạng thái giảm, vì nỗi lo Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran đã được phản ánh nhiều vào giá dầu trước đó, và động thái của ông Trump không gây bất ngờ đối với thị trường. Tuy nhiên, sau một đêm, nỗi lo nguồn cung đã trở lại, đẩy giá dầu tăng.

“Sự kiện lớn của đêm qua là ông Trump hủy thỏa thuận hạt nhân với Iran. Lệnh trừng phạt sẽ được tái áp lên Iran và sẽ ảnh hưởng ngay lập tức lên xuất khẩu dầu của Iran”, nhà phân tích đầu tư William O’Loughlin thuộc Rivkin Securities ở Australia phát biểu trong một cuộc trao đổi với hãng tin Reuters.

Lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran có thể được thiết lập trở lại sau 180 ngày, từ phi hai bên đạt được một thỏa thuận mới trước thời hạn đó – Reuters cho hay.

Một báo cáo của ngân hàng ANZ nhận định rằng quyết định của ông Trump “đặt ra một kịch bản trong đó nguồn cung dầu lửa có thể bị thắt chặt mạnh mẽ trong nửa sau của năm 2018 và trong năm 2019”.

Gần như chắc chắn xuất khẩu dầu của Iran sang thị trường châu Á và châu Âu sẽ giảm trong năm nay và năm tới, khi một số quốc gia tìm kiếm nguồn cung dầu thay thế nhằm tránh gặp rắc rối với Mỹ và khi lệnh trừng phạt của Mỹ bắt đầu phát huy tác dụng.

Tuy vậy, hiện vẫn chưa rõ liệu thị trường dầu lửa toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng mạnh mẽ đến mức độ nào.

Mỹ không mua dầu của Iran, trong khi một số cường quốc khác ký thỏa thuận hạt nhân với Tehran – bao gồm Nga, Anh, Pháp và Đức – phản đối việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận và có thể sẽ tiếp tục mua dầu của nước này.

Đến nay, châu Á vẫn là thị trường xuất khẩu dầu lớn nhất của Iran. Nhiều khả năng các khách hàng châu Á vẫn mua một phần dầu của Iran như đã làm trước đây khi Iran còn bị trừng phạt.

“Có những lo ngại rằng xuất khẩu dầu của Iran có thể giảm 1 triệu thùng mỗi ngày từ mức hiện nay”, ông Tomomichi Akuta, chuyên gia kinh tế cấp cao thuộc Mitsubishi UFJ Research and Consulting ở Tokyo, phát biểu.

“Cung, cầu dầu toàn cầu hiện tương đối cân bằng, nhưng cán cân này sẽ chuyển thành sự thiếu cung nếu nguồn cung bị hạn chế. Giá dầu có thể tăng thêm ít nhất 10 USD/thùng, trong đó giá dầu Brent sẽ hướng tới mốc 90 Mỹ kim/thùng”, ông Akuta nói.

Iran trở lại vị trí cường quốc xuất khẩu dầu vào năm 2016 sau khi được dỡ lệnh trừng phạt quốc tế. Tháng 4 vừa rồi, nước này xuất khẩu 2,6 triệu thùng dầu mỗi ngày, giữ vị trí nước xuất khẩu dầu lớn thứ ba trong OPEC, sau Saudi Arabia và Iraq.

theo VnEconomy