Đánh dấu 50 năm Mậu Thân 1968-2018: Tấm hình giết tướng Nguyễn Ngọc Loan

Tấm hình giết chết tướng Nguyễn Ngọc Loan. (Hình: Eddie Adams/ AP)

Hôm đó là mùng Ba tết Mậu Thân. Súng đã nổ dữ dội ngay bên trong thủ đô Sài Gòn bởi vì từ 2 giờ sáng mùng Một Tết Việt Cộng mở tổng công kích. Sớm mai ngày Tết, vào lúc 8 giờ sáng, dân Sài Gòn chưng hửng nghe lời phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ phát đi từ đài phát thanh ban bố lệnh giới nghiêm. Có người bán tín bán nghi vì tưởng đây chỉ thêm một lần “đảo chánh”.

Thật sự 15 tiểu đoàn của Việt Cộng đã đánh vào những nơi như Bà Quẹo, Hàng Xanh, trường đua Phú Thọ, Bà Hạt, Bình Tây, vân vân. Việt  Cộng tới đâu, dân chúng chạy thoát khỏi đó. Trong những ngày Mậu Thân 68 phóng viên ghi lại rất nhiều hình ảnh. Trong số này, có tấm hình gây chấn động thế giới và làm thay đổi ý nghĩa của cuộc chiến: biến chính thành tà, thay hình đổi dạng kẻ sát nhân thành người bị nạn và giết chết một viên tướng Việt Nam Cộng Hoà.

Đó là tấm hình do phóng viên Eddie Adams chụp tướng Nguyễn Ngọc Loan bắn tên Việt Cộng trên đường phố Sài Gòn cách đây 50 năm.

Nào ta nhìn vào tấm hình

Hình ghi lại đúng vào tích tắc viên đạn chạm vào màng tang của Bảy Lốp. Miệng người bị bắn co giật và méo về phía bên mặt. Hắn mặt áo ca-rô cụt tay. Cổ áo bị lệch qua bên phải. Làm cho thế giới tốn nhiều giấy mực là: hai tay của người bị bắn vẫn còn trói cánh khỉ. Người bắn là tướng Nguyễn Ngọc Loan. Hình chụp từ sau lưng ông. Tướng Loan mặc áo trận nhưng đầu để trần. Cánh tay nổi gân lớn. Ngón tay bóp cò.

Hậu cảnh là đường phố Sài Gòn vắng ngắt vì chiến tranh lọt vào thành phố. Đứng gần tướng Loan là một binh sỹ Việt Nam Cộng Hoà mặc đồ trận. Mặt anh nhăn lên vì hoảng hốt.

Hãng thông tấn AP ghi chú bên dưới tấm hình này như sau “General Nguyen Ngoc Loan executing a Viet Cong prisoner in Sài Gòn, Tướng Nguyễn Ngọc Loan hành quyết một tù binh Việt Cộng ở Sài Gòn”. Bây giờ người ta gọi tắt đây là hình “Sài Gòn Execution, Xử bắn tại Sài Gòn”.

Lính VNCH giải đại úy Việt Cộng Nguyễn Văn Lém, tức Bảy Lốp. (Hình: Eddie Adams/ AP)

Phút chốc bỗng thành thiên thu

Sự thật: tướng Loan lảy cò một lần nhưng vào buổi sángkhi Sài Gòn chìm trong máu lửa Eddie Adams đã nháy máy nhiều lần. Trước đó, Eddie Adams chụp tấm hình khi quân nhân Việt Nam Cộng Hoà bước vào nhà của trung tá Tuấn: gia đình ông gồm có cha mẹ, vợ con – trong đó có đứa bé 6 tuổi — bị Việt Cộng tàn sát. Xác chết chồng lên nhau. AP ghi chú bên dưới: “(NY 16-Feb.1)…một gia đình quân nhân bị tàn sát ở Sài Gòn. Trung tá chỉ huy trưởng bị Việt Cộng chặt đầu, vợ và sáu con bị bắn chết. Gần xác chết còn vương vãi đồ chơi…”

Sau đó, Eddie Adams, phóng viên chiến trường của hãng AP, và Võ Sửu làm việc cho đài truyền hình NBC săn hình trên đường phố Sài Gòn. Họ thấy toán quân nhân Việt Nam Cộng Hoà giải một tên Việt Cộng. Về sau người ta biết tên này là đại úy Việt Cộng Nguyễn Văn Lém, tức Bảy Lốp. Vào lúc Bảy Lốp bị giải, xe Jeep của tướng Nguyễn Ngọc Loan đi ngang qua. Xe ngừng lại. Tướng Loan bước xuống. Và vài giây sau đó đã trở thành…. thiên thu!

Một nửa sự thật

Vào lúc Việt Cộng nổ súng vào Sài Gòn, tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đang ở quê vợ Mỹ Tho. Phó tổng thống Nguyễn Cao Kỳ phải thế chỗ khi lên tiếng trên đài phát thanh. Lúc đó, tướng Nguyễn Ngọc Loan giữ chức giám đốc Tổng nha Cảnh sát Quốc gia. Trong 72 tiếng đồng hồ đầu tiên của trận Mậu Thân, tướng Loan tả xung hữu đột.

Bước xuống xe, tướng Loan rút súng lục đeo bên hông. Ổng dí về phía đầu tù binh. Eddie Adams ngờ tướng Loan chỉ dọa Bảy Lốp để khai thác. Nào ngờ…

Vào lúc Eddie Adams bấm máy, còn có mặt Neil Davis, phóng viên của đài ABC Úc. Neil Davis viết trong hồi ký In the Frontline:  “…Tướng Loan cầm khăn lau mặt, vẫy tay kêu tùy tùng tránh ra, rồi đến bên Bảy Lốp, không nói một lời, Loan quăng điếu thuốc và móc khẩu súng lục. Ông ta lấy tư thế xạ thủ, cánh tay phải giơ thẳng và, ở khoảng cách có lẽ 1 mét, bắn vào màng tang của người tù binh này”.

Khi bấm máy cùng lúc với tiếng súng do tướng Loan bắn vào đầu Bảy Lốp, Eddie Adams nghĩ trong đầu: Nguyễn Ngọc Loan quả là “tên giết người lạnh lùng và tàn bạo, a cold, callous killer”.

Cho đến nay, vẫn còn người khen kẻ chê tướng Loan. Nhưng cả hai phía không thèm biết tấm hình đó chỉ nói lên nửa sự thật. Người bấm máy viết: “Hình ảnh chỉ là một nửa sự thật… Điều mà bức ảnh đã không nói lên là ‘Liệu bạn sẽ làm gì nếu bạn là ông tướng vào lúc đó, tại nơi đó, trong cái ngày nóng bỏng ấy, và tóm được một kẻ bị xem là khốn kiếp sau khi hắn vừa mới bắn tan xác một, hai, hoặc ba người lính Mỹ? Làm sao bạn biết được nếu chính là bạn, bạn sẽ không bóp cò?”.

Phóng viên Eddie Adams (Hình: Internet)

Bị tấm hình ám suốt đời

Sau tấm hình định mệnh ấy, Eddie Adams tiếp tục theo chân tướng Loan. Và phóng viên này không còn nghĩ ông ta chỉ là “tên giết người lạnh lùng và tàn nhẫn” nữa. Trong một trận đánh Việt Cộng tại cầu Phan Thanh Giản, tướng Loan bị thương ở chân trái. Phóng viên Úc Pat Burgess đã chạy ra và cứu ông. Nhưng ông bị từ quân y Mỹ ở Long Bình đến hạm đội 7, bệnh viện Jama Nhật Bản và nhà thương Canberra từ chối chữa trị. Lý do: ông đã là người cầm súng bắn trong tấm hình Eddie Adams chụp!

Năm 1975, khi Cộng Sản tràn vào Sài Gòn tướng Loan di tản qua Mỹ. Tấm hình do Eddie Adams vẫn ám. Ông bị bộ di trú Mỹ từ chối nhập cảnh. Mỹ mời Eddie Adams đến làm chứng để có bằng chứng trục xuất ông. Nhưng phóng viên năm xưa lại biện hộ cho ông. Nhờ thế, tướng Loan được nhập cảnh và định cư tại Washington, DC. Ở đây ông cùng vợ mở một quán ăn nhỏ tại phía Bắc Virginia.

Còn Eddie Adams rong ruổi qua các trại tị nạn ở Đông Nam Á săn ảnh thuyền nhân. Năm 1977, ông tung ra tấm ảnh “The Boat of No Smiles, con thuyền không nụ cười”. Hình “con thuyền không nụ cười” là một bà mẹ Việt Nam thất thần ôm xác một đứa con cứng đờ và thêm một đứa con khác gần chết ở sau lưng. Eddie Adams chụp hình này trên con thuyền sắp bị hải quân Thái Lan xua đuổi. Nhờ tấm hình này, quốc hội Hoa Kỳ mủi lòng mở cửa cho gần 200 ngàn thuyền nhân Việt Nam vào Mỹ.

Bằng cách đó, Eddie Adams đã làm lại cuộc đời nhưng tướng Loan không được cơ hội thứ nhì. Dẫu muốn làm lại cuôc đời, tướng Loan vẫn không yên thân. Có người tọc mạch tìm ra gốc gác của chủ quán “Les Trois Continents” đã vào cầu tiêu trong quán viết hàng chữ thô lỗ “We know who you are, fucker. Bọn tao đã biết mặt mày, đồ khốn”. Thấy thế, chủ quán đóng cửa tiệm.

Năm 1998 tướng Nguyễn Ngọc Loan qua đời vì ung thư, ở tuổi 68. Người dùng máy chụp hình giết chết ông ta vào năm 1968 đã gởi vòng hoa chia buồn với hàng chữ “Cho tôi xin lỗi. Lệ đang ứa trong mắt tôi”.

Nhưng lời xin lỗi và thanh minh này quá muộn. Tấm hình kia đã giết tướng Loan và làm thay đổi cuộc chiến tại Việt Nam. Nó biến chiến thắng trên trận mạc của Việt Nam Cộng Hoà và đồng minh thành thất bại về phương diện nhân tâm và chính trị.

Y Vi Lưỡng Khả