Huyền thoại về nhân sâm

10 Tháng Sáu, 2008 | Y học - Khoa học

 

Y sư Đào Hoằng Cảnh (452-536) khi thẩm định Thần Nông Bách Thảo đã viết về Nhân sâm như sau: Nhân sâm mọc trong khe núi, được dùng để trị ngũ thương, an thần, giảm xúc động, trị hồi hộp, làm sáng mắt, tăng thần và gia tăng trí năng. Dùng lâu sẽ làm gia tăng tuổi thọ. Sở dĩ có tên nhân sâm vì củ nhân sâm có hình dáng con người.

 

Trong một cuốn kinh cổ của Ấn Độ, theo đó Atharva Veda có viết về nhân sâm như sau: Nhân sâm làm nảy mầm hạt giống mà người đàn ông gieo vào người đàn bà. Đó chính là phương pháp để sinh ra đứa con trai có sức khỏe như bò mộng. Được vật này đem đến cho con người sinh lực.

 

Y sư Cát Hồng đời Đông Tấn nhấn mạnh rằng Nhân Sâm có tác dụng kéo dài tuổi thọ và tránh bệnh tật. Y sư Trương Trọng Cảnh được xem như y tổ của Trung Y học thì xem nhân sâm là vị bổ dưỡng.

 

Cuốn sách nổi tiếng Thương Hàn Luận thì nhân sâm làm đổ mồ hôi, giảm sốt và gia tăng nội lực cho bệnh nhân. Tới đời Tùy Đường. triều đình cho thành lập Thái y viện để nghiên cứu chính thức về y học, cho thiết lập những vườn cây thuốc, trong đó có việc trồng sâm tại Mãn Châu nhất là khu vực Cát Lâm.

 

Vào thế kỷ thứ bảy Tôn Tư Mạc người đầu tiên nghiên cứu về phụ khoa với bộ sách Phụ Nhân Phương, trong đó ông kê toa nhân sâm do những cô dâu bị chứng lãnh cảm  hoặc thẹn thùng trong đêm tân hôn.

 

Bản Thảo Cương Mục của Lý Thời Trân (1518-1593) đời minh đã phân loại 5 loại sâm, mỗi loại dùng để chữa trị một tạng trong ngũ tạng. Theo đó nhân sâm (Panax Ginseng) bổ tì, Sa sâm (Adenophora Polymorpha) bổ phế, Huyền Sâm hay Nguyên sâm (Scrophularia Oldhami) bổ thận, Đan sâm hay Xích sâm (Salvia Miltiorrhiza) bổ sâm, Quyền sâm huy Tử sâm (Polygonum Bistorta) bổ can.

 

Tới thế kỷ 18 đến đầu thế kỷ 20 , nhà Thanh coi sâm là một món quốc cấm, triều đình dành toàn bộ việc khai thác, biến chế sâm bán ra ngoài rất ít nên giá rất cao. Bởi vì vậy nên thương nhân mới chuyển sang buôn bán sâm Bắc Mỹ, mở ra một kỷ nguyên trồng trọt, thu nhặt và biến chế dược thảo này.

 

Ngoài Trung Quốc, nhiều quốc gia Á châu khác cũng có sâm như Triều Tiên, Nhật Bản. Chính nhờ ảnh hưởng của Trung Quốc truyền sang Triều Tiên, rồi từ Triều Tiên sang Nhật Bản, từ đó dược thảo chính yếu là nhân sâm được phổ biến rộng rãi. Nhân sâm được trồng nhiều kể cả Bắc lẫn Nam Triều Tiên. Ngày nay Triều Tiên là một nước sản xuất nhân sâm có hạng trên thế giới.

 

Tại Triều Tiên người ta phân loại Hồng sâm và Bạch sâm, một loại có nhiều hạng tốt xấu khác nhau. Từ hạng nhất (thiên), hạng nhì (địa), hạng ba (hảo), hạng tư (vĩ), lại còn có loại to, nhỏ, vụn v.v… Bạch sâm là loại để nguyên không tôi luyện, Hồng sâm là loại được bào chế bằng cách chưng cách thủy qua một dung dịch thuốc bắc.

 

Đầu thế kỷ 17 linh mục Pére Jartous thuộc dòng tên ở Trung Hoa đã nghiên cứu nhân sâm mọc hoang” đăng tải trên tạp chí Triết học của Hiệp hội hoàng gia Luôn Đôn năm 1914, ông đã mô tả chi tiết những cây nhân sâm lại kèm theo hình vẽ nên người Âu Châu mới nhận ra rằng không phải tại Trung Hoa mới có giống cây huyền bí này mà ở Bắc Mỹ cũng có nhiều dã sâm mọc khắp nơi trong rừng núi. Đó là thời kỳ người ta bắt đầu khai thác sâm Âu Mỹ thường gọi là sâm Hoa Kỳ.

 

Bài viết của cha Jartous đến tay cha Lafiteau người Pháp sống ở Montreal Gia Nã Đại, ông mới hỏi thăm người da đỏ Mohawk để rồi được chính những người này chỉ chỗ nhân sâm mọc hoang được xếp vào loại Panax Quinquefolium (lá năm cánh) tức là sâm Bắc Mỹ.

 

Thương nhân thử đem sâm Bắc Mỹ sang bán ở Trung Hoa thì các tiệm ở Bắc Kinh coi là hảo hạng, bán buôn với giá tương đương  cân lượng bằng vàng. Thế nào tin đồn được truyền ra và có cuộc đổ xô đi tìm bới nhân sâm năm 1715 (Ginseng Rush) bắt đầu.

 

Tại Mỹ nhân dân thời ấy cũng tham gia phong trào đào sâm từ 1744 đến 1766 để xuất cảng. Chuyến tàu đầu tuần của Mỹ chở sâm sang Trung Hoa bán khởi hành từ Nữu Ước tháng 2 năm 1784, thuyền trưởng đã khôn ngoan dùng sâm như là hóa tệ thay vì đem vàng đi mua hàng của người Tàu. Vì vậy ông ta đã kiếm lời tới 300%.

 

Năm 1984 nhà khảo cứu Albert Leung ở Mỹ đã phân biệt hiệu năng giữa sâm Hoa Kỳ và sâm Á châu như sau: Sâm Hoa Kỳ được coi có tính mát hoặc có khi có tính hàn gần như đối nghịch với sâm Á châu có tính ấm hay nhiệt. Dùng sâm Hoa Kỳ vào mùa hè nhằm giải nhiệt,hạ hỏa. Thành ra dùng sâm phải nắm vững được tính của nó, nếu không sẽ không những vô hiệu mà còn nguy hại nữa.

 

Các loại sâm

 

Cùng họ Panax có nhiều loại sâm khác nhau được dùng trong Đông y.

 

  Panax Pseudo-Ginseng hay được gọi là Điền Thất Nhân sâm, hoặc củ tam thất, thường bán dưới dạng sống hoặc chế luyện. Đặc tính dược học là tác dụng vào can và vị kinh dùng trong bệnh trĩ, đau nhức, giảm sưng (viêm).

 

  Panax Japonicum hay sâm Nhật Bản được dùng để thay thế khi không có nhân sâm, có tác dụng bổ tì, vị.

 

  Panax Majoris hay Châu sâm có tác dụng vào can và vị kinh dùng để bổ khí, giải phế nhiệt, ho suyễn.

 

  Một số dược thảo khác tuy không thuộc họ sâm (Panax) nhưng cũng được gọi là sâm với dược tính tương tự chẳng hạn như Đảng sâm một loại cây leo được trồng ở Thượng Đảng, củ có hình dáng củ sâm chỉ được dùng làm thuốc từ đời nhà Thanh. Loại này có dược tính âm, làm tăng sức đề kháng của cơ thể, tăng cường hoạt động bộ tiêu hóa và lợi phế. Trẻ già đều dùng được lại rẻ tiền.

 

  Sibenian Ginseng hay sâm Tây Bá Lợi Á, do bác sĩ người Nga Brekhman tìm ra để thay thế sâm Á Châu rất đắt, lại bị lệ thuộc vào Trung Quốc (1950). Dược tính của nó là giảm căng thẳng, tăng cường sinh lực và điều hòa những bộ phận của cơ thể, làm chậm sự lão hóa của các tế bào.

 

Dược tính của nhân sâm: Dược tính của nhân sâm căn cứ trên các tác dụng của một số hóa chất được gọi là nhân sâm tính (Ginsenosodes):

 

  Chống bệnh tật: Nhân sâm là một loại thuốc bổ, lạ có công dụng chữa trị một số bênh tật hay hội chứng như giảm bớt phiền não, bực bội, chống phá xạ và làm gia tăng sức đề kháng của cơ thể, chống mệt mỏi, chống lại những tàn phá của cơ thể do thương tật và xúc động gây ra, gia tăng trí nhớ.

 

   Kích thích hệ thống miễn nhiễm-Nhân sâm làm tăng cường số lượng bạch cầu những quân bảo vệ của cơ thể chống vi trùng và siêu vi. Nó còn làm gia tăng Interferon một loại hóa chất của cơ thể dùng để chống lại vi trùng.

 

   Giảm lượng Cholesterol trong máu. Giảm  Cholesterol xấu và tăng lượng Cholesterol tốt (HDL), giãn nở các động mạch khiến cho sự tuần hoàn khỏi bị tắc nghẽn, do đó tỷ lệ bệnh tim giảm đi.

 

   Tiểu đường- vì giảm lượng đường trong máu, nhân sâm được bệnh nhân sử dụng thông thường.

 

   Bảo vệ gan- những căn bệnh gây ra suy gan (rượu, ma túy v.v…)nếu dùng nhân sâm có thể giải được phần nào chất độc tích tụ trong gan.

 

   Quang tuyến và phóng xạ- những người thường liên hệ hoặc bệnh nhân được chữa trị bằng Xquang và phóng xạ nếu dùng nhân sâm thì tế bào ít bị hủy hoại hơn.

 

   Ung thư-nếu là ung thư dạ dày thì dùng sâm có thể kéo dài cuộc sống thêm 4 năm (Trung Quốc) còn những ung thư bướu thì nhân sâm làm nhỏ bớt đi (Liên Sô).

 

   Chống lão hóa- người Á Châu hay dùng nhân sâm khi tuổi hạt đã cao để cho thân thể kháng kiện, làm chậm sự lão hóa, ăn uống ngon miệng  hơn.

 

   Gia tăng sự sinh dục . Người Trung Quốc tin rằng nhân sâm làm tăng cường khả năng tình dục, một loại kích dâm nhẹ.

 

Tóm lại nhân sâm quả là một huyền thoại dược thảo, chắc chắn có nhiều dược tính tốt, nhưng ảnh hưởng thế nào thì còn tùy vào nhiều yếu tố khác mà khoa học chưa tìm ra được. Thế nhưng trên thị trường lại có quá nhiều loại khác nhau, lại có nhiều thứ giả mạo, hoặc mặc dầu nhân sâm có trong công thức thuốc nhưng số lượng lại quá ít không đủ để có tác dụng.

 

Thông thường sâm phải đủ 6 năm mới trưởng thành để có tác dụng tốt. Thành thử những nhà khoa học chuyên  môn cho rằng muốn chắc ăn chi bằng mua sâm nguyên củ, loại đã già, có độ dài cần thiết, hơn là dùng những loại sâm đã biến chế như trà gói, kẹo ngọt, ướp sâm vào trà, nước uống, gia vị nấu ăn.

 

Nên nhớ rằng bất cứ một loại dược thảo hữu hiệu nào nếu sử dụng quá tải thì tốt cũng hóa xấu ngay.