Caffein: Tia sáng mới trong điều trị tiểu đường

21 Tháng Sáu, 2018 | Y học - Khoa học
Caffein có thể được sử dụng trong điều trị tiểu đường. Photo courtesy: Reuters

Các nhà khoa học Thụy Sỹ đã phát triển một thiết bị cấy ghép dưới da có thể sản sinh chất điều trị tiểu đường mỗi khi phát hiện có caffein trong máu.

Theo các nhà nghiên cứu Thụy Sỹ, tương lai của điều trị tiểu đường có thể sẽ không cần một mũi tiêm Insulin sau bữa ăn mà sẽ thay bằng một mũi cà phê Espresso.

Các nhà khoa học hy vọng có thể thay đổi cuộc sống cho các bệnh nhân tiểu đường cần tiêm các mũi Insulin bằng một thiết bị cấy ghép chứa hàng trăm ngàn các tế bào được lập trình có thể cảm nhận được cafein trong máu.

Các bài thử nghiệm trên chuột bị tiểu đường đã chỉ ra rằng: Thiết bị cấy dưới da có thể được kích hoạt bởi caffein trong cà phê, trà hoặc các thức uống năng lượng để sản sinh ra thuốc kiểm soát mức đường huyết trong máu của chuột. Để tăng liều lượng, các nhà khoa học chỉ cần sử dụng cà phê mạnh hơn.

Martin Fussenegger, trưởng nhóm nghiên cứu thuộc Viện Nghiên Cứu Công Nghệ Thụy Sỹ ở Zurich, cho biết: “Bạn hoàn toàn có thể kết hợp phương pháp này vào trong cách sống của mình. Bạn có thể uống một tách trà hoặc cà phê vào buổi sáng, một tách sau bữa trưa và một tách vào buổi tối, điều đó phụ thuộc vào việc bạn muốn giảm lương glucose xuống mức nào.”

Việc cấy ghép này sẽ không thể áp dụng lên cơ thể người trong tương lai gần. Ông Fussenegger tin rằng sẽ phải cần một thập kỷ để các thử nghiệm cần thiết chứng minh phương pháp này an toàn và hiệu quả. Nhưng nếu thành công, phương pháp này có thể thay thế các mũi tiêm truyền thống mà nhiều bệnh nhân đang sử dụng hiện nay. Ông cho biết thêm: “Bạn có thể dùng lại các mũi tiêm bình thường. Thiết bị cấy ghép có thể tồn tại trong vòng 6 tháng đến 1 năm trước khi phải thay thế”.

Trong một bài báo gần đây, các nhà khoa học Thụy Sỹ đã mô tả cách hoạt động của thiết bị cấy ghép để tạo ra thuốc điều trị tiểu đường có tên GLP-1. Loại thuốc này kích thích các tế bào Beta trong tuyến tụy sản sinh ra Insulin giúp điều chỉnh lượng đường huyết.

Các tế bào trong thiết bị cấy có chứ một “mạch gen” giúp chúng cảm nhận các phân tử caffein khi các phân tử này xuất hiện trong máu. Khi các tế bào phát hiện caffein, chúng sẽ phản ứng lại và sản sinh GLP-1.

Hơn 400 triệu người trên thế giới bị mắc tiểu đường loại 2, và kiểm soát lượng đường trong máu là một phần quan trọng trong cuộc sống của họ. Một phương pháp điều trị dùng các mũi tiêm caffein không hẳn có tác dụng cho tất cả mọi người, nhưng ông Fussenegger vẫn khá lạc quan: “Nó có thể là một phương pháp giúp cải thiện cuộc sống hàng ngày cho những người này. Và tôi biết tất cả mọi người đều uống trà hoặc cà phê.”

Theo TPO