Vụ chùa và tháp Báo Thiên và Tòa Khâm Sứ: coi chừng mắc mưu nhà nước

Trong khi Giáo Phận Hà Nội và nhà cần quyền Hà Nội đang thảo luận về việc trả lại khu đất Tòa Khâm Sứ ở số 42 phố Nhà Chung, Hà Nội, Ban Tôn Giáo Chính Phủ và Mặt Trận Tổ Quốc đã huy động hai cơ quan tôn giáo vận của Đảng và Nhà Nước là tờ Công Giáo và Dân Tộc của nhóm Công Giáo quốc doanh và trang nhà phattuvietnam.net, cơ quan ngôn luận chính thức của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam (GHPGVN) , thường được gọi là Giáo Hội Phật Giáo quốc doanh hay Giáo Hội Phật Giáo Nhà Nước, bày trò phá rối. Đây là chiến thuật “vừa đánh vừa đàm” rất quen thuộc của Đảng CSVN.

NHỮNG TRÒ PHÁ RỐI

Ngày 15.2.2008, tờ “Công Giáo và Dân Tộc” số 1644 do Linh Mục Trương Bá Cần, một cán bộ tôn giáo vận quản lý, đã chạy tít lớn đăng một bài loan truyền tin đồn thất thiệt về mâu thuẫn giữa Công Giáo và Phật Giáo hải ngoại, xuyên tạc lịch sử về vấn đề chủ quyền Tòa Khâm Sứ tại Hà Nội, bênh vực cơ chế tôn giáo tại Việt Nam hiện nay, phê phán cuộc đấu tranh của giáo dân Hà Nội, và xuyên tạc lá thư của Đức Hồng Y Bertone gởi cho Giáo Phận Hà Nội.

Tiếp theo, ngày 17.1.2008, báo điện tử “phattuvietnam.net” cho đăng “Thư ngỏ gửi ngài Ngô Quang Kiệt Tổng Giám Mục Địa Phận Hà Nội nhân vụ việc Toà Khâm Sứ” của một người ở trong nước dấu tên cho rằng khu Tòa Giám Mục Hà Nội và Tòa Khâm Sứ hiện nay trước đây là chùa và tháp Báo Thiên của Phật Giáo, bị Pháp chiếm đoạt và đập phá đi rồi giao cho Công Giáo xây Tòa Giám Mục và nhà thờ lớn Hà Nội.

Ngày hôm sau, 18.1.2008, trang nhà này đăng tiếp một bài thứ hai dưới đầu đề “Tâm thư gửi đồng bào công giáo cầu nguyện đòi Toà Khâm Sứ” với tên người viết được ghi là Phật tử Tâm Minh – Nguyễn Quốc Dũng, cũng đưa ra luận điệu tương tự như bài trước.

Các websites thân cộng ở hải ngoại hoặc các thành phần theo “Nhóm Thân Hữu Già Lam” đều ủng hộ lập luận này. Chúng ta nhớ lại, trrong buổi thuyết pháp trong chương trình “Tiếng Từ Bi” vào lúc 8 giờ tối ngày 8.11.2007 trên đài phát thanh Little Saigon, Hòa Thượng Thích Chơn Thành ở Chùa Liên Hoa, Garden Grove, California, đã từng tuyên bố: “Thiên Chúa Giáo Việt Nam cũng như vậy. Dưới thời thực dân Pháp, họ dựa vào Pháp chiếm các chùa rồi xây dựng nhà thờ trên nền chùa, như nhà thờ Đức Bà Hà Nội nguyên là tháp Báo Thiên, được xây dựng từ thời nhà Lý. Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn xây trên nền chùa. Nhà thờ Cây Mai trước kia cũng là ngôi chùa. Nhà thờ La Vang trước kia cũng là ngôi chùa tên là chùa Lá Vằng, vân vân.”

Ai cũng biết, GHPGVN ở trong nước chỉ là một cơ quan ngoại vi của Đảng CSVN, đặt trực thuộc Mặt Trận Tổ Quốc và Ban Tôn Giáo Chính Phủ. Trong Đại Hội VI được tổ chức năm 2007 vừa qua, Hòa Thượng Thích Trí Tịnh, vốn trực thuộc Giáo Hội Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất trước đây, được tái bầu làm Chủ Trịch Hội Đồng Trị Sự nhiệm kỳ 2007 – 2012. Nhưng ông chỉ đóng vai trò bù nhìn. Người lãnh đạo thật sự của giáo hội này là Hòa Thượng Thích Thanh Tứ, một đảng viên Đảng CSVN, giữ vai trò Phó Chủ Tịch.

Trên nguyên tắc, hai cơ quan ngoại vi nới trên không thể nói, viết hay làm gì mà không có sự chỉ đạo hay chấp thuận trước của Mặt Trận Tổ Quốc hoặc Ban Tôn Giáo Chính Phủ. Do đó, chúng tôi tin rằng đây là một trò xảo thuật của Đảng CSVN.

Toàn cảnh Tòa Khâm Sứ

Những sự kiện và những lập luận do các bài nói trên đưa ra đều hoàn toàn trái với lịch sử và pháp lý, nhưng chúng tôi không trả lời ngay, vì tin rằng đây chỉ mới là những bước thăm dò: Nếu thấy có những phản ứng bất lợi, Mặt Trận Tổ Quốc và Ban Tôn Giáo Chính Phủ sẽ tuyên bố rằng đó chỉ là ý kiến riêng của độc giả hay quan điểm riêng của cơ quan ngôn luận đã phổ biến. Nếu thấy không có phản ứng gì đáng kể và được nhóm thân cộng ở hải ngoại tiếp ứng, họ sẽ cho đưa ra tiếng nói chính thức.

Sự tiên đoán của chúng tôi đã đúng. Ngày 18.2.2008, Website phattuvietnam.net đã công bố văn thư của Hòa Thượng Thích Trung Hậu, hiện là Trưởng Ban Văn Hóa Trung Ương của GHPGVN, đã thừa ủy nhiệm Ban Thường Trực Hội Đồng Trị Sự của Giáo Hội này, gởi đến Thủ Tướng Nguyễn Tiến Dũng yêu cầu “xem Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một trong những thành phần chủ yếu để tham khảo” trước khi có quyết định về việc trao Tòa Khâm Sứ cho Giáo Phận Hà Nội!

NHỮNG LỜI XUYÊN TẠC

Trước khi đưa ra một vài nhận xét, chúng tôi xin trích đăng lại những điểm xuyên tạc chính mà các cơ quan ngôn luận ngoại vi của Đảng CSVN đã cho phổ biến:

Trong “Thư ngỏ gửi ngài Ngô Quang Kiệt Tổng Giám Mục Địa Phận Hà Nội nhân vụ việc Toà Khâm Sứ”, một độc giả giấu tên đã viết như sau:

“Khi giặc Pháp đánh cướp Hà Nội, dùng thủ đoạn để cướp đoạt, san phẳng khu chùa Báo Thiên rồi “dâng” cho nhà thờ Ca tô giáo, do đã cúc cung tận tụy phục vụ ngoại xâm, xây lên đó là nhà thờ Lớn bây giờ. Như vậy, sẽ là hồ đồ khi đòi lại và bất công khi trao lại…

“Sự thật lịch sử đó là hiển nhiên tuyệt đối. Lý do, lực lượng và quá trình để khu đất đó rơi vào tay Giáo hội Thiên chúa còn là một sự thật hiển nhiên hơn nữa. Tất cả các sự thật đó không ai và không bằng chứng nào có thể biện bác, thưa Ngài?”

Phật tử Tâm Minh – Nguyễn Quốc Dũng, trong “Tâm thư gửi đồng bào công giáo cầu nguyện đòi Toà Khâm Sứ” , còn đi xa hơn:

“Đến năm 1884, sau khi đánh chiếm Hà Nội lần thứ hai, thực dân Pháp, dưới sự tiếp tay của tín hữu Ki-tô giáo đã tịch thu đất, cho phá Tháp và Chùa để xây dựng nhà thờ Thánh Josep, tức Nhà thờ Lớn Hà Nội ngày nay. Rồi những ngôi chùa khác quanh hồ Hoàn Kiếm, chùa thì bị Pháp triệt hạ (như chùa Báo Ân), chùa thì bị Pháp lấn chiếm cấp đất cho giáo dân (như chùa Bà Đá – trụ sở THPG Hà Nội ngày nay).”

Văn thư đề ngày 18.2.2008 Hòa Thượng Thích Trung Hậu gởi Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng cững đã lặp lại những luận điệu tương tự. Văn thư viết:

“Căn cứ các tài liệu lịch sử, chùa Báo Thiên là một trong Tứ đại khí (bốn di sản văn hóa lớn) của Phật giáo, mà cũng là của cố đô Thăng Long, được xây cất từ năm 1057 dưới thời vua Lý Thánh Tông. Phật giáo Việt Nam, một tôn giáo luôn luôn đồng hành với dân tộc qua những thăng trầm của vận nước, dù với tư cách là một Giáo hội hay là một bộ phận lớn nhất của cộng đồng dân tộc, đã liên tục là sở hữu chủ của cơ sở này trong 825 năm cho đến năm 1883 khi bị chính quyền thực dân Pháp cưỡng chiếm rồi giao cho Thiên Chúa giáo, cụ thể là Giám mục Puginier sử dụng.

“Chùa Báo Thiên, một di sản văn hóa đồ sộ vào bậc nhất nước ta tọa lạc trên khu đất rộng vài ngàn mét vuông, đã bị đập phá rồi xây dựng Nhà thờ Lớn Hà Nội và Tòa Khâm sứ lên trên đó.

“Vừa qua, một số người lên tiếng đòi Chính phủ giao trả Tòa Khâm sứ cũ ấy cho Thiên Chúa giáo, gây nhiều xôn xao trong quần chúng nhân dân. Chúng tôi đề nghị Thủ tướng nên xem Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một trong những thành phần chủ yếu để tham khảo trước khi có quyết định cụ thể liên hệ đến sự việc trên.”

Trong vụ này, chúng tôi sẽ trình bày về cả phương diện lịch sử lẫn pháp lý để độc giả có thể nhận ra đâu là sự thật.

VỀ PHƯƠNG DIỆN LỊCH SỬ

Để trả lời những luận điệu do các cán bộ tôn giáo vận của Đảng và Nhà Nước đưa ra, chúng tôi thấy tốt hơn cả là dùng những tài liệu lịch sử do Đảng và Nhà Nước cho phổ biến

Cuốn “Tự Diển Hà Nội Địa Danh” do Bùi Thiết biên soạn và do nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin ấn hành năm 1993 với giấy phép mang số 503-CT/VHTT, đã nói về Chùa Báo Thiên và Tháp Báo Thiên như sau:

Chùa Báo Thiên: “Dựng vào năm 1056 trên đất phường Báo Thiên, tên chữ là Sùng Khánh Tự, có chuông chùa đúc cùng năm, hết 12.000 cân đồng. Ngôi chùa qua nhiều lần trùng tu, đến cuối thế kỷ XVIII bị nạn kiêu binh đốt, phá hủy hoàn toàn.” (tr. 26).

Tháp Báo Thiên: “Tòa tháp dựng năm 1057 trước Chùa Báo Thiên, tên chữ là Đại Thắng Tư Thiên Bảo Tháp. Tháp có 13 trượng (chừng 50m), gồm hai phần, dưới bằng đá, trên bằng đồng. Đỉnh tháp bị trận bảo năm 1258 làm đổ, và phần đồng bị sét đánh bạt năm 1332.

“Tháp Báo Thiên là một trong những vật báu của Đại Việt thời Lý – Trần. Năm 1427, khi bị vây hảm ở Đông Quan, giặc Minh đã tháo gỡ hết đồng ở tháp để đúc súng đạn. Năm 1547 tòa tháp bị dổ sập nốt phần đá. Cuối thế kỷ XVIII tháp bị phá hủy. Trên nền chùa – tháp họp chợ Báo Thiên.” (tr. 26).

Như vậy, theo tài liệu Đảng và Nhà Nước cho phổ biến, Chùa Báo Thiên và Tháp Báo Thiên đã bị phá hủy hoàn toàn vào cuối thế kỷ XVIII và khu đất đó đã được dân chúng dùng làm nơi họp chợ. Thế thì tại sao bây giờ Đảng và Nhà Nước lại cho các cán bộ tuyên giáo vận nói rằng Chùa và Tháp Báo Thiên bị người Pháp phá rồi lấy đất cấp cho Công Giáo xây nhà thờ và Tòa Giám Mục Hà Nội?

CẦN NÓI RÕ THÊM

Sau khi trình bày về Chùa và Tháp Bảo Thiên theo tài liệu của Đảng và Nhà Nước phổ biến năm 1993, chúng tôi thấy cần làm sáng tỏ thêm một số vấn đề.

Về Tháp Báo Thiên: “Đại Việt Sử Ký” của Lê Văn Hưu và “Đại Việt Sử Ký Toàn Thư” của Ngô Sĩ Liên cho biết: Năm Đinh Dậu (1057), mùa xuân, tháng 3, xây bảo tháp Đại Thắng Tự Thiên, 30 tầng (có sách ghi 12 tầng). Tháp nằm bên cạnh ngôi chùa xây trước đó một năm, tức năm 1056, nhằm năm Long Thụy Thái Bình. Ở tầng thứ ba, nơi cửa tháp có khắc chữ “Thiên tử vạn thọ” (Vua sống trường thọ). Trên chót đỉnh tháp có hàng chữ “Đạo Lý Thiên” , có nghĩa là Đạo Lý của Trời chiếu khắp thiên hạ.

Về Chùa Báo Thiên: Sách “Đại Việt Sử Ký” cho biết: Dựng Chùa Sùng Khánh Báo Thiên. Lấy 11.000 cân đồng (nhiều sách ghi 12.000 cân) ở trong phủ ra đúc chuông đặt tại chùa ấy… Sự việc xảy ra sau khi vua được nhà Tống phong làm Quận Vương (!) và tiếp sứ Chân Lạp sang cống (tháng 8 năm 1056).

Sách “Hà Nội Nghìn Xưa” cho biết đời Tiền Lê “đắp núi đất phủ lên nền cũ. Chùa bỏ hoang, cuối thế kỷ XVIII làm chợ Báo Thiên, núi làm chỗ xử tử người có tội. Năm 1791, đào lấy những gạch đá nền tháp để tu bổ thành Thăng Long.” (tr. 177).

Cuốn “Souvenirs” (Hồi Ký) của Bonnal, Công Sứ Hà Nội lúc đó, có ghi lại rằng khi thấy ngôi Chùa Báo Thiên bỏ hoang, dân chúng trong vùng đã họp nhau lại bàn bạc và nhận thấy ngôi chùa đã bị bỏ hoang phế từ lâu không người quản lý và hiện thời đã biến thành phế tích, có thể đổ sập gây tai nạn cho người qua lại bất cứ lúc nào. nên đã đề nghị chính quyền rỡ bỏ và thu hồi đất đai vô chủ. Tổng Đốc Nguyễn Hữu Độ đã chấp thuận cho phá bỏ ngôi chùa.

Công Sứ Bonnal cho biết thêm: Cuối năm 1883, Giám mục Puginier có xin ông khu đất vô chủ đó để xây nhà thờ lớn Hà Nội, nhưng ông trả lời rằng vấn đề đó không thuộc thẩm quyền của ông vì Bắc Kỳ chỉ là xứ bảo hộ chứ không phải thuộc địa của Pháp. Ông yêu cầu Giám mục Puginier trình bày vấn đề này với quan Tổng Đốc Hà Nội Nguyễn Hữu Độ, một quan chức do Triều Đình Huế bổ nhiệm.

 

Giám mục Puginier đã nêu lên ước muốn của ông với ông Tổng Đốc Độ. Ông Độ đã cho mở một cuộc điều tra tìm con cháu những người trước đây là sở hữu mảnh đất, nhưng mấy trăm năm đã trôi qua, hơn nữa chiến tranh loạn lạc, xã hội biến động, nên không tìm được ai là chủ miếng đất đó. Vì thế, ông đã quyết định cấp cho Giám mục Puginier xây cất nhà thờ.

Qua một số sử liệu nói trên, chúng tôi có một số nhận xét như sau:

(1) Tháp Báo Thiên không phải là nơi thờ Phật mà là nơi tế trời của vua như Nam Giao ở Huế, nên không liên hệ gì đến Phật Giáo.

(2) Khu đất có Chùa Bảo Thiên trước đây chỉ còn là một khoảng đất trống đang được dùng để họp chợ và được Tổng Đốc Nguyễn Hữu Độ cấp cho Giám mục Puginier, chứ không phải Tây đã cho đập phá Chùa Bảo Tháp rồi lấy đất cấp cho Công Giáo.

(3) Chùa Báo Thiên nằm ở thôn Báo Thiên Thị, huyện Thọ Xương, tỉnh Hà Nội, do vua Lý Thánh Tông dùng tài sản quốc gia để xây dựng vào năm 1056. Như vậy, chùa này tuy được dùng để thờ Phật nhưng không thuộc quyền sở hữu của bất cứ tông phái Phật Giáo nào. Nói theo danh từ ngày nay, đây là “Chùa quốc doanh” . Vậy Hòa Thượng Thích Trung Hậu lấy tư cách gì để đòi lại? Phải chăng ông đã chính thức nhìn nhận GHPGVN là một giáo hội quốc doanh (state-run Church), tức một công cụ tôn giáo vận của Nhà Nước chứ không phải là một tôn giáo?

(4) Tại sao vua Lý Thánh Tông lấy đất dân xây Chùa Báo Tháp cho Phật Giáo thì không bị gọi là ưu đãi Phật Giáo, còn Tổng Đốc Nguyễn Hữu Độ lấy đất đó cấp cho Công Giáo xây nhà thờ thì bị coi là ưu đãi Công Giáo? Phải chăng chỉ một mình Phật Giáo mới được quyền ưu đãi mà thôi sao?

VỀ PHƯƠNG DIỆN PHÁP LÝ

Trong thời Pháp thuộc, hai Bộ Dân Luật Trung và Bắc đều quy định thời hiệu để thủ đắc quyền sở hữu bất động sản vô chủ là 100 năm. Dân Luật Việt Nam sau này rút xuống còn 20 năm.

Điều 1452 của Bộ Dân Luật Việt Nam quy định; “Sự chấp hữu một bất động sản trong 20 năm, nếu hội đủ điều kiện đã định ở điều 1444, sẽ là người chấp hữu thủ đắc quyền sở hữu về bất động sản ấy.”

Điều kiện án định nói ở điều 1444 như thế nào? Điều này nói: “Muốn được thủ đắc thời hiệu, cần phải chấp hữu liên tiếp yên ổn, công khai và minh bạch, với tư cách là sở hữu chủ.”

Những trường hợp nào bị coi là không chấp hữu liên tiếp yên ổn? Theo điều 1460, bị coi là gián đoạn thời hiệu, một trong 3 trường hợp sau đây:

Trường hợp 1: Có trát đòi người chấp hữu ra trước tòa về sự chấp hữu ấy.

Trường hợp 2: Có sự sai áp đồ vật (ở đây là đất) chấp hữu.

Trường hợp 3: Có sự đốc thúc người chấp hữu phải trả lại đồ vật (ở đây là đất) bằng một văn thư do một công lại hữu quyền tống đạt.

Nếu trong 20 năm không hề xẩy ra một trong ba trường hợp nói trên, sự chấp hữu được coi như là “liên tiếp và yên ổn” nên đương nhiên có quyền thủ đắc quyền sở hữu trên bất động sản.

Nói chung, các luật pháp thuộc hệ thống Roman Law như ở hầu hết các nước Âu Châu và Việt Nam trước đây, đều quy định tương tự như thế. Chỉ có chế độ cộng sản mới áp dụng luật man rợ mà thôi.

Tòa Giám Mục Hà Nội đã chấp hữu khu đất làm Tòa Giám Mục và Tòa Khâm Sứ hiện nay “liên tiếp và yên ổn” từ năm 1884 đến nay, tức 122 năm, không hề xẩy ra một trong ba trường hợp nói trên, nên phải được coi là người thủ đắc quyền sở hữu trên bất động sản đã chấp hữu.

Ngoài ra, về phương diện pháp lý, chỉ có sở hữu chủ của sở đất nói trên trước năm 1884 và các thừa kế hợp pháp của họ mới có quyền đứng đơn khiếu nại. Giáo Hội Phật Giáo Nhà Nước và tất cả các tổ chức Phật Giáo khác không có tư cách để khiếu nại.

Đây là đều GHPGVN phải biết.

ĐIỀU ĐÁNG NGẠC NHIÊN

Chúng tôi tự hỏi: Trong lịch sử, các vua Việt Nam đã ban cho Phật Giáo vô số tài sản, nhất là dưới thời Lý – Trần và dưới thời các Chúa Nguyễn, nhưng sau đó đã bị Hồ Quý Ly và vua Quang Trung “cướp” sạch. Tại sao Giáo Hội Phật Giáo Nhà Nước không đòi lại các tài sản đó mà chỉ đòi khu đất Tòa Khân Sứ ở phố Nhà Chung, Hà Nội, mà thôi?

Trong lịch sử Trung Hoa cũng như Việt Nam, Phật Giáo luôn trải qua những thời kỳ thịnh suy nối tiếp nhau: Vua nào thích Phật Giáo thì xây chùa, cấp đất và nông nô cày ruộng cho chùa, đem nhiều báu vật của quốc gia dâng cho chùa. Vua nào không thích Phật Giáo hay thấy việc chu cấp cho Phật giáo gây nhiều tổn thất cho quốc gia, lại ra lệnh đập phá chùa và thu hồi tài nguyên quốc gia, gây ra “Pháp nạn”.

Tại Trung Hoa, có ba Pháp nạn lớn nhất, thường được gọi là “Tam Võ Nhất Tôn Pháp Nạn” . Ở Việt Nam, Phật Giáo đã phải trải qua hai “Pháp nạn” kinh hoàng nhất trong lịch sử, đó là “Pháp nạn” dưới thời Hồ Quý Ly và “Pháp nạn” dưới thời vua Quang Trung.

Thời Lý – Trần, Phật Giáo được các vua cấp đến 1/3 đất đai và tài nguyên của quốc gia. Trong bài Ký Tháp Linh Tế, Trương Hán Siêu đã ghi: “trong thiên hạ ba phần, chùa chiếm ở một phần, bỏ dứt luân thường, hao tổn của báu…” . Nhưng sau đó, để có tài nguyên chống lại giặc Minh, Hồ Quý Ly (1400 – 1407) đã quyết định áp dụng chế độ hạn điền và hạn nô, lấy lại phần lớn các tài sản đã cấp cho nhà chùa, bắt các tăng sĩ dưới 50 tuổi phải nhập ngũ hay làm lao dịch. Tuy nhiên, ông hành động quá chậm và không triệt để nên Việt Nam bị mất vào tay nhà Minh.

Để có tài nguyên chống lại giặc Thanh, vua Quang Trung (1788 – 1792) đã chơi bạo hơn: Ông ra lệnh đập phá hầu hết các chùa, đem tượng Phật và chuông chùa ra đúc vũ khí, bắt các tăng sĩ dưới 50 tuổi phải nhâp ngũ hay đi lao dịch… Nhờ vậy, Quang Trung đã thắng trận vẽ vang. Tập “Tonkin et Cochinchine” của các nhà truyền giáo Pháp đã ghi: “Họ đã cướp phá chùa và họ đã đốt những ngôi chùa danh tiếng nhất của các cựu vương Bắc Hà.” Vua Quang Trung không không cho phép mỗi làng đều có chùa như trước. Ông ra lệnh phá hủy các chùa riêng và tuyên bố khoảng 200 làng mới có thể họp lại để xây một ngôi chùa chung.

Việc kiểm kê các tài sản đã bị “cướp” này rất dễ dàng, vì trong cổ sử đều có ghi năm nào vua nào đã xây chùa nào cho Phật Giáo, chẳng hạn như Đại Việt Sử Ký của Lê Văn Hưu có ghi: “Lý Thái Tổ lên ngôi mới được 2 năm, tông miếu chưa dựng, đàn xã tắc chưa lập mà trước đã dựng tám chùa ở phủ Thiên Đức, lại trùng tu chùa quán ở các lộ và độ cho làm Tăng hơn nghìn người ở Kinh sư, thế thì tiêu phí của cải sức lực vào việc thổ mộc không biết chừng nào mà kể…” Những đoạn như thế đươc gặp rất nhiều trong cổ sử, nên Giáo Hội Phật Giáo Nhà Nước có thể sưu tra và đòi Nhà Nước phải trả lại cho Phật Giáo. Miếng đất thuộc khu Tòa Khâm Sứ có đáng giá gì đâu mà đứng lên đòi được tham khảo?

TÂY CHÈN ÉP PHẬT GIÁO?

< ?xml:namespace prefix = v ns = "urn:schemas-microsoft-com:vml" />Trong các bài viết về Tòa Khâm Sứ, nhóm quốc doanh ở trong nước và nhóm thân cộng ở hải ngoại luôn rêu rao rằng dưới thời Pháp thuộc, người Pháp đã chèn ép Phật Giáo và nâng đỡ Công Giáo. Nhưng sự “xác tín” này hoàn toàn trái với các sử liệu. Vì bài báo có hạn, chúng tôi chỉ xin ghi lại một số điểm chính.

Có thể nói, chính quyền Pháp đã yểm trợ Phật Giáo tối đa. Họ cho các viên chức cao cấp của chính quyền thuộc địa đứng ra thành lập các hội Phật Giáo và xuất bản các tâp san Phật Giáo trong cả ba Kỳ để giúp Phật Giáo phát triển.

Trước hết, Toàn Quyền Pháp ở Đông Dương đã ban hành Nghị Định ngày 28.1.1930 thành lập “Viện Nghiên Cứu Phật Giáo Tiểu Thừa Bản Xứ” (Institut Indigène d’Étude du Bouddhisme du Petit Véhicule) để truyền bá Phật Giáo Tiểu Thừa cho dân bản xứ. Sau đó, tại Nam Kỳ, năm 1931 Pháp đã thúc đẩy một số cư sĩ Tây học như Ngô Văn Chương, Phạm Ngọc Vinh, Trần Nguyên Chấn, Nguyễn Văn Cần, v.v. đứng ra thành lập “Hội Nam Kỳ Nghiên Cứu Phật Học” và xuất bản tạp chí “Từ Bi Âm” … Ông Trần Nguyên Chấn đã mời Thống Đốc Nam Kỳ Khrautheimer làm hội trưởng danh dự của hội.

Tại Trung Kỳ, năm 1932, Bác Sĩ Lê Đình Thám đã được chính quyền thuộc địa đưa ra Huế thành lập “Hội An Nam Phật Học” và xuất bản tạp chí “Viên Âm Nguyệt San” , sau đó lập ra “Trường An Nam Phật Học” tại chùa Trúc Lâm để đào tạo các tăng sĩ.

Tại Bắc Kỳ, ngày 23.12.1934, Tổng Đốc Nguyễn Năng Quốc đã chính thức tuyên bố thành lập “Phật Giáo Bắc Kỳ Hội” , lấy chùa Quán Sứ làm trụ sở và cho xuất “Tập Kỷ Yếu số 1” và sau đó là tạp chí “Đuốc Tuệ”. Tạp chí này cho biết trong vòng một năm đã có 2.000 tăng ni và hơn 10.000 Phật tử là hội viên.

Trong bộ “Việt Nam Phật Giáo Sử Luận” , Tập III, Nguyễn Lang, tức Thiền Sư Nhất Hạnh, đã cho biết: “Hiện nay nhờ thế lực của các quan đại thần và của các bậc thượng lưu, hội đã lan ra hầu khắp Bắc Kỳ, đâu đâu cũng có chi bộ.” (tr. 168)

Trong “Việt Nam Phật Giáo tranh đấu sử” Tuệ Giác đã công nhận: “Phải nói rằng từ năm 1920 đến hết năm 1956, Phật giáo Việt Nam thật là một thời kỳ hưng thịnh. Số Phật Tử càng ngày càng đông các tổ chức thanh niên, sinh viên, học sinh Phật tử đều được sắp xếp quy củ.” (tr. 77)

Trên đây là những sự ghi nhận của các sử gia Phật Giáo. Như thế mà bảo Phật Giáo bị Pháp chèn ép sao?

MỘT VÀI NHẬN XÉT

Trong cuộc phỏng vấn của đài BBC ngày 23.2.2008, Thượng Tọa Không Tánh thuộc GHPGVNTN không được công nhận, đã nhận xét về văn thư của Hòa Thượng Thích Trung Hậu gởi cho Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng như sau:

“Cái vấn đề là mình phải biết rằng bây giờ là do ai thúc đẩy mà Hòa Thượng Trung Hậu đã làm cái văn thư đó, là do cái lệnh của ai, và người ta đã mượn tay Hòa Thượng Trung Hậu làm cái văn thư đó nhắm mục đích gì. Mình phải biết cái chuyện đó.

“Bây giờ biết cái tài sản đó là của Tòa Khâm Sứ từ thời xa xưa rồi. Cái chuyện đó ai cũng biết. Từ cái thời xa xưa đó, lúc đó Hòa Thượng Trung Hậu cũng chưa sinh ra, và cái GHVN cũng chưa có. Bây giờ người ta lại mượn tay Phật Giáo.

“Có những cái luật bất hồi tố. Thí dụ như có những tài sản, theo quốc tế người ta quy định, thí dụ như là những cái đất đai, những cái tài sản mà nó có từ Đệ Nhất hay Đệ Nghị Thế Chiến, thí dụ như vậy, hay là những cái thời điểm nào đó thì nó đã trở thành bất hồi tố. Cho nên bây giờ nó đã qua như vậy rồi.

“Bây giờ thì Nhà Nước Cộng Sản họ thấy họ khó đáp ứng theo cái đòi hỏi, cái đấu tranh, cái nguyện vọng của bên Công Giáo, thì họ mượn tay của Phật Giáo Việt Nam, rồi cuối cùng họ lấy cái cớ đó mà nói rằng tài sản này có tranh chấp nên chúng tôi không thể giải quyết hay là đình lại, hay là thế nọ thế kia gì đó. Như vậy, vai trò GHPGVN trở thành tay sai để gỡ cái rồi cho Nhà Nước, trước cái hoàn cảnh Nhà Nước không có cái cách để mà giải quyết.

“Còn đối với GHVNTN là một giáo hội đang bị bức tử, đang bị đàn áp, đang là một nạn nhân. Còn cái việc của GHVN đã làm đó, mình chẳng có để ý gì cái việc đó.”

Trong cuộc phỏng vấn ngày 21.2.2008, ông Nguyễn Đức Thịnh, Phó Vụ Trưởng Vụ Công Giáo thuộc Ban Tôn Giáo Chính Phủ Việt Nam đã nói về văn thư của Hòa Thượng Thích Trung Hậu như sau:

“Nếu nói nguồn gốc của tổ chức cá nhân này, thì tổ chức cá nhân khác, người ta cũng có các căn cứ, các chứng lý, để nói đó là của người ta.”

Ông nói sẽ xử lý các vấn đề trên tinh thần của Luật Đất Đai năm 2003 đã được Quốc Hội thông qua và phía Chính phủ sẽ giải quyết các nhu cầu của cá nhân, tổ chức có nhu cầu sử dụng về nhà, đất lâu dài và ổn định trên cơ sở thấu tình đạt lý.

Ông Thịnh bênh vực GHPGVN là chuyện đương nhiên, vì tổ chức này là một công cụ tôn giáo vận của Đảng và Nhà Nước. Nhưng ông đã ngụy biện. Như chúng tôi đã nói ở trước, GHPGVN mới được thành lập năm 1981, không phải là sử hữu chủ hay thừa kế hợp pháp của sở đất mà vua Lý Thánh Tông đã lấy để xây chùa và tháp Báo Thiên trên đó, nên về phương diện pháp lý, Giáo Hội này không có tư cách và thẩm quyền để khiếu nại. Do đó, không cần phải xét đến văn thư của Hòa Thượng Thích Trung Hậu làm gì.

Chúng tôi tin rằng nhà cầm quyền thừa biết rằng không hề có chuyện Pháp đã cho đập chùa Báo Thiên rồi lấy đất cấp cho Công Giáo và Giáo Phận Hà Nội đã thủ đắc hợp pháp quyền sở hữu của sở đất này theo thời hiệu. Nhưng họ vẫn dùng tờ Công Giáo và Dân Tộc và Giáo Hội Phật Giáo Nhà Nước để quấy rối, với mục đích nói với phía Công Giáo rằng yêu cầu của các ông có sự chống đối của Phật Giáo. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn xét và cấp đất cho Giáo Hội theo sự quy định của Luật Đất Đai năm 2003. Đây là một trò chơi lá mặt lá trái rất quen thuộc của Đảng CSVN.

Về sự ưu đãi: Nếu Thiên Chúa Giáo Việt Nam có được một chính quyền nào đó ưu đãi một vài thừ gì đó thì những ưu đãi đó cũng chưa bằng 1/10.000 những ưu đãi mà các chính quyền đã dành cho Phật Giáo trong quá trình lịch sử. Dưới thời Lý – Trần, chính quyền đã dâng hiến cho Phật Giáo một số tài sản lên đến bằng 1/3 tài sản quốc gia, khiến nền kinh tế bị kiệt quệ.

Trong 32 năm qua, nhà cầm quyền CSVN cũng đã và đang xây nhiều chùa và trung tâm rộng lớn cho Phật Giáo ở Vũng Tàu, Sài Gòn, Đà Lạt… Một ngôi chùa tuyệt đẹp vừa được chính quyền địa phương dựng lên ở Tiên Sa, Đà Nẵng. Trong khi đó, chính quyền chẳng những không xây một nhà thờ nào cho Thiên Chúa Giáo, trái lại còn đập phá hay ngăn cản không cho sửa chửa các ngôi thánh đường đã quá cổ và hư nát.

Giáo Hội Phật Giáo Nhà Nước thử suy nghĩ xem: Tại sao chỉ một mình Phật Giáo được hưởng các sự ưu đãi tối đa, còn các tôn giáo khác không được? Ở các nước Tây Phương, nơi có đông Thiên Chúa Giáo, có quốc gia nào áp dụng thứ luật kỳ thị đó đối với Phật Giáo đâu?

Lữ Giang