Gương mặt phục dựng của nữ hoàng tuyệt sắc Ai Cập gây tranh cãi

08 Tháng Hai, 2018 | Y học - Khoa học
Họa sĩ Daynes bên chân dung phục dựng từ xác ướp Quý bà trẻ của Nữ hoàng Nefertiti. Photo Courtesy: Newsweek

Nước da sáng màu của chân dung phục dựng khác hẳn với màu da sẫm của bức tượng bán thân cổ đại nổi tiếng mô tả nữ hoàng Nefertiti.

Gương mặt của nữ hoàng Nefertiti, vợ pharaoh Akhenaten, được tiết lộ trong chương trình Expedition Unknown trên kênh Travel Channel phát sóng tối hôm qua, theo Newsweek. Đây là kết quả của công nghệ chụp ảnh 3D mới nhất, sử dụng cấu trúc gương mặt của xác ướp để tái hiện chân dung của nữ hoàng Ai Cập cách đây 3,400 năm. Tuy nhiên, nước da của bức tượng điêu khắc đang trở thành chủ đề gây tranh cãi.

Để tạo ra tượng bán thân của vị nữ hoàng cổ đại, một nhóm nhà khoa học ở Đại học Bristol tại Anh lập bản đồ kỹ thuật số gương mặt của xác ướp có tên gọi “Quý bà trẻ”. Xác ướp tìm thấy năm 1898 được cho thuộc về nữ hoàng Nefertiti nhưng không có bằng chứng xác thực. Việc lập bản đồ giúp lập ra cấu trúc mặt chính xác cho bức tượng.

Sau đó, họa sĩ cổ sinh học Elisabeth Daynes tái tạo gương mặt của nữ hoàng trên tượng, một quá trình công phu với 500 giờ làm việc miệt mài. Thông qua so sánh tượng bán thân với hình ảnh lịch sử của Nefertiti, các nhà nghiên cứu có thể chứng minh “Quý bà trẻ” chính là vị nữ hoàng nổi tiếng.

“Gương mặt đặc biệt này dường như rất ăn khớp với những mô tả cổ xưa về Nefertiti”, Aidan Dodson, nhà Ai Cập học ở Đại học Bristol, một thành viên của dự án, nhận định. “Kết quả thật phi thường. Khi xem xét cùng với phân tích dữ liệu di truyền mới nhất, bản phục dựng cung cấp cho chúng tôi bằng chứng thực sự thú vị cho thấy xác ướp Quý bà trẻ không phải ai khác mà chính là nữ hoàng Nefertiti”.

Theo The History Channel, Nefertiti giữ ngôi vị nữ hoàng từ năm 1353 đến 1336 trước Công nguyên và thậm chí có thể trị vì Ai Cập sau khi chồng bà là pharaoh Akhenaten qua đời. Tên đầy đủ của bà là, có nghĩa “người đẹp giáo phái Aten”.

Ảnh chụp 3D chỉ có thể sao chép cấu trúc gương mặt của xác ướp. Các đặc điểm khác như màu da và mắt được sáng tạo theo tư duy của nhà họa sĩ. Nhiều ý kiến bày tỏ sự giận dữ trên mạng xã hội Twitter khi họa sĩ quyết định để nước da của Nefertiti quá sáng. Giới nghiên cứu không biết chính xác màu da của nữ hoàng cổ đại, dù bức tượng bán thân nổi tiếng của nữ hoàng ra đời vào năm 1345 trước Công nguyên, thể hiện màu da sẫm hơn.

Dù màu da vẫn là chủ đề gây tranh cãi, bức tượng bán thân mới vẫn được tán thưởng bởi độ chi tiết và chính xác như lớp cơ và độ sâu của mô da, giúp hé lộ diện mạo của một trong những người phụ nữ nổi tiếng và có sức ảnh hưởng nhất trong lịch sử thế giới.

Theo VnExpress